Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3187
  • Tổng lượt truy cập 11,489,811

Fanpage facebook

Ngày đăng: 21/02/2013, 03:57 pm

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Ai đã đặt chân lên đất Tây Nguyên đều bị cuốn hút bởi những buổi trình diễn cồng chiêng. Tháng “ning nơng”, mùa “con ong đi lấy mật”, và cũng không chỉ trong tháng “ning nơng”, quanh năm cao nguyên đất đỏ tràn ngập tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng theo suốt cuộc đời con người, theo suốt vòng đời cây trồng…

Bắt rễ từ truyền thống văn hóa Đông Sơn, văn hóa âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên có lịch sử lâu đời, là phương tiện khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây Nguyên vẫn gắn bó vẹn nguyên dáng vẻ dân gian, thô mộc mà chắc khỏe, tinh tế và sâu lắng nơi núi rừng đại ngàn, cùng với tiếng thác nước ào ạt chảy đêm, tạo nên một không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên.

Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hòa tấu. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 12-13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Tên gọi của cồng chiêng có khi được đặt dựa theo âm thanh nhạc khí phát ra, có khi là tên gọi theo vị trí của nó trong dàn nhạc.

Trong những dàn có từ 9 cồng chiêng trở lên thì có thêm cồng “cha” bên cạnh cồng “mẹ”, tiếp theo là các cồng “con”, cồng “cháu”… hình thành hệ thống gia đình, cồng “mẹ” luôn luôn đứng trước cồng “cha”, phù hợp với chế độ mẫu hệ của người Tây Nguyên. Khi biểu diễn, cồng “mẹ” và cồng “cha” đánh ra âm thanh trầm gần giống nhau để làm nền cho cả dàn nhạc. Kế tiếp là 3 cồng “con” cùng đánh một lượt với nhau thành một hòa âm, có tác dụng như những cây cột chống đỡ trong ngôi nhà. Những chiếc còn lại thì đánh so le theo thứ tự trước, sau, mau, chậm theo đúng quy định, phối hợp với nhau thành ra nét nhạc.

Ở hầu hết các dân tộc Tây Nguyên, nghệ nhân đánh cồng chiêng phải là nam giới. Riêng ngành Bin, dân tộc Ê đê, chỉ nữ giới mới được đánh cồng; người Mạ thì cả hai giới đều được đánh chiêng, nhưng thường chia ra làm hai dàn: chiêng nam, chiêng nữ. Ngoài ra, ở nhiều dân tộc, dàn múa gồm nhiều thiếu nữ trẻ luôn đồng hành với bản nhạc chiêng. Các điệu múa đều không thể thiếu khi diễn tấu các bài chiêng cồng.

Cồng chiêng cũng là một nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc của các tộc người Việt Nam. Nhưng với người Tây Nguyên, cồng chiêng là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng sẽ sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Do đó, âm nhạc ở đây không đơn thuần là nghệ thuật mà có chức năng phục vụ một sự kiện đặc biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày.

Hầu như mỗi sinh hoạt đều gắn với nét nhạc. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng thì già làng sử dụng cái cồng xưa cổ nhất đến bên giường để đánh lên những âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé, khẳng định nó là một phần của cộng đồng. Khi đứa trẻ lớn lên, mỗi giai đoạn của đời sống, từ việc đồng áng cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, khi đón khách, lên nhà mới hay tang lễ… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… của người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.

Nhìn chung, văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa – nghệ thuật ở đỉnh cao của các dân tộc Tây Nguyên. Với những giá trị nhân bản như vậy, UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa vật thể của nhân loại.

Cuộc Sống Việt _ Theo Cema.gov.vn

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác