Có một Buôn Ma Thuột thiếu quá nhiều màu xanh, mặc dù đây là thủ phủ của một tỉnh miền núi, Tây nguyên, một trong 5 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước? Quả có như vậy thật vì điều này quá rõ, ngòai một mảng xanh thật đẹp ở khu Biệt điện nay là bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk ra thì tòan bộ khu vực nội thành Buôn Ma Thuột chẳng còn co lấy một mảng xanh khả dĩ, đáng nhắc nào. Hoa viên thì nhỏ, cây cối cũng mới trồng, đường phố thì cây cũng phần lớn là trồng mới nốt.
Vậy làm gì để thay đổi điều này? là người làm Lâm nghiệp, tôi thấy đáng ra Buôn Ma Thuột phải rất đẹp và xanh mới đúng; vì đây là một thành phố miền núi, của một tỉnh được đánh giá là có thế mạnh về rừng mà. Hãy hình dung Pari thật đẹp đâu phải chỉ vì có Khải hoàn môn, có tháp Épfen mà là vì còn có cánh rừng Bô Lu Nhơ như một tấm khăn voan xanh vắt ngang thành phố. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta cũng thế, hẳn phải đẹp lên nhiều nhờ có những thảm cây rừng cổ thụ ngay giữa những khu phố Trung tâm. Nhưng buồn thay nếu nói về công viên cây xanh thì Buôn Ma Thuột lại bị đánh tiếp một điểm trừ rất nặng. Điều này thật lạ, nhưng sự thật là có lẽ cả nước chỉ có mỗi Buôn Ma Thuột là không có Công viên cây xanh? lạ vì ngày xưa nơi đây đã từng là một những buôn làng, giữa rừng già sâu thẳm. Có mấy Hoa viên nhỏ hẹp không có mấy cây xanh thì đã dồn tất cho những khu phố mới, còn Buôn Ma Thuột cũ, mỏi mắt chẳng thấy có thêm một khoảng không gian xanh nào. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ tiêu cây xanh trên đầu người, điều mà bất cứ một đô thị nào cũng phải tính toán, hướng đến cũng giống như chỉ tiêu độ che phủ bền vững của rừng đối với một vùng lãnh thổ vậy. Ở những nơi khác không có rừng thường được bù lại rất tốt bằng hệ thống cây xanh đường phố, điều này Buôn Ma Thuột lại cũng thua nốt. Nhìn lại hệ thống cây xanh ở Buôn Ma Thuột ta có thể thấy rõ một điều là phần lớn cây xanh đường phố đều mới trồng, quy hoạch thì quả là quá tệ, lôm côm; không hiểu tại sao người ta cứ thích trồng Sao, Dầu là những cây gỗ to cao vài ba chục mét dưới những đường dây điện nên một bên thì hoài công chăm bẵm một bên thì phải thêm kinh phí bổ sung cho việc đi tè ngọn, rong cành. Rồi loài cây trồng thì quay đi quẩn lại toàn những là Viết, Hoa sữa, Xà Cừ, Sao, Dầu ... y hệt khuôn mẫu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; như thế thì lấy đâu ra bản sắc Tây nguyên? Trong khi rừng Đắk Lắk có ối loài cây có thể chọn làm cây cảnh quan, cây trồng đường phố phù hợp. Chúng ta từng đem cây ra góp trồng ở Đền Hùng – Phú Thọ, Lăng Bác – Hà Nội hay Quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh; vậy tại sao ngay ở chỗ ta thì cứ phải nhất nhất rập khuôn theo các tỉnh đồng bằng ? Thiết nghĩ, chỉ cần Công ty cây xanh chịu khó một chút, chúng ta sẽ có một hệ thống cây xanh đẹp hơn nhiều. Tôi thấy thật tiếc vì khi dâng các đập thủy điện thủy lợi đua nhau khởi công mới trong thời gian qua, bao nhiêu là cây cảnh cổ thụ như Đa, Sanh, Si, Sung, Bồ đề, Lộc vừng ... nếu không bị chặt bỏ thì cũng theo nhau chảy máu ra tỉnh ngoài hết cả. Nếu như một phần nhỏ số cây đó được đem về trồng làm điểm nhấn cho các góc phố, những mảnh đất đang bị cỏ dại lan tràn trong các khuôn viên cơ quan, các công trình công cộng, Di tích lịch sử,... thì sẽ tốt biết bao và chúng ta, những người làm Lâm nghiệp cũng không phải tiếc đến chảy máu mắt vì một lượng tài nguyên rừng không được khai thác đúng mực, sử dụng hữu ích./.
Balmé 082007.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook