Tây nguyên và lý lẽ của Đại ngàn

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 5092
  • Tổng lượt truy cập 10,150,796

Fanpage facebook

Ngày đăng: 19/02/2013, 08:42 pm

Tây nguyên và lý lẽ của Đại ngàn

“Với người thiểu số ở Tây Nguyên, rừng không những là không gian sinh tồn dưới dạng vật chất mà đó còn là nơi chốn để họ gửi gắm linh hồn vào các thế lực siêu nhiên. Cuộc sống của các cư dân bản địa luôn gắn với không gian thiêng của rừng nên rừng cũng có những “lý lẽ” riêng của nó trong quan niệm và cả trong cách “hành xử” của người thiểu số”.

Đó là đúc kết của ông Ngọc Lý Hiển, một chuyên gia về văn hóa dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Bởi thế, “muốn chặt hạ cây rừng để làm nhà, bà con mình phải làm lễ cúng yang bri (thần rừng) chứ không phải muốn đốn là đốn”, lời của già làng K’Mốp ở Madagui, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Hai cảm quan được diễn đạt bởi hai cách nói khác nhau nhưng đều cho thấy không gian rừng là một “di sản” tâm linh truyền từ ngàn đời trong lòng các bộ tộc ở Tây Nguyên, hoàn toàn xa lạ với cách nghĩ “băng hoại” của những kẻ phá rừng trước cơn lốc xoáy của sức hút kim tiền.

Rừng Nam Tây Nguyên - "Ngôi nhà" đa dạng sinh học

Nằm trong lòng Nam Tây Nguyên với trên 600.000ha rừng, rừng Lâm Đồng trải dài từ cao nguyên Langbian có độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, tiếp giáp với cao nguyên Đắc Lắc, xuống tận vùng Đông Nam bộ với “chân rừng” là một khu hệ thực vật và động vật vô cùng phong phú của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên - thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước - rất nổi tiếng.

Nói đến sự đa dạng về loài thực vật, theo số liệu của một cơ quan chuyên ngành, rừng Lâm Đồng có khoảng 3.490 loài thực vật và 393 loài nấm. Trong các loài thực vật này, có đến 131 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam và 45 loài được liệt kê vào danh lục sách Đỏ của IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế); và đáng kể là các loài thông đỏ, thông hai lá dẹt, thông Đà Lạt, pơmu, bách xanh…

Về loài động vật, nếu không thể kể được nữa loài tê giác một sừng vừa bị WWF tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam, sự đa dạng về loài của rừng Lâm Đồng vẫn đang được nhắc đến với 86 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim và 102 loài bò sát. Trong số này có rất nhiều loài được nêu trong sách Đỏ của IUCN và sách Đỏ Việt Nam như chà vá chân đen, vượn đen má vàng, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, báo gấm, báo hoa mai, voi, công, gà lôi trắng, trĩ sao, hồng hoàng, gà so cổ hung… Đó là nguồn tài nguyên quý giá cho ngành du lịch sinh thái.

Hiện VQG Cát Tiên cùng với di chỉ khảo cổ học Cát Tiên đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên – văn hóa của thế giới

"Lý lẽ" của rừng

Sống hòa hợp với đại ngàn là nguyên lý bất di bất dịch của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên từ bao nhiêu đời nay. Trong luật tục của hầu hết các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên như K’ho, Mạ, Chil, Lạch, Churu, Raglai… đều có những quy định rất nghiêm ngặt trong khai thác nguồn lợi rừng cho nhu cầu đời sống của cộng đồng. Muốn đẵn cây lấy gỗ làm nhà sàn, phải lựa cây già nhất và cứng cáp nhất, lựa cây không còn cho trái nảy mầm. Đi săn con thú, đường tên phải nhắm hướng con nai không có chửa; đi bắt con cá dưới suối, cái lờ phải biết chừa lại những con mang bụng chửa…

Chỉ với riêng về quan niệm “rừng thiêng” của đồng bào thôi cũng đủ để nói lên nhiều điều. Với các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên, rừng thiêng luôn hiện hữu trong đời sống hằng ngày và hiện hữu trong tâm linh. Trong đời sống xã hội người thiểu số Tây Nguyên, mỗi một dòng họ có một rừng thiêng. Cao hơn, mỗi một buôn làng có một rừng thiêng, nhiều buôn làng có một rừng thiêng; một bộ tộc có một rừng thiêng; nhiều bộ tộc lại có một rừng thiêng khác… Đặc biệt, từng khu vực với rất nhiều tộc người có quan hệ xã hội với nhau lại có một khu rừng thiêng được xem là khu rừng của thần tối cao – khu rừng ấy được gọi là Bri Yang Ndu.

Với các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên, rừng thiêng luôn hiện hữu trong đời sống hằng ngày và hiện hữu trong tâm linh. Đặc biệt, từng khu vực với rất nhiều tộc người có quan hệ xã hội với nhau lại có một khu rừng thiêng được xem là khu rừng của thần tối cao – khu rừng ấy được gọi là Bri Yang Ndu.

Và, với quan niệm đó, cách ứng xử của “người sống trong rừng” cũng thật… tự nhiên để sao cho con người với thiên nhiên hòa vào nhau và cùng tồn tại như lẽ đương nhiên của đất trời. Tôi “chứng nghiệm” điều đó qua chuyến đi rừng Đạ Huoai vào mùa con chim bling rúc vào tổ, mùa con cá Đạ Quay tìm dòng nước ấm.

Sông Đạ Quay chia đôi địa phận hai huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Chúng tôi thực hiện chuyến đi rừng dưới sự hướng dẫn của K’Min như một chuyến dã ngoại. Sáng sớm, K’Min chuẩn bị cho mỗi người một túi cơm vắt. Gạo sáu tháng thơm nức. Cơm được đựng trong túi lát. Chiếc túi đến là kỳ lạ: Đến mấy tiếng đồng hồ, cơm vẫn còn nóng ấm. Nhưng, chuyện tôi muốn kể không phải là túi đựng cơm của người Mạ - tộc người thiểu số ở Đạ Huoai, và K’Min, người dẫn đường của chúng tôi, mà là chuyện khác.

Chúng tôi đi đến tận trưa. Bụng đói. Dừng lại ở một đoạn suối, K’Min thọc một chân xuống dòng nước. Chẳng mấy chốc, K’Min “xiên” được mấy con cá lớn với cây xiên dài của mình. Trước đó, anh “lệnh” cho mấy anh em trong đoàn đi tìm cây khô. Cũng chẳng mấy chốc, một bếp lửa được nhóm lên giữa rừng. Múc nước suối, bắc nồi lên bếp, lửa đỏ, cho cá vừa bắt ở suối vào nồi… Cá vừa bắt dưới suối cho vào nồi, cùng với muối hột và cơm vắt, thêm vài trái ớt, bữa ăn ngon đến không ngờ.

Ăn xong, có người định vứt bừa phần cơm thừa vào bụi. Thấy vậy, K’Min cản: “Cứ treo nó lên cây. Có ích lắm đấy!”. Trên đường tiếp tục cuộc hành trình, K’Min giải thích: “Treo cơm thừa lên cây là để đề phòng cho những người lạc rừng! Người dân tộc thiểu số mình bao giờ cũng làm như vậy. Ông bà mình xưa khi đi rừng đã dạy mình điều đó”. Hóa ra, cái lý của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên đơn giản đến bất ngờ là như thế đấy! Nghe K’Min “triết lý” chuyện treo phần cơm thừa lên cây, tôi chợt nhớ lại những lần lạc rừng đói đến rã ruột trước đó của chính mình, khi tôi còn trong quân ngũ.

Tôi muốn học cách xiên cá của K’Min. Vừa cầm cây xiên của K’Min trao, tôi vượt lên trước đoàn người và đi dọc theo dòng suối nhánh của con sông Đạ Quay với tâm trạng đầy háo hức. Mắt tôi dán vào dòng chảy của con suối. Lướt qua, lướt qua trong mắt tôi những dòng nước trôi nhanh, những dòng nước trôi chậm. Lướt qua, lướt qua trong cái nhìn của tôi sự đục trong của dòng nước suối. Rồi, bất ngờ, “điểm” mà tôi cần tìm đã hiện ra: Dòng nước không trong cũng không đục, nó không trôi nhanh mà cũng chẳng trôi chậm. Nơi ấy gọi là dòng nước “quẩn” – quẩn quanh. Tôi dừng lại với cây xiên lăm lăm trên tay. Cơ man nào là cá. Tôi nghĩ, mình có thể xiên cùng lúc hai hay ba con cá chỉ với một nhát.

Nhưng, bất ngờ, K’Min tiến đến chỗ tôi đang đứng, rồi nhẹ nhàng càm giữ cây xiên đang lăm lăm trên tay tôi. Miệng anh nở nụ cười bao dung: “Không đâu! Người dân tộc thiểu số của mình không bao giờ bắt cá ở những chỗ như thế này!”. K’Min giải thích: “Đây là chỗ cá đẻ. Bắt những con cá mẹ này, lần đi rừng sau, cái ăn từ suối của tụi mình sẽ cạn dần đấy!”. Vậy là tôi đã học thêm được một bài học nữa. Và, đó có thể xem là một trong những “lý lẽ” riêng của rừng trong quan niệm và ứng xử của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Krajan Plin, một trong những già làng sống dưới chân núi Langbian (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), trong suốt hơn mười năm qua đã bỏ ra nhiều công sức để sưu tầm và hệ thống lại những điều luật thuộc luật tục của dân tộc K’ho (nhánh người Lạch) nhằm lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Ông trần tình với tôi, đại ý rằng càng tìm hiểu, càng biết thêm về những “điều khoản” mà tổ tiên ngày xưa răn dạy con cháu ứng xử với tự nhiên, ứng xử với rừng, Krajan Plin cảm thấy ông bà mình càng có lý. “Điều đó cắt nghĩa vì sao từ bao đời nay, ông bà mình vẫn tồn tại không bao giờ tách rời khỏi rừng”, Krajan Plin nói.

Chung quy của “cái lý” ấy là: Rừng có đời sống của rừng, con người có đời sống của con người. Nếu triệt tiêu cái kia để tồn tại cái này sẽ là sự triệt tiêu của chính cái này. Bởi vậy, cùng dựa vào nhau để tồn tại là một triết lý sống, đơn giản nhưng vô cùng vi tế, của những bộ lạc người Tây Nguyên.

Bài và ảnh: Khắc Dũng

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác