CÂY XANH – 100 NĂM BUÔN MA THUỘT

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2950
  • Tổng lượt truy cập 10,245,616

Fanpage facebook

Ngày đăng: 21/01/2013, 10:33 am

CÂY XANH – 100 NĂM BUÔN MA THUỘT

Category: Chuyện Đắk Lắk, chuyện Ban mê, Tag: Linh tinh khác
09/06/2008 11:11 pm

Tôi thực sự không hiểu tại sao hễ nếu nói đến cây xanh đô thị thì phải nghĩ đến Sài Gòn hay Hà Nội chứ không phải Pleiku hay Buôn Ma Thuột, những thành phố của Cao nguyên trung phần vốn có thế mạnh gần rừng. Phải chăng 100 năm là cái tuổi quá trẻ đối với một thành phố như Buôn Ma Thuột nếu đem so sánh với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hay khiêm tốn hơn thì cũng đã 300 năm tuổi Gia Định –Sài Gòn ?

Nếu như Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh tự tin với những hàng Sao, Dầu cao vút, thẳng tắp theo những con đường thì Hà Nội lại trầm tư, mặc tưởng với những gốc Si, gốc xanh cổ thụ, những hàng Xà cừ gốc dễ mấy người ôm … và ngoài ra, cả hai còn có một nét rất chung là những khoảnh cây xanh trong các Công sở, Hoa viên, các khu vườn thực vật như Thảo cầm viên ở Sài Gòn hay vườn Bách thảo ở Hà Nội. Vậy Cây xanh ở Buôn Ma Thuột có những gì làm vốn khi sửa soạn bước qua cái tuổi 100? Người Buôn Ma Thuột có thể tự hào với quần thể cây xanh cổ thụ tự nhiên già nua trong khu Biệt điện cũ nay là nhà Bảo tàng các dân tộc mà điểm nhấn là 2 cây Long não và 2 cây Ngọc lan trồng đối xứng ngay trước cổng vào, có thể chúng chưa phải là những cây to nhất, già nhất trong họ hàng Long não, Ngọc lan nhập nội vào Việt Nam; nhưng tạo hóa hình như đã chiều tay người trồng, hay sợ vía ông Vua Bảo Đại mà năm tháng dần trôi, chẳng cần bàn tay người chăm sóc mà chúng vẫn giữ được sự cân đối đến bất ngờ. Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì thật sự chưa đủ, đâu rồi những bóng hình xưa cũ của Đại ngàn ngày nao còn che chở, ấp ôm buôn làng của Tù trưởng Ama Thuột trong lòng? Tôi vẫn nghĩ cây xanh ở Buôn Ma Thuột có một thế mạnh mà ít nơi nào có được là đang giữ gìn được những cây cổ thụ rừng tự nhiên bản địa như Sao, Hương, Cà te, Bằng lăng, Đa, Sanh … nhưng thật đáng buồn vì có thể điểm mặt quá dễ dàng đội hình cây xanh nguồn gốc tự nhiên, gọi là có tuổi này trong thành phố: Đó là cây Đa cổ thụ trong khu triển lãm nơi đặt bia Liệt sĩ vô danh để tưởng nhớ những người chiến sĩ Nam tiến đã hy sinh vì Tổ quốc khi giặc Pháp quay trở lại gây hấn ngay sau những ngày đầu nước ta giành Độc lập, một vài cây nữa trong khuôn viên Tỉnh đội, nơi đất còn tương đối rộng rãi chưa phải chen lấn với những kiến trúc cao tầng. Rồi thì vài cây Bằng lăng, Hoa sữa ( Mò cua ) ít ỏi nằm rải rác theo trục đường Lê Duẩn , Nguyễn Du …

Nếu chúng ta nói đến cây cổ thụ tự nhiên ở Buôn Ma Thuột mà không nhắc đến cây Cà te cuối đường Lê Duẩn đoạn gần Đài phát thanh thì quả là có lỗi, nhưng cũng mắc cỡ lắm khi hình như đây đã là cây Cà te duy nhất đang còn sót ở Buôn Ma Thuột, lại được gìn giữ không phải do mọc trong khuôn viên một Công sở nào đó, mà lại là trước cửa nhà dân không lấy gì làm giàu có. Ngược lên đoạn Phan Chu Trinh qua khỏi đèn xanh đèn đỏ, cũng có một chỗ rất đáng phải chú ý, dù nó nằm dưới vực sâu so với con đường. Ngày trước hình như đây là rặng cây cổ thụ giữ nguồn nước cho Bến nước buôn Kô Thôn hay làng Ma Rin như người dân quanh vùng này thường gọi , cùng với sự phát triển của đô thị với nền văn minh “ Nước máy “, bến nước không còn tác dụng nữa, nên cây ở đây cứ âm thầm, lặng lẽ dần biến mất khỏi cõi đời. Nếu không có sự chú ý gìn giữ kịp thời thì e rằng chẳng bao lâu nữa, quần thể cây tự nhiên này sẽ chỉ còn là sự nuối tiếc trong kí ức của người Buôn Ma Thuột.

Thực trạng cây xanh tự nhiên có tuổi ở Buôn Ma Thuột như một bức tranh buồn, thế còn cây mới? Ngoài mấy hàng Sao lơ thơ cây dọc đường YJút, Quang Trung hay Phan Chu Trinh thì cây xanh cũ của đường phố Buôn Ma Thuột chẳng đáng để tự hào, khi mà ngay cả con đường Nguyễn Tất Thành vốn được coi là đẹp nhất thành phố, cũng phải cầu viện đến hàng Muồng đen, loài cây ngoài Đắk Lắk ra có lẽ chẳng ai trồng làm cây cảnh quan để làm duyên làm dáng. Những năm gần đây cây xanh đô thị ở đây tuy đã được các nhà chức trách quan tâm nhiều hơn, nhưng thời gian là một cái gì đó không thể vượt qua vì vậy chúng ta đợi đã rất lâu mà Lâm viên thành phố, dù được ưu tiên trồng bằng cây lớn vẫn cứ còi cọc như một vườn cây kiểng Bon Sai. Trong phố vốn đất đỏ BaZan màu mỡ, tưởng chừng cắm cành cũng sống, cây hễ cứ đặt xuống là phát triển vù vù, vậy mà đợi mãi cũng chưa che bóng nổi mấy tí hè đường. Được vài đoạn đường cây trồng lên tương đối đẹp thì nay lại phấp phỏng, âu lo khi phải đối đầu cùng vấn nạn Hoa Sữa trồng dầy hay Xà cừ gãy đổ … Ông điện lực thì lúc nào cũng nhăm nhe chặt bớt ngọn, sợ cây lớn quá chạm phải đường điện nhà mình. Rồi thì người dân, nhiều khi vì lợi ích cá nhân, không thích thú mấy với cái vụ trước cửa có cây xanh nên thường chăm sóc chúng bằng nước sôi hoặc cả dầu Luyn nữa. Tôi thấy có một giải pháp thực hay nhưng chưa thấy Thành phố mình nghĩ đến, phải chăng do giá đất vùn vụt leo thang, mét đất cây vàng nên không thể nào tính chuyện chơi sang cho được, nhưng thực sự mà nói nếu các Công sở được cấp đất rộng rộng một tí, có những ô phố không dành cho nhà cửa mà chỉ để trồng cây xanh như ở các thành phố lớn thì có lẽ một ngày nào đó, Buôn Ma Thuột sẽ có một một màu xanh khả dĩ hơn nhiều ./.

Balmé 1999

Ngày nay, cây xanh ở Buôn Ma Thuột đã nhiều hơn, công ty vệ sinh môi trường đô thị cũng bài bản hơn khi dùng cây qua gieo ươm lâu năm trồng đường phố. Ý thức người dân cũng cải thiện nhiều, trẻ em cũng ít nghịch phá cây cối như ngày xưa nữa. Nhưng, lại nhưng vẫn có cái sắp phải tiếc. Tôi mới phát hiện ra, Buôn Ma Thuột còn có 2 cây Cà te cổ thụ giữa khu vực trung tâm thành phố nữa. Đó là ở sau Ngân hàng nông nghiệp tỉnh và khu Hòang anh gia lai đang xây cao ốc văn phòng. 2 cây này dễ đến hơn trăm tuổi rồi, chúng lộ ra khi người ta giải tỏa 2 lô đất để xây thêm công trình mới. Nhưng buồn thay, lúc phát hiện ra cũng là lúc mất của. Chúng chắc sẽ không còn tồn tại được lâu lắm mà sẽ vĩnh viễn ra đi vì hình như đơn xin chặt bỏ chúng đã được đặt lên bàn của cơ quan chức năng được mấy tháng rồi./.

Balmé 092008

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác