Thủ lĩnh Ama Jhao (1840-1905)

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2936
  • Tổng lượt truy cập 11,489,560

Fanpage facebook

Ngày đăng: 11/01/2013, 10:52 am
Thủ lĩnh Ama Jhao (1840-1905)

20:48 11 thg 5 2009 Công khai 1 Lượt xem 0

Cuộc khởi nghĩa do Ama Jhao lãnh đạo (1890-1905) kéo dài 15 năm được xem là cuộc chạm trán quy mô đáng kể đầu tiên trên vùng cao nguyên khi Pháp mới đặt chân lên đây.

Ama Jhao tên thật là Y Yên, họ Ayũn, sinh năm 1840 tại buôn Tung, cách thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay 16km về phía đông bắc, (có tài liệu cho là buôn Kô Tăm ). Sinh ra trong một gia đình Êđê có uy tín trong vùng, nổi tiếng nhờ tài săn voi cho nên ông được nhiều người yêu quý, kính trọng. Lớn lên, Y Yên lấy cô H’Pang Niê Blô, con tù trưởng Ama Phi buôn Ea Yông (xã Ea Yông, huyện Krong Pak) và sang ở rể bên phía nhà vợ. Sở dĩ như thế là vì người Êđê theo chế độ mẫu hệ, hôn nhân do phía nữ chủ động và sau khi cưới, chú rể sang ở bên nhà vợ. Dù gì đi nữa, tàn dư của chế độ công xã nguyên thuỷ này đối với Ama Jhao có thể xem là may mắn lớn. Khi bố vợ ông mất, ông được dân làng bầu lên làm Tù trưởng-địa vị được dân làng kính trọng và có thể đại diện cho dân làng trong nhiều trường hợp. Người ta mô tả Ama Jhao là một tù trưởng giàu có, ngôi nhà của ông rộng 4m, dài 220m, có trong tay 1.000 con trâu, 15 con voi và hàng trăm nô lệ . Uy tín của ông nổi lên mạnh mẽ và lan sang những vùng khác. Tài liệu của Pháp công nhận: “Ama Jhao là một lãnh tụ Rađê lừng lẫy được cả vùng Hinterland cũng như Khánh Hoà, Phú Yên biết đến với một cái tên khá khoa trương: “Vua của người Mọi” .

Ama Jhao sinh trưởng trong thời buổi mà người Pháp bắt đầu xúc tiến những bước đi đầu tiên nhằm thiết lập quyền kiểm soát của mình trên miền Thượng. Những cố gắng thâm nhập vào vùng nam cao nguyên theo lối truyền thống đã tỏ ra bế tắc khi mà năm 1859, hai nhà thờ Tinh Sư và Bralam ở vùng M’nông và Stiêng bị người dân phá huỷ ngay sau khi xây dựng xong . Các cố gắng tiếp theo của người Pháp cử những phái đoàn thám hiểm kèm theo các đơn vị vũ trang từng bước xâm nhập vào sâu trong khu vực người Thượng. Chúng vừa sử dụng bạo lực đàn áp, khủng bố tinh thần người dân, lại vừa phỉnh nịnh, mua chuộc những người tù trưởng, già làng. Nhận thấy được tầm ảnh hưởng to lớn của Ama Jhao, hết Bourgeois (công sứ đầu tiên của tỉnh Darlac), Yersin (người phát hiện ra cao nguyên Lang Biang năm 1893)… đã tìm mọi cách lôi kéo ông về phía Pháp. Cùng thời với Ama Jhao đã có một số tù trưởng nghe theo lời chúng, biến thành cái loa phóng thanh cho công cuộc xâm lược Tây Nguyên như Y Thu (tức Khunjunob) ở Bandon; Ma Wal, Ma Khul ở Mêval… Tuy nhiên, lập trường của Ama Jhao luôn tỏ ra cứng rắn và bất hợp tác. Tên Khâm sứ tại Lào là Tournier đến hăm doạ: “Ông rất dễ dàng nhận ra là ông thuộc quyền cai trị của ai. Nếu ông uống nước chảy xuôi phía biển Đông là thuộc quyền của ông lớn người Pháp như tôi bên kia Trường Sơn. Còn nếu ông uống nước chảy về phía Tây thì thuộc quyền cai trị của tôi”. Ama Jhao đã bình tĩnh trả lời rằng: “Tôi biết rõ là các ông muốn gì. Nhưng tôi chỉ uống nước ao”. Những cố gắng kiểu đó của Pháp đã không có hiệu quả, còn về phần mình, Ama Jhao không thể duy trì tình trạng hoà bình được lâu trước dã tâm ngày càng bộc lộ rõ của thực dân Pháp, ông đã chuẩn bị cho khởi nghĩa.

Năm 1889, thực hiện ý đồ xây dựng một con đường nối liền Buôn Ma Thuột với Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hoà) (trước là quốc lộ 12, nay là quốc lộ 26, dài 130km), nhà cầm quyền thực dân đã cho thi hành nhiều biện pháp cưỡng chế buộc các bộ tộc Êđê Kpẵ vùng Krông Păk phải di dời làng. Công trình của thực dân đã đụng chạm đến những vùng đất, những khu rừng, khe suối thiêng liêng của người dân, cùng với những biện pháp mất lòng khác đã gây nên nỗi bất bình sâu sắc trong lòng Ama Jhao và dân làng. Ông nói: “Đất là lưng ông bà ta, rừng cây, khe suối là của ông bà ta, sao ta lại chịu bỏ nhà, bỏ buôn đi làm đường cho bọn Ó trắng để chúng giẫm lên lưng ông bà ta, phá phách rừng núi của ông bà ta”. Năm 1890, Ama Jhao tổ chức mai phục một toán quân Pháp trên đường từ Củng Sơn (huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên) tiến lên chiếm Buôn Ma Thuột. Tại Ea Yông, toán quân này đã bị các nghĩa quân Ama Jhao chặn đánh dữ dội. Ông tuyên bố: “Đây là đất của người Rađê, sào huyệt của Ama Jhao, không một ai có quyền đặt chân đến, nếu không có sự mời đón của tù trưởng; các ông phải lui quân, nếu không tức khắc sẽ bị tiêu diệt”. Bất lực và sợ hãi, toán quân Pháp rủ nhau rút chạy.

Năm 1901, Ama Jhao dẫn đầu một đoàn các tù trưởng, già làng kéo xuống Phú Yên phản đối việc mở đường, tự tiện sáp nhập đất đai của ngưởi Êđê vào Lào. Sự kiện này làm cho tên Công sứ Phú Yên lúng túng, hứa hẹn hàm hồ cho qua. Những cam kết của người Pháp tỏ ra không đảm bảo, trong khi đó, các cánh quân của họ cũng rục rịch hành động, do vậy, Ama Jhao nhận thấy cần phải tăng cường liên kết với các tù trưởng khác, như Ama Gơm, Ama Hap bộ tộc Êđê Kiăh; nhóm Êđê Mlô do Ma Dak, Ama Jak chỉ huy, đồng thời hưởng ứng các cuộc kháng chiến khác đang nổi lên lúc đó của N’Trang Gưh, Ôi H’Mai và MaDla… tạo thành mạng lưới chống đối rộng khắp cao nguyên Êđê, gây cho giặc Pháp rất nhiều khó khăn. Năm 1903, Ama Jhao tổ chức phục kích một toán lính Pháp ở km42 đường 21, tiêu diệt hai tên và thu 2 xe bò chở muối. Pháp ra lệnh bao vây khu vực buôn Ea Yông; đồng thời phái một tiểu đoàn bộ binh thuộc phân khu Huế cùng lực lượng bảo an M’Drăk tạo thành mũi bao vây thứ nhất, một tiểu đoàn khác cùng lực lượng bảo an Buôn Ma Thuột tạo thành mũi bao vây thứ hai tấn công khu vực hoạt động của nghĩa quân. Ama Jhao rút sang vùng núi Cư Quie, dự tính tiếp tục kéo dài cuộc kháng chiến. Thực dân Pháp treo thưởng cho bất cứ ai giết hoặc chỉ điểm Ama Jhao. Tháng 1-1905, nhờ có tin mật báo, quân Pháp vây và bắt ông. Chúng tra tấn ông tàn khốc, Ama Jhao dũng cảm mắng giặc rằng: “Dùng hèn kế để bắt ta sao gọi là thắng ta được, điều ấy đâu có gì đáng vẻ vang cho các ngươi. Cứ trả ta về lại núi rừng xem ai thắng ai!”. Ama Jhao hy sinh vào tháng 3-1905.

Sưu tầm

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác