Cuối tháng 12 – 2015, UBND huyện Buôn Đôn đã công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Du lịch dọc sông Sêrêpôk, thuộc địa bàn các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na, gồm 3 điểm: điểm du lịch Buôn Đôn (xã Krông Na), thác Bảy Nhánh (xã Ea Huar) và Thác Phật (xã Krông Na).
Cụ thể, điểm du lịch Buôn Đôn (diện tích hơn 150 ha) có các khu chức năng: trung tâm hành chính, trung tâm dịch vụ du lịch, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí (cầu treo), khu dân cư; điểm thác Bảy Nhánh (65 ha) gồm trung tâm dịch vụ, giải trí, khu văn hóa lễ hội và du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu làng văn hóa các dân tộc – trải nghiệm và khu sinh thái tự nhiên; điểm thác Phật (50 ha) có khu vực cổng, đón tiếp khách, đảo Phật, trung tâm dịch vụ du lịch, khu nghiên cứu bảo tồn phát triển gen thực vật, nuôi động vật bán hoang dã và khu sinh thái – cắm trại. Mục tiêu của quy hoạch nhằm khai thác tối đa và hợp lý cảnh quan thiên nhiên dọc sông, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, hệ sinh thái, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời, thu hút các nguồn lực, hình thành thị trường về dịch vụ du lịch, thương mại tại nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của huyện Buôn Đôn nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Nhu cầu kinh phí để thực hiện các nội dung trên và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch khoảng 1.000 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa.
Có ý kiến cho rằng, việc công bố quy hoạch đến thời điểm này là có phần thiếu khả thi khi mà cảnh quan, môi trường du lịch Buôn Đôn dọc sông Sêrêpôk đã “nát như tương”, bởi dòng sông thơ mộng thuở nào đã thay đổi nhiều do tác động của hạn hán và thủy điện chặn dòng. Cụ thể, từ năm 2014, Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A đi vào hoạt động đã khiến đoạn sông dài 20 km ở hạ lưu qua 3 điểm du lịch trên bị cạn kiệt nguồn nước, làm cho hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trụ, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn – đơn vị quản lý khai thác điểm du lịch thác Bảy Nhánh cho biết, mấy năm gần đây, đoạn sông này bị cạn kiệt, những bãi đá nổi lên lởm chởm. Thậm chí, vào mùa khô, đơn vị phải xin phép cơ quan chức năng chặn các phụ lưu để dồn nước vào nhánh sông chính mới có nước phục vụ du lịch sinh thái, cưỡi voi. Trong khi đó, nhiều du khách tỏ ra thất vọng khi đến Trung tâm du lịch Buôn Đôn (xã Krông Na) do đoạn sông qua khu vực này đang “thoi thóp” vì kiệt nước, cảnh quan thiên nhiên bị tác động mạnh. Ông Nguyễn Đức, quản lý khu du lịch này cho biết, hoạt động kinh doanh du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn do sông Sêrêpôk đang “chết” dần, đơn vị cố gắng duy trì lượng khách, nhưng nếu tình hình này kéo dài thì du khách sẽ chán và bỏ đi hết. Khu du lịch cũng dự kiến mở rộng quy mô hoạt động, đưa thêm các dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước nhưng đang rất dè dặt.
Theo ý kiến của những người làm du lịch Buôn Đôn, để sông Sêrêpôk giữ được hiện trạng, ổn định cảnh quan hai bên bờ thì lưu lượng nước phải đạt tối thiểu 150 m3/s. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh đã yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Buôn Đôn đầu tư kinh phí xây đập chắn ngang sông để giữ nước phục vụ du lịch và đời sống người dân dọc sông. Dự kiến, đập sẽ được xây dựng vào cuối năm 2016, tại xã Krông Na, với chiều cao 2,5 – 3m, dài 300m, kinh phí 10 – 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, con đập này chỉ là giải pháp mang tính “chữa cháy”, vì nước chỉ có thể dâng lên với chiều dài dọc sông khoảng 5 km vào mùa khô, lượng nước cũng không đủ phục vụ cho du lịch và tưới tiêu. Bên cạnh đó, công trình cũng có nguy cơ làm thay đổi hệ sinh thái ven sông và ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Có thể thấy, hiện trạng sinh thái, điều kiện tự nhiên tác động đến du lịch Buôn Đôn chưa được xem xét một cách kỹ càng trước khi xây dựng quy hoạch du lịch dọc sông Sêrêpôk. Do đó, đồ án này có phần thiếu thuyết phục và khả thi trong việc thực hiện. Một khó khăn nữa là nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch rất lớn trong khi ngân sách Nhà nước có hạn và doanh nghiệp ngại đầu tư vì lo ngại rủi ro.
Chỉ còn 21 con voi nhà
Trong dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách du lịch đến Buôn Đôn khoảng 10.000 người, trong đó, dịch vụ thu hút khách nhất là cưỡi voi. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện chỉ còn 21 con voi nhà, tập trung tại xã Ea Huar và Krông Na. Bên cạnh đó, đàn voi phần lớn đã già, chậm chạp. Việc duy trì, phát triển đàn voi gặp rất nhiều khó khăn vì cho voi nhà sinh sản gần như là việc bất khả thi. Điều này khiến “du lịch Voi” – sản phẩm đặc trưng của du lịch Buôn Đôn bao lâu nay sẽ có nguy cơ bị “xóa sổ” trong tương lai không xa.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook