CÂY KEO DẬU

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 600
  • Tổng lượt truy cập 10,152,358

Fanpage facebook

Ngày đăng: 21/01/2013, 10:37 am

CÂY KEO DẬU

Category: Linh tinh khác, Tag: Linh tinh khác
09/07/2008 02:13 pm

CÂY KEO DẬU -LOÀI CÂY TIÊN PHONG

CỦA SỨ MẠNG TRỒNG RỪNG

Cây Keo dậu (tên khoa học là Leucaena glauca) hay còn gọi là Bồ kết đại, Táo nhơn, Keo Cu Ba… là một loài cây rất đỗi quen thuộc đối với địa phương Đắk Lắk. Bởi loài cây này đã được trồng rộng rãi ở đây từ rất lâu với sứ mạng làm cây che bóng lâu dài tầng trung trong các đồn điền Cà Phê ngay từ những ngày đầu cây Cà Phê du nhập.

Tôi không phải là một nhà khoa học, lại càng không phải là người chuyên sâu nghiên cứu kỹ thuật trồng Cà Phê, nên không biết có giải thích được xác đáng không về sự lựa chọn Cây Keo dậu làm cây che bóng tầng trung lâu dài cho cây Cà Phê của những bậc tiền nhân, nhưng tôi trộm nghĩ rằng chắc chắn một trong những lý do để người xưa lựa chọn Cây Keo dậu chính là sức sống, cũng như sự sinh trưởng nhanh của Cây Keo dậu. Nó sớm tạo ra được điều kiện che bóng lý tưởng cho những vườn Cà Phê kiến thiết cơ bản, cũng như gìn giữ chế độ che bóng hợp lý về lâu, về dài. Ngoài ra đây còn là loài cây tiên phong cho việc cải tạo đất, bởi lá cây là nguồn phân hữu cơ tuyệt vời hàng năm đều đặn bồi đắp, bổ sung cho nhu cầu về phân bón của cây Cà Phê trong suốt cả chu kỳ kinh doanh, nhất là với Điều kiện của ngày xưa khi mà sự đi lại, lưu thông còn khó khăn, nguồn phân Vô cơ còn khan hiếm. Bởi vậy thật dễ hiểu khi mà ngày nay, cùng với việc Tiểu điền, Vườn hộ các đồn điền Cà phê, đất đai thì càng ngày càng trở nên đắt giá, nguồn phân vô cơ thì phong phú và thuận tiện, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất luôn là vấn đề các chủ nhân ông phải suy nghĩ thì ngay lập tức, người ta tỏ ra ít mặn mà ngay với Cây Keo dậu. Họ luôn tìm cách thay đổi nó bằng các loài cây ăn quả hay cây công nghiệp khác hoặc không thì cũng chỉ sử dụng Cây Keo dậu trồng cũ làm choái sống cho cây Hồ Tiêu xen vào. Nhưng không lẽ như vậy Cây Keo dậu không còn là một loài cây có ích? Bỏ qua sứ mạng làm cây che bóng cho Cà phê, điều còn làm khối người phải bàn cãi, tôi chợt nghĩ phải chăng Cây Keo dậu sẽ có một sứ mạng mới cùng với chúng tôi ,những người làm Lâm nghiệp trong công cuộc phủ xanh những vùng đất hoang hóa, đồi trọc ở Đắk Lắk cũng như trên cả nước, chính từ những ưu điểm của nó mà người xưa từng để mắt .

Có rất nhiều người cho rằng chúng tôi bắt đầu hay kêu ca ,nhưng quả thực trồng rừng ngày càng khó, bây giờ không còn là cái thời đất trồng rừng màu mỡ nằm bạt ngàn dọc theo các đường quốc lộ, gần nhà, cái thời người người đi trồng rừng, ngành ngành đi trồng rừng cùng với ngành lâm nghiệp. Ngày nay trồng rừng thực sự là để phủ xanh đất đồi núi trọc, những khoảnh đất cằn khô nhằm tìm lại sự cân bằng sinh thái đã mất. Người ta cũng không còn đặt nặng vấn đề hiệu quả kinh doanh của những cánh rừng trồng bằng việc nâng cao độ che phủ của rừng vốn từ lâu đã bị đưa xuống dưới cái ngưỡng phải báo động, chính vì vậy mà Quốc hội đã thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối cho mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng bằng chương trình dự án 661 bắt đầu từ năm 1999, thay cho chương trình 327 bị xem là kém hiệu quả. Tỉnh ta cũng đã phải kiên quyết hơn trong việc giữ rừng bằng việc bắt buộc trồng lại rừng trên những diện tích rừng bị phá trái phép để trồng cây công nghiệp ( Theo chỉ thị 13). Nhưng để trồng lại 1 ha rừng thực không phải là chuyện nhỏ, từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 để rừng trồng cơ bản khép tán thì giá thành hiện tại cho việc trồng và chăm sóc không dưới 4 triệu đồng. Từ ngày giải phóng đến nay năm nào chúng ta cũng trồng rừng, biết bao là tiền của đã bỏ ra, tưởng chừng với con số kế hoạch ấy, Đắk Lắk ngày nay chẳng thể còn sót lại tí tẹo đất trống đồi trọc nào, nhưng thực sự thì rừng vẫn càng ngày càng bị thu hẹp, diện tích được trồng lại rừng vẫn chẳng đáng là bao so với diện tích mất rừng. Những vùng đất trống như Krông năng, Mađrắk vẫn còn là những thảo nguyên ngút ngàn cỏ lau, tồn tại như một sự thách đố đối với không chỉ riêng ngành Lâm nghiệp và Ngân sách tỉnh ta dù hàng năm eo hẹp vẫn phải tiếp tục đổ tiền tỉ bổ sung cho công cuộc trồng rừng 661. Nhưng sẽ khác chăng nếu chúng ta có được cách nhìn mới cho việc trồng rừng? Đừng đặt ra cứ phải trồng Muồng đen ,Bạch đàn hay các loài Keo tai tượng, Keo lá tràm thì rừng trồng mới có giá trị, vì đối với việc nâng cao độ tàn che thì so với Keo dậu chúng cũng chẳng hơn được nhiều nhặn gì. Trong khi với Cây Keo dậu chúng ta có thể hạ được giá thành cho việc trồng rừng tới mức tưởng chừng như không thể. Ta có thể gieo trồng chúng ở khắp mọi nơi, kể cả ở những nơi đất đai cằn cỗi hoặc những vùng đất có điều kiện lập địa khó khăn, chúng ta cũng có thể trồng một lần trên những diện tích cực lớn bằng phương pháp gieo hạt từ máy bay ... Có thể là những năm đầu tỉ lệ cây sống sẽ không lớn nhưng với sự sinh trưởng nhanh, khả năng tự sinh sôi mạnh mẽ từ hạt chúng sẽ sớm phát triển thành những cây mẹ gieo hạt và sau đó là sứ mạng cải tạo đất, cuối cùng là sự tự phục hồi lại rừng kì diệu của Tự nhiên, lúc ấy chúng ta có thể trồng dặm thêm một cách dễ dàng các loài cây quý, cây mục đích để làm giàu thêm cho những cánh rừng trồng bằng Cây Keo dậu. Hãy nhìn xem Thiên nhiên làm gì đối với những cánh rừng tái sinh? Đầu tiên là những loài cây mọc nhanh chiếm ưu thế, sau đó khi đã có thảm rừng và đất đai đã cơ bản được cải tạo, rừng sẽ dần dần phục hồi lại như xưa. Vì vậy tại sao chúng ta không làm theo Thiên nhiên nhưng với những hành động có ý thức hơn. Lúc ấy chúng ta sẽ có lại không chỉ độ tàn che mà là những cánh rừng đích thực, chứ không phải những cánh rừng trồng thuần loại vốn nghèo nàn về sinh cảnh, điều này đáng để chúng ta suy nghĩ lắm chứ. Nhất là khi Cây Keo dậu còn có khả năng mọc rễ từ những thân cây bị chặt, mạnh mẽ không kém mấy các loài cây rừng vốn lâu nay được dân gian sử dụng làm trụ sống trồng tiêu, vì vậy biết đâu chúng ta còn tạo ra được một nguồn cung cấp trụ sống dồi dào cho việc phát triển diện tích trồng Hồ tiêu mà không hề làm tăng thêm áp lực của việc chặt hạ những cây gỗ quý hiếm làm trụ tiêu, vốn rất phổ biến hiện nay lên những cánh rừng. Ngoài ra còn một thuận lợi nữa là hiện nay ngoài loài Keo dậu phổ thông ngày trước chúng ta đã du nhập thành công Cây Keo dậu Cu Ba (Tên khoa học là Leucaena Leucocephala) có sức sinh trưởng mạnh mẽ hơn và Khoa học cũng đã chỉ ra rằng lá Keo dậu có thể dùng làm nguồn thức ăn rất tốt để phát triển chăn nuôi Đại gia súc, có thể thay cho cỏ. Rất mong rằng sẽ sớm có một công trình khoa học thực sự để làm rõ tính khả thi cho phương pháp trồng rừng mới bằng Cây Keo Dậu nghe chừng rất ấn tượng này.

Balmé 052002

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác