Tháp Yang Prong hay còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh là một ngọn tháp Chàm nằm ở thôn 5 xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk. Tháp cách thị trấn Ea Súp khoảng 20 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km.Ngày 3/8/1991, tháp đã được Bộ VHTT công nhận là di tích văn hoá kiến trúc.
Yang Prông tiếng dân tộc có nghĩa là Thần Lớn (Yang: thần, Prông: Lớn). Cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là Vị thần vĩ đại. Theo người Chăm, Yang Prông là vị thần cai quản mùa màng (như Thần Nông của người Kinh vậy).
Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Shiva. Đây là tháp Chăm cổ duy nhất còn lại ở Tây Nguyên & nó chứng tỏ đã có sự giao thoa giữa người Chăm với Tây Nguyên ( cùng nhóm ngữ hệ Nam Đảo - Austronesian
Tháp Yang Prong được phát hiện vào quãng những năm 1904-1911 bởi một nhà dân tộc học người Pháp tên Henri Maitre. Nhà khoa học này đã khảo tả về công trình này trong cuốn Les jungles Moi ( Rừng Mọi ) xuất bản tại Paris năm 1912.
Tháp có chiều cao 9m, đáy vuông mỗi cạnh dài 5m, có một cửa mở về phía Đông. Tháp để thờ thần Siva. Trong thời gian chiến tranh, tháp đã bị những kẻ đi tìm vàng đánh mìn nên đã hư hỏng nhiều. Tháp rất đặc biệt bởi đây là ngôi tháp Chàm duy nhất được tìm thấy trên Tây Nguyên. Tháp cũng không được xây dựng trên những ngọn đồi cao, núi thấp không bóng cây như những ngọn tháp chàm khác mà ta thường thấy mà lại nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và sau lưng tháp chừng 50 m là dòng sông Ea H'leo hiền hòa.
Trong thời gian chiến tranh tháp đã bị đánh mìn một lần có lẽ do những kẻ tìm vàng nên đã hư hỏng một phần. Tháp hiện đã được trùng tu một lần nhưng đây có lẽ là sự trùng tu tồi tệ nhất mà người ban mê được biết. Họ dùng gạch và xi măng chất lượng xấu để tô trát bên trong tháp sau kẻ ô giả gạch....
Trước kia, trong tháp có thờ một bộ linga - yoni bằng đá để cầu mong thần phù trợ cho hằng năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn loài sinh sôi nảy nở (linga và yoni là tượng vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm). Sau bao thăng trầm của lịch sử, bộ linga đó đã bị mất. Trong tháp giờ có một ban thờ chính và ba ban thờ nhỏ. Đây là những ban thờ do người đời sau lập nên.
Hằng năm, vào những dịp lễ tết, bà con các dân tộc trong vùng vẫn đến đây hương khói, cúng tiến... cầu mong mọi sự an lành.
Cùng với Hồ Ea Súp thượng và Ea Súp hạ, tháp Yang Prong đã làm phong phú thêm các điểm đến cho du lịch Ea Súp. Tuy nhiên do tháp ở khá xa thành phố Buôn Ma Thuột ( trên 90 km) đườn gvào lại rất khó khăn nên tháp còn quá xa lạ với nhiều người ở Buôn Ma Thuột, ngay cả người Ban mê vốn mang tiếng là kẻ đi nhiều cũng mới chỉ vào đây một lần từ những năm cuối của thế kỷ 20, lúc đó ngọn tháp còn rất hoang sơ giữa tán rừng rậm và đang bị trùng tu. Ngay lúc đó NBM đã cảm thấy ngạc nhiên và mê mẩn với ngọn tháp này, có lẽ đây chính là di tích lịch sử lâu đời nhất ở tây nguyên?
Hi vọng một ngày nào đó nơi này sẽ được nhiều người biết đến hơn, đó là khi tour con đường xanh tây nguyên trở thành hiện thực. Khi du lịch Ea Súp đã kết nối được với 2 điểm du lịch đông khách và hấp dẫn nhất ở Đắk Lắk là Buôn Ma Thuột và nhất là Bản Đôn với các điểm tham quan nổi tiếng như: các bến nước tại buôn Niêng, buôn Kó đung, Vườn Trohbư, cụm du lịch Bản Đôn.
Còn riêng mình thì thật sự mê cái tháp chàm bị quên lãng này, vì vậy có lẽ mình sẽ cố gắng xây dựng một phiên bản của Tháp chàm Yang Prong trong khu rừng nhỏ của Du lịch vườn Trohbư. Lúc đó với mọi người không có điều kiện đi xa cũng có thể cảm nhận đựơc phần nào những giá trị của ngày xưa trên vùng đất tây nguyên huyền bí./.
Phát triển từ bài viết đã tham gia một phần cho Vi Wiki.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook