Cao nguyên Buôn Ma Thuột là một trong những cao nguyên rộng lớn của vùng Tây nguyên Việt Nam.
Cao nguyên có địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc trung bình từ 3-80. Ở phía Bắc có độ cao gần 800m, phía Nam cao khỏang 400 m, thoải dần về phía Tây còn 300 m, nằm trải dài từ Bắc xuống Nam trên 90 km, từ Đông sang Tây 70 km. Chiếm phần lớn diện tích cao nguyên là lọai đất đỏ Bazan màu mỡ rất thích hợp với việc phát triển cây Công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu ... vì vậy, hầu hết diện tích đất ở đây đều đã được khai thác, sử dụng làm nên một vùng đất trù phú và nổi tiếng.
Nói đến Cao nguyên Buôn Ma Thuột, người ta thường hay nghĩ đến cà phê, tuy cây cà phê không phải là cây nguyên sản và được du nhập, trồng ở Buôn Ma Thuột rất muộn, khỏang từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của những nhà tư bản Pháp, nhưng do vùng đất đỏ bazal này với điều kiện thổ nhưỡng, độ cao và khí hậu đặc biệt phù hợp với việc canh tác nên cây cà phê đã nhanh chóng trở thành một lòai cây trồng truyền thống và phổ biến.
Đây cũng chính là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê. Mặc dù ở Đắk Lắk, gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như "thủ phủ cà phê" và ở Buôn Ma Thuột hiện tại, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa như việc mời đi uống cà phê hiện đã là một nét văn hoá đặc trưng của vùng này.
Buôn Ma Thuột cũng chính là tên thành phố tỉnh lị của Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của tòan vùng Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Êđê, nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuột- tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng này với khoảng 50 nhà dài của người Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam. Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, năm 1904, khi tỉnh Đắk Lắk được thành lập, Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh thay cho Bản Đôn. Ngày 5 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột. Năm 1995, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại 3, đến năm 2005 đã là đô thị loại 2 và trong tương lai không xa, vào khỏang năm 2015, Buôn Ma Thuột sẽ trở thành thành phố lọai 1. Buôn Ma Thuột còn được nhiều người biết đến bởi nơi đây, ngày 10/3/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bất ngờ tiến công và giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến tới thống nhất đất nước.
Do Buôn Ma Thuột là nơi đầu tiên người Kinh lưu lạc đến lập nghiệp để xây dựng Đăk Lăk hôm nay nên ở đây tập trung hầu hết các di tích có ý nghĩa lịch sử của Đăk Lăk như: Đình Lạc Giao, Chùa Sắc tứ Khải Đoan, Nhà đày Buôn Ma Thuột, khu Biệt điện Bảo Đại - hiện tại là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk, Toà Giám mục tại Đắk Lắk...
Đến với Buôn Ma Thuột, du khách còn có thể say mê với buôn AKô Đhông, một làng văn hoá Ê Đê truyền thống; ngắm cây Kơnia cổ thụ giữa lòng thành phố sát Ngã 6 hay thưởng thức hương vị cà phê Ban Mê thật đặc biệt ở trong số hàng trăm quán cà phê đầy phong cách ... Ngòai ra, với vị trí trung tâm và giao thông thuận tiện Buôn Ma Thuột cũng chính là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh nối các điểm du lịch quan trọng trong tỉnh như Bản Đôn, Hồ Lắk, cụm thác Đray Sáp./.
(Bài viết phát triển từ bài đã tham gia cho Vi Wiki)
Xem têm
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook