Nơi gieo “mầm sống” cho lan quý

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4320
  • Tổng lượt truy cập 11,490,945

Fanpage facebook

Ngày đăng: 14/08/2017, 04:31 pm

Nơi gieo “mầm sống” cho lan quý

10/08/2017 - 9:35

Biên phòng - Chỉ với diện tích 5ha, Vườn Troh Bư - Buôn Đôn trở thành khu bảo tồn lan rừng lớn nhất Việt Nam, gồm 200 loài lan với hơn 10.000 giò lan gắn trên cây sống. Bên cạnh đó, Vườn Troh Bư – Buôn Đôn còn được biết đến với chiếc thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất và dàn chiêng đá cổ.

p98a_13a
Ông Đỗ Tuấn Hưng đã dành cả đời mình để bảo tồn nguồn lan rừng quý hiếm. Ảnh: Phạm Hoàng

Ngày 6-5-2017, Vườn Troh Bư - Buôn Đôn (buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vinh dự được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập và trao Giấy chứng nhận Kỷ lục Việt Nam cho bộ sưu tập lan rừng tự nhiên lớn nhất; thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất và dàn chiêng đá cổ xưa nguyên bản nhiều thanh nhất.

Chúng tôi đến thăm Vườn Troh Bư - Buôn Đôn vào một ngày “nắng cháy da, cháy thịt”. Rừng cây trong vườn bảo tồn Troh Bư xanh mát đã xóa tan cái mệt mỏi của chúng tôi sau một chặng đường dài. Ở Troh Bư – Buôn Đôn có hệ sinh thái rừng khộp với nguồn gen thực vật hoang dã mang những nét đặc trưng Tây Nguyên. Bám chặt vào những thân cây cổ thụ là những cây lan với đủ chủng loại, hình dáng, màu sắc tạo cho khu rừng thêm phần sinh động và cuốn hút khách du lịch.

Đón tiếp chúng tôi, ông Đỗ Tuấn Hưng (SN 1972), chủ Vườn Troh Bư - Buôn Đôn cho hay, vườn thành lập từ năm 1995, tên gọi ban đầu là Vườn thực vật vùng Tây Nguyên - Việt Nam. Nhưng đến đầu năm 2013, Vườn bắt đầu được xây dựng theo mục tiêu chính là Khu bảo tồn các loại lan rừng tự nhiên Việt Nam vùng Tây Nguyên.

Ông Hưng cho biết thêm, Troh Bư - Buôn Đôn có khoảng 5,5ha để trồng lan tự nhiên. Hiện nay, Troh Bư - Buôn Đôn đang bảo tồn tự nhiên và bán hoang dã trên 10.000 giò lan rừng các loại (200 loài) cùng bộ sưu tập hoa và cây rừng khoảng 1.000 loài (vườn Muôn hoa). Hoa lan và các loài cây cảnh đã góp phần làm Vườn Troh Bư - Buôn Đôn trở nên một rừng cảnh đúng nghĩa.

Ngoài ra, Vườn Troh Bư - Buôn Đôn còn là nơi nuôi giữ, bảo tồn một số loài thú hoang dã như: Chim công, trĩ, thỏ, rùa, sóc bay, heo rừng và giống gà của đồng bào dân tộc Ê Đê bản địa. “Tôi làm cán bộ bên nông nghiệp, thành lập trung tâm này là niềm đam mê, cũng như muốn cho mọi người dân khắp cả nước biết đến những loài lan đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên mà nơi khác không có. Vườn chúng tôi có rất nhiều loài lan quý Giáng hương Hoàng nhạn và Sóc Lào đặc trưng của rừng khộp Buôn Đôn, Ea Súp” - Ông Hưng cho biết.

Ông Hưng còn cho hay, những loại lan trên một phần được ông tìm kiếm trong các cánh rừng, một phần thu mua từ những người dân thường xuyên đi rừng và mua ở chợ lan rừng ở đường Phan Đình Giót (TP Buôn Ma Thuột).

Trong hơn 200 loài lan mà ông Hưng đang sở hữu trong tay, có rất nhiều loại quý hiếm như: Thủy tiên, Quế lan hương, Nghinh xuân, Giả hạc, Phượng vĩ, Hồng nhạn, Lan sậy, Lan đầm lầy... Những loài này đều là những giống lan quý đang bị đe dọa tuyệt chủng của vùng Tây Nguyên.

ajcr_13b
Những cây lan được trồng một cách tự nhiên trên tán cây, vách đá. Ảnh: Nguyễn Dung

Cũng theo ông Hưng, chính vì có nhiều loại lan quý hiếm nên công tác bảo tồn trở nên vô cùng khó khăn. “Bên cạnh những vị khách tìm đến đây để khám phá, nghiên cứu những loại lan rừng, có người thiếu ý thức mà phá đi những giò lan quý. Chính vì thế, thời gian tới, vườn không nhân rộng lan rừng nữa mà chú tâm vào công tác bảo tồn hơn 10.000 giò lan hiện có”, ông Hưng tâm sự.

Troh Bư - Buôn Đôn không chỉ được biết đến với bộ sưu tập lan rừng lớn nhất Việt Nam, Troh Bư còn lưu luyến trong tim mỗi người là những công trình kiến trúc mang đậm những nét độc đáo của vùng đất Tây Nguyên. Cùng với đó, là chiếc thuyền độc mộc dài 9m, rộng hơn 1,7m (do một nghệ nhân ở Buôn Đôn chế tác từ một cây cổ thụ nguyên khối, sau đó nhượng lại cho chủ nhân khu vườn) và bộ chiêng đá cổ xưa 23 thanh, khoảng 10 triệu năm tuổi, khi diễn tấu được cho là rất lạ và độc đáo. Tất cả đều được tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập và trao Giấy chứng nhận Kỷ lục Việt Nam.

Sau hơn 20 năm kiên trì phục hồi rừng tự nhiên, từ những giò lan được sưu tầm về cấy ghép, trên cây rừng trong Vườn Troh Bư - Buôn Đôn đã có lan rừng mọc trở lại, tái sinh hạt tự nhiên; một điều hiếm gặp ở các vườn lan. Hiện nay, để tạo ra nguồn thu hỗ trợ cho công tác bảo tồn các loài lan rừng, Khu bảo tồn lan Troh Bư - Buôn Đôn đã tổ chức hợp tác kinh doanh du lịch sinh thái và được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch sinh thái tỉnh Đắk Lắk.

Phạm Hoàng - Nguyễn Dung

http://www.bienphong.com.vn/noi-gieo-mam-song-cho-lan-quy/

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác