Cồng chiêng - Nhạc cụ thiêng của đồng bào Tây Nguyên

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3771
  • Tổng lượt truy cập 11,490,396

Fanpage facebook

Ngày đăng: 21/02/2013, 03:54 pm

Cồng chiêng - Nhạc cụ thiêng của đồng bào Tây Nguyên

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/02/2009 04:53
CUMGAR.COM - Theo phong tục tập quán từ ngàn xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường tổ chức các lễ hội vào sau vụ thu hoạch. Đó là lễ mừng lúa mới, lễ lên nhà mới… Vào đầu vụ gieo trồng, họ cũng làm lễ tìm rẫy mới, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa. Ngoài ra còn những sự kiện bất thường như lễ tang, lễ cưới...

Ngoài việc cầu xin sự trợ giúp của thần linh, lễ hội cũng là nơi thể hiện nghệ thuật âm nhạc dân gian dưới hình thức diễn xướng. Trong các lễ hội, âm nhạc dân gian đảm nhiệm hai chức năng: tạo không khí thiêng liêng, trang trọng khác thường của ngày lễ, đồng thời là phương tiện giúp người thầy cúng chuyển tải được những lời cầu khấn đến các thần linh, nhờ vào các nhạc cụ đặc biệt là dàn cồng chiêng. Vì thế, cồng chiêng đã trở thành loại nhạc cụ có vị trí quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt nghi lễ và lễ hội truyền thống.

Chiêng là một đặc trưng văn hóa cổ của đồng bào Tây Nguyên, có mặt ở hầu hết các sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời người, trong tất cả các nghi lễ lớn và nhỏ của gia đình, của buôn làng. Chiêng tham gia vào mọi sinh hoạt, nghi lễ với các ý nghĩa khác nhau, nhằm ứng xử với thế giới bên ngoài con người ở các góc độ khác nhau. Vì thế, chiêng là nhạc cụ trung tâm của sinh hoạt nghi lễ và lễ hội, là loại nhạc cụ “thiêng” có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của các dân tộc ở Tây Nguyên.

Chiêng là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ có định âm, nhóm tự thân vang, tức là âm thanh được tạo lên bằng cách tác động trực tiếp lên nhạc cụ. Chiêng có hình vành khăn, được làm bằng chất liệu hợp kim mà thành phần chủ yếu là đồng trộn với vài loại kim loại khác như thiếc, bạc, vàng…

Chiêng ở Tây Nguyên không được sử dụng từng chiếc đơn lẻ, mà kết nối nhau thành dàn, mỗi dàn từ ba chiếc trở lên, có hình dáng và kích thước khác nhau, chiếc nhỏ nhất có đường kính khoảng 10-15cm và đường kính chiếc lớn nhất có thể trên 90cm. Trong một dàn chiêng thì chiêng mẹ là quan trọng nhất.

Có hai loại chiêng thường được sử dụng ở Tây Nguyên là chiêng có núm, còn gọi là cồng, và chiêng dẹt. Việc sử dụng chiêng có núm hay chiêng dẹt không chỉ đơn giản do hình thức của chiêng, mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa văn hóa, thẩm mỹ khác nhau.

Tất cả các dân tộc ở Tây Nguyên không dùng riêng một loại chiêng dẹt hay chiêng có núm, mà luôn kết hợp chúng nhau, trong đó chiêng có núm - tức là cồng - đánh bè trầm, còn chiêng dẹt thể hiện giai điệu.

Trong các dịp nghi lễ, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu, hoặc giai điệu một bè, mà còn hòa tấu đa âm. Cồng, chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có người còn áp dụng các kỹ thuật khác như chặn tiếng bằng tay trái, hoặc tạo giai điệu riêng trên một chiếc chiêng…

Mỗi bài chiêng có nhiều bè, trong đó, mỗi cá nhân sử dụng một cái chiêng. Bài chiêng quy định bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người sử dụng chiêng. Những người đánh chiêng phải nhớ rất rõ các tiết tấu của bài chiêng để khi trình diễn thì phối hợp với nhau một cách hài hòa, tạo nên những âm thanh trầm bổng, hào hùng.

Đồng bào Tây Nguyên có nhiều cách đánh cồng chiêng rất phong phú: Người Ba Na và người Gia Rai có phương pháp đánh chỉ điệu (một bài trầm đánh trên vài giai điệu), người Êđê đánh theo cách thức từng chùm, người M’Nông, người Chu ru, người K’Ho... đều có những cách đánh khác nhau. Cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự xuất hiện ngày càng nhiều nền văn hóa hiện đại Tây phương cùng với những thay đổi trong nếp sinh hoạt thường ngày đã làm cho sự quan tâm đến cồng chiêng dần bị phai nhạt. Những nghệ nhân đánh cồng chiêng tuổi ngày càng lớn mà lực lượng kế thừa thì gần như không đáng kể, do đó số lượng dàn cồng chiêng đã suy giảm đến mức nghiêm trọng.

Để chống lại nạn chảy máu cồng chiêng, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chính sách cho những gia đình, những người gìn giữ dàn cồng chiêng, những nghệ nhân đánh chiêng, chỉnh chiêng. Đã có nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho lớp trẻ học tập kỹ thuật đánh chiêng và chỉnh chiêng, với sự hướng dẫn của những nghệ nhân có trình độ cao, nhằm góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng.

Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 - ngày hội của các dân tộc Tây Nguyên (từ 21 đến 24/11) - một cách bài bản để tôn vinh văn hóa cồng chiêng là một điều rất đáng mừng. Hình ảnh trên bài báo này phản ánh phần nào không khí lễ hội ở Buôn Ma Thuột những ngày festival.


CUMGAR.COM - Theo TẠ QUANG TÒNG - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Ảnh: KINH LUÂN

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác