LÂM NGHIỆP ĐĂK LĂK - LÀM GÌ ĐỂ GÓP PHẦN THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ XÃ HỘI Ở CÁC BUÔN LÀNG NGƯỜI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TẠI CHỖ.
Từ trước cho đến nay, tập quán canh tác của Đồng bào các Dân tộc tại chỗ vẫn luôn là một trong những vấn đề làm đau đầu ngành Lâm nghiệp nhất là ở Đắk Lắk. Ở vùng nào ,bà con càng nghèo, càng lạc hậu thì áp lực lên rừng càng lớn. Để giải quyết vấn đề này, không có cách nào khác chúng ta phải nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho họ, giúp họ thoát được đói, đẩy lùi được nghèo nàn và lạc hậu. Có lẽ chính vì thế mà ngay từ những ngày đầu giải phóng, các Lâm trường quốc doanh của chúng ta đã nhanh chóng được thành lập, đóng chân trên khắp các vùng sâu vùng xa của các huyện, thị của tỉnh nhà, ngoài chức năng quản lý bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên từ rừng, các Lâm trường còn có một nhiệm vụ vô cùng lớn lao và ý nghĩa đó là “ Làm Bà đỡ cho sự phát triển Kinh tế xã hội của vùng đất mình đứng chân “ và chúng ta có thể tự hào là những ngày ấy ngành Lâm nghiệp của chúng ta đã làm được rất là nhiều chuyện.
Nhìn lại hiện trạng chung của các vùng đồng bào dân tộc tại chỗ, chúng ta có thể thấy dù thực tế là từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cùng với sự quan tâm ưu đãi đầu tư rất lớn của nhà nước về nhiều mặt như điện, đường, trường, trạm và các chính sách phát triển kinh tế xã hội; cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại chỗ đã có nhiều đổi thay, nghèo đói và lạc hậu từng bước đã được đẩy lùi, số hộ đủ ăn và có mức sống trung bình khá đã chiếm phần nhiều trong từng buôn làng, các hộ giầu có cũng mỗi ngày một nhiều hơn. Thế nhưng tỉ lệ đói nghèo, thiếu ăn của đồng bào các dân tộc tại chỗ so với các dân tộc khác đang cùng làm ăn sinh sống trên cùng một địa điểm cụ thể,vẫn là một sự khác biệt cực kì lớn. Tại sao vậy ? có rất nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, đã được các cơ quan chức năng có trách nhiệm mổ xẻ, giải quyết như: Dân trí thấp, thiếu vốn sản xuất, Tập quán sản xuất lạc hậu … nhưng đó là những nguyên nhân quá lớn, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai mà có thể phải là cả một thế hệ. Trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết, tôi xin đưa ra một số ý kiến đóng góp đối với vấn đề “Ngành Lâm nghiệp Đắk Lắk, cụ thể là các Lâm trường quốc doanh, các ban quản lý rừng của chúng ta có thể làm những gì góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội của các buôn làng đồng bào các dân tộc tại chỗ vùng sâu vùng xa ,để giảm thiểu áp lực đối với rừng ” như sau :
-Về trình độ sản xuất : Ở những vùng có tiềm năng đất đai trong việc trồng cây công nghiệp như Cao su, Cà phê, Điều, Tiêu hoăc cây lương thực như lúa nước có rất nhiều hộ gia đình dân tộc tại chỗ đã giầu lên, nhưng thực sự phần lớn là do có thế mạnh về diện tích, còn sự thâm canh thì phần nhiều vẫn thể hiện sự non kém. Vì vậy vấn đề nâng cao trình độ sản xuất cho họ là cực kì cần thiết, điều này có thể giải quyết bằng cách giúp họ mở những “lớp khuyến nông” tại vườn, sử dụng chính những điển hình sản xuất giỏi trong thôn buôn, đưa ra cho mọi người cùng nhau phân tích tìm hiểu;giúp họ thành lập những câu lạc bộ khuyến nông, những tủ sách tham khảo ...
-Chương trình “quỹ xóa đói giảm nghèo” nhiều nơi đang làm cũng nên được nhân rộng để giúp cho người nghèo được vay giống, phân đúng lúc không phải vay lãi cao để thu nhập người dân có thể tăng thêm hoặc cho mượn bò giống…
-Tình trạng thiếu đất sản xuất đang là một thực trạng chung, hiện tại chương trình 132 đang góp phần rất lớn giải quyết vấn đề bức xúc này nhưng cũng đang có rất nhiều điều đáng phải bàn, đó là đất phải ra đất, đã cấp đất sản xuất thì phải đảm bảo đất ấy có khả năng làm ra của cải nếu xấu mà vẫn quy hoạch thì đảm bảo khi giao không ai dám nhận, vì nhận cũng chẳng để làm gì do đất xấu quá, rồi thì cách chúng ta đang giải quyết hình như cũng chưa mấy phù hợp. Nhà nước bỏ ra 3-4 triệu đồng ra khai hoang bóc trọc lớp đất mầu, không còn lấy một gốc cây che bóng, rồi giao lại cho người dân khi mà từ lâu đã qua thời vụ canh tác. Vài năm sau với tập quán canh tác của đồng bào, đất được khai hoang kiểu này đến cỏ cũng đang còn khó mọc, có cũng như không; vậy mà các nhà khoa học của chúng ta vẫn thường nói rất hay về sự canh tác bền vững, nhất là trên đất dốc. Vậy tại sao chúng ta không thay vì suốt ngày nghe hết chủ đầu tư, đến bên thi công la lỗ oai oaí bằng cách : Tiến hành tận thu trước những lâm sản có thể tận thu được trên đất, giao tiền, chỉ đất cho người dân tự khai hoang, với tập quán canh tác của dân tộc mình, có thể đảm bảo người dân sẽ khai hoang tốt hơn nhiều so với máy móc và các ông chủ công ty TNHH. Như vậy, ngoài việc chúng ta có thể tận dụng có ích sức lao động của người dân giúp họ làm ra tiền để mua hàng tấn lúa, trang bị đủ công cụ, vật liệu phục vụ cho vụ mùa sản xuất sắp tới trên vùng đất mới được nhà nước cấp, mà rõ ràng là người được nhận cũng vui hơn khi họ có thể hoạch định việc sử dụng đất đai một cách hợp lý, Họ có thể tận dụng tro than khi đốt khai hoang để làm màu mỡ thêm mảnh đất của họ, để có thêm một phần bảo đảm cho những vụ mùa bội thu theo cách cha ông họ vẫn làm, Cây cối tận thu được họ có thể sửa sang nhà cửa chuồng trại, làm dàn trồng Mướp, Bí, Bầu … cải thiện, cũng có thể đó lại chính là của để dành phòng những khi cần không phải bổ nháo bổ nhào vào rừng khai thác trộm. Một cảnh tượng chúng ta thường thấy khi gặp những người đồng bào đi lên rẫy về là cái gùi của người phụ nữ mang nặng những miếng củi con con, thử hỏi củi ấy ở đâu? xin thưa đó là từ những gốc cây khô sót lại trên nương trên rẫy của họ, đó là cái kho củi tốt của họ và cả là để tiết kiệm thời gian đi lấy củi nữa.
Một vấn đề nữa ai cũng biết, nhưng nói hoài chẳng hết, đó là cái sự sinh đẻ nhiều vô tội vạ. Nhà nghèo, đông con lại càng nghèo, cái điều tưởng chừng như ai cũng biết này cuối cùng hóa ra vẫn đeo đuổi họ vậy vấn đề đưa ra là chúng ta phải giúp họ thế nào?
Rồi thì hình như là tự họ cũng thích làm mình nghèo thêm nữa? Đó là sự thiếu ý thức tiết kiệm, sự sử dụng không hợp lý thu nhập của mình và gia đình làm ra, cái này có lẽ đem đến từ tập tục sống của đồng bào. Họ có thể xài sang hết cỡ khi thu hoạch vụ muà, rồi lại phải đi vay nóng để tái sản xuất hoặc chỉ để có cái ăn chờ vụ mùa thu hoạch tới. Chúng ta cũng sẽ tự làm họ khó thêm nếu giải quyết cho vay lãi xuất ưu đãi những khoản tiền lớn, một lúc cho những phương án sản xuất nông nghiệp vốn thường kéo dài ngày. Để cách sự dụng hiệu quả nhất, họ có thể nghĩ ra để tránh khỏi ăn cụt vốn vay khi chưa có nhu cầu sử dụng là mua cái xe máy cày phục vụ mỗi việc ngày ngày chở người trong nhà đi vài cây số ra rẫy làm việc, rồi thì rõ ràng là tất cả các phần tiếp theo của phương án lại phải nhờ cậy vào các khoản vay nặng lãi; đủ ăn là may, lấy đâu ra làm giàu nữa ...
Và còn một số vấn đề khác nữa mà ngày xưa chúng ta đã làm rất tốt, nhưng giờ đây ít ai chịu làm, đó là đưa các hộ đồng bào vào làm công nhân các Lâm trường, Nông trường tập trung, cho nhận khoán, giúp họ sản xuất, làm giàu. Một số vùng hiện tại vẫn đang duy trì mô hình này và mức sống của đại bộ phận đồng bào tham gia mô hình này là rất tốt, như các nông trường ở vùng Việt đức, Cư M’Gar. Hoặc nữa là giúp họ có ruộng nước, đây là một phương thức sản xuất mới, nhưng hết sức phù hợp với tâm lý trọng nông của họ, họ có thể bán đất chứ ít khi chịu bán ruộng, có lẽ vì việc đảm bảo cái ăn với người dân tộc tại chỗ vẫn luôn là vấn đề quan trọng nhất?
Một vấn đề nữa mà các Lâm trường quốc doanh, các Ban quản lý rừng cần phải đào sâu suy nghĩ nếu muốn làm tốt trách nhiệm làm “ Bà đỡ “ nâng cao đời sống kinh tế xã hội của đồng bào vùng sâu vùng xa nhằm giảm áp lực với rừng, đó là cần tổ chức tốt các mạng lưới cửa hàng công ích ở vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào tránh được cái cảnh luôn luôn mua đắt bán rẻ, chúng ta có thể thay vì cho vay tiền, họ được vay trực tiếp những thứ mình cần đúng thời vụ, đúng lúc và trả bằng sản phẩm làm ra, ở những cửa hàng này .
Điều cuối cùng tôi muốn nói đến ở đây là hiện tại đã có cơ chế giao đất khoán rừng theo quyết định 178/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, vậy chúng ta- các Lâm trường quốc doanh, các Ban quản lý rừng phải giúp những người dân tộc tại chỗ sống gần rừng được nhận rừng, giúp họ hiểu rõ cái lợi của việc nhận đất nhận rừng và giúp họ có những thu nhập ổn định hàng năm, hàng tháng và có thể làm giàu bằng chính những mảnh rừng mình đã nhận. Chúng ta cần mạnh dạn giúp họ, liên doanh liên kết với họ , đầu tư cho họ trồng rừng, trồng cây phân tán để giúp họ sản xuất kinh doanh bền vững và có hiệu quả trên mảnh đất họ đang làm chủ.
Có thể rất nhiều những vấn đề tôi đưa ra ở đây đều là gáng nặng nếu các Lâm trường và Ban quản lý rừng đưa vào thực hiện, nhưng nếu muốn giảm áp lực phá rừng thì như tôi đã nêu ở trên, không có cách nào khác hơn chúng ta phải nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho các vùng sâu, vùng xa gần rừng, giúp người dân ở những vùng này thoát được đói, đẩy lùi được nghèo nàn và lạc hậu, chỉ có thế chúng ta mới có thể tiến đến một nền Lâm nghiệp quản lý rừng bền vững./.
Balmé 052005
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook