Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của Ama Thuột - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng, để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.
Thuở xưa, đây là vùng đất của người Ê Đê Kpă với khoảng 50 nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng Ama Thuột cai quản. Khi đó, thủ phủ của vùng đất cao nguyên Đắk Lắk được đặt tại Bản Đôn (huyện Buôn Đôn bây giờ). Năm 1890, Bourgeois - một tên thực dân nổi tiếng nham hiểm, sau khi thu phục được Khumjunop, một tù trưởng, một vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn đã tiếp tục tìm mọi cách để mua chuộc tù trưởng Ama Thuột nhằm đặt tiền đề cho việc xây dựng một thủ phủ mới ở đây. Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, 14 năm sau, tức ngày 22 tháng 11 năm 1904, theo đề nghị của Hội đồng tối cao Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Đại lý hành chính Buôn Ma Thuột, thuộc quyền giám sát và quản trị của Khâm sứ Trung Kỳ và Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh Đarlac (tên gọi tỉnh Đắk Lắk bây giờ) thay cho Bản Đôn.
Bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1905.
Các công sứ người Pháp, đặc biệt là Sabatier muốn duy trì việc biệt lập Tây Nguyên, nhưng do nhu cầu thiết lập cơ sở chính trị, hành chính xã hội đòi hỏi sự có mặt của các công chức, vì thế bên cạnh người Pháp, người Êđê, người Kinh đã dần có mặt ngày càng đông, nhất là sau khi có Nghị định ngày 02-07-1923 của toàn quyền Đông Dương về việc thành lập tỉnh Đắk Lắk.
Bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1918
Sau đó, thực dân Pháp đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để thực hiện chính sách thống trị lâu dài. Trong nội thị đã xây cất các công sở của Pháp, bệnh viện, nhà tù, trường học, cửa hàng, khách sạn, chợ, nhà máy, rạp hát, sân vận động, bể bơi, nhà kho, nhà để xe. Khu dân cư của người Việt và người Âu xen kẽ với với một số buôn làng của người Ê Đê. Đường sá đã có ngã tư, ngã sáu. Các đường nội tỉnh và ngoại tỉnh được hình thành, sân bay Monfleur được xây dựng. Ngày 05 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột tọa lạc trên các làng Buôn Ma Thuột và Buôn Sô. Vì chính sách hạn chế của thực dân Pháp, chỉ có ít người Kinh sinh sống tại BMT, trong làng Lạc Giao. Người dân hàng năm phải đi “xâu người” và “xâu voi”, đàn ông 18 - 60 tuổi phải xâu 20 ngày, mỗi voi cũng chịu 20 ngày xâu trong một năm.
Bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1930
Ngày 28/8/1945, tổng khởi nghĩa diễn ra ở Đắk Lắk, Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh đã ra mắt và tuyên bố xoá bỏ chế độ thống trị của Nhật, Pháp; hệ thống chính quyền cách mạng được thành lập. Liên hoan đoàn kết các dân tộc Dak Lak được tổ chức tại Biệt điện Bảo Đại bàn về vấn đề đoàn kết các dân tộc anh em trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến đánh bất ngờ vào Thành phố Buôn Ma Thuột, giải phóng Thành phố và cũng là thời khắc mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thị xã Buôn Ma Thuột được Nhà nước quyết định nâng lên Thành phố Buôn Ma Thuột (theo Nghị định 08-NĐ/CP ngày 21/01/1995).
Đến năm 2005, Thành phố Buôn Ma Thuột lại tự hào được nâng cấp thành đô thị loại II (Quyết định 38/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005) và ngày 07/9/2006 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1181/QĐ-TTg, theo đó Buôn Ma Thuột sẽ:
“- Là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao cấp vùng;
- Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắk Lắk;
- Là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa Tây nguyên với các vùng trong cả nước và quốc tế;
- Có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.”
(Trích Quyết định số 1181/QĐ-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ)
Như vậy, qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, mặc dù có nhiều lần thay đổi về cấp hành chính nhưng Buôn Ma Thuột vẫn luôn là thủ phủ, lỵ sở của tỉnh Đắk Lắk. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của Thành phố. Buôn Ma Thuột xưa cũng như nay vẫn luôn là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội không những của tỉnh Đắk Lắk mà còn cả khu vực Tây Nguyên.
Lịch sử văn hóa
Nói đến văn hóa truyền thống ở Daklak, trước hết phải nói đến nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa, từ bao đời nay đã tạo dựng nên một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể độc đáo và đồ sộ. Nói đến các di sản văn hóa dân tộc, không quên các di sản văn hoá vật thể nổi tiếng như đàn đá, nhạc cụ, cồng chiêng, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt cẩm thổ. tạc tượng...cùng các di sản văn hoá phi vật thể như luật tục, các lễ hội, các tập tục và các sinh họat văn hóa, sinh họat cộng đồng. Đồ sộ và phong phú hơn cả là kho tàng văn học dân gian với những bản sử thi (Dân tộc Eđê gọi là Khan, dân tộc Mnông gọi là át Nrông), thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, lời nói vần...đậm đà bản sắc dân tộc lưu truyền qua bao thế hệ. Ngòai ra dân tộc Ê đê còn có cả chữ viết mà sau này được phiên âm sử dụng phổ biến từ thời Pháp, Mỹ cho đến nay.
Điểm nổi bậc của Văn hoá bản địa Daklak là: Văn hoá lễ hội nhà dài, văn hoá cồng chiêng, văn hoá mẫu hệ, văn hoá ẩm thực, văn hoá sử thi, văn hoá luật tục, văn hoá cộng đồng ...độc đáo, phong phú giàu bản sắc dân tộc. Trước đây cũng như hiện nay, quan hệ xã hội cơ bản của đồng bào các dân tộc vẫn còn mang đậm tính huyết thống và tính cộng đồng bền chặt. Nói chung, đồng bào các dân tộc Ê đê cũng như M’nông, Gia Rai đều có một đặc điểm lớn, đó là sự tồn tại bền vững của những mối quan hệ xã hội cổ truyền tốt đẹp được hình thành qua các thời kỳ lịch sử lâu dài. Tinh thần cộng đồng, dân chủ, bình đẳng, tương thân tương ái... Bên cạnh đó, tinh thần thượng võ, nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình, cần cù sáng tạo cũng là những đặc trưng nổi bật của đồng bào các dân tộc. Nổi bật hơn cả là ý chí đấu tranh bất khuất chống chọi với thiên nhiên và truyền thống đấu tranh bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương đất nước. Truyền thống đó đã được phát huy cao độ trong những năm nhân dân Daklak đứng lên theo Đảng làm cách mạng, chiến đấu chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược.
Điểm tô thêm nền văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, DakLak còn có sự du nhập nền văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và nền văn hóa của người Kinh với đủ sắc thái của ba miền Trung - Nam - Bắc. Tất cả đều được gìn giữ và phát triển, hòa quyện trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, nói đến văn hóa ở Daklak cũng không thể không nói đến các danh thắng, các di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn của lịch sử. Trên địa bàn Daklak đã tìm thấy một số di chỉ khảo cổ học mang dấu tích của người tiền sử. Đó là các di chỉ ở Drai Si (huyện Cư Mgar), xã Ea Tiêu, Quảng Điền (huyện Krông Ana), hồ Lak (huyện Lak), xã Ea Păn, xã Xuân Phú (huyện Ea Kar). Qua các di chỉ trên, đã tìm thấy những công cụ, khí cụ, đồ trang sức bằng đá; đồ gốm và bàn dập, bàn mài hoa văn trên gốm. Nguyên liệu chế tác đều lấy từ đá bazan và đá biến chất, vốn là đặc trưng của Tây Nguyên. Kiểu dáng và kỹ thuật chế tác có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Biển Hồ (Gia Lai) và văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Thời đại đồ đồng cũng đã phát hiện được 7 chiếc trống đồng ở huyện Ea Súp, Ea HLeo, Krông Pac Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột. Đặc biệt trên mảnh đất này còn có những dấu tích của người Chăm để lại, đó là tháp Yang Prong (Thần vĩ đại) ở xã Chư MLanh (huyện Ea Súp), những Rasungbatau (thùng lớn đựng nước) ở Buôn Ma Thuôt, khu mộ cổ thuộc địa phận xã Ea Ktur và xã Cư Ewy (huyện Krông Ana), giếng Chăm ở xã Yang Mao, khu phế tích ở xã Hòa Thành (huyện Krông Bông). Trong đó, tháp Yang Prong được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Sinva. Đây là tháp Chăm cổ duy nhất còn lại ở Tây Nguyên.Thời kỳ hiện đại, chúng ta có hàng chục di tích nổi tiếng như: nhà tù Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao - nơi biểu hiện cho sự hiện diện của nền văn minh lúa nước của cộng đồng người Việt ở Daklak, Đồn điền CADA, Biệt điện Bảo Đại - dấu ấn của triều đại phong kến cuối cùng của Việt Nam, hang đá Dak Tuôr và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác.
Theo BuonMaThuot.gov.vn
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook