Trường ca Đam San

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 9906
  • Tổng lượt truy cập 10,282,513

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/01/2013, 09:06 am

Trường ca Đam San

Category: Văn hóa Tây nguyên, Tag: chế độ mẫu hệ,Linh tinh khác,Tây nguyên,trường ca,tục nối dây
10/17/2008 04:39 pm

Trường ca, Đam san hay Bài ca về chàng Đam San là 1 trong 7 bản trường ca, sử thi của người Ê Đê được tìm thấy, sưu tầm và in thành sách và được các nhà sử học đánh giá rất cao. Nhân vật chính trong bản  trường ca, sử thi là một người anh hùng trong truyền thuyết của người Ê ĐêTây nguyên tên là Đam San.

Tác phẩm được nhiều người sưu tầm, tuy lời kể có khác nhau ít nhiều, nhưng cốt truyện tương đối giống nhau. Sử thi đã được in thành sáchtái bản nhiều lần. Hãng phim Giải phóng đang dự định dựng phim truyện dựa theo sử thi này. Một số bài hát đã được sáng tác lấy cảm hứng từ sử thi Đam San.

Theo tục nối dây, chàng Đam San phải lấy hai chị em Hơ Nhí và Hơ Bhí làm vợ, vì không chịu làm theo, chàng đã bị giàng lấy ống điếu gõ vào đầu 7 lần làm cho chết lịm. Sau khi được giàng làm cho sống lại, Đam San đã phải làm theo phong tục và trở thành một vị tù trưởng giàu mạnh, danh tiếng trong vùng. Vì đánh thắng được nhiều tù trưởng khác và bắt được nhiều nô lệ, với bản tính ngang tàng, coi thường thần linh; Đam San đi chặt cây thần sơ-múc, cây đổ đè làm chết cả hai người vợ. Đam San lại vác rìu đi lên trời, cầu xin Trời cứu sống hai người vợ yêu và sau đó lãng mạn hơn nữa là hành trình đi bắt Nữ thần Mặt Trời để làm vợ lẽ

(Bài viết đã tham gia cho Vi Wiki)

Bài ca chàng Damsan.- Một tác phẩm tráng lệ của phôn-clo Êđê, được Sabatier sưu tầm ngày trước, đáng được đặc biệt chú ý; nó rất xứng đáng với công trình tuyệt diệu viết về nó . Ðấy là Bài ca chàng Damsan, chàng trai đẹp đẽ chẳng chịu thỏa mãn với bất cứ điều gì.
Chủ đề cơ bản của trường ca này là nhu cầu của con người muốn vượt thoát lên nảy sinh từ cảm giác không thỏa mãn, biểu hiện trong cuộc rượt đuổi theo mặt trời của chàng. Có thể dùng một từ để nói về bài ca này: sorsum
Và sau đây là lý do:
H ni, cô gái đẹp ở xứ Êđê, tìm người bạn đời xứng với nhan sắc của mình. Nàng nhớ ngày trước có hẹn ước với chàng Damsan hiển hách, là hậu duệ của các vị Tổ tiên trên trời. Ðấy là vị lãnh chúa xứng đáng với nàng. Người anh hùng này để cho nàng phải van nài, và cuối cùng nhận lời. Chàng đến sống ở nhà H ni, trở thành một ông hoàng hùng mạnh, nổi tiếng khắp nơi vì rất giàu của cải và các ghè rượu.
"Hãy đánh vang lên tiếng chiêng nhịp nhàng, hãy đánh thật êm, cho điệu nhạc vang xa khắp xứ. Hãy đánh lên, tiếng chiêng luồn qua dưới sàn nhà, dâng lên cao và thoát ra từ các xà trên mái nhà; cho con khỉ Hua quên cả nắm lấy cành cây; cho các ác thần và các phù thủy quên làm hại con người; cho con rắn mang bành cuộn mình trong hang phải bò ra nằm dài; cho con hươu phải dừng lại, lắng nghe; cho con thỏ phải ngồi yên dựng ngược tai lên; cho con hoẵng phải dừng lại, trương cổ ra mà quên cả gặm cỏ; cho tất cả đều chỉ còn có thể nghe đến tràn ngập tiếng chiêng nhịp nhàng của Damsan"
.

Dù chàng không thể tìm được người vợ nào đẹp hơn nữa, nhưng Damsan vẫn chưa vừa lòng. Chàng muốn được nhiều hơn nữa; chàng cũng không biết rõ mình muốn gì. Chàng bỏ nhà ra đi; các bà vợ cưỡi voi đi tìm chàng. Chàng trở về, gần như là chẳng theo ý muốn. Rồi lãnh chúa Ðại bàng và lãnh chúa Sắt thay nhau bắt mất vợ chàng; đi cướp lại H ni, Damsan lại tiếp tục cuộc chiến đấu vì lý tưởng vượt thoát lên của chàng. Nhưng trở về rồi, hạnh phúc vẫn không thể kéo dài; Damsan lại phải ra đi. Lần này, chàng định chặt cây đa; H ni tìm được chàng và van xin chàng đừng chặt vì như thế sẽ mang lại tai họa; quả thật đây là cây thiêng. Damsan muốn ít ra cũng hái được một cái hoa trên cây đó; nhưng đóa hoa cứ liên tục tuột khỏi tay chàng. Chàng đuổi theo, lên cao, lên cao mãi, vượt khỏi cái cây, lên đến trời. Quay xuống, chàng đốn ngã cây; H ni ngã xuống chết. Damsan lao tới và chính đóa hoa của cây đa đã làm cho H ni hồi sinh, nàng H ni mà người ta đã bắt đầu khóc than thương tiếc, người con gái đẹp nhất xứ Êđê.
"Cổ tay trái, nàng đeo một chiếc vòng vàng, cổ tay phải, nàng đeo một chiếc vòng đôi; thân thể nòng óng ánh như một chiếc khiên bằng đồng thau. Búi tóc nàng trĩu xuống theo kiểu đàn bà Mnông, và cao theo kiểu đàn bà Êđê; một món tóc dựng ngược lên trên... Nàng bước đi, đong đưa uể oải, tóc đều và chải đẹp, búi tóc láng và bóng loáng, to hơn cái núm chiêng. Mỗi bước nàng bước đi, váy nàng lại phồng lên như con gà mái xù lông bảo vệ đàn con; mỗi bước lại nghe sột soạt như tiếng những con chim m lang và khiến các vỏ thóc bay lên". Hãy chú ý sự quan sát tinh tế và chính xác trong các hình ảnh này.
Nhưng Damsan phải còn vượt lên nữa đến mức tiêu tán. Chàng đi về phía mặt trời đang lên, một cuộc rong ruổi vĩ đại trên lưng ngựa đuổi bắt mặt trời. Mặt trời, gần như chàng đã đuổi bắt được, đang lên từ từ. Con đường dưới chân Damsan tan biến đi và chàng bị hủy diệt; chàng biến mất dưới mặt đất hút lấy chàng và lại trả chàng trở lại. Chàng tái sinh trong hình hài đứa bé do nàng H Ang, người chị em họ của chàng đang mang thai, được báo mộng.
Tất cả những điều đó được kể, đúng hơn là được hát với một niềm hứng cảm nghệ thuật và một lòng thành kính tôn giáo độc nhất vô nhị. Các trường đoạn của bài thơ, là những câu có nhạc đúng hơn là những câu thơ đều đặn, lặp đi lặp lại, đuổi theo nhau, bừng nở, theo cái nhịp điệu mà chúng tôi đã phân tích trên kia, hết sức giàu biểu tượng:
"Tóc nàng dày đến nỗi chúng ngăn những con phù du đang bay; tóc nàng dài đến nỗi, xõa ra, chúng chảy xuống đất như thác và tỏa bóng như những nhành cây knia rậm rạp, thân nàng uyển chuyển như những cành cây blo nặng trĩu, thân hình nàng mềm mại như một ngọn cây uốn mình trong gió. Váy nàng dài đến nỗi nàng đã đi tận nơi xa mà váy vẫn còn ở đây; nàng bước đi uy nghi, ngực ưỡn ra phía trước, dừng lại trên mũi chân vừa đặt xuống, trong khi gót chân kia vừa đưa lên, và nàng đứng lặng lại một chút như vậy để cho người ta được chiêm ngưỡng. Nàng đi như con đại bàng bay lượn, như con kền kền lướt đi trong không trung, như nước chảy..."


Ở đây không chỉ có giai điệu tạo nên tầm cao lớn của Bài ca chàng Damsan, mà có lẽ còn hơn thế nữa, đấy là sự trải nghiệm siêu hình mà nó biểu lộ ra. Con người, không thỏa mãn với những điều kiện sống hiện tại của mình, hướng toàn bộ sức lực của mình tới sự vượt thoát. Xu hướng đó có thể tìm thấy trong tôn giáo của tất cả những người Nguyên thủy. Damsan, người hát lễ và thính giả của nó thông tiếp trong niềm thích thú này. Bài thơ biểu hiện một định mệnh, dường như đè nặng lên trái tim Damsan, lại giúp chàng thực hiện được lý tưởng của mình; chàng phải luôn luôn xa cách H ni; nhưng chàng cũng phải luôn luôn đi tới phía trước, thậm chí chàng phải bị tiêu tán đi. Và sự tiêu tán đó chỉ là điều kiện cho một cuộc tái sinh, bởi vì chu trình phải tiếp diễn, cũng như chu trình của Tự nhiên, của đất đai và cây cỏ. Cái Cây đã kéo Damsan về trời, Ðất lại trả chàng về với đời, sinh ra chàng trong một cuộc hóa thân mới.

at 12/19/2009 08:08 pm comment

Đam San đúng là một kiệt tác văn học, đó là vẻ đẹp của một nền văn hóa,chứa đựng trong đó thế giới quan tôn giáo, quan niệm sống về con người của người Ê Đê . Nền văn hóa đó rất gần gũi với nền văn hóa cổ của nước mình trước đây. Đọc Đam San,ta cảm thụ được cái hay của một nền văn hóa,những tri thức to lớn trong đó chứ không phải đơn thuần là hình ảnh về người anh hùng Đam San. Nét độc đáo,lôi cuốn nhất vẫn là quan niệm về người anh hùng của người Ê Đê rất mới lạ,với cách khắc họa tính cách của một anh hùng đậm tính chất lạ,đó là điều lôi cuốn. Cách hành văn ,ngôn ngữ phong phú,và cũng rất mới lạ. Tính chất lạ đó là nét hấp dẫn mà mỗi người khi đọc sử thi sẽ say đắm không thể nào quên.

Cám ơn về lời bình,nó đã bổ sung nhiều cho bài viết của NBM

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác