Buôn Mê Thuột, những nẻo đường tháng ba

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4305
  • Tổng lượt truy cập 11,490,930

Fanpage facebook

Ngày đăng: 29/07/2014, 02:57 pm
Buôn Mê Thuột, những nẻo đường tháng ba
Mới đêm qua, cả rẫy café còn xanh ngắt, vậy mà sáng thức dậy đã thấy khắp nơi vụt trắng một màu hoa. Hương thơm ngào ngạt, tiếng bầy ong vo ve kéo đến tìm mật. Khắp đất trời trắng muốt bởi hoa. Cái cách hoa café nở thật khiến người ta “giật mình”.

Bài: Lam Linh

Tôi đã có hai dịp đến với Tây Nguyên trong những chuyến công tác ngắn ngày. Lần nào đến cũng vội vội vàng vàng rồi đi ngay, không kịp ở lại chơi với thành phố đang phát triển này. Lần đầu đến Buôn Ma Thuột, vì công việc, tôi chỉ quanh quẩn ở thành phố đang trong mùa mưa, ầm ào, dai dẳng. Thấy lạ vì miền đất đỏ nắng gió này lại lạnh đến thế khi mưa về, làm người khách lạ phải choàng thêm áo khoác ấm. Thành phố sôi nổi cùng vô vàn những cửa hàng lớn nhỏ mọc san sát trên những con đường mới mở. Nhưng có lẽ nhiều nhất là những quán cà phê đủ màu sắc mang những cái tên lãng mạn, nhấp nháy trong ánh đèn màu. “Ly café như muốn nói, nói cùng em bao điều….Ly café như muốn hát, hát cùng em câu gì…Hương bay theo làn khói, vẽ mùa xuân long lanh….Hương bay như làn tóc, vẽ tình yêu mong manh”…. Trong tiếng mưa rơi lẫn tiếng hát trầm bổng của người nghệ sĩ nổi tiếng miền đất nắng gió và ly cà phê đậm đà, thơm hương trong cái lạnh của miền núi này ngọt ngào hơn khi uống ở bất cứ nơi đâu.

Lần thứ hai ghé qua Buôn Ma cũng lại vì công việc, nhưng thời gian có phần thảnh thơi hơn. Tranh thủ buổi chiều, tôi được cô bạn đồng nghiệp dẫn đi thăm thú thành phố cho biết đó biết đây. Nhà Đày Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm thành phố sẽ đóng cửa lúc 5h chiều. Đây là nơi luôn thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm và dễ tìm. Qua lời kể của người hướng dẫn viên du lịch, tôi được hiểu thêm về nơi lưu giấu lại những chứng tích chiến tranh một thời khốc liệt này. Những chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm ở đây đã trở thành những người gieo hạt mầm cách mạng vào mảnh đất Cao nguyên đất đỏ anh hùng.

Mọi ngả đường đều dẫn lối đến ngả Sáu, trung tâm thành phố, nơi có tượng đài chiến thắng với điểm nhấn là chiếc xe tăng bằng sắt thép đã mở đầu trận đánh vào Buôn Ma Thuột năm nào. Từ đây, có thể bao quát toàn thành phố với dòng xe cộ tấp nập không ngừng nghỉ vào ra. Tôi cũng tranh thủ ghé qua viện Bảo Tàng, vốn là Biệt Điện của ông hoàng cuối cùng Bảo Đại. Tòa biệt điện này vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính từ thời Pháp thuộc với nhà vườn, sân và cả những cảnh quan rộng rãi xung quanh.

Gần thành phố có khá nhiều rừng cây cao su đang vào mùa lá rụng. Những hàng cây được trồng ngay hàng thẳng lối, chạy xa tít tắp đến tận chân trời. Mỗi thân cây cao su là một câu chuyện và những vết cứa nơi nhựa rỉ xuống ngày đêm mang bao mồ hôi và nước mắt. Nhiều thân cây chằng chịt vết cứa đến mức không còn chỗ cho những vết cắt mới. Và khi những cơn gió bất tận của mảnh đất này ào ạt chạy giỡn trong những khu rừng thẳng tắp ấy, những chiếc lá vàng sớm lìa cành tạo một vẻ đẹp lãng mạn với những thảm thiên nhiên rực rỡ.

Lần thứ ba tôi đến Buôn Ma Thuột vì một cái hẹn với mùa hoa cà phê. “Đến đi, bạn sẽ được bồng bềnh trên những đám mây hoa trắng muốt, tinh khôi. Đến để thấy đất trời Tây Nguyên vào những ngày đẹp nhất”. Thế là khi mùa xuân về, bỏ lại những vội vã nơi đô thành, tôi đến với Tây Nguyên một lần nữa.

Buôn Ma Thuột mùa xuân, thành phố tưng bừng cờ hoa trên những con phố rộng rãi, tất bật người qua lại. Buôn Ma Thuột vẫn là thành phố trẻ trung với nhiều dự án phát triển mỗi ngày, những tòa nhà mới, những công trình kiến trúc, phúc lợi xã hội. Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êđê Kpă. Vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài. Mỗi nhà có từ 30-40 người do Tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, Buôn Mê Thuột đã qui tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tên gọi Buôn Ma Thuột nghĩa là làng của Ama Y Thuột - làng của cha Y Thuột. Buôn Ma Thuột sinh nhật vào ngày 22 tháng 11 hàng năm và đã tròn một trăm tuổi vào năm 2004.


Không phải ai cũng có may mắn đến Tây Nguyên đúng vào mùa hoa nở. Vì vụ hoa cafe thường nở 2 -3 đợt đến tận cuối mùa xuân và mỗi vụ hoa nở nhanh rồi tàn cũng nhanh như khi bừng nở, chỉ vài ngày là những thảm hoa chuyển thành những nụ quả xinh xinh. Và tôi, có lẽ là một trong những người may mắn khi nhìn thấy mùa xuân về với đất trời Tây Nguyên. Dưới bầu trời trong xanh và cái nắng nhẹ, màu trắng của loài cây kinh tế miền sơn cước dệt nên những thảm trắng trải dài khắp các triền đồi, nhà vườn, nhà rẫy của người dân Buôn Ma. Những cánh rừng cà phê xanh trải rộng khắp các triền đồi chỉ qua một đêm đã chuyển thành những thảm hoa trắng bồng bềnh, khiến người ghé thăm không khỏi ngỡ ngàng. Thời điểm mùa xuân cũng là thời gian đông khách nhất trong năm của Buôn Ma Thuột. Khách phương xa đến Tây Nguyên để hòa mình vào cùng phong cảnh thiên nhiên đặc trưng của miền nắng gió cùng rất nhiều lễ hội đặc sắc.

Mùi hương ngọt ngào của hoa cà phê quyến rũ bầy ong khắp nơi bay về vờn phấn, hút mật để tạo ra những giọt mật thơm ngon, đặc sánh. Và trong khung cảnh thơ mộng ấy, từng đàn bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê đua nhau kéo đến bay lượn khắp trời Buôn Mê, tạo nên một bức tranh ngây ngất lòng người. Loài hoa ấy, hương sắc ấy là một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ Bazan, đem lại cái hồn cho Buôn Mê vào mùa hoa cà phê, khiến Buôn Mê chưa xa đã nhớ.

Cuối mùa xuân, hoa cà phê đã ít hơn và những quả non đã nhú trên cành, báo hiệu một mùa cà phê bội thu. Khoác balô đi khắp Tây nguyên suốt mùa xuân, đến đâu cũng say trong hương hoa cà phê ngào ngạt.

Những điều chỉ có trên mảnh đất nắng và gió

Kho tàng văn hóa phi vật thể Tây Nguyên: Văn hóa cồng chiêng và loại hình văn học dân gian truyền miệng là di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc, trong đó sử thi, trường ca là đại diện tiêu biểu nhất. Tượng nhà mồ lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt. lao động sản xuất và đời sống tâm linh gắn với phong tục tập quán của mỗi tộc người. Đồng bào Tây Nguyên có nhiều lễ hội liên quan đến nông nghiệp như lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng, lễ ăn mừng lúa mới, lễ cúng hồn lúa, mẹ lúa. Lễ hội cộng đồng phải kể đến lễ kết nghĩa, lễ mừng nhà rông mới...

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức ở thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk. Đây là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này.

Buôn AKô Đhông: Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật - thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một buôn lớn có lịch sử lâu đời và giữ được nhiều giá trị truyền thống. Hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố.

Cưỡi voi ở Buôn Đôn: Cưỡi voi băng rừng quốc gia YokDon, hay chèo thuyền Độc Mộc trên hồ Dak Min. Những căn nhà gỗ mộc, những đôi mắt của người dân tộc, những đàn bò dê thong dong, dòng Sêrepok tang tình... sẽ không làm uổng phí chuyến đi đến Đắc Lắk của bạn.

Lời bình: Bác này viết bài này hay phết. Cơ mà thiếu Trohbư Botanic Garden. Đảm bảo bác ấy mà đến đây một lần sẽ có hẳn một bài viết riêng về nó cho mà xem.

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác