(VTV Online) -

Các nhà khoa học và những nhà vườn chuyên canh hoa lan, gần đây đã liên tục lên tiếng về mối nguy tuyệt chủng các loài lan rừng Việt Nam. Con đường hủy hoại nguồn gen quý báu này ở vùng rừng nước ta không gì khác là do tình trạng khai thác đến mức cạn kiệt.

Lan rừng Việt Nam sắp biến mất?

Hình minh họa

 

Tại tỉnh Lâm Đồng, chuyện khai thác, mua bán lan rừng tràn lan cho đến lúc này vẫn được nhiều người xem là điều bình thường, vẫn tiếp diễn hàng ngày, bất chấp những cảnh báo đưa ra.

Trên các con đường dẫn vào chợ Đà Lạt, không quá khó để tìm mua cây giống lan rừng. Chúng nằm trên vỉa hè, có nơi nhiều đến mức, người ta không đếm theo từng cây mà phải cân theo từng kg.

Bán cây giống lan rừng là công việc thường xuyên của nhiều phụ nữ ở đây từ hàng chục năm nay. Họ gom lan rừng từ nhiều ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Các làng này đã hình thành những nhóm người chuyên săn lan rừng. Mười năm trước, lượng lan rừng chuyển về chợ Đà Lạt lên đến hàng trăm kg mỗi ngày. Bây giờ, số lượng giảm đi rất nhiều. Giảm không phải vì người ta không khai thác lan rừng mà lý do chính: nguồn lan rừng đã bị cạn kiệt.

Mặc dù thời gian gần đây, những loài địa lan đã nhập vào Việt Nam, được đưa vào sản xuất kinh doanh, song giá trị của loài lan rừng Việt Nam vẫn được khẳng định bởi vẻ đẹp riêng, bởi khả năng thích ứng trong quá trình chăm sóc. Cũng vì giá trị này mà nhiều nhà vườn kinh doanh hoa lan ở tỉnh Lâm Đồng đã thừa nhận một thực tế: nguồn lan rừng đã suy giảm nghiêm trọng. Đáng lo ngại, nhiều loài lan đặc hữu quý hiếm của vùng rừng Việt Nam đã phải đưa vào trong sách đỏ bởi mối nguy tuyệt chủng.

PGS.TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên cho biết: “Những cây quý hiếm như lan rừng nếu không quản lý, chuyện biến mất là có thể. Tôi nghĩ, các nhà khoa học phải lập danh sách bảo tồn”.

Theo những khảo sát chưa đầy đủ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, rừng Việt Nam có khoảng 150 loài với 1200 giống hoa lan. Ở góc độ đa dạng sinh học, đây là nguồn gien quý báu của các vùng rừng. Ở góc độ kinh tế, đây là nguồn giống để phát triển ngành sản xuất hoa lan mà Lâm Đồng vốn được đánh giá là một trong những nơi cung cấp hoa lan ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng: đã đến lúc cần có những cách tiếp cận mới trong quản lý và bảo tồn nguồn gien lan rừng, chứ không thể xem nhẹ nguồn tài nguyên này như lâu nay.

PGS.TS Dương Tấn Nhựt cho biết thêm: “Chúng ta phải định danh, phân loại lan mà giữ lại, đăng ký bản quyền. Bước tiếp theo, các nhà khoa học, các nhà thương mại mới xác định bản quyền hoa lan”.

Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã từng thực hiện nhiều đề tài khoa học giữ lại nguồn gen lan rừng quý hiếm. Tuy nhiên, công việc này khó mà mang lại kết quả trọn vẹn khi bên ngoài những cơ quan nghiên cứu như thế này, ngày ngày nguồn lan rừng chảy máu…

Lan rừng được mua, được bán ồ ạt và điều đáng nói cả người mua, người bán không ai nghĩ mình đang làm cạn kiệt lan rừng…

Tấn Quýnh