Buôn Ma Thuột, từ xưa đến nay mặc nhiên vẫn được xem là thủ phủ của Tây nguyên với vị trí địa lý trung tâm, cùng mạng lưới đường bộ thuận tiện nối đều các tỉnh lân cận, cùng một địa thế tuyệt đẹp với các điểm cao bao bọc và quỹ đất bằng phẳng thuận tiện cho việc mở rộng thành phố gấp nhiều lần so với hiện tại. Khí hậu thì quá tốt so với một tỉnh miền núi, có lẽ chỉ kém sau Đà lạt - thành phố hoa giữa rừng và phải chăng, tất cả những điều đó vừa qua đã đưa Buôn Ma Thuột lên vị thế của một thành phố loại 2 và sắp tới là cấp 1, hoặc thành phố trực thuộc trung ương chẳng biết chừng. Vui thì thật vui nhưng nhìn lại thì thành phố của mình hình như vẫn đang còn một cái gì đó thiêu thiếu. Phải chăng đó là màu cây xanh cho thành phố? cái màu xanh đáng ra bắt buộc phải có đối với những thành phố Phương đông, nhất là những thành phố có thế mạnh gần rừng. Đắk Lắk có diện tích rừng lớn nhất cả nước, điều đó ai cũng biết; độ che phủ của rừng ở Đắk Lắk lớn nhất cả nước, điều đó ai cũng biết nốt. Nhưng buồn thay đối với những ai kém may mắn, đến với Đắk Lắk nhưng chỉ đủ thời gian quanh quẩn khu vực nội thành Buôn Ma Thuột, vì lúc đó ai cũng lắc đầu ngán ngẩm buồn thay. Bởi khác quá so với Đà Lạt, rừng Đắk Lắk không thể thấy từ thành phố Buôn Ma Thuột? Hổng lẽ Buôn Ma Thuột , thủ phủ của Tây nguyên cũng chỉ có nhõn những bê tông, cốt thép với cốt thép, bê tông như thế này? Lâu lắm rồi, Buôn Ma Thuột đã không còn là thành phố “Buồn muôn thuở “, cũng đã bớt nhiều cảm giác của một thành phố “Bụi mù trời “ nhưng cây xanh thì vẫn chỉ có một chút vốn nhỏ nhoi khu Biệt điện, nơi góc đường Lê Duẩn - Nguyễn Du. Thật là mừng vì cuối cùng thì thành phố đã có những chỉnh trang tốt đẹp dành cho nó: Những ngôi nhà xây xấu xí ở đây đã bắt đầu được dọn đi để vốn quý cây xanh có không gian mà khoe sắc. Thành phố cũng đã trồng được một ít cây rừng khoảng 30-40 ha ở công viên cây xanh kiêm vành đai chắn gió cuối đường Phan Chu Trinh, mặc dù chẳng đáng để bù lỗ cho bạt ngàn Cao su ở khu vực này ngày trước, nay đã bị khai thác trắng để chuyển đổi mục đích sử dụng trong thời buổi tấc đất tấc vàng. Xa hơn một tí là niềm kiêu hãnh mà Buôn Ma Thuột của chúng ta thường đem khoe với Khách du lịch hạng sang, đó là khu rừng thực nghiệm EaKmat 40-50 năm tuổi đời ở hai bên đường nối liền Thành phố với Sân bay Hòa bình. Nhưng chỉ với chừng ấy thôi thì khó chấp nhận quá, vì vậy có lẽ không chỉ riêng tôi mà có rất nhiều người dân Ban mê và cả Đắk Lắk nữa có một ước mơ xanh nhỏ bé thế này :
Mảnh đất nhỏ ,chắc chỉ một ha còn đang quy hoạch để hoang ở đường Nguyễn Tất Thành – Lê Thị Hồng Gấm; Khu vực thung lũng ở phía trên cầu Buôn Ki phường Thành Nhất; Thung lũng đầu nguồn Buôn A Kô ĐHông và xa hơn nữa là các ngọn đồi cao bao quanh thành phố ... tất cả đều được trồng lại cây rừng và chỉ có cây rừng bản địa mà thôi nhé. Rừng Đắk Lắk có rất nhiều loài cây dáng đẹp, gỗ quý như : Giáng hương, Sao, Dầu, Kơ nia, Cà te, Cẩm lai, Tung và cả Bằng lăng tím ở rừng nữa … Lúc đó chúng ta sẽ có kha khá những mảnh rừng thật đẹp, đầy đủ ý nghĩa về mặt sinh thái, cảnh quan, môi trường trong lòng thành phố như ngọn đồi gì đó ở thị trấn Ea Pốk cạnh đường tỉnh lộ 8 đi huyện Cư M’ngar là một ví dụ sinh động. Có thể chúng ta sẽ mất 10 năm, 20 năm hay nhiều hơn và cả một lô xích xông lợi ích kinh tế khác, nhưng các nhà chức trách ơi ! xin hãy làm ngay những gì khi trong tầm tay còn làm được. Hãy để lại cho các thế hệ mai sau những khoảnh xanh của rừng trong thành phố Buôn Ma Thuột chứ không phải chỉ rặt những kiến trúc cao tầng. Hãy để ước mơ xanh nhỏ bé này của người dân Ban mê một chút cơ may trở thành hiện thực, đừng để giấc mơ này bị ngủ quên, để mãi vẫn chỉ là giấc mơ xa vời giống y như là mơ vậy . /.
Balmé 022005
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook