Tôi với Bố tôi có lẽ không hạp nhau vì tôi thì tuổi Tí, Bố tôi lại tuổi Mão? Tôi với ông cùng thích làm vườn nhưng tôi thích trồng hoa còn với ông, công việc làm vườn chỉ có thể là trồng rau thế thôi. Ông sinh năm 27, tôi đến tận 72 mới oe oe cất những tiếng khóc đầu… Đôi lúc giật mình tôi lại tự an ủi mình như thế vì thấy hình như trong đời mình đã có ít quá những khỏang thời gian gần gụi bố.
Bố tôi là người miền trung, đi tập kết ra bắc từ năm 1954 nhưng mãi đến 1971 mới chịu quen và lấy mẹ tôi. Đến khi tôi mới chập chững biết đi, cu em tôi chào đời cũng là lúc ông khóac ba lô, đi biền biệt vào nam chiến đấu. Chiến tranh kết thúc, ông vào tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột và ở lại. Mãi cho đến năm 1978, tình hình đã ổn định thì mẹ con chúng tôi mới vào để đòan tụ gia đình.
Bố tôi thuộc túyp người mà mọi người hay ví là hiền như đất. Hay nhẫn nhịn nên có lẽ cả đời ông không nổi nóng, cãi cọ với ai dù chỉ một lần? Ông là người tốt, có thể chắc chắn là như vậy, vì mãi tận sau này, khi tôi lớn khôn, ra đời làm việc gặp những người quen cũ của bố, ai cũng nhắc về ông bằng những lời trìu mến, trân trọng. Công việc của tôi cũng vì thế mà có nhiều suôn sẻ. Tôi luôn được ai đó gíup đỡ, che chở tôi trong những bước đường đời mặc dù ông đã nhận quyết định nghỉ hưu lúc tôi còn chập chững bước...
Trong kí ức của tôi, ông là một người thật khỏe và yêu lao động khủng khiếp. Hình như không lúc nào ông chịu nghỉ tay, nhà có cái sân nho nhỏ nhiều hôm ông quét đến 4-5 lần, quét đến mòn cả sân đi được. Trong nhà cũng vậy, có tí bụi thôi là quét là lau đến nỗi nền xi măng cứ sáng như gạch men kính bi giờ. Nghe mẹ tôi kể lại, hồi ấy chính vì cái nết hay lam hay làm của bố tôi mà ông ngọai mới chịu cho mẹ lấy ông (ông đã có vợ ở quê lúc ấy đã bị buộc phải lấy chồng). Những năm sau chiến tranh, lương thực thiếu thốn, cán bộ công chức ở Đắk Lắk ai cũng phải nhận đất do cơ quan cho mượn để sản xuất tăng gia kiếm thêm chút bắp, hạt gạo. Nhiều người không quen lao động chân tay, chịu hết nổi, còn ông thì nhận tuốt, ôm đến mấy suất mà làm cứ băng băng, đâu vào đấy cả, thanh niên chạy dài bởi sức ông lúc đó có lẽ phải 2-3 người khác mới làm bằng.
Tôi với bố tôi vậy chứ cũng có nét tương đồng, ví dụ như tôi giống ông như tạc, lúc đi thi đại học ông cản không cho tôi theo ngành lâm nghiệp của ông bởi khổ lắm. Nhưng học xong bên tài chính, quanh đi quẩn quẩn lại, tôi cũng cứ cái nghề rừng của ông mà mần. Ngòai ra, tôi với ông còn có thật nhiều kỷ niệm quanh cái khu vườn nhỏ tí tẹo ở nhà tôi bây giờ. Hồi đó Buôn Ma Thuột còn là một thị xã miền núi heo hút, ở các phố chính đang còn buồn thê thảm, đường xá thì vất vả nắng bụi mưa lội, nhà rẻ như cho, mua đâu không được kể cả sát Ngã 6 trung tâm. Vậy mà ông lôi gia đình ra tuốt ngọai ô, tìm mua nhà có đất để trồng rau lang, xây chuồng nuôi heo làm kinh tế phụ. Tôi lúc đó đã tương đối lớn, lớp 5 lớp 7 gì đó rồi đã bắt đầu trồi cái gien ham trồng hoa của ông ngọai nên nghe chừng cũng thích cái quyết định này của ông, nhất là khi mà trong vườn có rất nhiều cây trái thứ mà bọn trẻ con như tôi có thể nào không mê và quyết định của ông hóa ra cũng là sáng suốt vì giờ đây thành phố đông vui nhà tôi nằm giữa những khu phố Ban mê xưa nhưng vườn cực kì rộng bao người đi qua thèm muốn bảo chỗ này mà mở quán bán cà phê thì nhất xứ Cà mau rồi (À quên, Ban mê chứ). Tuy nhiên, đó cũng chính là lúc hai cha con tôi có những sự tranh chấp. Tôi thì muốn có đất trồng hoa, nhà ai có hoa gì cũng kiếm xin cho bằng được; còn ông như nói ở trên rồi, bỏ chỗ nào không trồng rau cũng tiếc. Chắc là vì thế mà miếng đất trồng hoa nho nhỏ của tôi cứ lúc thì nở ra, khi lại teo lại; giống như hình ảnh quả tim đang đập, chẳng biết thế nào mà lần. Được cái tôi cũng là người kiên trì nên cuối cùng cũng thắng, giờ cả vườn nhà tôi tòan những hoa là hoa, rau chỉ còn vài bụi lá lốt, cây ớt xanh, giữ lại cũng do trồng những lòai cây dân dã này làm cảnh đang là mốt nhưng lại cứ thấy trong lòng mình buồn buồn, mất mát làm sao ấy. Bố tôi giờ có còn hơi sức nữa đâu để mà dành đất trồng rau với tôi. Ông đã nằm liệt giường 5-7 năm nay rồi sau vài lần đi cấp cứu bệnh viện bởi bệnh nhũn não. Không hiểu tại huyết áp cao nhưng không một lần tai biến vậy mà ông cứ yếu dần, yếu dần rồi nằm liệt lúc nào cũng chẳng hay, giờ tất tần tật phải cậy nhờ cháu con, cái việc nhỏ nhất là tự lật nghiêng, ông cũng không còn tự mình làm được. Hình như là có bao nhiêu sức lực ông đã dồn hết khi trước, để nuôi dưỡng chúng tôi nên người?
Mẹ tôi đã mất, đây cũng là điều khổ cho ông vì con cháu có thương cũng không tài nào chăm sóc bằng bà chăm ông được. May mà hai anh em chúng tôi vẫn đang còn ở chung nên cũng có người mà đỡ đần. Đám cháu nhỏ con tôi thì yêu thương ông lắm, vắng nhà thì thôi chứ ở nhà thì cứ suốt ngày như chim ở bên ông ríu rít nên ông cũng ít khi phải buồn tủi. Thuốc thang đủ đường nhưng mệnh trời khó đổi, ông vẫn cứ như ngọn đèn cạn dầu giờ chỉ còn đủ cháy leo lét, có thể tắt bất cứ một lúc nào. Giờ điều tôi và có lẽ tất cả những người thân thuộc trong gia đình mong nhất vẫn là ông sẽ sống lâu cùng cháu con để làm chỗ dựa dù chỉ với yếu tố tinh thần cho mọi người.
Chúng tôi cũng thật đau lòng vì mẹ tôi mất đã nửa năm rồi, bà má vợ trước của ông ở quê cũng đã bỏ ông già 3 tháng. Vậy mà chúng tôi vẫn chẳng dám cho ông hay, sợ ông chịu không nổi cũng đi theo về vui cùng tiên tổ. Tối hôm mẹ tôi mất, chúng tôi phải dấu ông, sáng sớm sau phải đưa ông vào nương nhờ bệnh viện nơi ông vừa ra khỏi cách đó nhõn 3 ngày. Có nhiều người quen trách chúng tôi vì điều này nhưng biết làm sao được, chúng tôi không muốn mất luôn cả bố nữa. Mà không dấu sao được khi chỉ trong nửa năm vừa qua thôi họ hàng nhà chúng tôi đã có đến 3 cái tang. Ngòai mẹ và má ở quê ra còn còn có thêm ông anh cột chèo với ba tôi đi đột ngột vì cú sốc khi biết vợ mình cũng đang mang án tử do chứng bệnh đã cướp mẹ tôi đi và thời gian sống cũng chỉ còn được tính bằng ngày. Đàn ông coi vậy chứ mỏng manh dễ vỡ lắm.
Chúng tôi thực sự cũng không hiểu là bố tôi đã biết chuyện me tôi chưa vì đầu óc ông giờ cứ như đứa trẻ, lúc nhớ lúc quên. Lâu lâu hỏi bà đâu, nghe trả lời trớt quớt ông cũng không hỏi nữa, chẳng nói gì nhưng nhiều khi tôi vẫn giật mình vì hình như ông còn tỉnh lắm.
Phải chăng ông cũng đang dấu chúng tôi? Ngày xưa, khi mẹ tôi còn sống ông làm nũng ghê lắm, cứ lúc nào cũng bà, bà... Ông coi vậy chứ rất kém chịu đau, những lần ốm phải đi viện, nghe ông rên mà mấy người bệnh nằm chung phòng bỏ chạy tóan lọan. Còn đang ốm đau thế nào cũng xin chuyển phòng họac ra viện sớm. Đến nỗi ở bệnh viện chăm ông đâm sướng, cả phòng bệnh rộng mênh mông nhiều lúc chỉ có mỗi nhà mình, chẳng khác gì ở nhà. Vậy mà khi mẹ tôi mất, ông như đổi thay hẳn, ngoan và hiền bất ngờ. Cả ngày, con đặt đâu nằm đó, ngồi đó chả có ý kiến gì hết cả. Ngủ chung với ông nhiều lúc giật mình tỉnh giấc nghe sống lưng mình lạnh tóat, phải ngồi dậy ngó xem ông có còn thở hay không chẳng như hồi bà nằm chung trông ông, đêm nào cũng mất ngủ...
Có lẽ vì tất cả những điều đó mà bây giờ, những lúc nhìn ông nằm bất động, nghe tiếng chân đến mới mở mắt, nhỏen miệng cười hiền lành, lòng tôi lại như nức nở “Bố là tất cả, Bố ơi, Bố ơi…”
gia đình gia đình...
Cám ơn vì đã có những đồng cảm nha!
mình cũng yêu papa lắm !
Chúc Bạn và Bố bạn luôn khỏe vàa hạnh phúc!
uhm,hay lam,cam dog wa troi................................chuc anh ..........thoi ho chuc roi.......hj.
Xin cảm ơn, xin cảm ơn!
Bố bạn là một người đáng kính trọng quá bạn viết về bố xúc động quá đi.Chúc bạn tối vui vẻ nha !!!
Cám ơn vì lời khen. Chúc buổi tối vui vẻ!
Bố của anh thật vĩ đại. Đọc bài viết này em cũng ko khỏi xúc động. Hình như trong hình ảnh ng bố tuyệt vời của anh, em bắt gặp hình ảnh của bố em. Mọi ng bố trên thế gian này luôn vĩ đại như thế. Vậy chúng ta là con hãy luôn để trên môi bố luôn nở nụ cười nhé. Chúc anh một ngày thật ý nghĩa để có nhiều thời gian hơn nữa bên ng bố kính mến của mình.
Cảm ơn em nhé! Chúc em và gia đình sức khỏe và hạnh phúc. Đừng bao giờ làm gì để bố mẹ phải buồn nghe em.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook