KHO TÀNG SỬ THI TÂY NGUYÊN

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 5378
  • Tổng lượt truy cập 11,294,193

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/01/2013, 09:51 am

KHO TÀNG SỬ THI TÂY NGUYÊN

Category: Văn hóa Tây nguyên, Tag: Linh tinh khác
03/10/2009 12:44 am
Kho tàng sử thi TN

Tây Nguyên là một vùng đất ẩn chứa nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, trong đó nổi bật hơn cả là sử thi, mà trước đây chúng ta thường gọi là Trường ca, Anh hùng ca, một thể loại tự sự dân gian truyền miệng, cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của người dân và thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Việc phát hiện, sưu tầm và công bố các tác phẩm sử thi là cố gắng của nhiều thế hệ các nhà sưu tầm và nghiên cứu văn hoá dân gian gần một thế kỷ qua.

Người ta thường nhắc tới tên tuổi L. Sabatier với việc lần đầu tiên Ông sưu tầm và công bố Khan Đăm Xăn năm 1927 và sau đó được dịch ra tiếng Pháp, khiến thế giới phương Tây biết tới một “bài thơ tuyệt đẹp”, một “kiệt tác” của văn học truyền miệng của các dân tộc thiểu số Đông Dương (như lời của nhà Việt Nam học Pháp nổi tiếng G. Condominas). Tiếp sau Khan Đăm Xăn, Năm 1955, D. Antomarchi và G. Condominas đã sưu tầm, công bố và giới thiệu Khan Đăm Di.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi đất nước ta còn bị chia cắt, một số cán bộ người Tây Nguyên tập kết ra miền Bắc, như Y Điêng, Y Yung, Kơxo Bơliêu cùng Ngọc Anh đã tập hợp và công bố tập sách Trường ca Tây Nguyên với các tác phẩm: Xing Nhã, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơroan, Y Ban, Y Bơrao. Với cuốn sách nổi tiếng một thời này, ngoài hai sử thi đã được người Pháp công bố từ trước thập kỷ 50, thì số lượng sử thi đã tăng lên đến 7 tác phẩm, trong đó chủ yếu là của dân tộc Êđê. Sau khi xuất bản Trường ca Tây Nguyên, đây đó một số tác giả đã công bố lại sử thi Đăm Xăn, như của Y Wang, Nguyễn Hữu Thấu, tuy nhiên, các tác phẩm này chủ yếu vẫn dựa trên bản dịch Đăm Xăn của L. Sabatier.

Tuy đây là những phát hiện ban đầu rất đáng trân trọng về sử thi Tây Nguyên, nhưng về mặt phương pháp sưu tầm và văn bản còn có nhiều vấn đề cần bàn cãi. Thí dụ, về văn bản, ngoài Đăm Xăn là tác phẩm duy nhất có bản ngữ Êđê, còn lại hầu hết chỉ có bản dịch ra tiếng Việt; các yếu tố diễn xướng chưa được chú ý trong khi sưu tầm và thể hiện trong văn bản. Thậm chí, người ta còn cho rằng có sự gia công, cắt xén của bàn tay người sưu tầm và công bố…

Có thể coi thập kỷ 90 tới nay là thời kỳ Phát hiện lại sử thi Tây Nguyên trên địa bàn các tộc người với số lượng và khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, tạo nên bước đột phá về chất trong phát hiện và nhận thức sử thi Tây Nguyên. Mở đầu cho giai đoạn này là việc Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Đắc Lắc tổ chức điều tra sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc trong tỉnh, trong đó sử thi là một mục tiêu quan trọng. Cùng với Đắc Lắc, các cơ quan văn hóa và cá nhân những người sưu tầm ở các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Phú Yên cũng có những hoạt động sưu tầm sử thi.

Những phát hiện trong việc sưu tầm và công bố sử thi trong thập kỷ 80 còn tương đối khiêm tốn hạn hẹp về địa bàn và số lượng tác phẩm. Với nhóm sưu tầm ở Đắc Lắc, một số sử thi của người Êđê được phát hiện thêm, như Hbia Sun-Găn kđiêng, Mđrong Đăm, Hjong - Hlong, HDung- Y Thu, Đăm Thí, Mhiêng, Hbia Bao-Mtao Grăn Kđiêng ...); ở Gia Lai và Kom Tum, nhóm Tô Ngọc Thanh công bố Đăm Noi của người Ba Na, Nguyễn Thị Hồng với Giông nghèo tám vợ và Tre Vắt ghen ghét Giông của người Ba Na, Ka Sô Liễng ở Phú Yên cũng đã để công sưu tầm một số trường ca của người Êđê và Chăm Hroi...




Ảnh: itaexpress.com.vn

Bước nhảy vọt trong việc phát hiện và nhận thức sử thi Tây Nguyên là từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 tới nay. Đột phá cho giai đoạn này là nhóm điều tra sưu tầm của Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian cùng với Sở Văn hóa Thông tin Đắc Lắc lần đầu tiên phát hiện hệ thống sử thi đồ sộ Ot Ndrông của người Mnông, mà qua hơn 10 năm điều tra, sưu tầm đến nay chúng ta vẫn chưa xác định một cách chính xác số lượng và khối lượng tác phẩm của nó. Phát hiện quan trọng này đã được phản ánh trong Hội thảo Khoa học về Sử thi Tây Nguyên, tổ chức ở Buôn Ma Thuột ngày 19/5/1997 do Trung Tâm KHXH & NV Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc xây dựng và thực thi Dự án Diều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên, mà Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện từ 2001 - 2007.

Từ năm 2001 - 2005, trọng tâm của dự án là điều tra và sưu tầm những tác phẩm sử thi truyền miệng đang còn lưu giữ trong trí nhớ của nhân dân, sau đó từ 2005 - 2007 tiến hành biên dịch và xuất bản 75 tác phẩm sử thi. Kết quả của dự án: Đã sưu tầm đươc 801 tác phẩm sử thi truyền miệng, lưu giữ trong 5679 băng ghi âm loại 90 phút, tương ứng với khoảng 8500 giờ trình diễn sử thi của nghệ nhân. Từ các tác phẩm truyền miệng được thu băng trên, chúng tôi lựa chọn ra 75 tác phẩm in trong bộ sách “KHO TÀNG SỬ THI TÂY NGUYÊN” gồm 62 tập (mỗi tập dày từ 500 đến 1400 trang).

Trong bộ sách “Kho tàng sử thi Tây Nguyên”, sẽ chia thành các bộ nhỏ hơn, như Sử thi Khan của Êđê, sử thi Ot Ndrông của Mnông, sử thi Aka Juka của Raglai, sử thi Hơ mon của Xơ Đăng, Ba Na, Sử thi Hri Gia Rai... Trong bộ sử thi của mỗi dân tộc như vậy, thí dụ, trong bộ sử thi Ot Nđrông của người Mnông đã xuất bản được 26 tập, Bộ sử thi Hmon Ba Na đã in 30 tập, bộ sử thi Khan Ê Đê đã in 10 tập, bộ sử thi Hmon Xơ Đăng đã in 4 tập, bộ sử thi Hri Gia rai đã in 3 tập, bộ sử thi Akhát Juka Raglai đã in 2 tập... Tất nhiên, với bộ “Kho tàng sử thi Tây Nguyên” cũng như các tiểu bộ của từng dân tộc đều là các “bộ mở”, có nghĩa là không giới hạn số tập, mà số tập nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình sưu tầm, biên dịch và xuất bản sau này. Từ năm 2008 đến 2010, sau khi dự án điều tra, sưu tầm và in 75 tác phẩm kết thúc (2001 - 2007), được sự tài trợ của Nhà nước, chúng tôi lại tiến hành phiên dịch và in thêm 25 tác phẩm nữa, để tới năm 2010 in trọn 100 tác phẩm sử thi Tây Nguyên.

Mỗi tập sách với độ dài trên dưới 1000 trang, khổ 16x24 sẽ công bố trọn vẹn một tác phẩm sử thi dưới hình thức song ngữ: Tiếng dân tộc và tiếng phổ thông. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trong mỗi tập sẽ in 2-3 tác phẩm của cùng một dân tộc hoặc một tác phẩm của dân tộc, do độ dài quá lớn thì sẽ in trong 2 - 3 tập. Trong mỗi tập, ngoài phần văn bản song ngữ, sẽ có lời giới thiệu tác phẩm của người biên tập văn học, bản chú thích, chú giải tác phẩm. Bản phiên âm tác phẩm sử thi của dân tộc nào thì chúng tôi sử dụng bộ vần chữ sẵn có của dân tộc đó, như chữ Êđê, Raglai, Ba Na... Với dân tộc chưa có chữ viết thì chúng tôi dùng bộ vần la tinh tiếng phổ thông để phiên âm. Như vậy, trên bìa của mỗi cuốn sách, sẽ có tên chung của bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên, tên bộ sử thi của mỗi dân tộc và cuối cùng là tên của tác phẩm sử thi được in trong cuốn sách đó.

Từ góc độ vùng lãnh thổ và tộc người, có thể phân chia vùng sử thi Tây Nguyên thành 4 tiểu vùng, mà mỗi tiểu vùng như vậy chứa đựng các sắc thái riêng:

- Tiểu vùng sử thi Ba na - Xơ đăng ở bắc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum, và Gia Lai. Các tộc người này nói ngôn ngữ Môn - Khơ me. Đây là tiểu vùng có số lượng sử thi khá lớn. Trong số trên 800 tác phẩm đã sưu tầm của cả vùng Tây Nguyên, thì sử thi Ba na, Xơ đăng chiếm 275 tác phẩm (chiếm khoảng 30% tống số tác phẩm sưu tầm). Sử thi ở đây phần nhiều thuộc loại sử thi liên hoàn (sử thi phả hệ) liên quan đến hai nhân vật anh hùng huyền thoại là Duông và Giông. Quy mô của mỗi tác phẩm không lớn như Ot’ Nđrông của Mnông hay Akha Juka của Raglai, nhưng khi xâu chuỗi các tác phẩm này lại với nhau, thông qua các hành động nhân vật Duông và Giông thì lại tạo nên chuỗi tác phẩm liên hoàn (xâu chuỗi) khá đồ sộ. Nội dung tác phẩm, ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật của sử thi Ba na và Xơ đăng khá tương đồng, khiến người ta có thể lầm lẫn giữa sử thi Ba na và Xơ đăng.
Khi diễn xướng nghệ nhân có thể ngồi hay nằm, đặc biệt người Ba na diễn xường sử thi Hmon vào ban đêm, trong bóng tối.

- Tiểu vùng sử thi Êđê - Gia rai ở miền trung Tây Nguyên trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc. Các tộc người này nói ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesien). Sử thi ở đây được người Pháp phát hiện khá sớm, vào các thập niên 20 thế kỷ XX. Đó là Sử thi KhanSử thi Hri của người Gia rai cũng sưu tầm được khá nhiều (khoảng 50-60 tác phẩm), nhưng vì chưa phiên âm và dịch ra được, nên chúng ta chưa thể tiếp cận cụ thể các tác phẩm này. Các tác phẩm sử thi thuộc tiểu vùng này thường có độ dài vừa phải (khoảng 150-200 trang, diễn xường khoảng trên dưới 15 giờ). Nội dung sử thi đề cập đến chiến tranh và các nhân vật anh hùng, hình thức ngôn ngữ điêu luyện. Các nhà nghiên cứu thường xếp sử thi Khan Êđê là sử thi anh hùng (sử thi thiết chế xã hội) để phân biệt với sử thi Mnông là sử thi thần thoại (sử thi sáng thế) của người Êđê, như Đăm Xăn, sau này có thêm Xinh Nhã, Khinh Dú, Đăm Di... Tống số tác phẩm của người Êđê sưu tầm được vừa qua lên tới trên 60 tác phẩm. Riêng.

- Tiểu vùng sử thi Mnông - Xtiêng ở Nam Tây Nguyên, trên địa bàn các tỉnh Đắc Nông, Lâm đồng, Bình Phước. Đây là các tộc nói ngôn ngữ Môn - Khơ me, trong đó sử thi Xtiêng phát hiện được ở nhóm Xtiêng Bulơ (Xtiêng cao) giống với sử thi Ot Nđrông của người Mnông. Từ xa xưa hai tộc Mnông và Xtiêng cùng một gốc, sau này mới phân hóa thành hai dân tộc như ngày nay. Số lượng các tác phẩm sử thi Ot’Nđrông sưu tầm được chiếm số lượng lớn nhất 281 tác phẩm, thường các tác phẩm này có độ dài vào loại nhất, thường là từ 700- trên 1000 trang (diễn xướng 30-40 giờ). Đặc biệt, phần lớn các tác phẩm sử thi này dưới dạng liên hoàn (phổ hệ), tạo nên tác phẩm đồ sộ, dài vào loại nhất ở nước ta và trên thế giới.

- Tiểu vùng sử thi Raglai, Chăm trên địa bàn Khánh Hòa, Ninh thuận, Bình Thuận. Đây là địa bàn chưa điều tra và sưu tầm kỹ, nên số lượng tác phẩm thu được chưa nhiều, khoảng trên 30 tác phẩm, nhưng nếu kể các tác phẩm thu được thì có độ dài rất lớn, diễn xướng trong nhiều giờ (từ 50-60 giờ), tiêu biểu như các tác phẩm: Udai-Udac, Che Tili, Dăm Mutui Ama, Dăm Chi Lăng... Sử thi Akha juka của người Raglai phản ánh những nội dung lịch sử và xã hội liên quan nhiều đến người Chăm, quốc gia Chămpa và xa hơn là với Ấn Độ. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được từ mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử giữa người Chăm và Raglai trong quá khứ.

Với những phát hiện mới về sử thi Tây Nguyên từ sau thập niên 70 của thế kỷ trước của các nhà sưu tầm và nghiên cứu Việt Nam, khiến chúng ta biết đến hai loại tác phẩm sử thi ở Tây Nguyên. Đó là loại tác phẩm sử thi “độc lập” và loại tác phẩm sử thi “liên hoàn”. Tác phẩm sử thi độc lập là các tác phẩm riêng rẽ, trong đó các nhân vật anh hùng có tên tuổi riêng, sự nghiệp, hành động riêng, khiến nó có thể đứng độc lập trong các tác phẩm cùng loại. Như đã giới thiệu ở trên, loại tác phẩm này thấy phổ biến ở sử thi của người Êđê, Gia rai, Raglai, phân biệt với loại tác phẩm sử thi “:liên hoàn” (còn gọi là “xâu chuỗi”, “phổ hệ”) thường thấy ở các tộc Mnông, Ba na, Xơ đăng. Loại sử thi “liên hoàn” này, một mặt, mỗi tác phẩm có vị trí “độc lập” tương đối, có nhân vật, có nội dung, tình tiết riêng, nhưng mặt khác, những nhân vật anh hùng này lại có mối liên hệ với các tác phẩm khác trong hệ thống.

Mối liên hệ nhân vật anh hùng giữa các tác phẩm trong hệ thống thường có hai dạng chính. Dạng thứ nhất là cùng tên một nhân vật anh hùng, như Giông của người Ba na, Duông của người Xơ đăng, chỉ khác là mỗi tác phẩm nói về một hành động, như “Giông cứu nàng Rang Hu”, “Giông đánh quỷ Bung Lung”, “Giông đạp đổ núi cao ngất”... (Ba na)., “Duông hóa cọp”, “Duông đánh quỷ Barmar”, “Duông làm nô lệ”, “Duông trong lốt ông già”... (Xơ đăng). Dạng thứ hai, mà dạng này thấy phổ biến ở người Mnông, là các nhân vật anh hùng không phải là một, mà là nhiều người, như Tiăng, Tang, Yang, Giông, Lênh, Yơng, Kong, Mbong... Họ là những nhân vật khác nhau, nhưng có mối quan hệ theo phả hệ, là cha con, anh em, chú bác... của một đại gia tộc mà mẹ Rong, bố Bông là cha mẹ đầu tiên. Số tác phẩm trong một bộ sử thi phổ hệ này của người Mnông lên tới chục, thậm chí con số trăm.

Hai dạng kết cấu tác phẩm sử thi nêu trên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt cấu trúc tác phẩm, nội dung phản ánh và quan trọng hơn cả là đặc tính tộc người của các tác phẩm. Quan sát bước đầu thì loại tác phẩm sử thi độc lập thương gắn với các tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo, còn sử thi liên hoàn thì gắn với các tộc người nói ngôn ngữ Môn - Khơme.

GS-TS Ngô Đức Thịnh

(Theo Sachhay.com)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác