BUỒN VUI LÂM NGHIỆP.

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3149
  • Tổng lượt truy cập 11,489,773

Fanpage facebook

Ngày đăng: 21/01/2013, 10:40 am

BUỒN VUI LÂM NGHIỆP.

Category: Linh tinh khác, Tag: Linh tinh khác
09/07/2008 09:48 pm

Thường thì ngành nào cũng vậy, chẳng có những buồn vui. Nhưng với dân Lâm nghiệp chúng tôi thì hình như xưa nay mọi người cứ đinh ninh rằng chắc chỉ buồn ít, vui nhiều hoặc có gì để buồn cơ chứ. Người thì nghĩ dân Lâm nghiệp được sống giữa Thiên nhiên mà bảo là buồn thì đúng là chuyện lạ. Người ta để đưa được ít cây rừng thu nhỏ, vài con chim con cá vào nhà cho có tí thiên nhiên đã đủ tốn bao nhiêu tiền của, đằng này mình chả mất tí teo gì, cũng không phải vất vả nuôi dưỡng, trông nom mà quanh nhà vẫn cứ xanh ngắt cây rừng, muôn hoa khoe sắc, véo von chim hót, vượn hú chim kêu. Người thì lại cứ hễ nói đến Dân Lâm nghiệp là nghĩ đến ngay những ông chủ gỗ giàu nứt đố, đổ vách, hay chơi ngông với những cuộc vui ném tiền qua cửa mà chẳng biết cho rằng dân Lâm nghiệp còn có chúng tôi, những cán bộ làm Lâm nghiệp, những Công nhân Lâm trường .... những người đang hàng ngày trồng mới, chăm sóc và bảo vệ cho những cánh rừng. Công bằng mà nói thì ở Đắk Lắk cũng có một thời, khi gỗ rừng tự nhiên đang còn nhiều, ngành Lâm nghiệp quả là có giá, chúng tôi nhờ vậy cũng được thơm lây, Đội ngũ dân Lâm nghiệp lúc ấy thật là đông đảo, đi đến đâu cũng thấy toàn là người làm Lâm nghiệp nhà mình. Kinh tế của những người làm lâm nghiệp thời ấy đa phần đều được cải thiện, nên ai nấy cũng đều phấn khởi với nghề. Nhưng cái thời ấy kéo dài chẳng bao lâu, việc khai thác ồ ạt khiến gỗ Rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm. Khai thác thì khó khăn mà giá bán lại thấp, việc chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và các loại lâm sản lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài dai dẳng, thì kinh tế của những gia đình làm lâm nghiệp như chúng tôi cũng bị khủng hoảng theo và thế là hàng ngũ của những người làm Lâm nghiệp cứ thưa thớt dần, phần lớn đã phải chuyển sang ngành này nghề khác, hoặc nghỉ hưu mất sức, kiếm tí ruộng đất làm Cà phê hay trồng cây công nghiệp khác để đắp đổi qua ngày. Nhìn lại chẳng mấy chốc ngành lâm nghiệp chỉ còn lại những người có ít nhiều tâm huyết hoặc chẳng còn biết làm gì khác mới trụ lại được với nghề. Cũng không thể trách họ được vì Lâm nghiệp ngày nay quả là 1 nghề vất vả, chế độ đãi ngộ thì hầu như chẳng có, đã vậy lại còn nhiều nguy hiểm nữa, nhất là trong những năm gần đây, khi nạn phá rừng, lâm tặc hoành hành, đã có nhiều người giữ rừng phải mang thương tật hoặc mất cả tài sản, tính mạng vì dám đối đầu cùng lâm tặc. Gian khổ thì thừa mà làm giầu lại khó, bởi vậy năm nào cũng như năm nào, Đại học Tây nguyên đều mất mấy lần hạ điểm chuẩn, mới tìm đủ sinh viên cho khoa Lâm nghiệp.

Không biết mọi người nghĩ sao về Lâm nghiệp? Với riêng tôi thì Lâm nghiệp quả là một nghề thú vị, dĩ nhiên là chỉ với những lúc ngành lâm nghiệp của tôi không bị mọi người đem ra lên án, xỉ vả vì tốn bao nhiêu cơm gạo của dân,của nước mà chẳng giữ được rừng, những lúc ấy thì niềm vui chạy đi đâu hết, chỉ còn lại nỗi buồn mênh mông. Mọi người không hiểu được những khó khăn của chúng tôi, những người mang tiếng là chủ rừng, nhưng thực sự quyền hạn của một người chủ nhân thì gần như chẳng có, kinh phí thì hạn hẹp, hầu như chỉ trông chờ vào một phần trong số tiền ít ỏi thu về từ nguồn bán gỗ cây đứng và thuế tài nguyên của sản lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên hàng năm, đang càng ngày càng bó hẹp. Những người làm nghề rừng đôi khi phải chạy ăn từng bữa thì còn sức đâu mà giữ nổi rừng, rồi khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn, khi vấn nạn dân di cư tự do cứ ngày càng nở rộ....

Chuyện buồn nghề rừng quả thực là nhiều, nói bao giờ cho hết, nhưng bù lại Dân Lâm nghiệp chúng tôi cũng có lắm niềm vui, Cuộc sống của những người làm Lâm nghiệp đúng là có điều kiện gắn bó với thiên nhiên nhiều nhất, được sống với thiên nhiên nhiều nhất, điều mà khối người mơ ước khi phải quay cuồng trong nhịp sống thời hiện đại, bước ra cửa là thấy như bị tra tấn bởi sự ồn ã của thời đại công nghiệp hóa, ở đâu cũng như bị giam lỏng trong những kiến trúc sắc cạnh, xám xịt của cốt thép bê tông. Bởi vậy mới còn, dù chỉ là ít thôi những cô cậu học sinh, hàng năm tốt nghiệp phổ thông trung học xong, bị nuí rừng quyến rũ đâm mê bỏ cả thi kinh tế, bách khoa ... theo học ngành Lâm nghiệp. Chắc là Tôi cũng vậy, sinh ra trong một gia đình lâm nghiệp nhà nòi, nhưng đến lượt tôi thì cha tôi nhất định không cho theo học ngành lâm nghiệp, chiều lòng ông, tôi đi học kinh tế. Rồi cuối cùng, chẳng biết do chuột chạy cùng sào hay Dân Lâm nghiệp sống tình cảm quá không thể nào dứt ra được mà sau mấy lần chuyển đổi công tác, tôi vẫn loay hoay trong ngành Lâm nghiệp và khổ nỗi càng ngày càng thấy gắn bó hơn, khó mà xa rời được nghề này, chắc có lẽ phải đợi đến đời con, cháu tôi may ra mới biết gia đình tôi còn hay hết duyên cùng ngành Lâm nghiệp.

Cũng vì vậy mà thật đáng mừng, khi biết rằng không chỉ trong ngành lâm nghiệp cũng đang còn rất nhiều những người tâm huyết với rừng, họ biết xót xa khi thấy rừng bị tàn phá, chảy máu. Có những người dân bỏ cả ngày, cả buổi làm việc mưu sinh trong cuộc sống đời thường còn khó khăn của mình, lặn lội đường rừng để báo cho những người có trách nhiệm biết những vụ phá rừng mới nơi rừng sâu heo hút mà không đòi hỏi bất cứ một sự ưu đãi, trả công nào. Có những cán bộ Lâm trường phải cắm trại sống giữa rừng hàng tháng trời mùa vụ để giữ đất rừng, ngăn không cho những kẻ phá rừng sử dụng, hợp thức hóa được đất rừng đã phá…

Những người lâm nghiệp chúng tôi thực rất dể nhận ra, bởi hầu hết đều có nước da đặc trưng màu tai tái bởi sốt rét rừng, nhưng lại trong trẻo mùa xuân bởi niềm vui từ nghề rừng mang lại. Đi rừng với những người yêu nghề quả là thú vị, giữa đại ngàn rừng rậm, họ vẫn có thể nói ra vanh vách cây nào mọc ở chỗ nào, mùa này cây gì đang trổ bông, chỗ nào có mọc hoa Mai, cây cảnh và cả những nơi nào phong cảnh đẹp nữa ... Họ có thể nhớ chính xác những cây nào, ở đâu có hoa Lan đeo bám, lúc nào thì chúng nở bông để dẫn chúng ta đi xem, nhưng chỉ được thu hái một cách hạn chế, điều này thì tôi không vui, vì tôi mà gặp hoa lan ở đâu thì cũng cố lấy cho được, để đem về cho đeo bám lên cây cối quanh nhà và tự an ủi bớt mặc cảm tội lỗi rằng: mình làm thế chỉ vì muốn bảo tồn cho đất nước những loài hoa lan trong thời buổi rừng bị người ta xúm nhau vào tàn phá, vả lại phần lớn hoa lan tôi lấy về đều từ những cây gẫy đổ, bởi những chuyến đi rừng của tôi vốn thường ngắn ngủi, cưỡi ngựa xem hoa, có muốn cũng chẳng có thời gian để trèo leo, hái lượm. Sau này thì tôi có thêm cái thú đi mua nợ, vét lan của những người chuyên đi lấy hoa lan về bán trong thành phố mỗi lúc chưa đến kì lương, rồi gầy lại trong khu rừng trong vườn rẫy của mình, nơi tôi đang trồng lại cây cối để trả cái nợ của một thuở phá rừng. Có lẽ tôi đã nói về mình hơi nhiều, nhưng quả là tôi rất tự hào vì mình là một người làm lâm nghiệp. Hi vọng rằng ngành lâm nghiệp vào một ngày không xa sẽ được xã hội dành cho sự quan tâm đúng mức, ngành lâm nghiệp lại lên ngôi, Khoa lâm nghiệp của đại học Tây nguyên sẽ lại đầy ắp sinh viên, những người trong tương lai sẽ thay chúng tôi tiếp tục gắn bó với cái nghề buồn nhiều vui cũng lắm này./.

Balmé 051998

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác