Ngày xuân tản mạn về thú chơi lan
Trong không khí giao hòa của trời đất vào xuân, hoa như đem đến cho con người sức sống mới và những gì tươi đẹp nhất của một mùa xuân. Nếu như người miền Bắc sắm bằng được một cành đào, thì người miền Nam một cái Tết không thể thiếu nhành mai để trưng trong ba ngày Tết. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người đã tìm đến các loài hoa cao cấp hơn; và hoa phong lan, loài hoa được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa.
Hoa phong lan thật đẹp, hương thơm ngào ngạt, màu sắc thắm tươi, đủ vẻ; từ trong như ngọc, trắng như ngà đến êm mượt như nhung, tím sậm, đỏ nhạt, nâu, xanh, vàng, tía, chấm phá, loang, sọc, vằn… mà tên gọi lại thanh nhã, mỹ miều như Bạch Ngọc, Giáng Xuân, Hạc Đính, Long Tu, Giã Hạc, Kim Điệp, Bạch Phượng, Hoàng Thảo, Ngọc Điểm, Vũ Nữ…
Ngày nay, nhờ vào tiến bộ trong khoa học, những chậu, giỏ hoa phong lan được trồng theo phương pháp cấy ghép công nghiệp có thể đến được với tất cả những người yêu loài hoa quý phái này. Nhưng người chơi phong lan khó tính không chỉ quan tâm ở vẻ đẹp cao sang của loài hoa quyền quý mà còn thể hiện sự công phu và tài khéo léo để thuần dưỡng những giò lan rừng, không ít người vẫn thích lặn lội vào tận núi cao, rừng thẳm để tìm kiếm, hoặc cố tìm mua bằng được những giò lan của núi rừng.
Những ngày tết, có giò hoa phong lan rực rỡ hay chí ít có chậu lan nhỏ trang trí trong nhà làm ta có một cảm giác lâng lâng khó tả. Nó vừa sang trọng, quý phái lại vừa hoang dại như mang hơi thở của núi rừng.
Không chỉ chơi lan, thưởng thức lan trong những ngày tết, nhiều người say mê với hoa lan vì dáng dấp ngọc ngà, thanh nhã, lại thêm nhiều hương sắc, nồng nàn, gợi cảm.
Được giới thiệu, tôi cùng mấy người bạn trẻ yêu thích phong lan đến thăm vườn lan nhà ông Bá, người có thâm niên chơi hoa phong lan hơn 10 năm nay, các anh không quên mang tặng một giò phong lan nhỏ mà ông đang thiếu trong bộ sưu tập của mình. Chủ và khách tuy ở hai thế hệ khác nhau nhưng lại có chung niềm đam mê những nhánh lan rừng. Khách của ông đa phần là khách quen, nhiều người khách đến đây chỉ để ngắm hoa, chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm bón cho phong lan khoe sắc được rực rỡ nhất. Cuộc trò chuyện của ông với người bạn trẻ, làm tôi càng cảm thấy ông thật gần gũi, dễ mến, hiếu khách như chính những loài lan rừng của ông vậy. Ông tâm sự: vườn nhà tôi lúc đầu chỉ có ít giò lan treo dưới những cây bóng mát. Thế rồi vì mê loài hoa này nên số lượng và chủng loại cứ tăng dần theo sở thích và sự tìm tòi của mình. Bây giờ giàn lan bốn mùa lúc nào cũng có hoa nở để thưởng thức. Hàng ngày, tôi dành không dưới một tiếng đồng hồ để tỉa lá, nhặt sâu, phun tưới cho dàn lan của mình đang bắt đầu đơm nụ, nở hoa chào đón một mùa xuân mới. Việc yêu và quí hoa phong lan đối với tôi là một nhu cầu tinh thần, một niềm đam mê không thể thiếu để giảm đi những bộn bề lo toan trong cuộc sống hàng ngày.
Với những người yêu thích phong lan nhưng nhà không có không gian, khuôn viên để bày trí nhưng họ vẫn chơi lan theo cách riêng của mình. Nhà anh Hải ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh là một điển hình. Ngôi nhà nhỏ của anh không có sân, vườn; hiên nhà chỉ chừng 10m2, nhưng anh đã đầu tư hàng chục triệu đồng để có chỗ chơi lan. Có được vườn treo nhỏ trên ban công, anh Hải chỉ sưu tầm những giò lan rừng mà mình yêu thích và những loại hiếm mang về trồng. Cũng như những người chơi phong lan rừng khác, ban đầu từ chỗ yêu thích loài hoa của núi rừng, anh mua ít giò về treo, nguồn đam mê đối với lan đến với anh, để rồi anh chi phí biết bao công sức, thời gian gây dựng nên cái vườn treo nhỏ này. Sau khi hoàn tất công việc hàng ngày có khi còn bị những áp lực, làm cho mình mệt mỏi, nhưng về đến nhà, một chút thả hồn khi bước chân lên ban công nhìn thấy những giò hoa lan, những chiếc lá vẫy vẫy, những chùm hoa đung đưa theo làm gíó mơn man bỗng thấy nao lòng, cây lan chắt chiu, tảo tần từng chút nhựa để nuôi hoa. dâng hiến cho đời sự kiêu sa và rực rỡ! Cảm ơn phong lan nơi ta tìm đến một cảm giác ngọt ngào, tinh thần như dịu xuống, lâng lâng.
Ngày xưa các cụ có câu “vua chơi lan, quan chơi trà” nhưng bây giờ thì khác, vua chơi lan và dân cũng chơi lan. Chỉ cần vài chậu đất nung hay vài đoạn gỗ là ai cũng có thể làm được ít giò lan để chơi. Các loại lan rừng thường ký vào thân gỗ, trồng vào chậu đất nung. Gọi là trồng nhưng không phải trồng bằng đất mà trồng trong các giá thể như mùn cưa, xơ dừa, than hoa, mảnh vỏ gỗ mục… Nếu chơi ít thì không cần phải làm giàn che, chỉ cần treo dưới các tán cây, ban công quanh nhà thì nhà ai cũng có thể có mươi giò, chậu lan để chơi.
Ở thành phố Vinh, không ít người thích chơi hoa phong lan, họ không chỉ là những người cao niên có nhiều thời gian nhàn rỗi; nhiều người còn rất trẻ, công việc bộn bề nhưng vẫn dành thời gian để chơi phong lan. Với tính năng động của mình, cho dù không có không gian để bài trí những giò phong lan sưu tầm được theo ý muốn, họ vẫn tìm cách để được thưởng thức vẻ đẹp của lan rừng. Chỉ trong một không gian hẹp trước hiên nhà, nhưng với năng khiếu thẩm mỹ, họ tạo cho mình chơi phong lan theo một phong cách riêng. Họ biện minh là mình đã lỡ yêu nên không bỏ được. Chơi phong lan, để làm cho tinh thần thoải mái, con người thảnh thơi.
Anh Phạm Sơn Lâm, một người vốn quê ở miền sơn cước, về sống ở đất thị thành, một lần đi công tác, lúc đi ngang qua sườn núi, tình cờ nhìn thấy một bông hoa tím trắng nằm ẩn hiện giữa đại ngàn cây xanh, hoa phong lan rừng. Đẹp quá. Hương sắc thắm đượm, dịu dàng, hòa quyện cùng mây núi làm say đắm lòng người. Anh thích và tìm chơi hoa phong lan từ ngày ấy. Anh là người chơi lan, gắn bó với lan chưa nhiều, nhưng lại đam mê phong lan đến cuồng nhiệt. Qua tháng năm, vườn lan ở phường Tân Phúc của anh ngoài những giống lan thông thường, ở đây còn có những giò lan quý hiếm mà không phải ai cũng có thể trồng và chăm sóc được. Để có thể thu thập được các giống lan như hiện nay. Bước chân vào vườn lan nhà anh Lâm, ấn tượng đầu tiên của những người khách là sự phong phú và đa dạng về chủng loại lan. Từ vườn lan, anh Lâm có được những mối quan hệ thân thiết với bạn bè cùng trồng lan trên địa bàn và cả khắp mọi miền đất nước. Giữa anh và mọi người thường xuyên tụ tập về đây để thưởng thức, chiêm ngưỡng và trao đổi thông tin, giao lưu, gặp gỡ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp phải những khó khăn trong quá trình trồng lan.
Đến thăm vườn phong lan ở phường Tân Phúc, không ai nghĩ đây là vườn lan này là của một người phụ nữ, chẳng biết từ bao giờ chị Hường mê những giò lan mầu sắc thắm tươi, đủ vẻ. Mỗi loài hoa đều có hình dáng, màu sắc, vẻ đẹp riêng đã cuốn hút tâm hồn chị. Sự chia sẻ, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình và bè bạn đã khiến chị có nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức về cách trồng, cách chơi hoa lan, để đến hôm nay cả vườn phong lan bên hiên nhà chị rực rỡ sắc hoa với vẻ đẹp quyến rũ của chúng.
Đến nay ở thành phố Vinh phong trào chơi hoa phong lan, nhất là phong lan rừng đang phát triển mạnh mẽ, tuy hội hoa lan chưa chính thức thành lập như các địa phương khác nhưng những người chơi hoa phong lan đã xích lại gần nhau. Họ cùng nhau trao đổi cách trồng, chăm sóc và thưởng thức vẻ đẹp quý phái của hoa phong lan. Hơn thế, họ đã cùng nhau mở trang trên mạng Internet để giới thiệu cho mọi người vẻ đẹp hoa phong lan, một loài hoa sinh ra từ tinh túy của đất trời, thanh tao, tinh khiết với tất cả màu sắc cầu vồng.
Trong những thú vui lành mạnh, thú chơi phong lan được một số người ham chuộng. Tuy cùng chơi lan nhưng mỗi người một mục đích, một sở thích khác nhau; người ta chơi phong lan vì lòng yêu thích loài hoa cao quý, màu sắc rực rỡ, hương thơm thanh khiết dịu dàng hay nồng nàn ngào ngạt lại thêm lâu tàn. Đó là một thú chơi tao nhã rất phù hợp với hoàn cảnh đất hẹp, người đông, chỉ cần một khoảng không gian mấy mét của mái hiên, ban công, một khoảng không gian dưới hành lang của ngôi nhà ống cũng đủ chỗ bố trí những giò, những chậu phong lan. Hoa phong lan, một loài hoa sinh ra từ tinh túy của đất trời, thanh tao, tinh khiết luôn gần gũi, chung thủy với con người. Hy vọng những người chơi phong lan, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình với những người yêu thích, để phong lan làm giáng, làm hoa, dâng hương - sắc làm đẹp cuộc sống cho người.
(Thanh Hùng)
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook