Hồ Lắk là một hồ tự nhiên lớn nhất ở Đắk Lắk , nhất ở Tây Nguyên và nhất cả Việt Nam với diện tích hơn 500ha (Bự gấp đôi Biển hồ T'nưng ở Gia Lai). Hồ nằm ở thị trấn Liên Sơn - Huyện Lăk trên độ cao hơn 400m so với mực nước biển. Hồ nằm trên con đường nối liền Buôn Ma Thuột với Đà Lạt – Lâm Đồng.
Với một mặt nước tự nhiên cực lớn và xung quanh là những thảm rừng còn tương đối nguyên vẹn với đa dạng sinh học rất cao, vùng hồ Lắk đã được quy họach là khu rừng đặc dụng Lịch sử - Văn hóa và Môi trường với diện tích 12.299 ha. theo thống kê vùng này có 548 lòai thực vật và đặc biệt là 128 lòai chim thuộc 46 họ trong 15 bộ trong đó có 2 loài trong sách đỏ Việt Nam là gà lôi vằn và cú lợn lưng xám.
Đã từ lâu, hồ Lắk là một điểm du lịch nổi tiếng không thể không đến ở Đắk Lắk với mặt nước rộng xanh thắm, ít sóng do được bao bọc bởi một vòng cung những dãy núi hùng vĩ cùng những cánh rừng nguyên sinh. Bên hồ còn có buôn Jun, một buôn làng tiêu biểu cho văn hóa M’ Nông với hơn 30 ngôi nhà dài và hình ảnh đẹp của những chú voi được thả chơi rong, thơ thẩn bên bờ nước, những chiếc thuyền độc mộc đẽo từ những thân cây rừng cổ thụ nguyên vẹn ... và đặc biệt là di tích biệt điện của vua Bảo Đại.
Trong những lần đến huyện Lắk, dù thời gian dài hay ngắn ngủi, chưa lần nào tôi bỏ qua được thói quen cố hữu là phải lên cho được khu di tích này, khu nhà do Bảo Đại -ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cho xây dựng ở đây dành riêng cho những chuyến kinh lý Tây nguyên của mình. Không hiểu tại sao tôi lại có cảm tình sâu sắc đến thế đối với khu di tích này ngay cả những lúc nó chỉ còn là những bức tường xây hoang phế? Có lẽ bởi nó có một vị trí thật đẹp, trên đỉnh một ngọn đồi bên hồ, nơi người ta có được cái nhìn toàn cảnh trọn vẹn nhất về Hồ Lăk, viên ngọc xanh của Tây nguyên. Cũng có thể do nó còn gắn liền với một quá khứ lịch sử của Việt nam với các ông Vua, những vị Hòang tử và Công chúa như trong những câu chuyện cổ tích mà thuở nhỏ ta vẫn hằng say mê; một nét điểm trang quan trọng của Hồ Lắk.
Thật buồn và khó có thể hình dung một hồ Lắk mà không có nó. Ngày nay, tòa nhà đã được sửa sang lại đẹp đẽ, nhưng không hiểu tại sao tôi lại cứ thấy nhớ nhớ tòa Biệt điện hoang phế ngày xưa, phải chăng vì những nét sửa sang giả tạo, cẩu thả đã không trả lại được cho nó cái vị trí xứng tầm.
Tuy nhiên cũng thật vui vì những giá trị của hồ Lắk đã được tôn vinh. Hiện tại, người ta đã cho xây dựng ở đây cả một khu nghỉ dưỡng quy mô. Ngay từ năm 1995, Uy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã quyết định thành lập Khu rừng đặc dụng Lịch sử - Văn hóa và môi trường hồ Lắk tuy nhiên do áp lực của ngành du lịch hiện tòan bộ quả đồi biệt điện và mặt nước đã giao cho ngành du lịch quản lý.
Có một tin vui là Ban quản lý rừng đã thiết lập một trung tâm nuôi dưỡng động vật hoang dã rất quy mô trên một đảo lớn phía bên kia hồ và thành công lớn nhất là đã nuôi sinh sản tự nhiên được lòai cá sấu nước ngọt. Lòai cá sấu này trước đây có rất nhiều ở trong vùng hồ Lắk, giờ thì nghe nói thi thỏang người ta vẫn còn bắt gặp lòai này trong môi trường tự nhiên nhưng có lẽ chỉ như là huyền thọai. Đây là một lòai được coi như gần tuyệt chủng ở Việt Nam và cả trên thế giới vì vậy sự cố gắng của Ban quản lý rừng thật là đáng khen ngợi và cần có thêm sự chung tay giúp đỡ của các cấp các ngành cũng như của mỗi người con của Ban mê, Đắk Lắk như mỗi chúng ta..
(Bài viết phát triển trên bài đã tham gia cho Vi WiKi)
Balmé 102007
Lời bình: Một điểm đến đẹpthế mà khai thác như thế thì buồn thật, chả bù cho Vườn Trohbư của mình một tí nào.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook