Đray H'Linh - chuyện về một ngọn thác còn ít người nhớ đến

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4645
  • Tổng lượt truy cập 11,491,270

Fanpage facebook

Ngày đăng: 16/01/2013, 02:43 pm

Đray H'Linh - chuyện về một ngọn thác còn ít người nhớ đến

01:01 4 thg 3 2010

Dray H'Linh là tên ngọn thác được xem là lớn nhất, đẹp nhất và hùng vĩ nhất của dòng Serepôk. Thác nằm ở địa phận xã Hoà Phú - Dak Lak. Đây là một cái tên vốn quen thuộc với mọi người dân ở Dak Lak nhưng thực sự lại rất ít người biết đến ngọn thác này, mặc  dù nó rất gần thành phố và đường đi lại thuận tiện hơn Dray Sáp hay thác Gia Long rất nhiều.


Lý do đơn giản là vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước người ta đã cho xây dựng ở đây một nhà máy thủy điện lớn nhất Tây nguyên. Danh hiệu này sau đã dành cho Ya Ly với công suất lớn gấp nhiều lần.

Nhưng dẫu sao cũng phải công nhận là ngày ấy, thủy điện Dray H’Linh đã là một cái mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi diện mạo của Tây nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng. Từ chỗ cả Dak Lak mình lệ thuộc vào sản lượng điện của mấy chiếc máy phát điện bé con con chạy bằng dầu Diêden. Mấy cái máy này chỉ được cái kêu to chứ chả cho bao nhiêu điện mà lại ngốn dầu khủng khiếp, vậy mà có cái còn đem đặt cả vào cạnh ngã 6 nữa. Oai thế nhưng tất cả cũng chỉ đủ khiến Buôn Ma Thuột đèn đóm phập phù, có những lúc thời gian cúp điện và có điện sem sém, ngang ngửa nhau. Vậy mà đến khi thủy điện Dray H’Linh đi vào hoạt động thì không chỉ ở phố mới có dài dài mà  còn có thêm ối buôn làng vùng sâu vùng xa cũng được biết đến cái văn minh đèn điện.

Người Ban mê may mắn được ghé thăm ngọn thác này một lần sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Được đi tham quan nhà máy đàng hoàng nhé. Lúc đó là khoảng năm tám mấy gì đó, khi mà người ta mới tìm ra Dray Sáp để bù lại cho người Ban mê có chỗ đi chơi tết. Do đến vào mùa khô nên tha hồ đi trên đỉnh thác khô cong, rộng như sân bóng đá và tha hồ buồn vì không tài nào hình dung ra nơi đây từng là  ngọn thác hùng vĩ nhất của dòng Serepôk. Nhưng biết làm sao được khi nóanh dũng hi sinh làm nền móng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà. Bù lại buổi trưa được xem mẻ lưới chặn ở cống xả có một tẹo mà kéo lên nặng trĩu, cơ man là cá bự làm cả đoàn ăn chán còn lỉnh kỉnh mang về...

Thác Dray Linh không chỉ đẹp và hùng vĩ mà còn có cả một huyền thoại đẹp về nó - Huyền thoại Dray H'Linh.

Chuyện xưa kể rằng, ở một buôn làng Êđê nọ, có đôi trai gái yêu nhau say đắm. Chàng trai tên Dam Yông là người nghèo khó, nhưng siêng năng, dũng cảm. Người con gái có tên là H'Linh, xinh đẹp và có mái tóc dài chấm gót mượt mà như dòng suối chảy, tính tình nết na, hiền hậu. Nhưng tình yêu của họ dẫu có sâu đậm vẫn không vượt qua được phong tục có từ ngàn đời để đến được với nhau. Vì cả hai người đều nghèo, không đủ tiền mua trâu, mua bò đãi buôn làng, không có nhiều ché rượu để cúng Yàng làm đám cưới.

Thế rồi, dưới bóng cây Kơ nia đầu làng, chàng Dam Yông quyết chí ra đi tìm cách làm ra nhiều của cải để cưới nàng H'Linh. Nàng H'Linh đã khóc hết nước mắt trong ngày tiễn biệt.

Một, hai, rồi đã ba mùa rẫy trôi qua, họ vẫn biệt tin nhau. H'Linh mãi ngóng trông với nỗi khắc khoải và thất vọng, nàng cất bước ra đi tìm chàng Dam Yông. Hết núi cao, sông sâu, buôn gần, buôn xa, bao nhiêu con suối đã in bóng và dấu chân của nàng nhưng H’ Linh vẫn không thấy bóng dáng của Dam Yông đâu cả. Một ngày nọ, nàng đến bên một dòng sông lớn ào ạt chảy, kiệt sức và thất vọng nàng  mãi gọi tên chàng trước khi gieo mình xuống dòng sông ghềnh thác.

Còn chàng Dam Yông, sau bao lâu đi khắp buôn này, làng nọ, bao mùa rẫy đi qua mà của cải cũng chẳng có là bao. Chàng trở về buôn cũ, nhận được tin nàng đã đi tìm chàng. Chàng chạy đi khắp nơi và cũng không gặp được nàng. Chàng cũng đến bờ sông, nơi nàng gieo mình. Tiếng gọi của chàng vọng trong lời sông, lời suối, dòng sông vẫn ào ào tuôn trôi. Chàng cũng gieo mình xuống dòng sông ấy. Chỗ ấy ngày nay là dòng thác Dray H'Linh.

Lời bình: Thật tiếc vì khó có dịp quay lại nơi này và chụp ảnh thác, tuy nhiên ngày ấy sự đánh đổi là xứng đáng. Thật buồn vì bây giờ Tây nguyên, Việt Nam mình khấm khá lắm, có của ăn của để  rồi mà thủy điện lại vẫn tiếp tục là mốt, khiến càng ngày càng có thêm nhiều ngọn thác bị bức tử. Cứ cái đà này chắc chỉ  Vườn Trohbư - Bản Đôn nhà mình là lãi nhất vì cũng có huyền thoại đẹp cho kẹo cũng chả ai nghĩ đến chuyện xây dựng nhà máy thủy điện trên con suối bé con có nguồn ở vườn Trohbư nhà mình. Buồn 15 phút thôi!

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác