Nam Sơn họa sĩ - những điều còn ít người biết đến

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4932
  • Tổng lượt truy cập 11,491,557

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/01/2013, 09:21 am

Nam Sơn họa sĩ - những điều còn ít người biết đến

Category: Linh tinh khác, Tag: họa sĩ,hội họa Việt Nam,Linh tinh khác,Nam Sơn
11/09/2008 10:11 pm

Nam Sơn hay còn gọi là Nguyễn Nam Sơn, tên thật Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973), quê gốc ở Vĩnh Yên cũ , sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là một trong những hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên và có thể xem như là một trong những người khai sinh nền hội họa đương đại Việt Nam.

Ngôi nhà ông ở khi còn sống là ngôi nhà số 68 phố Nguyễn Du - Hà Nội, một trong những biệt thự cổ rất nổi tiếng ở Hà Nội không chỉ vì nó có một vị trí đẹp với trước mặt là hồ Thuyền Quang ( hồ Hale cũ)  trên con đường Nguyễn Du với hàng hoa Sữa đã đi vào thơ ca mà còn bởi đây chính là một tác phẩm nữa của ông. Ngôi nhà này cũng do chính ông thiết kế mẫu vẽ, hiện tại nó vẫn được giữ gìn nguyên vẹn như ngày ông còn sống, tuy không còn nữa khu vườn rộng bao bọc xung quanh do ông đã hiến tặng nhà nước. Trước mặt nhà là một quán cà phê vỉa hè cũng nổi tiếng không kém đã từng lên ti vi như một nét đẹp đời thường của Hà Thành. Hàng năm, vào ngày giỗ của ông, các họa sĩ lão làng hội họa Việt Nam vẫn thường lặng lẽ đến đây để thắp hương tưởng nhớ đến người thầy tài hoa nhưng ít người biết đến của họ.

Ông là một họa sĩ tài danh của hội họa Việt Nam đương đại nhưng thật lạ, không hiểu vì sao lại có rất ít người biết đến ông. Mặc dù so với các họa sĩ Việt Nam, ông vẫn là người thành đạt nhất với rất nhiều tác phẩm được thế giới công nhận và giữ gìn. Các tác phẩm của ông phần lớn theo khuynh hướng cổ điển châu Âu nhưng ảnh hưởng nhiều bởi hội hoạ Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài tranh sơn dầu, lụa, thuốc nước, mực nho... cuối đời ông dùng chì son (sanguine) là chủ yếu. Trong đời, ông đã sáng tác trên 400 tác phẩm hội họa theo nhiều thể loại, trong đó có một số có giá trị rất cao, làm rạng danh nền hội họa Việt Nam, đáng chú ý như:

  • Bức tranh " Chợ Gạo bên sông Hồng" ( Hồng Hà hữu ngạn mãi mại mễ xứ) (mực nho trên vải, 1930, Triển lãm Hội hoạ Paris) là tác phẩm Việt Nam đầu tiên (đến nay vẫn là duy nhất) được Nhà nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp;

  • Bức “ Chân dung mẹ tôi” ( Gia từ cận tượng) là tác phẩm Việt Nam đầu tiên được giải Quốc tế về sơn dầu, huy chương bạc Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế - Paris 1932.
  • “Cò trắng và Cá vàng” (khắc gỗ 7 màu, 1929); bằng khen Rôma, 1932); Rôma Ý.
  • Bức Chân dung nhà Nho (tranh sơn dầu, 1923); là một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của Hội họa Việt Nam, cũng chính là bức tranh đã khiến họa sĩ Tacđiơ (V. Tardieu) người Pháp phải chú ý và thay đổi quan điểm nhìn nhận đối với các họa sĩ Việt Nam dẫn đến việc ông ở lại Việt Nam để thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
  • ”Chân dung cụ Sùng ấm Tường” (tranh phấn tiên pastel, 1927) là bức tranh tiên phong của hội họa Việt Nam trong lĩnh vực này;
  • “Về chợ” (tranh lụa, 1927)là bức tranh tiên phong của hội họa Việt Nam trong lĩnh vực này;
  • “ Thiếu nữ nông thôn” (tranh lụa) được Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Pháp mua năm 1935.
  • “Hội hoạ Trung Hoa” (sách in năm 1930 bằng tiếng Pháp “La peinture chinoise”), là cuốn sách đầu tiên về mỹ thuật xuất bản ở Việt Nam;
  • “Đề cương mĩ thuật Việt Nam” (sách, bản thảo 1923, in trên tuần báo “Văn nghệ”- Hà Nội ngày 21.3.2001).

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình dòng dõi gia thế; ông là con trai duy nhất của nhà nho Nguyễn Văn Khang (1871-1894), thư ký phủ Thống sứ Bắc kỳ; mẹ là bà Nguyễn Thị Lân (1870-1951) người đã được vua Bảo Đại ngự ban Kim khánh khắc 4 chữ “Tiết hạnh khả phong” cho công đức tảo tần nuôi con (Chồng mất khi con mới 4 tuổi). Ông được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Vạn Thọ với hy vọng một sự "vạn an thế đức..." khi vào đời được người thầy là nhà nho Phạm Như Bình tặng cho tên hiệu là Nam Sơn hàm ý một sự vững vàng và trường thọ (Thọ tỉ Nam Sơn). Thuở nhỏ ông được người thân là các nhà nho Phạm Như Bình, Nguyễn Sĩ Đức dạy chữ, dạy vẽ và dẫn đi thăm các đình-đền-chùa với sự giảng dạy cặn kẽ về văn hoá và đạo lý, do đó sớm có lòng say mê nghệ thuật dân tộc. Ông lại chịu khó tự mày mò tìm sách và tranh của Trung Quốc, của Nhật bản để tìm hiểu hội hoạ phương Đông nên đến khi có dịp được tiếp xúc với hội hoạ phương Tây thì nhờ có nền văn hoá vững chắc đó mà đã tiếp thu được những cái hay để hoàn chỉnh một nền mỹ thuật mới cho dân tộc. Năm 10 tuổi ông bắt đầu học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học Hàng Vôi (Amiral Courbet, nay là trường Nguyễn Du –Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp tại trường Bưởi ( trường Bảo hộ, lycée du Protectorat) ông vào làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương trong thời gian này ông thường vẽ tranh minh hoạ sách giáo khoa và báo chí.

Trong lịch sử hội họa Việt Nam đương đại, ông đã có đóng góp đáng chú ý như:

  • Năm 1923 ông đã tham gia Đấu xảo Hà Nội với bốn bức tranh là : Nhà nho xứ Bắc, Ông già Kim Liên, Cô gái Bắc kỳ và Tĩnh vật được dư luận đánh giá là trong số những tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam mà tác giả là người vẽ giỏi.
  • Năm 1925, Ông đã cùng họa sĩ Tacđiơ (V. Tardieu) người Pháp đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương và trực tiếp giảng dạy với tư cách giáo sư chuyên ngành bậc 2, phụ trách môn Đồ họa và Trang trí. Ông đã giảng dạy từ khoá đầu đến khoá cuối, tất cả 18 khoá, tham gia đào tạo hơn 150 hoạ sĩ, nhà điêu khắc; học trò của ông có rất nhiều người thành đạt, một số người ngay sau khi tốt nghiệp đã có những tác phẩm làm thế giới hội hoạ phương Tây phải thán phục.
  • Năm 1946, ông được Bộ Quốc gia Giáo dục Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà mời vào Hội đồng cố vấn học viện Đông phương bác cổ.
  • Năm 1957, Khi Hội Mỹ thuật Việt Nam thành lập, ông được bầu vào Ban Chấp hành và giữ chức vụ này trong suốt thời gian 16 năm, cho đến khi qua đời (26/1/1973)
  • Năm 1998 tại triển lãm "Mùa xuân Việt Nam" ở Paris do Bộ Văn hoá - Thông tin Việt Nam và Toà thị chính Paris tổ chức để giới thiệu về sự nghiệp mỹ thuật mới Việt Nam, 3 tác phẩm của ông đã được tuyển chọn. Tiếp đó, cuốn "Voyager Magazine" xuất bản tại Paris năm 1998 giới thiệu cuộc triển lãm này đã tuyển in bức Chân dung người nông dân (1940) của ông với lời bình ghi ngay trên tác phẩm: "Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị lãng quên, các hoạ sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng". cũng trong năm 1998, tức là 25 năm sau khi Nam Sơn qua đời, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã truy tặng ông Huy chương "Vì sự nghiệp Mỹ thuật".

Để có sự công nhận về vai trò người đồng sáng lập ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngôi trường đã đào tạo nên nhiều họa sĩ danh tiếng và có thể xem như là bước khởi đầu cho một nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đã phải mất rất nhiều thời gian và giấy mực. Mãi cho đến thời gian gần đây, nhờ công sức của những người học trò hiếu nghĩa mà người ta mới biết đến và công nhận cái sự thật bị chối bỏ là ông đã cùng họa sĩ Tacđiơ (V. Tardieu) người Pháp đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1923, Nam Sơn gặp và cùng làm việc với Tacđiơ (V. Tardieu; 1870-1937), một hoạ sĩ Pháp, người đã được giải thưởng Đông Dương và được học bổng sang Việt Nam nghiên cứu mỹ thuật Đông Dương và đang thực hiện hợp đồng trang trí Đại học Đông Dương . Với khát vọng xây dựng một nền hội họa Việt Nam mới, Nam Sơn đã thẳng thắn đề nghị họa sĩ Tacđiơ vận động Chính phủ Pháp thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (27.10.1924). Trong thời gian chuẩn bị, Nam Sơn được cử sang Paris (Pháp) tu nghiệp tại các trường mĩ thuật, trang trí, điêu khắc dưới sự hướng dẫn của Lôrăng (J. P. Laurens), Ôbe (F. Aubert) ... tháng 10/1925, do hoạ sĩ Tacđiơ bị bệnh phải ở lại Paris nên Nam Sơn đã trở về Hà Nội cùng hoạ sĩ Inguimberty và tổ chức tuyển sinh khoá đầu tiên của trường với hơn 270 thí sinh toàn Đông Dương, mở đầu cho nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Sau đó, ông đã trực tiếp giảng dạy ở trường với tư cách giáo sư chuyên ngành bậc 2, phụ trách môn Đồ họa và Trang trí. Ông cũng chính là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được giao quản lý trường với cương vị, trọng trách là một quyền Hiệu trưởng, đó là thời kỳ từ tháng 3 năm 1945 đến cuối năm 1945; tức là giai đọan sau khi Nhật đảo chính Pháp. Trong thời gian đó, các giáo sư người Pháp hầu hết bị bắt giam hoặc buộc phải về nước…

Cuốn "Paris - Hà Nội - Sài Gòn: cuộc phưu lưu của hội hoạ hiện đại Việt Nam" do Các nhà bảo tàng Paris xuất bản năm 1998 xác nhận: "Qua những cuộc trao đổi giữa họ (Victor Tardieu và Nam Sơn), nảy ra ý kiến thành lập một trường Mỹ thuật ở Hà Nội, Nam Sơn thuyết phục Victor Tardieu tiến hành những vận động cần thiết để có thể khai giảng và điều hành nhà trường... Chính thức được thành lập do một Nghị định của Toàn quyền Merlin, trường này (Mỹ thuật Đông Dương) nói cho đúng hơn là kết quả tình bạn kỳ lạ giữa hai người (Victor Tardieu và Nam Sơn)". Vị trí và vai trò của Nam Sơn được Toàn quyền Đông Dương xác nhận rất rõ ràng trong cuốn "Các trường Mỹ thuật Đông Dương" xuất bản ở Hà Nội năm 1937: "Ông Nam Sơn - giáo sư chuyên ngành bậc 2, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, dạy hình hoạ và trang trí".

( Bài đã tham gia một phần cho Vi Wiki)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác