CÂY CACAO Ở ĐẮK LẮK
CHIẾN LƯỢC MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN NGHỀ RỪNG ?
Cây Ca cao tên khoa học là Theobroma Cacao, thuộc thứ Theobroma họ Sterculiaceae với các loài đang được nuôi trồng rộng rãi trên thế giới là Criollo, Forastero và thường gặp nhất là Trinitario là loài được lai tạo từ 2 loài trên, vốn đã được đưa vào trồng thử nghiệm từ rất sớm ở Tây nguyên, có lẽ là ngay từ những năm của thời kỳ Pháp thuộc, hiện nay rải rác vẫn còn những cây có tuổi đời từ 40-50 năm ở một số nơi trên gần khắp tỉnh Đắk Lắk. Cả trước và sau năm 1975, ở Đắk Lắk đã nhiều lần phong trào trồng Ca cao rộ lên, nhưng đều chưa thành công. Rồi diện tích đã trồng cũng ngày càng bị thu hẹp do thiếu thị trường và cả những khó khăn trong khâu sơ chế sau thu hoạch. Mặt khác ở Đắk Lắk trong thời gian những năm trước đây, cây Ca cao cũng như nhiều loại cây công nghiệp dài ngày khác, khó tìm cho mình được một chỗ đứng, vì nếu so sánh lợi ích kinh tế đem lại thì cây Cà phê đã vượt lên hẳn, để vững chân trở thành loài cây trồng truyền thống trên vùng đất đỏ bazan này. Cũng theo sách ” Cây Ca cao trên thế giới và triển vọng ở Việt Nam” của Tác giả Nguyễn Văn Uyển và Nguyễn Tài Sum ( Nhà xuất bản Nông nghiệp năm 1996), thì nguồn gốc của cây Ca cao đang gây trồng hiện nay là cây Ca cao hoang dại mọc trong những khu rừng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ. Đây là loài cây ưa bóng rợp, có khả năng chịu bóng hơn hẳn bất cứ một loài cây trồng nào, nên có thể trồng xen dưới tán của tất cả các loại vườn có sẵn, vườn rừng... Với mật độ trồng xen dưới 1.000 cây /1 ha thì hầu như ta không phải chặt bớt cây sẵn có trong vườn. Điều kiện thích hợp cho việc trồng Ca cao là nhiệt độ bình quân hàng năm từ 25 -28 độ, độ ẩm trung bình 85%, lượng mưa hàng năm khoảng 1.500 - 2.000 mm, cây Ca cao không kén đất trồng, có thể trồng ở cả những nơi đất dốc, bạc màu, ít phải tưới tắm, chăm sóc phân bón… vì vậy theo đánh giá của các chuyên gia thì Tây nguyên là một trong những vùng đất lý tưởng cho việc phát triển cây Ca cao ở Việt Nam. Với những vùng đất tốt ở Đắk Lắk, cây Ca cao có thể ra hoa, đậu quả quanh năm. Đến năm thứ 3, cây đã có thể cho thu hoạch và sản lượng bình quân có thể đạt 3kg hạt khô /1cây 5 năm tuổi. So với Cà phê thì giá Cao cao trên Thế giới trong những năm qua tương đối ổn định, thường chỉ dao động từ 1.300-1.500 USD /Tấn, hiện tại ở Đắk Lắk có một số công ty như Đăk Man… đang thu mua Ca cao hạt với giá 18.000đ – 20.000 đ đối với Ca cao hạt chưa và đã ủ lên men. Ở Đắk Lắk, trước đây Cây Ca cao đã từng được Công ty Cao su Đắk Lắk rất chú ý quan tâm, đưa vào làm mô hình thử nghiệm trồng xen trong vườn Cao su đã khép tán ,già cỗi tại vườn Cao su Km 4 Quốc lộ 19 đường đi Gia Lai, Cây Ca cao của mô hình trên phát triển rất tốt, cho năng suất khả quan, tiếc rằng khi thanh lý vườn Cao su trên theo quy hoạch mở rộng thành phố Buôn Ma Thuột về hướng đông bắc, người ta đã phá bỏ luôn diện tích Cacao này. Năm 1998 vừa qua một số Nông trường trong tỉnh cũng đặt ương Ca cao với số lượng lớn tại viện nghiên cứu Cà phê Ea Kmát, tuy nhiên không hiểu vì lí do gì, dự án trên không được thực hiện, số giống ấy bị bỏ hỏng rất nhiều...Những năm sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói chung và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nói riêng cũng có nhiều dự án hỗ trợ phát triển cây Ca cao, nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, hiện tại dự án 6.000 ha Ca cao ở Đắk Lắk cũng mới chỉ trồng được 600ha trong đó có 200 ha trình diễn , chủ yếu được trồng ở huyện Krông Ana. Còn ở hai huyện Lăk và Krông Bông vốn là những nơi có điều kiện rất thích hợp để phát triển vùng nguyên liệu thì cây ca cao vẫn chưa tìm được chỗ đứng. Cho đến nay, trên thực tế phần lớn cây Ca cao ở Đắk Lắk vẫn chỉ được trồng xen canh với số lượng ít, manh mún. Tuy nhiên lợi ích đem lại từ chúng ngày càng trở lên đáng khích lệ, đây cũng chính là nguồn cây giống quan trọng cho việc phát triển lại cây Ca cao ở Đắk Lắk về sau. Lợi ích kinh tế cây Ca cao đem lại không chỉ ở việc thu hái hạt. Cùi vỏ quả Ca cao vốn chiếm tỉ trọng rất lớn trong trái nếu được đưa vào ủ, chế biến làm thức ăn gia súc thì sẽ tạo ra lượng sản phẩm phụ đáng kể để mở rộng chăn nuôi. Ngoài ra bản thân việc phát triển cây Ca cao còn có ý nghĩa rất to lớn trong việc tìm lại sự cân bằng sinh thái đã mất do việc phát triển tràn lan diện tích cà phê thời gian qua đem lại và do Ca cao là loài cây trồng xen nên việc phát triển diện tích trồng Ca cao phải chăng sẽ góp phần không nhỏ vào giải quyết mâu thuẫn giữa tăng diện tích cây công nghiệp để phát triển Kinh tế mà vẫn kìm hãm được tốc độ phá rừng. Hiện tại nhà nước đã có nhiều chính sách mới để mở rộng nghề rừng như khuyến khích các tổ chức và cá nhân nhận đất nhận rừng, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để trồng rừng …Tuy nhiên lợi ích đem lại cho người làm nghề rừng vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho người dân chưa tha thiết lắm với việc nhận đất nhận rừng. Vì vậy ,thiết nghĩ nếu chúng ta có hướng đầu tư thỏa đáng, gắn các dự án phát triển của cây Ca cao với việc nhận đất nhận rừng theo chính sách giao khoán hưởng lợi 178 thì hiệu quả đem lại trong cả hai lĩnh vực này sẽ lớn hơn rất nhiều ?
Balmé 021999
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook