Lan rừng về phố | ||
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, trên đoạn đường Điện Biên Phủ- trước Công viên 29-3 (TP Đà Nẵng), người ta bày bán lan rừng đủ loại. Tại đây người chơi lan không cần mất nhiều thời gian cũng có thể chọn cho mình nhiều loại lan đẹp. Vì thế người chơi lan ở TP Đà Nẵng đua nhau xuống phố để mua lan, cảnh mua bán, ngã giá vì thế tấp nập như một khu chợ. Khoảng 6 giờ lan rừng đã được người bán bày ra. Trước là lấy “mặt bằng”, sau là để bán cho một số người đi tập thể dục buổi sáng về. Người bán lan đến từ nhiều nơi khác nhau: Quảng Nam, Kon Tum, Huế... Ở đây rất nhiều loại lan được bày bán như Thạch Học, Bạch Câu, Đuôi Phụng, Kim Thoa, Kiến Lan, Tổ Quỷ, Hoàng Kim Điệp, Giáng Hương, Phượng Vĩ, Mặt Mèo, Cẩm Báo, Ý Thảo... thi thoảng còn có cả những loại lan quý hiếm được ghi vào sách đỏ như Giả Hạc, Hồng Hạc, Hài Râu... Lan rừng mặc dù quý nhưng khi bày bán như thế này giá cả được xem là rẻ. Không chỉ người nhiều tiền chơi lan, mua được lan đẹp lan quý mà ngay những người chơi “bình dân” cũng có thể chọn được cho mình những loại yêu thích, với giá rẻ từ 5 ngàn-70 ngàn đồng. Kinh nghiệm của những người đi mua lan ở đây cho biết, muốn chọn được lan đẹp và rẻ, người chơi lan phải đến sớm. Vì sau 8 giờ lan có thể được bán với giá gấp đôi do một số người nhân lúc giá rẻ mua đi bán lại. Anh Sơn (người bán lan đến từ Quảng Nam) cho biết: “Lan được lấy từ trong rừng sâu, từ trên cây cao hoặc là trên vách đá thuộc địa phận rừng Khâm Đức. Mỗi chuyến đi 2 ngày, mỗi đoàn gồm 2- 3 người . Về phố bán một ngày rồi lại tiếp tục đi”. Anh Sơn cho biết thêm: Lúc đầu người đi kiếm lan ít nhưng giờ người đi kiếm lan để bán như thế này khá nhiều. Thu nhập từ việc bán lan cũng khá khoảng 100.000- 150.000 đồng/người/ngày. Chính vì vậy người vào rừng kiếm lan ngày càng đông, lan rừng về phố ngày càng nhiều đồng nghĩa với nguy cơ cạn kiệt dần của các loại lan quý hiếm.
Chị Lý bán lan đến từ Kon Tum nói: “Đã mất công đi tìm thì cứ gặp lan là lấy, lớn nhỏ gì cũng được. Cây lớn thì về bán giá cao, nhỏ thì bán giá thấp hơn chút, thậm chí quá nhỏ thì mình buộc thành từng bó để bán... nói thật mình “chê nhỏ” người khác cũng lấy thôi, chi bằng...”. Quả thật theo cách nghĩ và làm như chị Lý thì lan rừng sẽ có nguy cơ mai một dần và tuyệt chủng. Chị Hương- người chơi lan ở TP Đà Nẵng tâm sự: “Vườn nhà chị hiện giờ đã tràn ngập lan, thế nhưng mỗi lần qua đây lại không thể không dừng chân. Giá rẻ, nhiều loại... ”. Còn bác T. lại nói: Lan rừng quả hiếm, lại được thưởng thức tại TP, giá rẻ nên ai cũng thích nhưng với tình trạng khai thác triệt để như hiện nay thì đây cũng là vấn đề cần được mọi người quan tâm! Lan rừng quý hiếm hiện nay đã bị khai thác hết, ở đây thỉnh thoảng ai đi thật sớm may mắn thì cũng mua được đôi ba nhành quý mà thôi. Thiết nghĩ chơi lan là một thú vui tao nhã, biết cách khai thác lan cũng là điều kiện tốt để lan sinh trưởng. Tuy nhiên, với cách khai thác lan ồ ạt như thế này thì có lẽ lan không còn đủ thời gian để sinh sản. Nhìn những nhánh lan rừng nhỏ, to nằm chỏng chơ bên lề phố có ai nghĩ được rằng trong thời gian tới liệu có còn một bóng lan nào về phố như hôm nay? Bài, ảnh: Phương Trang |
ko ten
20/11/2016, 10:02 am