Sân bay Hòa Bình hay gọi theo các bác bên ngành hàng không nhà mình là Cảng hàng không Ban Mê Thuột (Cố tình viết không đúng theo tên thành phố?), nằm cách trung tâm thành phố khỏang 9 km về phía Đông Nam, theo đường quốc lộ 27 đi Đà Lạt - Lâm Đồng.
Đây là ảnh sân bay Hòa Bình chụp năm 1974, lúc đó đang còn chức năng là sân bay quân sự nữa mà, nhìn cái máy bay này ghê ghê thế nào ấy nhỉ.
Sân bay Hòa Bình do chế độ cũ xây dựng và đưa vào hoạt động từ 26/9/1972 với chức năng là Cảng Hàng không căn cứ chỉ huy của không quân (VCDA). Ảnh này chụp toà nhà điều hành và trạm không lưu của sân bay.
Trước đây, sân bay này có tên là sân bay Phụng Dực (Có nghĩa là Phượng Hoàng bay). Ngoài ra, do nó nằm ở quận hành chính Hòa Bình nên còn gọi là Phi trường Hòa Bình. Cái tên này xưa giờ làm mình tưởng là tên mới đặt sau giải phóng chứ không nghĩ hóa ra lại là thế.
Năm 1975, khi giải phóng Buôn Ma Thuột ở đây đã xảy ra những trận đánh ác liệt và hình như là cứ điểm cuối cùng thì phải. Chỉ sau một tuần tức 17/3/1975 quân ta mới làm chủ được cứ điểm này.
Đến ngày 10/3/1977, Hàng không dân dụng Việt Nam đã tiến hành khôi phục và khai thác trở lại với mục đích hàng không dân dụng nội địa nối liền Tây Nguyên với các trung tâm đô thị lớn của cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.
Năm 1978, ba mẹ con người Ban mê vào Buôn Ma Thuột đòan tụ với bố vốn đã vào tiếp quản thành phố và ở lại làm việc từ ngày giải phóng, cũng đi bằng phương tiện máy bay và nơi đầu tiên đặt chân đến chính là sân bay này đấy. Lúc đó tất cả chỉ là những đống đổ nát, nhà ga chỉ còn là bức tường xây chi chít vết bom đạn làm thấy mà nản lòng tệ.
Cho đến năm 1997, Sân bay mới chỉ có một đường hạ cất cánh với kích thước 1.800 mét x 30 mét; sân đỗ máy bay kích thước 120m x 90m có thể tiếp nhận 2 máy bay ATR 72 hoặc Fokker 70. Nhà ga hành khách có thể tiếp nhận tối đa là 120 hành khách/giờ cao điểm. Tuy nhiên, lúc đó chuyện máy bay lên chẳng xuống được do thời tiết xấu không có đèn dẫn và đường băng không đảm bảo là chuyện thường xuyên như cơm bữa. Ngày đó người ta còn cho tăng gia sản xuất trồng tỉa bắp đậu ngay sát đường băng và thậm chí còn phân chia đất trồng cà phê, tiêu, điều nữa. Nhà người Ban mê cũng được chia cho hẳn một sào, bố người Ban mê thấy người ta làm cũng hămn hở đổ trụ trồng tiêu và nhìn trên cao xuống khi đó sân bay Hòa Bình trông thật buồn cười vì quanh đường băng cọc tiêu cứ tua tủa chĩa lên trời như cái bẫy chống trực thăng đổ bộ vậy...
Đến 2008, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo đường hạ cất cánh có chiều dài 3.000 mét, rộng 45 mét với đầy đủ các trang thiết bị phụ trợ, đèn đêm,....đảm bảo máy bay A320, A321 lên xuống thoải mái và từ đó bà con mình toàn phải bay đêm, đi Hà Nội cầm chắc 11h khuya mới về tới thành phố.
Và đây là phối cảnh nhà ga cảng hàng không Buôn Ma Thụôt được khởi công xây dựng vào 22/1/2010 vừa qua, với mục tiêu công suất 1 triệu hành khách/năm, đáp ứng 4 chuyến bay giờ cao điểm với loại máy bay A 321 trở xuống. Tuy nhiên mình nhìn thấy nhà ga nhìn hiện đại quá chả có tí bản sắc văn hoá Tây nguyên nào ở nơi cửa ngõ nhà mình mà vui cũng xem xem bằng buồn.
Vũ Công Chiến
08/03/2014, 07:19 pm