Đắk Lắk

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2543
  • Tổng lượt truy cập 11,489,167

Fanpage facebook

Ngày đăng: 16/01/2013, 02:32 pm
Đắk Lắk

22:26 28 thg 5 2009 Công khai 20 Lượt xem 1

Đắk Lắk là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam . Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp Lâm Đồng, phía Tây Nam giáp Đăk Nông, phía Đông giáp Phú YênKhánh Hòa, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 70 km.

Theo tiếng Ê Đê, Đăk có nghĩa là  nước; Lăk có nghĩa là hồ. Tuy nhiên có rất nhiều cách viết tên ngoài cách viết thông dụng nhất hiện nay là Đắk Lắk  như  Darlac, Dak Lak, Đắc Lắc...

Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột , nơi đây vốn được xem như trung tâm của vùng Tây Nguyên nên mạng lưới đường bộ rất phát triển, kết  nối Buôn Ma Thuột với Nha Trang ở phía đông (156 km), Pleiku ở phía bắc (195 km),  Thành phố Hồ Chí Minh (353 km),  Đà Lạt ở phía nam (193 km).

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có các chuyến bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh tới sân bay Buôn Ma Thuột và từ Hà Nội bay thẳng tới Buôn Ma Thuột, sân bay hiện tại là cấp 4E có thể đón các máy bay lớn như A 320 hạ cánh, đây cũng là một trong những tuyến bay ăn khách nhất của Vietnam Airlines.

Đắk Lắk hiện có 14 tỉnh lộ với tổng chiều dài 460 km, gần toàn bộ các tuyến tỉnh lộ này đều đã được trải nhựa.

Địa hình, thổ nhưỡng

Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.085 km², chiếm 3,9% diện tích tự nhiên của cả nước.

· Tổng diện tích: 1.312.537 ha

· Đất ở: 13.361,03 ha

· Đất nông nghiệp: 478.154,7 ha

· Đất lâm nghiệp: 602.479,94 ha

· Đất chuyên dùng: 82.179,32 ha

· Đất chưa sử dụng:136.362,01 ha

Phần lớn địa bàn Đắk Lắk thuộc sườn phía tây nam dãy Trường Sơn nên địa hình núi cao chiếm 35% diện tích tự nhiên, tập trung ở phía Nam và đông nam tỉnh với độ cao trung bình 1.000-1.200 m, trong đó có đỉnh Chư Yang Sin 2.442 m, Chư H’mu 2.051 m, Chư Dê 1.793 m, Chư Yang Pel 1.600 m.

Địa hình cao nguyên bằng phẳng nằm ở giữa tỉnh, chiếm 53% diện tích tự nhiên với độ cao trung bình 450 m. Phần diện tích tự nhiên còn lại là vùng thấp, bao gồm những bình nguyên ở phía bắc tỉnh và ở phía nam thành phố Buôn Ma Thuột. Đáng chú ý là diện tích đất đỏ bazan rất lớn chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, hồ tiêucây ăn quả hiện tại diện tích này hầu hết đã được khai thác.

Các đơn vị hành chính

Đắk Lắk hiện có 15 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện (với 212 xã, phường và thị trấn):

· Thành phố Buôn Ma Thuột

· Thị xã Buôn Hồ (thành lập ngày 23 tháng 12 năm 2008, tách từ huyện Krông Buk) [1]

· Huyện Krông Buk (có từ năm 1976, trước kia là quận Buôn Hồ)

· Huyện Krông Pak (có từ năm 1976, trước kia là quận Phước An)

· Huyện Lắk (có từ năm 1976, trước kia là quận Lạc Thiện)

· Huyện Ea Súp (thành lập ngày 30 tháng 8 năm 1977, tách từ huyện Krông Buk)

· Huyện M'Drăk (thành lập ngày 30 tháng 8 năm 1977, tách từ huyện Krông Pak)

· Huyện Krông Ana (thành lập ngày 19 tháng 9 năm 1981, tách từ huyện Krông Pak và thị xã Buôn Ma Thuột)

· Huyện Krông Bông (thành lập ngày 19 tháng 9 năm 1981, tách từ huyện Krông Pak)

· Huyện Ea H'leo (thành lập ngày 3 tháng 4 năm 1980, tách từ huyện Krông Buk)

· Huyện Cư M'gar (thành lập ngày 23 tháng 1 năm 1984, tách từ huyện Ea Súp)

· Huyện Krông Năng (thành lập ngày 9 tháng 11 năm 1987, tách ra từ huyện Krông Búk)

· Huyện Buôn Đôn (thành lập ngày 7 tháng 10 năm 1995, tách từ huyện Ea Súp)

· Huyện Ea Kar (thành lập ngày 13 tháng 9 năm 1986, tách từ huyện Krông Pak và huyện M'Drăk)

· Huyện Cư Kuin (thành lập ngày 27 tháng 08 năm 2007, tách từ huyện Krông Ana)

Dân cư

Tổng dân số năm 2007 ước có 1.759.136 người, mật độ dân số 134người/km2 [2], trong đó:

· Nam: 874.000 người

· Nữ: 885.125 người

Đắk Lắk có 44 dân tộc, trong đó người Ê Đêngười M'Nông là những dân tộc bản địa chính.

Dân số Đắk Lắk qua các thời kỳ:

· Năm 1979: 523.700 người (khi đó diện tích tỉnh là 19.208 km²)

· Năm 1981 (số liệu tính đến ngày 1 tháng 10): 498.000 người (diện tích 19.800 km²)

· Năm 1990: 973.851 người (diện tích 19.800 km²)

· Năm 1997: 1.301.600 người (diện tích 19.800 km²)

· Năm 1999: 1.776.000 người (diện tích 19.534 km²)

· Năm 2004: 1.690.135 người.

· Năm 2005: 1.714.855 người.

o (số liệu của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 18 tháng 8): 1.666.854 người (diện tích 13.062 km²)

o (số liệu của Tổng cục Thống kê): 1.687.700 người (diện tích 13.085 km²)

Kinh tế

Phát triển kinh tế chủ đạo của Đăk Lăk dựa vào sản xuất và xuất khẩu nông sản, lâm sản (chiếm khoảng 60% GDP). Bên cạnh đó tỉnh có tiềm năng về du lịch sinh thái.

Đăk Lăk là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam với trên 174.740 ha. Sản lượng hàng năm trên dưới 435.000 tấn cà phê nhân.

Ngoài ra, tỉnh cũng là nơi trồng bông (bông vải), cacao, cao su, điều lớn của Việt Nam . Đắk Lắk cũng là đất lành của các loại cây ăn trái, hình như phần lớn các loại cây trái ở Việt Nam đều có mặt ở đây và có sản lượng,chất lượng   không đến nỗi, đặc biệt như cây , sầu riêng, chôm chôm, xoài...

Hiện tại, bơ của Đắk Lắk đã được mang thương hiệu của mình và cà phê Buôn Ma Thuột cũng vậy.

Tài nguyên Rừng

Là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về rừng với gần 1 triệu ha đất Nông, Lâm nghiệp, trong đó trên 600.000 ha có rừng, độ che phủ của rừng ở đây là 50%. Ở đây có Vườn quốc gia Yok Đôn rộng trên 115.500 ha, là khu Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam .

Ngoài ra, Đắk Lắk còn có 4 Rừng đặc dụng là: Vườn quốc gia Chư Yang Sin huyện Krông Bông, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar huyện Lắk và Rừng lịch sử văn hóa môi trường Hồ Lắk huyện Lắk, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô huyện Ea Kar. Rừng ở đây có tính đa dạng sinh học cao với hơn 3 nghìn loài cây, 93 loài thú, 197 loài chim với nhiều loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Tài nguyên nước

Ở Đắk Lắk có mạng lưới sông suối rất dầy với 2 hệ thống sông chính là Serepốk và sông Ba, với  833 con suối có độ dài trên 10km. Các sông chính như sông Krông H’Năng, sông Ea H'leo, sông SeRePốk. Lớn nhất là dòng sông Serepôk dài 322 km bắt nguồn từ hai nhánh nhỏ là sông Krông Anasông Krông Nô, hai dòng sông này gặp nhau sau thác Buôn đray, tạo nên dòng  Serepôk thác ghềnh, hùng vĩ và hoang sơ. Trên dòng sông, các ngọn thác nối tiếp nhau tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn như thác Trinh Nữ, Thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H'linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh... và một tiềm năng to lớn về thủy điện.

Ở Đăk Lăk có một số hồ lớn tự nhiên lớn như  Hồ Ea RBin-Nam Kar, Hồ Lắk; một số hồ lớn nhân tạo như Hồ EaKao, Hồ Ea Súp thượng, Krông Búk hạ... Tuy là một tỉnh cao nguyên nhưng ở đây có đến trên 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn nhỏ với 47.000 ha mặt nước, một tiềm năng không nhỏ về phát triển chăn nuôi thủy sản. Hiện tại Đăk Lăk đang giữ kỉ lục Việt Nam về tỉnh có nhiều hồ nhất.

Tài nguyên Khoáng sản

Đắk Lắk là một tỉnh có tiềm năng về khoáng sản, trong đó đáng chú ý là Caolin dùng làm nguyên liệu gốm sứ với trữ lượng P là 36,9 triệu tấn ( Ma đrắk 33,9 triệu tấn, EaKnốp – Ea Kar 3 triệu tấn); mỏ Fenspat Krông Hnăng – Ma Đrắk 0,74 triệu tấn và Iak Bo – Ea Kar 2 triệu tấn.

Văn hóa

Với 44 dân tộc anh em trong đó dân tộc thiểu số chiếm 30%, tất cả cùng nhau sinh sống trên mảnh đất này khiến Đắk Lắk trở thành tỉnh có văn hóa đa dạng nhất. Môi trường này cũng đã tạo nên trường ca Đam San, Xinh Nhã... dài hàng nghìn câu truyền miệng từ bao đời nay, làm ra con chữ riêng cho người Ê Đê, người M'Nông; làm nên đàn đá, đàn T'rưng, đàn K'lông pút độc đáo và làm nên biệt tài săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của người Buôn Đôn đứng đầu Đông Nam Á. Vua voi (N'Thu K'nul, trong 110 năm của đời mình đã săn bắt và thuần dưỡng được hơn 170 con voi rừng, trong đó có con Bạch Tượng tặng vua Xiêm và R'Leo K'Nul người kế tục cũng bắt được hơn 100 con voi có 1 con Bạch tượng tặng vua Bảo Đại.

Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Đáng chú ý khi đến thăm Đắk Lắk là những ngôi nhà dài truyền thống theo huyền thoại có thể "dài như tiếng chiêng ngân" hoặc các bến nước của các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng đất này và ấn tượng với du khách bằng những sản phẩm gia dụng như bàn, ghế và cả thuyền độc mộc đẻo từ những cây rừng lớn nguyên vẹn...

Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêngLễ hội cà phê đã được nhà nước công nhận và tổ chức đều đặn hàng năm như một giá trị truyền thống.

Tiềm năng du lịch

Do nơi đây có tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa hấp dẫn, con người nơi đây mến khách, khí hậu cao nguyên quanh năm dịu mát nên được đánh giá là tỉnh giàu tiềm năng du lịch nhất là du lịch sinh thái. Ở Đắk lắk có những điểm đến đáng chú ý như:

Di tích lịch sử

· Đình Lạc Giao

· Chùa Sắc tứ Khải Đoan

· Nhà đày Buôn Ma Thuột

· Khu Biệt điện Bảo Đại - Nhà Công sứ số 4 Nguyễn Du hiện tại là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk

· Toà Giám mục tại Đắk Lắk

· Hang đá Đắk Tur - Krông bông

· Tháp Yang Prong - Easóup

Nhà vườn đẹp

Vườn cảnh Trohbư http://vn.myblog.yahoo.com/dak-lak/article?mid=229

Thắng cảnh

Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nên có rất nhiều thắng cảnh đẹp như: Hồ Lắk - Lắk; thác Krông Kmar - Krông Bông; thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Gia Long - Krông Ana; thác Thủy Tiên - Krông Năng...

Bài chi tiết: Du lịch Đắk Lắk

Lịch sử

Tỉnh Đắk Lắk (còn ghi theo tiếng PhápDarlac) được thành lập theo nghị định ngày 22 tháng 11 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương và tách khỏi Lào, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung Kỳ. Trước đó, vào cuối thế kỷ 19, Darlac thuộc địa phận đại lý hành chính Kontum và bị thực dân Pháp nhập vào Lào.

Đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 thì tỉnh này trở thành một đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập cùng ngày. Mãi đến ngày 2 tháng 7 năm 1923 tỉnh Đăk Lăk mới được thành lập lại. Lúc mới thành lập, Đắk Lắk chưa chia huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng (còn gọi là buôn): người Ê Đê có 151 làng, người Bih có 24 làng, người Gia Rai có 11 làng, người Krung có 28 làng, người M'dhur có 120 làng, người M'Nông có 117 làng, người Xiêm có 1 làng. Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, tỉnh Đắk Lắk được chia làm 5 quận: Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Đăk Song, Lăk và M'Đrăk, dưới có 440 làng.

Ngày 15 tháng 4 năm 1950 Bảo Đại ban hành Dụ số 6 đặt Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Lắk, làm Hoàng triều Cương thổ, có quy chế cai trị riêng.

Nghị định số 356-BNV/HC/NĐ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngày 2 tháng 7 năm 1958 ấn định tỉnh Đắk Lắk (được ghi là Darlac) có 5 quận, 21 tổng và 77 xã:

1. Quận Ban Mê Thuột có 4 tổng: Ea Tam (10 xã), Cư Keh (4 xã), Cư Ewi (6 xã), Đrai Sap (5 xã).

2. Quận Lạc Thiện (đổi tên từ quận Lăk) có 7 tổng: Đak Lieng (3 xã), Yang Lak (3 xã), Krong Ana (4 xã), Krong Bong (4 xã), Đak Phoi (2 xã), Đak Rohhyo (2 xã), Nam Ka (2 xã).

3. Quận M'Đrak có 4 tổng: Krong Jing (2 xã), Krong Hing (3 xã), Ea Bar (3 xã), Krong Pa (4 xã).

4. Quận Đak Song có 2 tổng: Đak Mil (2 xã), Đak Thoc (3 xã).

5. Quận Buôn Hồ có 4 tổng: Cư Đlieya (4 xã), Cư Kuk (3 xã), Cư Kti (5 xã), Cư Đrê (4 xã).

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tách gần như toàn bộ quận Đak Song của tỉnh Darlac, lập ra tỉnh Quảng Đức vào ngày 23 tháng 1 năm 1959. Như vậy tỉnh Darlac còn lại 4 quận. Sau đó quận M'Đrak lại bị xé lẻ, một phần nhập vào tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 20 tháng 12 năm 1963, lập thêm một quận mới tên là Phước An, quận lỵ đặt tại Phước Trạch, đến ngày 1 tháng 9 năm 1965 chuyển về Thuận Hiếu. Sau này lại bỏ cấp tổng, nên chỉ còn cấp quận (4 quận) và xã.

Tỉnh Đắk Lắk của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 hình thành từ hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam sau tỉnh Gia Lai-Kon Tum, gồm thị xã Buôn Ma Thuột và 5 huyện: Krông Buk, Krông Pach (tức Krông Pak), Đăk Mil, Đăk Nông và Lăk. Tỉnh chỉ lớn nhất nước khi tỉnh Gia Lai-Kon Tum tách làm đôi, khi đó Đắk Lắk diện tích 19.800 km². Số huyện tăng dần cho đến 18 huyện. Từ 1 tháng 1 năm 2004, Đắk Lắk lại được chia thành hai tỉnh: Đăk Lăk và Đăk Nông, nên số huyện giảm xuống còn 13.

Đắk Lắk là một trong số các địa danh gây nhiều tranh cãi nhất về cách viết, tùy theo góc độ nhìn nhận của ngôn ngữ học, dân tộc học hay xã hội học. Sau đây là một số biến thể của tên tỉnh: Đắc Lắc (hay dùng nhất), Đắk Lắk, Đắk Lắc, Đắc Lắk, Dăklăk, Dak Lak... Theo quy định hiện tại của Chính phủ Việt Nam , địa danh này được viết là Đắk Lắk.

Bài này được người Ban mê viết lại theo Vi Wiki, trong bài gốc người Ban mê cũng tham gia biên tập, hiệu đính chút chút. Phần lớn  hình ảnh trong bài là của NBM chụp và chia sẻ đấy (trừ ảnh quảng trường). Bài này dài quá nên  NBM không đưa vào bài mà để chung trong Album, trong đó có ối ảnh, mọi người nếu quan tâm có thể vào xem và tha hồ sử dụng./.

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác