VAI TRÒ BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA LỄ HỘI Ở BMT

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4802
  • Tổng lượt truy cập 11,491,427

Fanpage facebook

Ngày đăng: 18/02/2013, 03:38 pm

VAI TRÒ BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA LỄ HỘI Ở BMT

Category: , Tag:
05/29/2012 10:08 am

VAI TRÒ CỦA BẢN SẮC VĂN HÓA

VÀ ĐỀ XUẤT LỒNG GHÉP KHÔNG GIAN VĂN HÓA LỄ HỘI

TRONG QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

TS. Tạ Hoàng Vân

Ths.KTS. Đỗ Thu Vân

Phòng Nghiên cứu Lịch sử Kiến trúc-VIAP

1. Sự hình thành bản sắc văn hóa Buôn Mê Thuột - Đăklăk trong không gian văn hóa Tây Nguyên

Được coi là miền đất của “các cao nguyên xếp tầng”[1], Tây Nguyên chất chứa trong lòng mình khối di sản, di tích văn hoá phong phú và độc đáo. Đó là mảnh đất của văn hoá rừng, văn hoá nương rẫy, văn hoá cồng chiêng, văn hoá của những trường ca và các chiến binh người Thượng; vùng đất của văn hoá café và tiêu hạt; vùng đất của nghệ thuật điêu khắc gỗ thấm đẫm tính nhân bản và triết lý cuộc đời… và cũng là vùng đất có nhiều biến động to lớn về chính trị và những chuyển mình quan trọng về văn hóa - kinh tế.

Tỉnh Đăl Lăk (Darlac, Đắc Lắc) là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, phía bắc giáp Gia Lai; nam giáp Lâm Đồng, tây giáp Đăk Nông và vương quốc Campuchia; đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa. Tiếng Êđê: Đăk = nước; Lăk = hồ. Tỉnh lỵ ĐăkLăk là thành phố Buôn Ma Thuột, cách Hà Nội 1.410k. Đăk Lăk có diện tích tự nhiên 13.085 km², chiếm 3.9 % diện tích tự nhiên cả nước. Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể của Nhân loại.

Phần lớn địa bàn Đăk Lăk thuộc sườn phía tây nam dãy Trường Sơn nên địa hình núi cao chiếm 35% diện tích tự nhiên. Địa hình cao nguyên bằng phẳng nằm ở giữa tỉnh, chiếm 53% diện tích tự nhiên với độ cao trung bình 450 m. Phần diện tích tự nhiên còn lại là vùng thấp, bao gồm những bình nguyên ở phía bắc tỉnh và ở phía nam thành phố Buôn Ma Thuột. Đáng chú ý là diện tích đất đỏ Bazan rất lớn chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn quả.

Đăk Lăk có 44 dân tộc, trong đó người Ê Đêngười M'nông là những dân tộc bản địa chính. Dân tộc Êđê trước đây còn có tên là Rhadộ sinh sống chủ yếu ở Đắk Lắk phõn thành nhiều nhóm Kpă, Adtham, Krung, Mthur, Klul, Ruê, Blô, Kdrao.

Tỉnh Đăk Lăk thống nhất từ năm 1976 hình thành từ hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, có diện tích lớn nhất Việt Nam (19.800 km²), gồm thị xã Buôn Ma Thuột và 5 huyện: Krông Buk, Krông Pach (tức Krông Pak), Đăk Mil, Đăk Nông và Lăk. Số huyện tăng dần cho đến 18 huyện. Từ ngày 1/1/2004, Đăk Lăk lại được chia thành hai tỉnh: Đăk Lăk và Đăk Nông, nên số huyện giảm xuống còn 13 huyện.

Đăk Lăk là một trong số các địa danh gây nhiều tranh cãi nhất về cách viết, tùy theo góc độ nhìn nhận của ngôn ngữ học, dân tộc học hay xã hội học, có nhiều biến thể của tên tỉnh: Đắc Lắc (hay dùng nhất), Đắk Lắk, Đắk Lắc, Dăklăk, Dak Lak...

Nằm trong không gian văn hóa vùng đất Tây Nguyên - nơi mà gần như duy nhất của Đông Nam Á không chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ.[2] Vì vậy có thể coi đây là vùng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo nhất nước ta. Trong phân vùng văn hóa, các nhà nghiên cứu khẳng định Tây Nguyên là một trong bảy vùng văn hóa lớn của Việt Nam - “nơi gặp gỡ của nhiều luồng dân cư, nơi giao lưu văn hóa của nhiều tộc người, do vậy các tộc người Tây Nguyên và văn hóa Tây Nguyên là bức thảm nhiều màu sắc”.[3]

Đăk Lăk nằm ở miền Trung Tây Nguyên - trong đó Buôn Mê Thuột là thành phố tỉnh lỵ đồng thời là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên - một trong số 7 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Trong lịch sử, thành phố Buôn Mê Thuột gắn liền với sự hình thành các buôn làng và không gian văn hóa độc đáo của vùng đất Tây Nguyên là cội nguồn cho sự phát triển thành phố Buôn Ma Thuột như ngày nay. Nằm giữa vùng đông dân nhất Tây Nguyên, độ cao 536m với những thuận lợi về địa mạo, địa lý và văn hóa, đây là một thành phố có vị trí chiến lược đặc biệt về an ninh quốc phòng cấp quốc gia.

Buôn Ma Thuột thủ phủ của vùng đất Tây Nguyên được biết đến là vùng đất thiên nhiên hùng vĩ, cái nôi của văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ, mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo và đồ sộ còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa độc đáo

Buôn Ma Thuột là một trong những địa điểm còn dấu vết của thời đại đồ đồng có niên đại 2000 năm và dấu vết nền văn hóa Chămpa trước đó vì thế những giá trị văn hóa tạo nên bản sắc của thành phố này là sự đan xen hài hòa giữa yếu tố vật thể và phi vật thể của nhiều lớp tầng văn hóa và nhân học.

Chính những đặc điểm về địa chính trị - địa văn hóa này là cơ nguyên cho sự hình thành một bản sắc văn hóa của thành phố vùng cao - hạt nhân của vùng Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột cũng là nơi khởi nguồn của nhiều lễ hội văn hóa, nơi hội tụ và thẩm thấu nhiều giá trị phi vật thể vô giá của vùng cao nguyên này. Nói tới Buôn Ma Thuột là nói tới những giá trị phi vật thể mang đơm tính bản địa, tộc người, tính địa văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo.

2. Những đặc trưng văn hóa Tây Nguyên hiện diện trong không gian kiến trúc thành phố Buôn Ma Thuột

a. Văn hoá là một trong những tiêu chí đầu tiên được đề cập tới khi đánh giá những giá trị đặc trưng của một dân tộc/tộc người. Nó cũng là thành tố quan trọng ảnh hưởng xuyên suốt chiều dài lịch sử, xã hội, kinh tế của dân tộc đó. Chúng tôi nhấn mạnh điều này, bởi những thay đổi từ truyền thống đến hiện tại của Tây Nguyên nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk nói riêng vẫn để lại những độc đáo riêng biệt nhất của đặc tính nhân văn, tính bản địa ở nơi đây.

Các nhà dân tộc học gọi các cư dân bản địa ở đây là “người Thượng” để chỉ lớp cư dân cư trú từ trước thế kỷ XVIII. Sau phong trào Tây Sơn, vùng Tây Nguyên đã nhập thêm một số lượng lớp các dân tộc từ miền Bắc chuyển vào: Tày, Nùng, Dao, Hmông, Thái, Mường… đông đảo nhất là người Kinh. Họ phân bố rộng rãi trên khắp các khu vực thuận lợi, trù phú (đặc biệt là ở các thành phố Đà Lạt, Plây ku, Buôn Ma Thuột…)… tạo nên những giao thoa trong văn hóa và lối sống.

Tuy nhiên, văn hóa của vùng Xứ Thượng/ miền Thượng/ người Thượng/ vùng Thượng vẫn được dùng/được coi là một đặc trưng truyền thống văn hóa tộc người của đất Tây Nguyên. Chính vì thế, điều khiến cho những biến đổi của Tây Nguyễn dù có đậm đặc ra sao thì vùng đất này vẫn mang tính khu vực “lịch sử và dân tộc học” hay “khu vực lịch sử - văn hóa”. Với địa hình bắc và nam Tây nguyên có thể coi đó là một tiểu vùng văn hóa.

Tơ ring/Kring là tên gọi chung của đồng bào Thượng chỉ một khu vực cư trú rộng. Mỗi làng có tên gọi riêng. Tên gọi được đặt theo đặc trưng từng vùng phù hợp với địa danh nơi đó (tên suối, thác, rừng, đồi gò, tên người hay dòng họ... hoặc đặc điểm cư trú hay lịch sử lập làng..). Truyền thống này được người Tây Nguyên coi trọng đến nay. Làng bao giờ cũng được định vị hợp lý theo tập quán cổ truyền. Nhìn chung, họ đều có nguyên tắc chung: gần nguồn nước sạch, cao ráo, thoáng đãng, nơi ở và nơi canh tác gần nhau để dân làng có thể khai thác rừng được lâu dài.

b. Thử nhìn lại các giai đoạn quy hoạch Buôn Ma Thuột ở thế kỷ trước (1905 - 1930), đánh dấu sự tác động có ý đồ của chính quyền vào không gian đô thị vốn nguyên sơ, một vùng dân cư tương đối tập trung. Việc chuyển lỵ sở từ Buôn Đôn và Buôn Ma Thuột (1904) là bước đầu cho sự hình thành một thành bộ máy cai trị mới.

Cùng với sự thâm nhập của người Pháp và việc hình thành những con đường quốc lộ đầu tiên, tăng nhanh do việc ban cấp các nhượng địa cho “người ngoại quốc” từ năm 1926 - 1950, việc nhân rộng các đồn điền được khai khẩn, việc định cư các buôn làng trước kia vốn khá cơ động, sự phát triển không ngừng của thủ phủ Buôn Mê Thuột - nơi tập trung nhiều người Êđê trú ngụ và dần quen thuộc với lối sống thành thị.

Ngày 2/7/1923, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định tách Đăklăk ra khỏi tỉnh KomTum để thành lập tỉnh Đăk Lăk đặt tại Buôn Ma Thuột dưới quyền cai trị của công sứ người Pháp là Léopold Sabatier[4]. Vị công sứ này đã ra sức xây dựng bộ máy chính quyền tương đối hoàn chỉnh của thực dân gồm toàn người Êđê thực hiện chính sách “dùng người Thượng trị người Thượng”. Nếu nhìn quy hoạch của Sabatier năm 1918 có thể nhận thấy sự hiện diện của các thôn/khu vực Rhadé (Hameau Rhadé; quartier Rhadé được ghi rất rõ trên bản đồ) xung quanh là các  khu vực dành cho các cơ quan, công sở chính quyền và trại lính.

Quy hoạch này đều bán lấy sông Ea-Tam. Diện mạo của Buôn Ma Thuột đã thực sự được định hình rõ nét. Việc tách biệt các vùng dân cư vốn trước đây tương đối tập trung dần xa khỏi không gian đô thị và nhấn mạnh một vai trò đô thị hành chính, quân sự và dịch vụ. của  một trung tâm hành chính, quân sự và dịch vụ  kể từ năm 1904 đến năm 1930. Có thể thấy ý đồ của viên cai trị dân tộc ít người nổi tiếng nhất trong hệ thống thực dân Pháp trên thế giới qua quy hoạch này đã rõ ràng.

 

 

Bản đồ quy hoạch 1905-1930 của Sabetier

 

Trong những lần quy hoạch trước (Quy hoạch chung (QHC) thị xã Buôn Ma Thuột giai đoạn 1990-2010; QHC thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 1997-2010) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt không gian văn hóa lễ hội chưa được đề cập đến, bên cạnh đó nhiều không gian kiến trúc đặc trưng của khu trung tâm còn thiếu sự kiểm soát và quản lý.

Các điểm nhấn không gian của thành phố




Các không gian kiến trúc trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết và nhiều công trình có nguy cơ phá vỡ cảnh quan đô thị, đặc biệt là việc xây dựng xen cấy làm mất dần một diện mạo đô thị vốn mang tính đặc trưng tuyến phố là nguyên nhân làm mai một các buôn làng truyền thống trước đây.

Vì vậy, vấn đề đặt ra cho lần QHC đến năm 2025 cần thiết phải tạo lập không gian văn hóa lễ hội xen kẽ trong không gian của thành phố như một phần tất yếu tạo bản sắc của một thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh thành phố Buôn Mê Thuột còn có hệ thống đô thị vệ tinh nhỏ đang phát triển như Krông Păk, Krông Búk (phía Đông); CưM’ga (phía Bắc); bản Đôn (phía Tây) và Cư jút (phía Nam).

Trên các trục/tuyến đường lớn của đô thị có sự kết nối của 7 buôn làng Êđê (buôn Akôthôn; buôn Pămlăm; buôn KôSier, buôn CămLeo; buôn Ale B; buôn Ki; buôn Ale A) trong khu trung tâm nằm và bám theo các con đường quan trọng hỗ trợ cho đô thị hạt nhân Buôn Mê Thuột và thúc đẩy với các vùng nông thôn đang phát triển.

 

Bản đồ phân bố các buôn làng Êđê trong tp. Buôn Ma Thuột

Sự chuyển đổi hình thái không gian đô thị Buôn Mê Thuột có yếu tố căn bản và văn hóa dân tộc bản địa. Điều chỉnh QHC lần này xác định tính chất thành phố Buôn Ma Thuột[5] là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, trung tâm văn hóa xã hội của tỉnh và là đầu mối giao thông liên vùng về văn hóa  xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong nước và quốc tế.

Trong khi tỷ lệ đồng bào dân tộc ngày càng chiếm ít khoảng 14% (người Êđê chiếm 10,49%) thì những đặc trưng văn hóa của các dân tộc này càng có nguy cơ bị đe dọa, đây mới là cộng đồng dân tộc tạo nên nét đặc thù về văn hóa của thành phố. Do vậy không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê là một nét đặc thù phải được nhấn mạnh trong cấu trúc hình thái đô thị Buôn Ma Thuột. Khác với các dân tộc ở Tây Nguyên, người Êđê không có nhà Rông mà chỉ dựng nhà sàn dài. Vì thế, ngôi nhà sàn dài nhất của buôn cũng chính là ngôi nhà cộng đồng, nơi ở của già làng, nơi lưu giữ và diễn ra các lễ hội, tín ngưỡng cộng đồng của họ.

Nhà dài Êđê ở buôn Akôthôn, VIAP, 2008

Điểm nổi bật của văn hóa xứ cafe này là văn hóa lễ hội nhà dài, văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa ẩm thực, văn hóa sử thi, văn hóa luật tục, văn hóa cộng đồng... các loại hình văn hóa này vốn không tồn tại độc lập mà luôn được dung dưỡng trong một môi trường văn hóa bản địa. Để thấy rằng, những giá trị văn hóa được hội tụ trong không gian kiến trúc của thành phố Buôn Ma Thuột là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng quy hoạch không gian phát triển đô thị. Vì vậy, bảo tồn - phát huy - khai thác các yếu tố văn hóa vốn có lồng nghép trong trong một tổng thể đô thị phát triển sẽ là điểm nhấn bản sắc quan trọng của thành phố.

c. Là một phần của văn hóa dân gian Tây Nguyên, văn hóa Đăk Lăk mà cụ thể là văn hóa Buôn Ma Thuột là cái nôi của các loại hình văn hóa dân gian vì vậy nó hình thành một thiết chế văn hóa, một không gian văn hóa rất riêng biệt. Khái niệm “Văn hóa buôn làng” vẫn có ý nghĩa và giá trị sâu rộng trong cả một không gian đô thị luôn gắn chặt với sinh hoạt cộng đồng làng xã như ở đậy.

Có thể nhận thấy các lễ hội truyền thống của cả vùng Tây Nguyên đều hiện diện ở Buôn Ma Thuột với nhiều góc độ khác nhau.

 

Ä Kể từ các lễ hội truyền thống lâu đời như:

+ Lễ hội đua voi: tổ chức vào tháng 3 hàng năm tại Bản Đôn, h. Buôn Đôn. Tuy nhiên, các hoạt động lễ hội khác của người Êđê ở Buôn Ma Thuột, voi và cồng chiêng là 2 yếu tố quan trọng xuất hiện trong bất kỳ một lễ hội hay lễ kỷ niệm nào.

+ Lễ cúng bến nước: là một nghi lễ quan trọng của người Êđê, biểu tượng cho nguồn sống, sinh sôi và no đủ. Các buôn làng ở Buôn Mê Thuột hiện vẫn còn giữ nguyên các bến nước này, tuy nhiên một số nơi đã bị thay đổi thành khu du lịch (như bến nước buôn Akôthôn)

Bến thước buôn Akôthôn, VIAP 2008

+ Lễ đâm trâu là lễ hội lớn và đặc trưng nhất hiện còn rất ít các dân tộc thiểu số còn giữ lại.

+ Lễ mừng lúa mới là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của người vùng cao cầu mong mùa làng thuận lợi và tạ ơn các vị thần.

+ Lễ bỏ mả chỉ còn giữ lại trong lối sống và sinh hoạt của người dân tại các buôn làng.

Ä Đến các lễ hội mang màu sắc truyền thống trong không gian hiện đại, được tổ chức theo một quy mô mới:

+ Lễ hội cồng chiêng: được tổ chức luân phiên tại các tỉnh có văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt đội chiêng buôn KôSier nổi tiếng với các nghệ nhân “thiện chiến”.         Lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 là sự mở đầu cho một kiểu văn hóa buôn làng với vai trò như một “nghi lễ sống” được chuyển hóa gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân dưới hình thức “lễ hội đường phố”, vì vậy không gian của cồng chiêng không chỉ dừng lại ở các buôn làng mà nó đúng như tinh thần của văn hóa là sự thắt chặt, gắn bó giữa con người và văn hóa.

 

Lễ hội cồng chiêng diễn ra trong không gian đường phố trước Nhà văn hóa thành phố.

Lễ hội công chiêng tổ chức trong

không gian buôn Akôthôn

Không gian lễ hội phù hợp cho hình thức này có thể ở trong các ngôi nhà dài ở các buôn làng trong thành phố hay các diễn xướng cộng đồng có tổ chức ở quảng trường khu trung tâm.

+ Lễ hội cafe: nhằm tôn vinh hình ảnh thủ phủ cafe Buôn Mê Thuột. Thưởng thức cafe Ban Mê đã trở thành một hình thức văn hóa sống của người dân. Từ năm 2005 các hoạt động của lễ hội cafe mang cấp Quốc gia còn được kết hợp với các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi với hình thức giao dịch trực tuyến với thị trường thế giới.

 

Lễ hội cafe được tổ chức ở ngã 6 Ban Mê

Không gian làng cafe Trung Nguyên được xây dựng dành riêng cho hoạt động này. Trong định hướng quy hoạch việc gắn kết không gian buôn làng và thành thị cần phải nhấn mạnh các không gian phù hợp với từng đặc trưng của các lễ hội.

 

3. Lồng ghép không gian văn hóa lễ hội trong quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột.

Nếu coi Buôn Ma Thuột theo ý nghĩa thổ ngữ của sắc tộc Rhadé là làng/ấp của cha Thuốt (Buôn = làng/ấp; Ma = cha; Thuốt = tên con vị tù trưởng Êđê) thì cấu trúc hình thái của thành phố cũng tựa như một buôn làng với đặc trưng tiêu biểu bố cục làng bám theo những cánh rừng và dòng nước (sông Ea-Tam). Thành phố còn hiện diện rõ 3 không gian tương ứng với 3 khu vực:

+ Khu vực truyền thống - không gian truyền thống: đó là nơi tập trung nhà cộng đồng, khu vực sinh họat văn hóa chung của buôn làng còn được giữ lại. Nơi còn lưu giữ lại các hoạt động văn hóa lễ hội của các dân tộc bản địa. Khu vực này để chỉ 7 buôn làng hiện nằm xen kẽ và là một phần trong cấu trúc của thành phố Buôn Ma Thuột. Các hoạt động văn hóa lễ hội diễn ra chủ yếu ở đây.

Không gian rộng trước Biệt điện Bảo Đại

 

+ Khu vực cũ - không gian trung tâm: nhằm để chỉ khu trung tâm đô thị được hình thành từ năm 1905 và được định hình vào năm 1930 theo quy hoạch của công sứ Sabatier. Dấu vết của các công trình kiến trúc còn lại như khu Biệt điện Bảo Đại, nhà đày Buôn Ma Thuột, Tòa Giám mục, đình Lạc Giao, Chùa Sắc tứ Khải Đoan, dấu vết của các ngôi nhà gỗ của thế kỷ trước...vv và hệ thống các trung tâm thương mại dịch vụ được hình thành ở thời kỳ này. Khu vực này được sử dụng để tổ chức các sinh hoạt văn hóa lễ hội kỷ niệm lớn.

+ Khu vực mở rộng - không gian mới: có thể thấy sự xuất hiện của các loại công trình kiến trúc mới vì thế khu vực cư trú mở rộng thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội Các công trình này nằm rải rác bám theo trục đường giao thông chính hoặc trục quốc lộ. Trong làng được chia thành các ô bàn cờ, điểm nối là những con đường nhỏ. Để thấy đã có những thay đổi sâu sắc trong quy hoạch cụm dân cư ở miền cao nguyên.

 

 

Quảng trường 10.3

Với 3 không gian như đã nêu trên thì cấu trúc hình thái đô thị Buôn Ma Thuột đã thể hiện sự chuyển biến không gian văn hóa tương ứng với những quy hoạch và công trình kiến trúc. Những đặc trưng của mỗi loại hình lễ hội được sử dụng trọng những không gian khác nhau của thành phố Buôn Ma Thuột để thấy  không gian văn hóa lễ hội cần được lồng ghép trong không gian kiến trúc đô thị.

Việc UNESCO công nhận di sản phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng không chỉ vì ý nghĩ của một kiệt tác truyền khẩu của một vùng đất mà là vì nó được bảo tồn và sống động trong một không gian văn hóa cộng đồng. Để thấy rằng, việc lồng ghép các hoạt động lễ hội truyền thống ở Buôn Ma Thuột vào trong các không gian đô thị, vào các khu/cụm di tích sẽ thực sự hiệu quả thu hút thăm quan du lịch và mang tính giáo dục xã hội cao.

Hầu hết các điểm di tích này đều là những điểm nhấn trong trọng của thành phố và nằm trên các tuyến phố chính dẫn vào khu trung tâm, được phân bố đều trên trục chính của thành phố theo hướng đông bắc - tây nam.

Đề xuất một số không gian lý tưởng đáp ứng nhu cầu văn hóa lễ hội truyền thống của thủ đô. Một số địa điểm quan trọng có thể diễn ra các không gian văn hóa lễ hội của quy hoạch chung của thành phố:

+ Ngã 6 Ban Mê - một biểu tượng của thành phố và cũng là địa điểm thuận lợi có thể diễn ra các hoạt động lễ hội, kỷ niệm lớn.

+ Quảng trường 10.3: hiện là nơi tập trung nghỉ ngơi, vui chơi của người dân thành phố. Thành phố cũng cần phát triển những không gian quảng trường

Lê hội cafe diễn ra ở quảng trường 10.3

mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị (vui chơi của người dân, tổ chức các lễ hội cộng đồng...vv)

+ Khu biệt điện Bảo Đại (1914): có một không gian cây xanh, kiến trúc đẹp và lưu giữ các hiện vật truyền thống của đồng bào dân tộc ở đây... là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động diễn ra trong khuôn viên này.

+ Hệ thống công viên cây xanh tự nhiên nằm cận kề trung tâm thành phố về phía Đông là các khu rừng cao su, rừng tếch là địa điểm “xanh” có thể sử dụng cho các hoạt động văn hóa truyền thống, giáo dục, nghỉ ngơi cuối tuần.

+ Các buôn làng của đồng bào dân tộc Êđê nằm ở trong khu vực thành phố (làng đô thị) như Kô Se, PămLăm, Akothông cần được đầu tư thành các làng truyền thống tiêu biểu cho các làng đô thị của đồng bào Tây nguyên. Một số buôn Êđê nằm ngoại ô vẫn còn duy trì phong tục ăn ở sinh hoạt truyền thống cần có chủ trương chính sách gìn giữ để đồng bào tiếp tục duy trì môi trường sống này.

Một số những địa điểm lý tưởng đáp ứng được việc tổ chức các lễ hội trong không gian rộng rãi, phù hợp cho việc kết hợp các nghi thức với triển lãm quảng bá sản phẩm và giáo dục cho người dân như: Hoa viên thành phố, Công viên nước Thành phố, Làng cafe Trung Nguyên...

 

Bản đồ các điểm du lịch tiêu biểu của thành phố

*

*            *

Có thể thấy, sự chuyển biến hình thái không gian nói chung và sự hình thành của đô thị Buôn Ma Thuột là cả một quá trình tiếp biến các sắc màu văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nguyên. Từ đó định hình một bản sắc văn hóa riêng biệt của một vùng đất mà có thể nhận diện rất rõ qua những không gian chung của đô thị. Vai trò của văn hóa được khẳng định trong đô thị Buôn Ma Thuột đó chính là không gian mang đậm hương vị đặc trưng của những sản vật, của văn hóa tộc người, của đặc trưng địa hình địa mạo...vv tất cả được hiện diện và thẩm thấu qua những lễ hội. Trong định hướng phát triển không gian của thành phố Buôn Ma Thuột với vai trò thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn những không gian đặc trưng của đô thị thì việc lồng ghép các không gian văn hóa lễ hội sẽ có ý nghĩa kết nối và tôn vinh bản sắc của đô thị Buôn Mê Thuột.

Tài liệu tham khảo

 

1.  Nguyễn Bá Đang (chủ nhiệm). Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam theo quan điểm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Viện Nghiên cứu Kiến trúc, Bộ Xây Dựng, Hà Nội 2001.

2.  Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng, Vũ Đình Lợi. Đại cương về các dân tộc Ê đê - M’nông ở Đăk Lăk, Nxb KHXH, Hà Nội 1982.

3.      Ngô Văn Lý, Nguyễn Văn Diệu. Tây Nguyên tiềm năng và triển vọng, Nxb Tp.HCM, 1992.

4.  PGS.TS.KTS. Đỗ Hậu. Mô hình và giải pháp quy hoạch - kiến trúc các vùng sinh thái đặc trưng ở Việt Nam. Trường ĐH KTHN, Hà Nội, 2003.

5.  Olivier Tessier. Một cái nhìn về con người Tây Nguyên qua phông ảnh của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, T/c Xưa nay, số 300, 2008.

6.  Quyết định 1181/QĐ-TTg ngày 7/9/2006 V/v: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăklăk đến năm 2050

7.  Chu Thái Sơn. Ngôi nhà dài ngày nay của người Ê đê, T/c DTH, số 4, 1980.

8.  Nguyễn Đình Toàn (chủ nhiệm). Dự án Điều tra, đánh giá giá trị nhà ở các dân tộc ít người miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, VIAP, 2008

9.      Ngô Đức Thịnh. Thực trạng bảo tồn văn hoá Tây Nguyên, T/c Cộng Sản, số 5, 2003.

10.        Ngô Đức Thịnh. Văn hoá dân gian Êđê, Nxb VHDT, Hà Nội 1993.

11.  Ngô Đức Thịnh. Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên, NXB Trẻ 2007, Tr 467

12.  Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, 1995

13.  Nguyễn Khắc Tụng. Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb XD, H 1996, tập 2.

14.  Nhiều tác giả. Một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Nxb KHXH, Hà Nội 2002.

15.  Nhóm Nghiên cứu Hội KTS Đăk Lăk. Đi tìm bản sắc đô thị thành phố Buôn Ma Thuột. T/c KT - số 4 (102), 2003.

16.  Viện Dân tộc học. Sơ lược lịch sử Tây Nguyên (chế bản năm 2004).

17.  Shroch J.L and Others. Minority group the Repuplic of Vietnam, Department of the Army, 1966

 



[1] Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam

[2] Ngô Đức Thinh, Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên, NXB Trẻ 2007, Tr 467

[3] Ngô Đức Thinh, Sđd 466

[4] Theo GS.TSKH Phan Đăng Nhật: Léopold Sabetier là người có công nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian Tây Nguyên, cụ thể là dân tộc Êđê. Ông đã có công sưu tầm và dịch, công bố sử thi ĐămSan và in 2 lần (Paris 1927, Hà Nội 1933). Ông cũng là người mở đầu cho việc sưu tâm, dịch và công bố luật tục Êđê. Việc này đã được toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier nêu gương, khuyến khích người Pháp làm theo. Từ đó nhiều luật tục của các dân tộc Tây Nguyên khác được người Pháp công bố: Bana, Jrai, Mạ..

[5] Quyết định 1181/QĐ-TTg ngày 7/9/2006 V/v: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăklăk đến năm 2050


Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác