BAN ĐÔN CỐ SỰ - VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI.
PHẦN 1: BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA VÙNG CAO NGUYÊN TRUNG BỘ
---------------
Có thể nói ở Việt Nam, không có vùng đất nào lại nhạy cảm, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Lào – Xiêm bằng vùng Cao nguyên Trung bộ; kéo dài từ phía Bắc (vùng Thanh Nghệ Tĩnh) đến phía Nam (vùng Đăk Nông – Đăk Lăk hiện giờ).
Trong khu vực này, vùng Cao nguyên Nam Trung bộ (Tây Nguyên hiện nay), lại cực kỳ nhạy cảm với mọi biến động trong mối quan hệ Xiêm – Lào và Xiêm – Việt.
Bản Đôn là một điển hình.
---------------
1. Cao nguyên Trung bộ nhìn từ phía Lào - Xiêm
Đầu thế kỷ 18, vương quốc Lan Xang (Triệu voi; tiếng Lào: Lan = triệu; Xang = voi) đã rơi vào giai đoạn suy tàn.
Năm 1707, Lan Xang bị chia thành 3 tiểu quốc là Luang Prabang (lớn nhất; ở phía bắc); Vien-Tiane (ở trung tâm) và Champasak (Bassac; ở phía nam). Từ năm 1778, cả ba tiểu quốc Lào này lần lượt bị Xiêm chiếm đóng và trở thành các “chư hầu” của vương quốc Xiêm.
Năm 1827, sau khi cuộc khởi nghĩa chống Xiêm của Anuvong tại Vien-Tiane và Champasak thất bại chóng vánh, thì toàn bộ nước Lào đã trở thành “thuộc địa”của vương quốc Xiêm.
Năm 1867, khi Pháp chiếm toàn bộ Cam Bốt thì Xiêm đã phải từ bỏ quyền bảo hộ của mình đối với Cam Bốt; nhưng tới năm 1884, khi Pháp đã chiếm toàn bộ Việt Nam thì Xiêm vẫn còn nắm quyền bảo hộ Lào.
Sau đó, qua nhiều xung đột liên tiếp với Pháp; vương quốc Xiêm đã buộc phải ký Hòa ước Pháp Xiêm (03.10.1893). Theo đó, vùng tả ngạn sông Mekong và các lãnh thổ dọc Trường Sơn sẽ thuộc quyền kiểm soát của người Pháp. Điều đó có nghĩa là, từ nay Xiêm phải từ bỏ quyền “bảo hộ” Lào; toàn bộ Vương quốc Lào sẽ thuộc quyền bảo hộ của Pháp, “thuộc Pháp” giống như Việt Nam bấy giờ.
Nếu tính từ năm 1778, thời gian “thuộc Xiêm” của Lào kéo dài 115 năm đã chấm dứt. Không những vậy, Xiêm còn phải chấp nhận nhiều nhượng bộ về quân sự dọc tả ngạn sông Mê Kông và từ bỏ giấc mộng tràn qua bờ đông sông Mê Kông là vùng đất của Việt Nam (lúc này đang chịu sự bảo hộ của Pháp).
Có thể nói Hòa ước Pháp Xiêm 1893 này là một bước ngoặt lịch sử, và cực kỳ quan trọng không những đối với Xiêm, Lào, Cam Bốt mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến vùng Trung kỳ Việt Nam (vùng Annam) mà cụ thể là vùng Cao nguyên Nam Trung bộ (khu vực Tây nguyên sau này).
Ngay cuối năm 1893 ấy, Lào gia nhập Liên bang Đông Dương, vốn đã gồm 4 thành viên là Bắc Kỳ Tonkin, Trung Kỳ Annam, Nam Kỳ Cochinchine và Cam Bốt từ 17.10.1887.
Cũng cuối năm 1893 ấy, tỉnh Stung Treng vốn thuộc Cam Bốt lại được sáp nhập vào Lào; còn vùng [sau này là] Kontum, Darlac tuần tự được sáp nhập vào tỉnh Attopeu (thuộc Lào) và tỉnh Stung Treng (vừa thuộc Lào). Lúc đó, so với tỉnh Stung Treng thì vùng [sau này là] Darlac chỉ là “vùng sâu, vùng xa” không có ý nghĩa nhiều về mặt kinh tế lẫn chính trị.
---------------
2. Cao nguyên Trung bộ nhìn từ phía Annam
Từ đầu thế kỷ 19, tuy triều đình Huế đã ghi nhận sự có mặt của 2 “phiên quốc” [người Jarai] là Thủy Xá và Hỏa Xá, nhưng vùng Cao nguyên Nam Trung bộ (Tây Nguyên sau này) vẫn chưa hề được ghi nhận trên các bản đồ chính thức của Annam cũng như bản đồ của các đoàn khảo sát của Pháp bấy giờ. Hầu hết các tài liệu đều ghi nhận đây là các vùng “người Mọi / người Thượng tự trị” hay “vùng chưa được khảo sát”; có nghĩa là không thuộc sự quản lý của một “quốc gia” nào cả.
Trong An Nam đại quốc họa đồ do Taberd vẽ (1838) và của Chasseloup-Laubat (tái bản năm 1863), thì toàn bộ vùng Tây nguyên sau này đều nằm ngoài cương vực của An Nam.
Trong tài liệu của P. Antonini [15], thì năm 1889, Annam có 12 tỉnh: là Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình [Khánh] Hòa, Bình Thuận. Vẫn CHƯA thấy các tỉnh Tây Nguyên.
Trong tài liệu Mission Pavie III, xuất bản tại Paris năm 1900, thì địa danh Ban Dôn - thuộc Lào - lần đầu tiên được nhắc tới trong nhật ký hành trình từ 12.12.1889 đến 15.12.1889 của A. Pavie [3, trang 257].
Năm 1895, và ngay cả năm 1899, trong các bản đồ Đông Dương của Bộ Thuộc địa Pháp do nhóm Pavie vẽ, tuy vùng phía Tây của các tỉnh Phú Yên, Tuy Hòa, Ninh Hòa, Khánh Hòa, Bình Thuận... đã có một số tên làng, buôn người Thượng (như Ban Don, B. Tuor, B. Mé Hang, B. Mé Sao, B. M’Drac, hồ Darlac...) nhưng vùng này vẫn CHƯA được ghi nhận là thuộc lãnh thổ của Annam.
Ngay sau Hòa ước Pháp Xiêm (03.10.1893); vào ngày 16.10.1893, Khâm sứ Annam là Boulloche đã đề nghị lên Cơ mật viện Triều đình Huế để xin: (a) Hủy bỏ chế độ thương mại có tính cách độc quyền tại các vùng Thượng thuộc Bắc và Trung Trung bộ. (b) Hủy bỏ việc thu thuế vùng Thượng này bằng các phẩm vật. (c) Để người Pháp trực tiếp phụ trách an ninh tại các vùng Thượng này. Đề nghị này sau đó được Triều đình Huế chuẩn y; và từ năm 1899, toàn bộ vùng Thượng thuộc Bắc và Trung Trung bộ bắt đầu thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Việc quản lý được phân chia rõ rệt: Triều đình Huế chỉ còn quản lý những khu vực người Kinh sinh sống. Còn việc quản lý tại vùng người Thượng, sẽ do các Tòa Đại lý hoặc Đồn hành chánh trực thuộc người Pháp. (Cửu Long Giang – Toan Ánh 1974, p. 132). Cần nhớ rằng, vùng cao nguyên Nam Trung bộ lúc này đang thuộc Lào; tức hoàn toàn chịu sự bảo hộ của Pháp từ cuối 1893 rồi.
Như vậy, kể từ năm 1899, toàn bộ vùng cao nguyên Bắc, Trung và Nam Trung bộ đều thuộc sự quản lý thực tế của Pháp. Việc điều chỉnh lãnh thổ trong vùng này chỉ còn là vấn đề thủ tục nội bộ.
Ngày 31.01.1899, với sự thành lập Ty hành chánh đầu tiên của khu vực tại Ban Don thì Ban Don mới trở thành một thủ phủ của vùng này. Tuy vậy, Ban Don vẫn trực thuộc Stung Treng (Lào). Nên nhớ lúc này Ban Don đang là một trung tâm buôn bán voi có tầm cỡ trong khu vực.
Ngay sau đó, ngày 02.11.1899, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer ký sắc lệnh thành lập một tỉnh mới mang tên Darlac với thủ phủ là Ban Mé Thuot thì Ty hành chánh tại Ban Don bị xóa sổ. Trung tâm hành chính của cả khu vực này đang từ Ban Don nay được dời về khu vực [sau này là thành phố] Buôn Ma Thuôt. Tuy vậy, Tỉnh Darlac mới này vẫn trực thuộc Stung Treng (Lào). [Sắc lệnh số 917 và 918. Bulletin Officiel de l'Annam et du Tonkin. BOAT 1899, trang 1428 và 1429].
Tháng 6/1900, trong bản đồ Đông Dương do Paul Pelet vẽ, mới bắt đầu thấy tên vùng Tỉnh Darlac, Ban Don (vẫn thuộc Lào).
Năm 1902, trong Bản đồ Đông Dương đăng trong La Dépêche Colonial, Số 5, ngày 15.3.1902, trang 6; cho thấy: toàn bộ vùng Cao nguyên Trung bộ; kể cả vùng Tỉnh Darlac với thủ phủ là Ban Mé Thuot, thì thuộc lãnh thổ Lào.
Mãi đến ngày 22.11.1904, Tỉnh Darlac mới được tách khỏi Lào để trở về Trung Kỳ sau 11 năm lưu lạc. [Sắc lệnh 388, ngày 22.11.1904, Bulletin Officiel de l'Indochine Française 1904].
Chính 11 năm lưu lạc này và cả một thời gian dài từ khi mới định hình (khoảng nửa đầu thế kỷ 19), vùng “biên viễn” Ban Don đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Thái – Lào, do vậy khá lâu sau đó Ban Don vẫn còn mang nhiều nét rất Thái (đúng ra là rất Lào).
Năm 1905, đến lượt Kontum cũng được tách khỏi Lào để trở về với Annam.
Kể từ lúc này, trên bản đồ Đông Dương, ranh giới giữa Xiêm, Lào, Cam-Bốt và Việt Nam mới tương đối rõ ràng, tuy Việt Nam vẫn còn bị chia thành 3 vùng là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
-------------------------------
Ngày 09.02.1913, Tỉnh Darlac bị “giảm cấp”, chỉ còn là một Đại lý hành chánh trực thuộc Tỉnh Kontum vừa được thành lập. [Bulletin Officiel de l'Indochine Française BOIF 1913, pp. 162-163]. Đứng đầu Đại lý hành chánh Darlac là một Đại diện người Pháp bấy giờ là Léopold Sabatier.
Ngày 02.7.1923, Đại lý Darlac lại được tách khỏi Tỉnh Kontum, trở thành một tỉnh độc lập. Đứng đầu Tỉnh Darlac là một Công sứ Pháp. [BAA 1923, No 13, pp. 791-792]. Vị “Công sứ” đầu tiên của Tỉnh Darlac là L. Sabatier, người đã là Đại diện tại Darlac từ 1913.
Trong tài liệu của J. de Galembert [16], thì năm 1924 Annam có 16 tỉnh: Thừa Thiên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận cùng 4 tỉnh mới là Phan-Rang, Đồng Nai Thượng, Kontum và Darlac. Ban Don lúc này thuộc Tỉnh Darlac. (Tỉnh Pleiku vẫn chưa có)
PHẦN HAI. BAN DON – VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI XƯA
----------------
1. Vùng đất Bản Đôn
1.1. Sự hình thành
Bản Đôn (tiếng Lào = Làng đảo) là một ngôi làng do người Lào tạo dựng từ đầu thế kỷ 19 [13] p. 17. Vào thập niên 1830, trước khi có tên là Bản Đôn, ngôi làng này từng có tên là Ban Thû. [10] p. 71, 488. Làng được dời vị trí nhiều lần; có lúc (khoảng 02/1891) do nằm trên 1 ốc đảo giữa sông Srepok, nên được gọi tên là Bản Đôn [4] p. 191. Đến khoảng tháng 5/1892, sau khi đã dời lên ven bờ sông Srepok [5] p 63, thì tên làng Bản Đôn vẫn được giữ nguyên. Trên bản đồ hành trình 1892 và tài liệu [5] của A. Yersin vẫn còn thấy ghi chú địa danh này là Ban/Bane Dône (theo tiếng Lào) hoặc Beuong Thôou (tức Buôn Thû, theo tiếng Rhadé, Bih). [5] p. 63.
Trong các văn bản hành chánh, người Pháp ký âm Bản Đôn thành Ban Don, Ban Dôn, có khi là Bane Dône. Người Êđê gọi là Buôn Đôn và người Việt gọi là Bản Đôn, Buôn Đôn, có khi là Băng Đông như trước 1975. Hiện nay, địa danh hành chánh chính thức gọi là [huyện] Buôn Đôn nhưng tên Bản Đôn vẫn còn được dùng để chỉ một làng “Bản Đôn cũ” cách trung tâm huyện Buôn Đôn “mới” khoảng 20 km về hướng Bắc.
* Năm 1891, P. Cupet trong Phái bộ Pavie đã xác định vị trí của Ban Don “cũ” là 12°53’ vĩ Bắc [3] p 297, [13] p. 17.
* Ngày 26.5.1892, A. Yersin cũng xác định tọa độ của Ban Dône là 12o 50’45” vĩ Bắc x 105o 26’30” kinh Đông [5] p.62
* Hiện nay, các tài liệu địa lý ghi nhận tọa độ GPS của trung tâm Buôn Đôn (mới) là: 12°48′40″ vĩ Bắc x 107°53′44″ kinh Đông.
Như vậy, trung tâm Buôn Đôn “mới” thì nằm ở phía Nam “Bản đôn cũ”.
1.2. Kinh tế của Bản Đôn
Năm 1909, H. Maitre khi viết về Darlac đã mở đâu bằng một câu thật u ám: “Darlac còn lâu mới giàu”. (Le Darlac est loin d'être un pays riche). Ngay cả khi “trung tâm hành chính” của Darlac được dời từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuôt (02.11.1899) thì Bản Đôn vẫn là một trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Tỉnh Darlac bấy giờ.
Những cố gắng ban đầu (từ 1900) của vị Đại diện Bourgeois như lập trại thử nghiệm trồng Cà phê chè hoặc trại nuôi ngựa giống ở Bản Đôn tuy vài năm đầu kết quả có vẻ khả quan nhưng sau đó vì nhiều điều kiện bất lợi về tự nhiên, đã không đạt kết quả như mong muốn. Khi Bourgeois đột ngột mất tại Phnom-Penh vào ngày 15.11.1901, các dự án kinh tế ấy cũng bị chìm vào quên lãng. Bản Đôn lại quay về thế mạnh duy nhất và độc đáo của mình: săn bắt và buôn bán voi. Bản Đôn là trung tâm săn bắt, thuần dưỡng, tập kết và “xuất khẩu” voi duy nhất của Darlac. Sau khi săn được voi, các phường săn người Lào, Mnông của Bản Đôn thuần dưỡng voi rồi đem bán cho các thương nhân Lào, Miến ngay tại Bản Đôn. Các thương nhân này sau đó sẽ đem số voi này đem bán qua Cam Bốt (thuộc Pháp), Xiêm và Miến Điện (bấy giờ cả hai đều thuộc đế quốc Anh). Trước khi đem voi rời Darlac, các thương nhân này đều phải nộp thuế “mua voi” cho chính quyền Annam.
Kể từ ngày thành lập Ty hành chánh Ban Đôn (31.01.1899) rồi Tòa hành chánh tỉnh Darlac (02.11.1899), trong 10 năm (tính đến 30.4.1908) số lượng voi xuất khẩu của Darlac không ngừng tăng lên và số tiền thuế do “xuất khẩu voi” mà chính quyền Annam thu được là hơn 34.000 đồng. Có thể nói đây là nguồn thu ngân sách quan trọng nhất của tỉnh Darlac bấy giờ. (3400 đồng/năm tương đương 110 tấn gạo mỗi năm). [9] pp. 149-150.
Ghi chú: trừ 2 năm 1901 và 1903 không có; năm 1899 (xuất 8 voi, thu thuế 526 đ); 1900 (4 voi, 744 đ); 1902 (1 voi, 150 đ); 1904 (13 voi, 2364 đ); 1905 (24 voi, 2.745 đ); 1906 (31 voi, 7.750 đ*, do tăng thuế); 1907 (56 voi, 14.000 đ*); 1908 (24 voi, 6.000 đ*; đến 30.4.1908). Tổng cộng tiền thuế thu được từ 161 con voi là 34.279 đ. * Trước năm 1906 thuế xuất khẩu voi là "nửa giá mua voi". Sau 1906 mới tăng lên thành 250 đồng bạc Đông Dương mỗi con.
1.3. Quan hệ của Bản Đôn với khu vực
a. Với Cam Bốt
Cam Bốt là quốc gia mua voi và nô lệ rất nhiều; mối quan hệ giữa Bản Đôn và Cam Bốt tạm gọi là hữu hảo vì lý do kinh tế. Bản Đôn còn là một trạm dừng chân cho các đoàn lữ hành - có khi lên đến 40-50 thớt voi - từ Cam Bốt lên vùng Jrai - vùng Ayun Pa hiện giờ - để chuyển cống vật đến Vua Lửa, Vua Nước hoặc trao đối sản vật và mua bán nô lệ; một điều bấy giờ không bị coi là phạm pháp.
Thế nhưng Bản Đôn và nhiều buôn làng người Thượng dọc sông Srepok vẫn bị các toán phỉ người Punong từ Cam Bốt (và cả các toán phỉ từ Lào, Xiêm, Miến) xâm nhập để cướp bóc và bắt nô lệ. Không những vậy, ngay năm 1906, H. Maitre [9] p 216 còn ghi nhận tại khu vực Tây Bản Đôn, giáp Stung Treng vẫn còn xuất hiện bọn phỉ Lào, Miên lang thang rình rập tìm cách bắt cóc dân Thượng bản địa để mổ bụng cướp sống mật đem bán qua Cam Bốt, qua Xiêm vì họ tin rằng mật người có nhiều tác dụng thần kỳ. Do vậy, tại Ban Đôn vẫn duy trì một đồn binh có trách nhiệm trấn áp bọn phỉ khát máu này.
b. Với Lào – Xiêm.
Từ thế kỷ 19, cũng như cả vương quốc Lào, Bản Đôn nằm dưới sự bảo hộ của vương quốc Xiêm. Hàng năm, Bản Đôn vẫn thường xuyên phải cống nạp cho thống đốc Xiêm tại Stung Treng. [12] p 28. Ngoài ra, Bản Đôn vẫn phải nộp thuế cho vị Phó vương vùng Bassac; là 1 trong 3 tiểu quốc của Lan Xang chịu sự bảo hộ của Xiêm; trực tiếp “cai quản” vùng Hạ Lào. Thuế này có thể được hiểu như “phí bảo kê” giúp Bản Đôn tránh được nạn cướp bóc vốn được sự dung túng của vị Phó vương vùng Bassac này. Thậm chí nhờ đó, chính Bản Đôn lại dễ tác oai tác quái tại khu vực: Bản Đôn hoặc độc lập hành động hoặc phối hợp với các toán phỉ xuyên quốc gia để cướp bóc và bắt nô lệ tại khu vực. Đáng kể nhất phải nói tới nhóm phỉ Lào gốc Xiêm (Luang Sakhon) và phỉ Lào gốc Miến (Khăm Leu) là 2 nhóm phỉ làm mưa làm gió cuối thế kỷ 19.
* Vào tháng 5/1892, A. Yersin đã thấy tại Ban Don treo cờ của Xiêm [12] p. 28, [5] p. 62. Lúc này chưa có Hòa ước Pháp Xiêm 03-10-1893; có nghĩa là cả 3 tiểu quốc Lào vẫn còn thuộc Xiêm và Ban Don bấy giờ là “thần dân” của cả tiểu quốc Bassac (Nam Lào) và cả vương quốc Xiêm.
c. Với các làng người Thượng bản địa
Theo [10] pp. 71, 488: Từ thập niên 1830, Ban Don còn có tên là Ban Thû với hai thủ lĩnh là JAU và HIAU khét tiếng là dữ dằn, chuyên cầm đầu các nhóm phỉ Lào, Jarai và Êđê đi cướp bóc và săn bắt nô lệ đối với các làng trong khu vực. Khoảng thập niên 1880, sau khi Jau và Hiau mất, kế tục là một thủ lĩnh khác; có tên trùng với tên làng Ban Thû cũ. Người Mnông gọi ông là N’Thu; người Lào gọi là Khăm Thu; còn người Êđê gọi là Y Thu [K’nul]. Tài liệu Pháp thường ghi là Khun Djonop Y Thu.
Có cha là người Mnông, mẹ là người Lào; Y Thu nổi tiếng là một thủ lĩnh có tài tổ chức săn bắt, thuần dưỡng và buôn bán voi qua Cam Bốt, Lào, Xiêm và Miến. Y Thu còn được người Thượng toàn vùng coi như vua một cõi. [Tham khảo L'Éveil Économique de l'Indochine, 02.9.1928, p. 10]. Trước khi Pháp đến (trước 1891), Bản Đôn vẫn còn là một trung tâm săn bắt, buôn bán voi và CẢ NÔ LỆ.
Y Thu vẫn tiếp tục cướp bóc như thời của Jau và Hiau hồi thập niên 1830. Y Thu cũng thường chi viện hoặc phối hợp với các trùm phỉ Lào gốc Xiêm (như Luang Sakhon) và Lào gốc Miến (như Kham Leu) khủng bố cả một vùng Rhadé, Pih và cả Mnông quanh Ban Đôn.
Bị nhiều tầng khủng bố, dân Thượng ở phía tây Ban Đôn phải bỏ làng, chạy trốn vào vùng núi sâu; mãi cuối thập niên 1890s (khi Pháp đến) mới dám quay về làng cũ. Có lẽ đây cũng là một lý do khiến vùng đất mênh mông kéo dài hàng trăm cây số phía tây Ban Đôn lại vắng vẻ như một hoang mạc vậy. [10] p 71. Ngay cả dân Mnông ở Bu La, Bu Gler (thuộc Cam Bốt) vốn nổi tiếng là thiện chiến, gan dạ; nhưng khi dẫn đường cho các đoàn thám hiểm Pháp cũng còn phải khiếp sợ không dám tới gần lãnh thổ Ban Don. [12] p 29.
* Chiến trường Buôn Phok, Buôn Tuôr (1887) là một minh họa rõ nét về việc này: [10] pp. 488-9: Năm 1887, Y Thu đã chi viện vài thớt voi cùng 20 người Lào và 100 người Mnông từ Ban Don phối hợp với 50 quân của toán phỉ Lào-Miến do Khăm Leu chỉ huy từ phía Lào kéo xuống vùng người Pih (Bih) ở Buôn Tuôr, Buôn Phok... thuộc hạ lưu sông Krông Ana để cướp phá và bắt nô lệ. Bị sa vào ổ phục kích của vài trăm chiến binh Pih do Ngeuh (N’Geuh; N’Trang Gưh) chỉ huy, toán phỉ đã thảm bại và bỏ chạy. Tên trùm phỉ Khăm Leu cùng 30 tên phỉ khác bỏ xác tại trận. Dân Pih còn bắt luôn được một con voi trong số chục con voi của toán phỉ tham chiến. Sau thảm bại này, do sợ bị người Pih kéo đến trả thù, rất nhiều người dân Mnông ở Ban Don lại phải trốn khỏi làng để lánh nạn tận thượng nguồn sông Sé San hoặc các vùng núi ở mãi phía Tây Nam. Vùng Bản Đôn lại càng thêm hoang vắng.
d. Mối quan hệ giữa Y Thu và Pháp
* Từ thập niên 1890, khi người Pháp đến khu vực này thì nhóm phỉ Xiêm do Luang Sakhon cầm đầu mới bị chặn lại. Đầu năm 1891, với tín vật là các vòng tay bằng đồng do Vua Lửa và Vua Nước người Jarai tặng, viên Đại úy P. Cupet (thuộc phái bộ Pavie) đã buộc Luang Sakhon phải rời khỏi Ban Don cùng vài trăm quân phỉ rút về Attopeu (Lào). Trên đường rút quân, ngày 29/4/1891 thì L. Sakhon bị chết trong rừng khi mới độ 30 tuổi. Toán phỉ tan hàng và chỉ mang được xác của Luang Sakhon về Lào. Nhóm phỉ này mất dạng luôn từ đó.
* Sau cái chết của trùm phỉ Khăm Leu (1887) và của Luang Sakhon (1891); Y Thu mới đổi hẳn thái độ: từ chống đối đến bất hợp tác với Pháp đã trở nên hòa hoãn, thân thiện, thậm chí mẫn cán tận tụy cộng tác với Pháp trong mọi việc. [13] p. 17.
Dù việc săn bắt, buôn bán nô lệ cũng như việc cướp bóc gây chiến với các buôn làng khác của Ban Don đã bị Pháp từng bước ngăn chận và cấm đoán; Y Thu vẫn tỏ ra là một người thức thời: ông không còn tỏ thái độ chống đối Pháp nữa; trái lại, dưới sự chủ trì của Pháp, Y Thu đã biết hợp tác với các nhân sĩ Rhadé Kpă, trước mắt là điều hành Tòa Luật tục Darlac và sau đó là giải quyết các xung đột với người Pih ở Krông Ana, với người Rhadé Kpă ở BMT và cả với người Jarai ở vùng Cheo Reo, Ajun Pa.
Chính vì vậy, ngày 05.8.1922, Y Thu đã được Pháp ban tặng Đệ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh [Chevalier], với ghi nhận: “Công trạng nổi bật: Luôn là một trợ thủ đắc lực, tận tụy và trung thành cho sự nghiệp của Nước Pháp”. Đây chính là chiếc huy chương thường thấy Y Thu đeo và được chụp hình trong các buổi lễ hội. [Bulletin Officiel du Ministère des Colonies. BOMC 1922-07; p. 1222].
Dù được Pháp triệt để sử dụng, Y Thu vẫn không được nhiều người Pháp (như P. Cupet, H. Maitre) xem trọng, ít nhất là do quá khứ khủng bố của ông. Tham khảo [3] p. 295: “Sa physionomie indique la finesse et la ruse. Diện mạo của ông ta lộ vẻ tinh tế và XẢO QUYỆT”; hay [10] p. 134: “... et, maintenant, je serre une dernière fois la main au Khun-Yonob, ce vieux bandit devenu notre fidèle allié = Và bây giờ tôi bắt tay lần cuối với Khun-Yonob, TÊN CƯỚP GIÀ này giờ đã trở thành đồng minh trung thành của chúng ta (Pháp)”.
* Cần nhắc lại là, đầu thập niên 1900s, khi Pháp đến, thì Ban Don có 2 khu vực dân cư chính. Sát bờ sông Srepok là khu vực làng người Lào với vị tù trưởng già người Lào tên là Phet-Lasa. Cách đó 500 m vào trong đất liền là khu vực làng người Mnong với vị tù trưởng là Y Thu. Cả 2 vị tù trưởng Lào và Mnong này đều đã quy thuận Pháp và họ đều là các trợ thủ đắc lực cho Bourgeois là người quản lý Ban Đôn từ ngày thành lập (1899). [9] p. 216.
Tù trưởng Lào Phet-Lasa cũng là vị Chánh án đầu tiên của Tòa Luật tục Darlac. Đến 18.12.1909, do già yếu, vị trí của Phet-Lasa được thay thế bằng một người Lào khác tên là Luang-Si (Luong-Si). [BAA 1910, No 1, 01/01/1910, p. 24]. Nhưng trên thực tế; cả uy tín, vai trò và mối quan hệ với chính quyền Pháp của Luang-Si (nhóm Lào) thì rất mờ nhạt so với vai trò nổi bật và mối quan hệ thân thiết của Y Thu (nhóm Mnông).
Điều này lại càng rõ rệt khi L. Sabatier về quản lý Tỉnh Darlac (sau 1912). Biết Y Thu là một thủ lĩnh giàu có và rất có uy tín với người Thượng bản địa, Sabatier đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với Y Thu. Khoảng năm 1921, Sabatier cưới con gái của R’Leo (tức Ma Krông), một người Mnông tại Ban Don; mà R’Leo lại là con nuôi và là đệ tử phường săn voi của Khun Jonop Y Thu. Dưới sự toan tính chính trị và sự hậu thuẫn của tay "cháu rể" là Sabatier; ngày 07.11.1923, Khun Jonop Y Thu tuy đã già yếu vẫn trở thành Chánh án Tòa Luật tục Darlac thay thế cho Luang-Si. [BAA 1923 (No. 21), 07.11.1923, p. 1366]. Không những vậy, 4 trong 8 thẩm phán của Tòa Luật tục Darlac năm 1923 ấy lại là người Mnông của Bản Đôn gồm R'leo tức Ma-Krong, Y Keo tức Ma-Kham-Suk, Y-Ki tức Ma-Plen và Y Pleo tức Ma-So. Một buôn lớn như Buôn Ma Thuôt (Rhadé) chỉ có 2 người là Y Tuôp tức Ma Bok và Y Hiêt tức Ma Bli; còn Buôn Niêng (Rhadé) chỉ có Y Thuôt Niê và Buôn Chhư K’Nir (Rhadé) chỉ có Y Blum.
Lưu ý rằng bấy giờ (1923) tại Tỉnh Darlac có trên 400 buôn người Thượng! Như vậy đủ thấy Sabatier đã quá ưu ái cho Ban Don rồi.
* Thậm chí vị cháu rể quyền uy ấy còn ưu ái xây dựng một phòng làm việc riêng cho Y Thu gọi là Sala de Kundjenob ở khu vực sau này là Bungalow BMT, để mỗi khi Y Thu từ Ban Đôn ra đều có khu nghỉ dưỡng + phòng làm việc riêng (xem Bản đồ BMT 1918, [11] MPD 1930). Sabatier còn cho lắp đặt hẳn 1 đường dây điện thoại hữu tuyến kiểu hotline - 1 phương tiện cực quý cực hiếm và xa xỉ bấy giờ! - nối thẳng từ Tòa Sứ đến Ban Đôn để có thể liên lạc trực tiếp với Y Thu tại Ban Đôn khi cần.
* Thế nhưng khi L. Sabatier bị nhóm tư bản “đồn điền” thực dân tìm cách loại bỏ thì chính người Thượng ở Darlac và cả Y Thu của Ban Đôn đều đã quay lưng với Sabatier. Kết quả: ngày 08.4.1926 L. Sabatier bị triệu hồi về Pháp và 10 năm sau ông ta chết tại 1 trang trại ở Pháp mà ông đặt tên là DARLAC trong nỗi oán hận do bị chính dân Darlac “phản bội”.
* Hai năm sau (1938), Y Thu cũng qua đời do tuổi già sức yếu, để lại một khối tài sản khổng lồ nhưng ông không có lấy một người con ruột nào. Thay thế Y Thu làm trưởng Ban Đôn là Y Keo tức Ma Kham Suk, người đã lấy 1 con gái nuôi của Y Thu. Sự nghiệp săn bắt voi lại do một người con nuôi khác nữa tên là R’Leo tức Ma Krông kế tục.
2. Vài câu chuyện về con người của Ban Don
2.1. Về Khun Jonop Y Thu K’nul (18xx-1938)
a. Năm sinh của Y Thu:
* Mr. Y Thu mất năm 1938, điều này đã rõ vì được nhiều tài liệu của Pháp ghi lại. Nhưng năm sinh của ông vẫn còn nhiều số liệu khác hẳn nhau, sự sai khác này có thể đến 30 năm.
Có tài liệu cho rằng khi mất, Y Thu khoảng 90 tuổi (theo Effort 1937), nhưng cũng có tài liệu ghi là 110 tuổi (daklak.gov.vn), là 114 tuổi (do Y Thu tự nhận, Tạp chí L’Indochine, Số 147, Ngày 20/4/1933, p. 57), là 118 tuổi (theo Phan Thứ Lang 2010, Giai thoại và sự thật về Bảo Đại...); thậm chí là 120 tuổi (tin đồn, theo Effort 1937).
* Tháng 10/1937 (1 năm trước khi cụ Y Thu mất), trong bài “Au pays du Khun Jonob - Grand Chef des Rhadés” đăng trên Tuần san L'Effort L’Indochine (ngày 09-10-1937, trang 7-8), tác giả Xuân-Tiếu cho biết năm ấy, cụ Y Thu khoảng 80-90 tuổi. Hôm đó, cả viên thư ký Tòa sứ là Y Say và ký giả Xuân Tiếu đều trực tiếp gặp Y Thu và cả 2 đều có chung nhận định này. Như vậy, năm sinh của Y Thu có vẻ là khoảng 1852 cộng trừ vài năm.
* Trong bức hình của vợ chồng Y Thu (bản khắc gỗ của Grosbie, dựa trên một hình chụp Y Thu và vợ năm 1891; đăng trong [3] p 293 và trong [4] p 191; ta thấy rõ ông Y Thu còn rất trẻ; chỉ khoảng 40 tuổi.
* Như vậy, năm sinh của ông sẽ vào khoảng 1850 là hợp lý.
Nghĩa là, khi mất cụ Y Thu K’nul gần 90 tuổi.
* Thông tin quan trọng: Điều này rất phù hợp với tài liệu: [A. Yersin (1892), De Nha-Trang à Stung-Treng par les pays Moïs de mars à juin 1892. Voyages chez les Moïs d'Indochine, Editions Olizane, Genève, 2016, pp. 37-73]: Nhật ký hành trình 26.5.1892, ở trang 62-63 có ghi:
"Ngày 26.5.1892: Tôi định vị làng Beuong-Thôou (tức Buôn Thû = Ban-Dône) ở 12°50'45“ vĩ Bắc x 105°26'30" kinh Đông. Trưa nay, viên trưởng làng đến. ANH TA CÒN TRẺ và có vẻ thông minh..."
Năm 1892 Y Thu vẫn còn trẻ; nên ông sinh # năm 1850 lại càng hợp lý! Y Thu ko thể sinh năm 1828 như Wikipedia ghi, vì nếu như vậy, năm ấy Y Thu đã 64 tuổi chứ đâu CÒN TRẺ nữa!
b. Vợ con của Y Thu:
Cũng theo bài viết của Xuân Tiếu (L’Effort 1937) thì cụ Y Thu có tới 6 người vợ; cô vợ thứ 6 trẻ nhất chỉ mới chưa đầy 18 tuổi. Giống như cụ Ma Thuôt, cụ Y Thu cũng không có con ruột mà chỉ có các con nuôi trai và gái. Một người con nuôi của cụ là Y Keo (Ma Krông) vv...
c. Con voi trắng “tặng” vua Xiêm và tước hiệu Khun Djonop
Trang daklak.gov.vn (2023) có viết: “Ông Y-Thu đã săn được [...] một con voi trắng mà ông đã mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861” nhưng không dẫn nguồn. Rất nhiều tài liệu của Việt Nam sau đó đã sao chép lại thông tin này và chấp nhận sự mù mờ ấy.
Nhưng khi tham khảo tài liệu [2]. E. Aymonier (1885), Le Chau de Bassac, Note sur le Laos, pp. 49-51; và tài liệu [3] A. Pavie (1891), Mission Pavie III, p. 295 thì có thể tóm tắt sự việc này như sau::
- Khoảng cuối năm 1883 đến đầu năm 1884, dân Mnong ở Ban Don có bắt được 1 chú voi trắng độ 2-3 tuổi.
- Hay tin, viên Tổng trấn 3 tỉnh Sambor, Sambac, Kratie của Cam-Bốt (quan Oknia, tên là Ek) mua lại chú voi trắng này và tính đem bán cho vua Cam-Bốt kiếm lời. Oknia Ek cũng là 1 tay lái voi người Cam-Bốt có hạng tại khu vực này. Nhưng sau đó, Oknia-Ek lại đổi ý, đem bán chú voi trắng này cho vị Phó vương Lào vùng Bassac (thuộc Xiêm) vì được giá hơn. Đó là khoảng đầu năm 1884.
- Vị Phó vương Lào ấy lại dự định là, khoảng tháng 2-3/1884 (trước Tết Năm mới của Xiêm, Lào, Miên ngày 13/4/1884) sẽ đưa chú voi này về Bangkok [như là quà Tết] dâng tặng Vua Xiêm là Chulalongkorn; tức vua Rama V. Để trả công, Vua Xiêm Rama V đã ban tặng lại cho Phó vương Bassac 3 con voi + 9 nô lệ + nhiều phẩm vật khác.
- Nhân dịp này (tháng 2-3/1884; chứ không phải năm 1861), vì có công săn được chú voi trắng ấy, Y Thu Ban Don cũng được Vua Rama V ban tặng danh hiệu Khun-Jonop. Danh hiệu này chỉ mang ý nghĩa danh dự, tượng trưng như là “Chiến binh dũng cảm” chứ không hề liên quan đến vua, đến săn, đến voi gì cả; nghĩa là không phải “tước hiệu Vua săn voi” như nhiều tài liệu đã viết.
d. Tài sản của Khun Jonop Y Thu
Tài sản của Khun có nguồn gốc chủ yếu từ buôn bán voi, gia súc lớn và cả buôn bán nô lệ nữa. Y Thu và người Mnong Bản Đôn không mặn mòi gì với việc trồng trọt và đánh cá nhưng lại cực kỳ hứng thú và là các bậc thầy trong việc săn bắt voi rừng.
Ban đầu, Y Thu cũng là người trực tiếp đi săn bắt voi rừng. Sau này, khi đã giàu có, lại thêm vai trò là thủ lãnh buôn làng, Khun đã nuôi hẳn nhiều phường săn voi người Lào, người Mnông riêng cho mình. Khi đó, Khun trở thành người tổ chức các cuộc đi săn và cũng là người đứng đầu việc thu mua, thuần dưỡng, tập kết và buôn bán voi. Cũng trong bài viết trên L’Effort (1937), tài sản của Khun Jonop là rất lớn. Chưa kể đến số chiêng ché, vàng bạc... và rất nhiều tiền mặt “chất đầy nhiều ché, được chôn dấu kỹ”, chỉ riêng đàn voi mà Khun sở hữu đã có giá trị khoảng 30 vạn đồng bạc Đông Dương. Giá gạo thời ấy chỉ khoảng 30 đồng mỗi tấn thì riêng số voi này đã đáng giá 1 vạn tấn gạo, tức khoảng 150 tỷ VNĐ (trên 6 triệu USD, giá cả năm 2023). Hiện chưa thấy tài liệu chính thức nào sau đó nói về số tài sản khủng này của triệu phú Y Thu cả.
2.2. Về Mr. R’Leo = Ma Krông (1877-1947)
R’Leo, người Mnông Bu-đâng, là con nuôi và cũng là người kế nghiệp (săn voi) nổi bật của Y Thu. R'Leo còn là cha vợ của L. Sabatier, viên Công sứ Pháp ở Darlac từ 1912 đến 1926.
Tháng 01/1923, khi vợ của Sabatier sinh con gái đầu lòng đặt tên là H’Ni Niê (tức Annie Sabatier) thì Ma Krong lên chức ông ngoại; được gọi là Aê Ni.
* 26.5.1926: R’Leo được Pháp tặng thưởng Huân chương Bạc (Bậc 2) [BAA 1926, No. 11, p. 612-613].
* ngày 28.5.1930: R’Leo được bổ nhiệm chức vụ Thẩm phán (bổ sung) của Tòa Luật tục Darlac thay cho Y Sak = Ma Ngay chết [BAA 1930, No 10, p. 793].
* ngày 08.10.1937, R Leo được bổ nhiệm chức vụ Chánh án Tòa luật tục Darlac thay cho Y Thu nghỉ việc vì lý do già yếu. [BAA, 1937, No 8, p. 764].
* Năm 1927, R’Leo và 3 người khác (Y Tuôp, Y Thuôt và Y Diong) được 15 tộc trưởng Mnông, Rhadé và Bih ở tỉnh Darlac cử làm đại diện để trình lên Khâm sứ Annam và Toàn quyền Pháp một thỉnh nguyện thư; theo đó, các bộ tộc người Thượng ở Tỉnh Darlac tỏ ý không chấp nhận sự quản lý của Triều đình Huế; thay vào đó họ muốn nhận được “sự bảo hộ trực tiếp” của người Pháp, không qua trung gian triều đình Annam. Thỉnh nguyện thư 1927 này được coi là 1 trong các văn bản sớm nhất bày tỏ tư tưởng phản kháng, ý muốn ly khai của người Thượng tại Darlac đối với sự quản lý của người Việt. [tham khảo L. Maillot, (1927), Autour d'un scandale colonial: Le Darlac - Les aspirations Moïs, pp. 44-46.]
2.3. Về Mr. Y Keo = Thao Keo = Ma Khăm Suk (sinh # 1907)
Y Keo K’nul là cháu của Y Thu và là con rể [lấy con gái nuôi] của Y Thu. Khi Y Thu mất (1938), Y Keo là Trưởng Ban Don. Y Keo đã có cả chục bà vợ, nhưng vẫn muốn kiếm thêm vài cô vợ Lào [theo L’Effort 1937]
* Ngày 07.11. 1923, Y Keo được bổ nhiệm làm Thẩm phán (Assesseurs) Tòa Luật tục Darlac. [BAA 1923 (No. 21), pp. 1366-1367]
* Ngày 25.11.1937 Y Keo được bổ nhiệm làm Trưởng Khu (Secteur) Ban-Don thay thế cho N’Jont (Ama Dlié) [BAA 1937, Arrête No 2016, p. 1068].
* Năm 1957, Y Keo và vợ còn chụp hình chung với một nhà nghiện cứu Tây nguyên người Mỹ là G.C. Hickey.
* Ngày 17.3.1961, tại lễ dâng tặng bạch tượng cho TT Ngô Đình Diệm tại Ban Mê Thuột: Y Keo đang là Trưởng Ban Don kiêm Chánh án (Président) Tòa luật tục Darlac.
2.4. Về Mr. Ma Kông = Ama Kông = Y Prông Êban (1917-2012)
Một số tài liệu cho rằng Ma Kông sinh năm 1910, nhưng gia đình ông cho biết ông sinh năm 1917; khi mất (2012) thọ 95 tuổi. Được biết nhiều về tài săn voi. Ngoài ra còn một bài thuốc khá đình đám mang tên ông: Bài thuốc tráng dương bổ thận Ama Kông (xin xem các bài viết riêng về đề mục này).
---------------
Thay lời kết:
Để tìm các thông tin này, tôi chủ yếu sử dụng trang https://gallica.bnf.fr* với các từ khóa như Ban Don, Ban methuot, Darlac, A. Pavie, P. Cupet, H. Maitre, Khun Jonop vv...
Các tài liệu tìm được thì nhiều nhưng khá rời rạc. Tôi tạm gom lại thành từng nhóm, cố trình bày để càng dễ theo dõi càng tốt.
Nội dung các chi tiết ghi nhận được có khi hơi khác với các thông tin lâu nay vẫn thường thấy, nhưng tôi cố gắng ghi lại trung thực nhất từ các văn bản tài liệu gốc.
Vì chỉ nhằm cung cấp "thông tin gốc" nên bài viết cực kỳ khô khan, toàn là số liệu; nhưng các bạn chắc sẽ yên tâm về các nguồn tài liệu cụ thể ấy khi muốn viết một bài khác, với cùng chủ đề này...
BÀI THUỐC AMK Ở BUÔN ĐÔN (AK-47).
---------------
(Chỉ là một ý kiến riêng; không hề có ý định hạ bệ hay bôi bác ai. Xin đừng ném đá nhau, tội nghiệp).
---------------
Bài thuốc AK-47 còn gọi là Bài thuốc “tráng dương – bổ thận AMK”; thường được bày bán ở Buôn Đôn và vài nơi ở BMT dưới dạng “thang” gồm 3 vị dược liệu khô: 1 loại lá + 1 loại dây leo cắt ngắn + 1 loại thân gỗ nhỏ chặt miếng hay phiến.
Người mua thường được hướng dẫn là về ngâm vài thang thuốc này (sao vàng hay không cũng được) trong vài lít rượu đế (nên là rượu gạo). Sau khoảng trăm ngày, thì uống cái rượu thuốc đó, mỗi ngày 1 – 2 lần, mỗi lần “1 ly nhỏ” thì sẽ có tác dụng “tráng dương bổ thận” rất rõ, như tiểu liên AK-47 vậy.
Tác dụng “ông uống bà khen” ấy đôi khi còn được minh họa, nêu gương điển hình bằng chính bản thân Cụ AMK: nào là “... Cụ có 3 đời vợ và 14 người con. Người vợ thứ 3 của Cụ trẻ hơn cụ 50 tuổi nhưng vẫn sinh cho Cụ một bé gái, khi ấy Cụ đã 79 tuổi vv... và vv...”. Thực hư chưa biết thế nào, lúc trà dư tửu hậu cũng khối ý kiến bàn ra tán vô, nửa tin nửa ngờ.
Trong khi đang bối rối với mấy câu hỏi “đâm hơi, móc họng” đại loại như: “Ông uống, nhưng bà hàng nhà hay bà hàng xóm khen?” hay “Ủa, cứ uống thuốc này là... sinh con gái hả?” hay “Nè! có xét nghiệm ADN gì gì chưa?” vv... thì ở Buôn Đôn và ở BMT vẫn cứ thấy mời chào bài thuốc này. Vẫn có người mua, chắc là phải có điều gì đó...
Tôi chỉ được biết rằng bài thuốc AK-47 gồm có 3 vị dược liệu gồm LÁ Tơm Nglèng (L) + DÂY Nam Dong (D) + THÂN Tơm Trơng Nen-sơ (T). Các dược liệu này chỉ được gọi theo tiếng Lào/Mnông. Tên chính xác (tên khoa học) và tỉ lệ của chúng trong bài thuốc đều được dấu kín (như mọi bài thuốc dấu).
Tuy vậy, có thể ghi nhận vài thông tin như sau:
1. Lá Tơm Nglèng (L): Là lá của một loài thuộc chi Micromelum, họ Cam (Rutaceae). Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi (2012): Ở Việt Nam có khoảng 4 loài Micromelum (3 loài mang tên Mắt trâu: M89, 90, 91 + 1 loài có tên Kim sương: K107). Với thành phần hóa học chính là tinh dầu, trong đó chủ yếu (trên 80%) là anethol cộng với phần mô tả hình thái thực vật... thì rất có vẻ (L) chính là lá của cây KIM SƯƠNG (Ớt rừng, Chùm hôi trắng, Cây da chuột) có tên khoa học là Micromelum minutum (G. Forst.) Wight et Arn. = Micromelum falcatum (Lour.) Tanaka, Rutaceae.
Anethol cũng là thành phần chính cho “mùi Hồi” trong dược liệu Đại Hồi (Hồi sao, Hồi bát giác). Ngoài tinh dầu chứa nhiều anethol, (L) còn có các coumarin và các dẫn chất khung acid cinnamic vv...
2. Dây Nam Dong (D): Là thân dây leo của một loài Kim cang/Thổ phục linh thuộc chi Smilax, họ Kim cang (Smilacaceae). Cũng theo tài liệu trên: Ở Việt Nam có khoảng 17 loài Kim cang/Thổ phục linh khác nhau [K75 – K89 + T260, 261]. Chưa rõ (D) là loài nào trong số 17 loài này.
3. Thân Tơm Trơng Nen-sơ (T): Là thân của một loài thuộc chi Urceola, họ Trúc đào (Apocynaceae). Cũng theo tài liệu trên thì ở VN chỉ có 2 loài Urceola là Urceola minutiflora (M220 = Mộc tinh hoa nhỏ = Dây bói cá) và Urceola rosea (D49 = Dây cao su hồng = Dây răng bừa hồng). Nếu có thang thuốc AK-47 “chuẩn”, có thể nhận ra (T) là cây nào trong số 2 cây nói trên.
Hôm nao về BMT tính rủ vài chiến hữu vô rừng Buôn Đôn tìm các cây thuốc AK-47 này, bán on line. Hy vọng đổi đời chăng?
Kình Cà rem.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook