Thủ phủ cà phê toàn cầu: Khát vọng vượt lên trên cà phê

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3258
  • Tổng lượt truy cập 10,245,924

Fanpage facebook

Ngày đăng: 01/10/2013, 10:53 am

Thủ phủ cà phê toàn cầu: Khát vọng vượt lên trên cà phê

Thứ Tư, 22/07/2009 - 08:56

Siêu việt! Ấy là ấn tượng của những ai được biết đến ý tưởng của Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu do Tcty cà phê Trung Nguyên làm đầu mối thực hiện. Không dừng lại ở việc tạo ra một mô hình tổng thể cho phát triển bền vững của địa phương và của ngành cà phê VN, Thủ phủ cà phê toàn cầu còn mang một khát vọng lớn, đưa thế giới hội nhập với VN bằng niềm đam mê những giọt cà phê mang đậm phong vị Việt theo hai giá trị sáng tạo và hài hoà.

Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu khởi nguồn từ khát vọng của Đặng Lê Nguyên Vũ - ông chủ của Tcty cà phê Trung Nguyên: Xây dựng một “Thiên đường cà phê toàn cầu” tại Buôn Ma Thuột, đưa nơi đây trở thành thánh địa của hàng tỷ tín đồ cà phê trên thế giới.

Từ số phận của cà phê Việt

Nghe Đặng Lê Nguyên Vũ trăn trở về số phận của hạt cà phê Việt mới thấu hiểu hết lý, hết tình của ước mơ anh ấp ủ. Cà phê xuất khẩu của VN mặc dù đã định vị được chỗ đứng của mình trên bản đồ xuất khẩu cà phê thế giới với sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, nhưng điều mà anh trăn trở là cà phê Việt vẫn chưa quyết định được số phận của mình, người trồng cà phê vẫn còn lắm nỗi nhọc nhằn. Xuất thô, giá thấp, ngành cà phê thiệt đơn thiệt kép. Tính sơ sơ, anh cũng đã thấy con số mất mát quá lớn, khoảng 300 triệu USD/năm, lại còn bị phụ thuộc vào thế giới. Giá cà phê thế giới hiện đang bị thao túng bởi hai sàn giao dịch nông sản tại New York và London. Sản lượng cà phê bị thao túng bởi nhóm “ông lớn” gồm Nestle, Kraff, Sara Lee, Maxwell House. Và những hãng cà phê đặc biệt như Starbucks, Tullys... đều là của các nước Âu Mỹ, những nước hầu như không trồng cà phê. Các giá trị thặng dư từ ngành này chủ yếu chảy vào túi các nước này.

Thực tế trên thế giới đã chứng minh rằng cà phê thật sự trở thành một ngành công nghiệp với tổng giá trị giao dịch toàn cầu là 80 tỷ USD, chỉ đứng sau dầu lửa về giá trị hàng hoá, vượt vàng bạc, đá quý, dầu mỏ để trở thành hàng hoá được đầu cơ nhiều nhất. Ngành này đã mở rộng và chứa đựng các yếu tố tài chính, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hoá, kinh tế tri thức, du lịch sinh thái, du lịch cà phê...

Trong khi đó, VN có vị thế của một cường quốc cà phê chưa được khai thác: Sản lượng Robusta số 1 thế giới và tiềm năng to lớn của Tây Nguyên – vùng đất bazan huyền thoại có tuổi đời 160 triệu năm, tài nguyên rừng - nước - đá, sự đa dạng và nguyên sơ về văn hoá, sẵn có một số hạ tầng và những thành công bước đầu của ngành cà phê Buôn Ma Thuột...

Đến một ước mơ vĩ đại

Cà phê, từ trong truyền thuyết đã được coi là một món quà của Chúa dành cho nhân loại. Hiện đang có hàng tỷ người trên thế giới sử dụng cà phê như một thức uống kích thích sự thức tỉnh và tinh thần sáng tạo. Không những thế, hành vi này còn thể hiện tinh thần phát triển bền vững và trường tồn của nhân loại. Vì tác động đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế và xã hội của nhân loại, cây cà phê và hạt cà phê có thể xem như nguồn năng lượng của các nền kinh tế mới: kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo.

Bên cạnh đó, cà phê là thức uống mà tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo... Ai cũng có thể chia sẻ hương vị và đón nhận những năng lượng mới từ cà phê. Đó là điều mà Đặng Lê Nguyên Vũ coi là sự kết nối xã hội – văn hoá diệu kỳ, giúp dẫn tới sự kết nối kinh tế, năng lượng, sáng tạo và khơi nguồn cho kỷ nguyên phát triển hoà hợp, hoà bình giữa con người với con người, giữa con người với môi trường sinh dưỡng cộng đồng.

Nhìn cà phê dưới góc độ văn hoá, anh tin rằng VN hoàn toàn có thể tạo ra được một giáo lý thứ hai cho nhân loại - giáo lý cà phê. Bởi lẽ, chưa có một quốc gia nào phát triển đầy đủ và thể hiện hết tầm quan trọng của cà phê. Chưa có một tập đoàn, thương hiệu nào thể hiện được hết những giá trị to lớn của cà phê đến cộng đồng. Chưa có một triết lý chứa đựng đầy đủ giá trị để kết nối và phát triển hàng tỷ người đam mê cà phê trên thế giới. Và chưa có vùng đất nào có đủ các yếu tố có đủ sức hấp dẫn hàng tỷ người đam mê cùng hướng về. Còn VN thì có những yếu tố căn bản, và hơn cả là có khát vọng được hiện hình trong Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu mà anh là người khởi xướng xây dựng.

Ấy thế là Đặng Lê Nguyên Vũ nuôi ước mơ kiến tạo một mô hình phát triển đột phá nhưng bền vững cho Buôn Ma Thuột, và tương lai là một địa bàn lớn hơn trong quy hoạch tổng thể Đắk Lắk, Tây Nguyên nhằm tạo giá trị gia tăng cho những hạt cà phê của quê hương mình dựa trên việc tạo ra sự chuẩn hoá các quy trình sản xuất và liên minh chiến lược.

Không chỉ là mơ

Thánh địa cà phê tại Buôn Ma Thuột đã được mô tả kỹ lưỡng qua Báo cáo về Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu. Dự án được đề xuất xây dựng trên cao nguyên M’ drăk ở độ cao 400-500 m với tổng diện tích từ 2.000-3.000 ha. Thủ phủ cà phê toàn cầu được xây dựng với định hướng trở thành không gian đậm đặc chất cà phê trong hệ sinh thái hài hoà, bền vững với nền tảng là sản xuất nông nghiệp xanh và sạch. Dự án bao gồm cả cấu phần vật chất (công viên cà phê, bảo tàng và trung tâm nghiên cứu cà phê, vườn cây chữa bệnh theo kiến thức dân tộc truyền thống) và cấu phần phi vật chất (resort và spa, du lịch cộng đồng, hành trình khám phá cà phê đi qua không gian và thời gian). Trong tổng thể hài hoà đó, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật và tâm linh mang đậm bản sắc Tây Nguyên như không gian văn hoá cồng chiêng, hình mẫu hoá các không gian trồng cà phê và các đặc trưng văn hoá cà phê trên thế giới, lễ hội hoa cà phê toàn cầu... là chủ thể quan trọng trong việc tạo ra sức hút với những tín đồ cà phê.

Nhận xét về Dự án, GS TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm – Trưởng điều phối Chương trình đạo tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh của United Business Institutes hợp tác với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM khẳng định: Lựa chọn Đắk Lắk để xây dựng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” là xác đáng: từ thổ nhưỡng đến con người, từ cảnh quan đến địa thế, từ dân cư đến sinh thái... tất cả đều là những tiềm năng lớn cho việc tạo dựng một tương quan mới có khả năng làm nổi trội lợi thế so sánh của VN.

Từ một góc độ khác, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng Thủ phủ cà phê toàn cầu thể hiện một cách "nghĩ lớn" để giành lại lợi ích chính đáng. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng muốn làm được điều đó phải tạo ra được thương hiệu cà phê VN đủ mạnh, trong đó ngoài chất lượng cà phê và các yếu tố khác, cần phải thổi được cái hồn vào cho hạt cà phê VN, tạo ra được một thứ văn hoá cà phê VN...

Đến nay, Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu chuẩn bị được UBND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn dự án đầu tư. Đây là phần thưởng đầu tiên cho một khát vọng lớn, không chỉ đưa VN hội nhập thành công với thế giới mà còn đưa thế giới hội nhập cùng những giá trị nhân văn của đất và người VN, mở đường cho những nguồn ngoại lực hài hoà đang hiện hữu hay còn vô hình nhưng vô tận chảy tới để xây dựng và bảo vệ VN.

Tuyết Nhung

 

Lời bình: Mình rất ủng hộ và mê cái ý tưởng Thủ phủ cà phê này nhưgn…đưa nó về Ma đrắk nơi quy họach không cho trồng một cây cà phê nào thì …buồn không chịu nổi. Huhu!

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác