Gùi là một vật dụng bằng tre, mây đan thủ công rất phổ biến trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là vùng cao Tây nguyên.
Chức năng của gùi thường là để đựng đồ, nhưng đặc biệt có thêm hai quai để tiện mang vác trên vai nhằm giải phóng đôi tay không vướng bận khi mang vác đồ và di chuyển. Tuy nhiên, với người đồng bào, chiếc gùi không phải chỉ là đồ đựng thuần túy mà còn là đồ trang trí thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người đan. Do vậy, trên thân gùi và nắp nhiều khi còn được trang trí những hoa văn cầu kỳ, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống. Mỗi dân tộc lại có cách đan gùi, hình dáng và hoa văn thể hiện trên gùi cũng có nét riêng biệt. Hiện tại những chiếc gùi nhỏ, xinh xắn là một món quà lưu niệm rất dễ thương được du khách chú ý khi đi du lịch ở Tây nguyên.
Trong chiếc gùi của người Ê Đê phần đế bằng gỗ đẽo là đặc biệt nhất vì nó luôn được đẽo hoàn toàn bằng tay với cái rìu truyền thống từ các lọai gỗ mềm như Gạo, cóc rừng. Dây quai cũng đặc biệt luôn vì nó được tết từ vỏ cây móng bò dây, dây làm từ vỏ loài cây này cho độ dai tốt nên người ta còn để làm chão cột chân hay cột bành cho voi
Đây là bài viết về chiếc gùi đã tham gia cho Vi Wiki. Tuy nhiên, chuyện hôm nay tôi muốn nói đến lại khác cơ. Với tôi, câu chuyện nhỏ này rất có thể sẽ trở thành một kỉ niệm khó quên trong đời. Là một người yêu văn hóa Tây nguyên nên tôi rất thích thú sưu tầm những gì liên quan đến vấn đề này. Nhà tôi thường trang trí bằng những vật dụng quen thuộc thường nhật trong cuộc sống của người dân tộc bản địa mà tôi may mắn sưu tầm được. Hôm qua, có lẽ cũng là một ngày may mắn vì trên đường đi rẫy về, tôi gặp một ông già người đồng bào đi xe đạp, chở 2 cái gùi ra chợ bán. Đúng là lọai gùi truyền thống của người Ê Đê, rất mộc mạc, cũng có phần đế gỗ đẽo tay bằng rìu từ gỗ cây Gạo hay cóc rừng. Dây quai cũng đúng là được tết từ vỏ cây móng bò dây, chỉ cái tội là có thêm ít dây ni lon làm có thêm một phần hiện đại. Thích quá bèn dừng lại, hỏi mua. Cứ nghĩ giá chắc phải tương đối một tí vì đây là hàng thật, làm rất công phu, không phải là lọai gùi sản xuất hàng lọat theo kiểu dáng người M’Nông để bỏ sỉ cho các cửa hàng lưu niệm ở Buôn Ma Thuột, thứ gùi mà lâu nay tôi chê không thèm đem về nhà cho chật chỗ.
Giật mình khi nghe giá chỉ có 45.000đ/1 cái mà thôi. Vậy mà xấu hổ quá, dốc hết các ngăn ví, lột tất tần tật túi quần, túi áo mà cũng chỉ còn có nhõn 78.000đ. Mua một cái thì tiếc khó có dịp gặp lại, mà người ta cũng không có tiền thối do tôi chặn ở giữa đường. Muối mặt, mở mồm đề nghị mua 2 cái với số tiền mình có, xách 2 cái gùi về mà tôi cứ áy náy mãi. Nhìn ông già thật tội, có lẽ phải già lắm rồi, chắc bằng tuổi cha tôi ở nhà, khỏang hơn 80 gì đó, đi cái xe đạp cà tàng đến mức không còn gì để nói, lại lấm lem đất đỏ Tây nguyên nên càng thảm vậy mà chợ phố còn cách hơn chục cây số, giữa trưa nắng chang chang. Bằng tuổi cha tôi nhưng cha tôi thì đã nằm liệt giường hơn 7 năm rồi. Ông già này tuy còn đang đi lại được nhưng dáng vẻ rất mỏi mệt, cứ như ngọn đèn sắp hết dầu leo lét cháy thế thì cũng không khá hơn gì. Vậy mà tôi, để được việc cho mình đã không thêm được cho người ta thì thôi lại còn trả giá nữa chứ. Trong khi theo như tôi đã nói ở trên, để làm được một cái gùi truyền thống phải cầu kỳ lắm lắm. Không phải như đan cái rổ, cái rá của người Kinh mình.
Tre, mây thì dễ kiếm, dây rừng cũng dễ tìm vì ngay như trong vườn Trohbư của tôi thôi, móng bò dây cũng đang còn mọc đầy
http://vn.myblog.yahoo.com/dak-lak/article?mid=229
.
Chỉ có cây cóc rừng hay gạo để làm đế gỗ thì dạo này tìm hơi căng, dù để làm gùi người ta chỉ cần chặt những cây đường kính 35-40cm, mà cũng chẳng hiểu tại sao người ta lại không thay bằng ván công nghiệp đã xẻ sẵn cho đơn giản nhỉ, cứ như là tự làm khó mình vậy. Tôi nhớ có một hôm, có mấy anh chàng người đồng bào vào rẫy tôi, lay ha lay hoay định đốn trộm một cây cóc rừng bé bự, ngạc nhiên vì lòai cây này còn nhỏ thế ( đường kính mới được hơn 30 phân) làm gỗ thì không được, làm củi thì khói mù mà chặt thì không biết để làm gì trong khi tôi yêu mấy cây rừng trong rẫy của tôi lắm lắm. Hỏi chặt làm gì, họ bảo lấy gỗ về làm gùi, nghe vừa thương vừa giận. Chưa hết, chặt xong cây lại phải kì công dùng rìu đẽo gọt lấy 4 miếng mỏng như là ván để ghép lại làm đế. Rồi thì công đi chặt tre chẻ nan, rút dây mây để buộc… trăm thứ bà rằn, chắc chắn để làm được một cái gùi truyền thống người ta phải mất ối công là công.Cuối cùng hì hụi đèo xe đạp ra chợ phố để bán, đáng nhẽ được 45.000đ / 1 cái. Vô phúc gặp phải thằng như tôi, bán vo 2 cái mất béng 13.000đồng. Hối hận thì cũng muộn, áy náy cũng không được thêm gì, đành tự an ủi chắc chắn giá mình đưa ra cũng gần đúng, vì nếu không người ta đã chẳng bán cho mình và có khi nào ông già làm gùi, đem bán cũng là vì tình yêu, một sự lưu luyến với văn hóa truyền thống dân tộc của mình? Nếu đúng như thế thì quả là may cho tôi lắm lắm lắm./.
Balmé 102008
Theo tôi nghĩ người Ê đê đan gùi trong lúc nông nhàn và họ làm thật thành thạo.Ngày trước tôi ở trong buôn Easol,có con gà cần nhốt lại ,trẻ trong buôn sau hơn 1 giờ là xong cái lồng có miệng như tổ chim ,nhanh lắm.Chỉ có một điều tôi sợ nhất là nhà sàn đầy rệp ,ở lâu quen hơi thì bớt gải.Thân
Tôi cũng nghĩ việc đan lát chỉ là việc làm thêm lúc nông nhàn và là một thú vui của người già khi rỗi việc. Nếu đúng thế thì tôi cũng bớt được một tí tội.
(Empty)
Không dám khuyên bạn nên tìm trả số tiền còn thiếu, nhưng hy vọng ông cụ và buôn ông cụ là nơi có thể bạn (và tôi, nếu có thể) rất cần đấy.
Sao bạn không hỏi thăm xem ông cụ ở làng nào và...
Chuyện mới xảy ra hôm qua, quanh khu ấy có đế 4 buôn người đồng bào, tôi không biết tên cũng không còn nhớ mặt. Hi vọng một ngày nào vô tình gặp lại ông già đi bán gùi tôi sẽ lại mua và nhất định lần này không trả giá mà còn trả luôn 13.000 đ còn thiếu
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook