Lan rừng về thành phố

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2683
  • Tổng lượt truy cập 10,232,708

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/05/2013, 09:08 am
Lan rừng về thành phố
(BG)-Truyền thuyết kể rằng ở một bộ lạc nọ có một loài chim tên là Orchid biết đẻ ra những quả trứng bằng vàng. Loài chim ấy được coi là báu vật của bộ lạc và do những người con gái trong làng trông giữ. Không may, báu vật ấy bị tiết lộ, con chim quý bị những bộ lạc khác đến săn lùng. Để bảo vệ báu vật, tất cả những người con gái của bộ lạc đã cùng leo lên ôm chặt các cành cây để đánh lạc hướng mũi tên của kẻ thù mặc cho máu chảy, mặc con tim ngừng đập. Cái chết của họ đã giữ lại được báu vật cho làng. Sau này từ những cành cây nơi các cô gái trút hơi thở cuối cùng, nở ra những bông hoa muôn sắc ngát hương thơm. Người đời nay gọi đó là hoa phong lan.

Trồng lan: Một thú chơi tao nhã

Câu chuyện truyền thuyết kể về loài hoa phong lan ấy đã khiến cho nhiều người nghe xong phải gật đầu "Thảo nào, hoa lan lại đẹp đến thế. Mỗi loại đẹp một vẻ. Vừa hương, vừa sắc. Vừa dịu dàng lại vừa kiều diễm, kiêu sa…". Và cũng chính bởi cái vẻ đẹp mê hồn người ấy đã khiến cho lan trở thành một thú chơi, một niềm đam mê của không ít những người yêu thích thiên nhiên. Ở thành phố Bắc Giang, ngày càng có thêm nhiều người yêu lan và chơi lan.

Vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Cần và bà Nguyễn Thị Minh Dự ở thôn Nợm, xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang cũng đang sở hữu một vườn lan đẹp. Từ gần hai chục năm nay ông bà đã chăm chút, cấy ghép được hàng nghìn giò lan với hàng trăm loại lan khác nhau. Có rất nhiều những loại lan quý và đẹp như Đai Châu, Giáng Hương, Hồng Nhạn, Thiên Nga,… Vào những ngày áp Tết Nguyên đán, những ngọn Đai Châu đua nhau đâm chồi hoa. Loại lan này chỉ nở vào mùa xuân nên còn có tên gọi nữa là Nghinh Xuân. Trong vườn cũng có những chùm Đai Châu nở sớm, chùm hoa dài, những bông hoa nhỏ màu trắng điểm sắc tím xếp sát nhau. Đặc biệt Đai Châu còn có hương thơm rất dịu và có thể khoe hương sắc trong cả tháng mới tàn. Chính vì thế nên Đai Châu rất được nhiều người ưa chuộng và có giá trị về mặt kinh tế. Có những ngọn Đai Châu trị giá vài trăm ngàn đồng, có những giò Đai Châu trị giá đến cả chục triệu đồng không phải là lạ.

Vườn lan của ông bà Cần còn là nơi giao lưu gặp gỡ của những người chơi lan ở thành phố Bắc Giang. Chỉ bằng vài cuộc điện thoại, ông Cần đã tập hợp được gần chục người trong hội chơi lan về vườn lan nhà mình để cùng nhâm nhi cà phê và thưởng thức lan, trao đổi kinh nghiệm về trồng lan. Thấy có phóng viên về quay phim làm phóng sự về thú chơi lan, anh Nguyễn Văn Tuấn ở phố Tân Ninh phường Trần Phú đã hăng hái quay xe về để chở 2 giò lan đang nở của mình đến cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Đoạn đường dài hàng cây số, gió tạt mạnh, anh phải cẩn thận trùm cả cây lan trong chiếc bao nilon to rồi nhờ người ngồi sau xách hộ. Khéo léo, nhẹ nhàng để không làm tổn thương hoa, lá và rễ của cây. Ngắm hai giò lan của anh Tuấn, mọi người trầm trồ bình phẩm…. Thế mới thấy khi đã chơi lan, người ta đều say mê như thế, tỷ mỷ như thế và cũng nhiệt tình như thế.

Mặc dù chưa thành lập được câu lạc bộ những người chơi lan như ở một số tỉnh thành khác, nhưng hội chơi lan này cũng đã tập hợp được gần 2 chục người có chung một niềm đam mê với lan. Họ thường xuyên gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau gây dựng vườn lan. Anh Tuấn cho biết: "Không nhất thiết cứ phải có vườn rộng mới có thể trồng lan, nhiều người trồng lan trên sân thượng tầng 2, tầng 3. Vườn lan chỉ rộng chừng vài m2 nhưng cũng có thể treo đến hàng trăm giò lan. Điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường phù hợp để cho lan phát triển như làm giàn để che bớt nắng, đặt hòn non bộ có nước, trồng các chậu cây dưới mặt để tạo độ ẩm… Chỉ cần có niềm say mê, kiên trì và một chút kinh nghiệm là ai cũng có thể tạo ra cho mình một giàn phong lan đẹp". Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển nhanh chóng cũng khiến cho môi trường sống bị tác động không nhỏ, ngột ngạt hơn, ô nhiễm hơn. Bởi vậy mà theo anh Tuấn, việc tìm đến với thú chơi lan cũng là cách giúp anh có được một không gian hòa hợp và gần gũi với thiên nhiên.

Nói chơi lan là một thú chơi sang trọng, một thú chơi tao nhã, hay chỉ là một thú chơi bình dị… thế nào cũng đúng cả. Bởi người đến với lan có cả những người được coi là "đại gia" cũng có cả những người nông dân chân chất, những người làm nghề lái xe ôm... Nhiều tiền thì mua những giò lan quý, đã thuần về chỉ việc thưởng thức. Ít tiền thì mua những ngọn lan về tự cấy ghép, thậm trí xin của nhau, đổi cho nhau để bổ sung, làm phong phú cho bộ sưu tập lan của mình.

Đến một mô hình kinh tế hiệu quả

Cách đây hơn chục năm, đi ông Hoàng Văn Khuy ở tổ 4 phường Mỹ Độ đi làm ăn ở trong Tây Nguyên, nhìn thấy những người bản xứ đi rừng mang về những giò lan rất đẹp, ông Khuy đã mua về treo trong vườn cà phê. Dần dần vẻ đẹp của hoa phong lan đã lôi cuốn ông đi sưu tầm thêm nhiều loại lan rừng khác về để chơi. Khi trở lại quê hương, hành trang trở về của ông còn có cả những giò phong lan đã được ông chăm chút cẩn thận. Chưa hề nghĩ rằng có thể làm kinh tế từ trồng lan mà ngày ấy vì cuộc sống gia đình gặp khó khăn, ông thử liều mang những giò lan nở đẹp ra cổng công viên Ngô Gia Tự bán. Không ngờ lan của ông thu hút được rất đông người đến xem, thưởng thức. Có giò lan ông đã bán được với giá 180 ngàn đồng, trong khi lúc bấy giờ 1 tấn thóc cũng chỉ có hơn 200 ngàn đồng. Sau lần ấy ông về nhà bàn với vợ phá bỏ bếp, phá bỏ vườn cây ăn quả để đầu tư làm vườn lan. Khi quyết định chọn trồng lan là một hướng phát triển kinh tế, ông đã phải lặn lội đi học hỏi ở nhiều nơi, từ cách làm giàn treo, làm hệ thống phun tưới tự động đến việc chọn những loại lan gì cho phù hợp với điều kiện khí hậu ở Bắc Giang, cách phòng trị bệnh cho từng loại lan như thế nào …v..v..

Đến giờ vườn lan của ông đã có tới vài nghìn giò với khoảng 40 loại khác nhau. Có những giò lan trị giá đến vài triệu đồng. Chỉ bắt đầu chỉ là thú chơi lan, đam mê lan, đến giờ vườn lan của ông đã đem lại khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Và cũng từ vườn lan này, vào tháng 9 năm 2011, ông Hoàng Văn Khuy đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Còn cửa hàng bán phong lan của anh Nguyễn Văn Cường trên đường Lê Lợi thành phố Bắc Giang giờ cũng bắt đầu "ăn nên làm ra" do được nhiều người biết đến. Cũng từ yêu thích chơi lan, tạo dựng được cả một vườn lan ở thị trấn Vôi huyện Lạng Giang, đến giờ anh mạnh dạn chuyển sang nghề kinh doanh lan. Tại cửa hàng của anh có bán nhiều loại lan rừng và lan công nghiệp như Vũ Nữ, Hồ Điệp, Dendro, Hoàng Hậu… Ngoài ra nắm bắt được ngày càng có thêm nhiều người chơi lan nên anh đã mở dịch vụ  cung ứng nguồn giống lan và các loại chế phẩm phục vụ cho việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lan. Sắp tới anh Cường có dự định sẽ đầu tư xây dựng một vườn lan công nghệ cao với diện tích khoảng 500m2 tại thành phố Bắc Giang.

Thành phố Bắc Giang đang trong quá trình đô thị hóa. Diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp để nhường chỗ cho những công trình đô thị. Trong điều kiện ấy, thành phố cũng đã có chủ trương nhân rộng những mô hình trồng hoa, cây cảnh. Trong số đó, mô hình cấy ghép lan rừng và trồng lan công nghiệp chất lượng cao đang là một trong những mô hình  đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hà Linh

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác