Cá sấu nước ngọt hay còn gọi là Cá sấu Xiêm (cá sấu Thái Lan), tên khoa học là Crocodylus siamensis, là loài cá sấu nước ngọt có nguồn gốc ở Borneo, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.
Cá sấu nước ngọt chủ yếu ăn cá, cua và những loài thú nhỏ... Chúng giao phối trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau – lúc này, kích thước của cá sấu cái đạt tối thiểu 1,8m. Cá sấu đẻ trứng mỗi năm một lần vào đầu mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, sau sáu tháng mang thai. Số lượng trứng đẻ ra mỗi lần từ 15 – 20 quả, có khi lên tới 40 quả. Một tuần trước khi sinh, cá sấu cái lên cạn đào một hố sâu 0,5m, rộng khoảng 0,8m và đẻ trứng vào đó. Chúng thường đẻ vào ban đêm. Sau khi đẻ xong, chúng cào những cành lá khô mục lấp miệng hố lại và đắp thành mô cao đến 0,5m. Cá sấu mẹ có tập tính bảo vệ trứng. Sau 75 – 85 ngày thì trứng nở, cá sấu sơ sinh dài khoảng 200 – 300mm. Con non thường tùy nhiệt độ của môi trường mà toàn đực hay toàn cái.
Cá sấu nước ngọt thường sống ở hồ, sông, lạch, những nơi có nước lặng hoặc nước chảy chậm. Chúng còn thích sống ở đầm lầy xa các dòng nước chảy. Ở Việt Nam, chúng phân bố ở Gia Lai (sông Ba), Kon Tum (sông Sa Thầy), Đăk Lăk (sông Easúp, sông Krông Ana, hồ Lăk, hồ Krông Păk thượng), Nam bộ (Bàu Sấu vườn quốc gia Cát Tiên, sông Cửu Long). Da thuộc của loài này có giá trị thương mại cao, nên chúng bị săn bắt triệt để. Mức độ đe dọa: bậc E (Sách đỏ Việt Nam trang 234).
Cá sấu Xiêm thuần chủng nói chung không gây nguy hiểm cho con người, và không có trường hợp cá sấu tấn công người khi không bị khiêu khích nào được ghi nhận. Vì bị săn bắt cực kỳ thái quá nên loài cá sấu này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và nó được xếp vào trong danh sách các loài đang cực kỳ nguy cấp. (Theo Vi Wiki và một số nguồn khác).
Hồ Lắk và một phần lưu vực sông Krông Ana của Đắk Lắk nhà mình, ngày xưa đã từng được xem là một trong những thánh địa của loài cá to lớn này đấy. Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng chung của thế giới, đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, chúng đã biến mất tăm, không để lại một tí teo dấu vết.
Thật may đã có một chương trình phục hồi loài cá sấu nước ngọt đã được khởi động ở đây. Công trình được thực hiện bởi Ban quản lý rừng Lịch sử -Văn hóa và môi trường Hồ Lắk, một đơn vị trong ngành Nông nghiệp, nông dân nhà mình. Nó được bắt đầu với cỡ một chục con cá sấu bố mẹ được đem về từ ...Thành phố Hồ Chí Minh thì phải? và được thả nuôi trong một môi trường bán hoang dã, trên một bán đảo rộng lớn của hồ Lắk.
Chính là chỗ mà tớ đang đứng xem đây này. Hihi!
Sau gần chục năm trôi qua, cũng có những con không thích nghi được với môi trường mới đã ra đi, nhưng cũng đã có những lứa cá sấu con được ấp nở tự nhiên ra đời bù lại. Đây là ảnh cá sấu mẹ đang trông giữ ổ trứng nè. Chỉ có điều là loài cá hung thần của cá nước ngọt này lúc nhỏ lại lắm kẻ thù ra phết nên số con lớn được cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, khiến dân số cá sấu của trại nuôi này, cho đến tận hôm nay vẫn không tăng lên được dù chỉ là một xíu làm thuốc.
Nói là giống cá này không to nhưng mình nhìn cũng phát khiếp. Nhìn nó táp một phát đi luôn một con vịt mà mình hãi hãi là.
.
Thật tiếc vì lũ cá sấu con nhút nhát quá và thời gian cũng không cho phép nên tớ không có được tấm hình nào về chúng cả, chỉ toàn là ảnh cá sấu bố mẹ thôi. Lâu này tớ rất quan tâm tới chương trình này , nhất là khi nghe đã có cá sấu con để tự nhiên. Chả là cũng muốn có vài con để cho vườn Trohbư nhà mình thêm có giá ý. Tuy nhiên mãi tới tận hôm rồi mới có dịp đi tham quan học tập đấy.
Chỉ tiếc là mình không học tập được gì nhiều mà còn phải chỉ ra cho bà con ở đây một lô xích xông những cái còn ...chưa được. Nói chung công trình đang còn dở dang và nhỏ bé lắm so với những gì chúng ta có thể làm được cho sự trở lại của cá sấu nước ngọt với thánh địa của chúng ngày xưa này. Rất hi vọng công trình sẽ sớm tìm được sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn, vì Hồ Lắk và lưu vực sông Krông Ana gần đấy đã được quy hoạch để trở thành một trong những Vườn Quốc gia nước đầu tiên của Việt Nam, với mục tiêu chính chính là bảo tồn nguồn gien của loài cá sấu nước ngọt./.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook