Trong văn hóa Tây nguyên, cái mà người Ban mê mê nhất đó chính là cái vụ bến nước của người đồng bào. Chính vì vậy trong thư mục Văn hóa Tây nguyên người Ban mê đẩy một hơi ba bốn bài liền( Bến nước ở Tây nguyên ; Lễ cúng bến nước ở Tây nguyên ; CÓ MỘT BẾN NƯỚC ĐÃ QUA ĐỜI).
May quá, ở gần Vườn Trohbư có ngay một cái bến nước cực đẹp, đó là bến nước buôn Kó Đung. Chỉ có vậy thôi mà hăm mãi không làm nổi cái phóng sự về nó, để mọi người nhắc hòai ngại ghê. Hôm rồi đưa người của Dak Lak tourist đi khảo sát tour đi bộ nên nhớ đem theo máy ảnh tiện tay chụp được một mớ, giờ đem chia sẻ với mọi người đây. ( Mời thử tour đi bộ của Trohbư cùng người Ban mê)
Trong các buôn làng người dân tộc bản địa Tây nguyên có bến nước hay không thực ra rất dễ nhận biết bởi những tán cây rừng cao vút, rậm rịt như những ốc đảo xanh vậy.
Nhất là khi có cây Kè (giống cây Cọ) luôn chỉ điểm cho người ta biết vùng này có nước mặt phát lộ.
Đây là con đường xuống bến nước, nó là đường vào buôn nên rất rộng rãi, xe du lịch 45 chỗ ngồi lên xuống vô tư nên người Ban mê dự tính nếu đoàn khách nào lười đi bộ thì cho xe chở thẳng qua đây luôn.
Người Tây nguyên dù đã biết sử dụng nước giếng nhưng nước uống thì vẫn dùng nước lấy từ bến nước là chủ yếu.
Cứ mỗi buổi trưa đến hay chiều về là bến nước lại nhộn nhịp, đây chính là nơi để mọi người gặp gỡ và chuyện trò duy trì nếp sống cộng đồng...
Ở bến nước này các cô Sơn nữ vẫn tắm trần vô tư lắm nhưng hôm nay mình không gặp may rồi, chỉ có ảnh của Sơn nữ già để trình làng thôi.
Thật là kì lạ vì cho đến tận bây giờ, để lấy nước ở đây người ta vẫn cứ dùng ống tre đục rỗng, dù buôn Kó Đung chỉ cách Buôn Ma Thuột nhõn có 12 cây số .
Hệ thống cây rừng quanh bến nước này vẫn giữ được tương đối tốt nên ở đây quanh năm nước tuôn trào và mát rượi. Chỉ tiếc có đơn vị kết nghĩa nào tự dưng nghĩ ra chuyện xây tặng cái bể xi măng làm công trình tình nghĩa đã vô tình phá vỡ cảnh quan của bến nước phần nào.
Cái tội cứ thấy cảnh nào hay là bấm lia lịa đây mà, giờ bỏ tấm nào cũng tiếc nên đưa tuốt tuồn tuột cho mọi người chọn. Ngày xưa dùng máy chụp phim cũng vì cái vụ này mà người Ban mê luôn bị ốm tiền.
Người Ban mê đã thiết kế xong con đường đi bộ từ Trohbư qua đây cực đẹp. Đọan này hết 2 cây số và 20 phút đi bộ thôi và là đọan cơ bản của tour hành xác cùng Trohbư đấy. Viết bài này xong nghĩ lại thấy mình đặt cái tên này chính là một sai lầm to đùng.
Thật tiếc vì bên Buôn Niêng cũng có một bến nước đẹp lắm nhưng đường dây dẫn điện từ Serepốk 3 về đã khai từ nó hồi đầu năm nay nếu không thì Trohbư của mình thật bố tướng. Không biết sau này số phận của bến nước Kó Đung sẽ ra sao nhỉ, có ra đi theo luôn không? Nếu theo đúng dự tính của người Ban mê thì sau khi Trohbư đi vào khai thác ổn định và tour kết nối bến nước này đông khách nhất định người Ban mê sẽ để dành một phần lợi nhuận để giúp buôn khôi phục, giữ gìn vẻ đẹp của bến nước và phát huy truyền thống văn hóa cụ thể là làm cho cái bến nước này luôn giữ được nét đẹp ban đầu và tổ chức lại Lễ cúng bến nước hàng năm. Không biết ước mơ này của người Ban mê có xa với lắm không nhỉ./.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook