Keo lá tràm – loài cây vua của những cánh rừng trồng.
Keo lá tràm hay còn gọi là Tràm bông vàng; Tên khoa học : Acacia auriculiformis là một lòai cây lâm nghiệp rất đỗi quen thuộc với nhiều người trong chúng ta. Bởi lẽ, hiện tại đã và đang được gây trồng rộng rãi ở khắp mọi miền của Tổ quốc, nhiều hơn bất cứ một loài cây bản địa nào khác. Ở đâu ta cũng thấy những cánh rừng trồng bát ngát Keo lá tràm; Keo lá tràm thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng lớn trong công tác trồng rừng. Từ một loài cây nhập nội, giờ đây Keo lá tràm đã phủ xanh trên những núi đá Hà Giang, đã cùng Phi Lao lấn biển trên những bãi cát cồn của miền Trung nắng cháy. Keo lá tràm mọc thành rừng bên những Tràm, những Đước ở Cà Mau- mảnh đất địa đầu Tổ Quốc và ở cả những đảo xa như Phú Quốc, Côn Đảo...
Với lợi thế là một loài cây mọc nhanh, có tác dụng làm tốt đất do rễ có nhiều nốt sần có thể cố định đạm trong đất như những câu họ đậu. Chu kỳ khai thác của keo lá tràm lại tương đối ngắn, chỉ từ 5-7 năm đã cho khai thác và có nguồn cung cấp dồi dào, thuần loại cho Công nghiệp chế biến hiện đại như công nghiệp giấy, mộc xuất khẩu… Keo lá tràm đã làm giá trị thương phẩm của những Ha đất rừng trồng tăng mạnh, hiện tại người ta đã biết đến cái lợi của dùng đất trồng rừng có lẽ chính là nhờ một phần công rất lớn của Keo lá tràm.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã có một thời chuyển sang trồng Keo tai tượng, một loài cây họ hàng gần với Keo lá tràm và có cả những cơn sốt trồng Keo lai…để mong làm ngắn đi một chút chu kỳ kinh doanh rừng trồng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn Keo lá tràm lại trở lại một cách ngoạn mục. Nhiều nơi trong tỉnh Đắk Lắk hiện nay người dân đã mạnh dạn phá bỏ các diện tích trồng cây công nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng rừng.
Không thể phủ nhận giá trị truyền thống của cây Keo lá tràm, đó là chất lượng gỗ tốt, chịu được đất xấu, ít sâu bệnh mà lại cho giá trị kinh tế cao do được công nghiệp giấy ưa chuộng. Khi thị trường không ổn định, cây quá lứa lại được Công nghiệp sản xuất hàng mộc xuất khẩu săn đón…
Hiện tại, bên những loài Keo lá tràm truyền thống, Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã du nhập thêm rất nhiều các loài Keo lá tràm và Keo lai với những ưu thế về mọc nhanh hơn và chất lượng gỗ tốt do giữ được đặc tính của Keo lá tràm, khiến cây Keo lá tràm ngày càng thêm vững chắc trên ngôi vị số 1, loài cây vua của những cánh rừng trồng./.
Balmé 092007.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook