Bên cạnh chúng ta, Thái Lan là nước có tiềm năng xuất khẩu lan rất lớn, mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đô la. Singapore, Inđônêxia, Philippine cũng có nguồn thu ngoại tệ về lan đáng kể. Còn Australia thì hàng năm xuất khẩu khoảng 10 triệu giò lan sang các nước Âu – Mỹ.
Các tỉnh đồng bằng Nam bộ có ưu thế về khí hậu, đặc biệt là vùng tứ giác Long Xuyên, bao gồm Châu Đốc – Long Xuyên – Rạch Giá - Hà Tiên có núi đồi, hải đảo và rừng nguyên sinh. ở An Giang, vùng Thất Sơn gồm Tịnh Biên – Tri Tôn – Ba Thê... có rừng nguyên sinh, là nơi tập trung nhiều lan rừng. Tỉnh Kiên Giang có núi đồi ở Hà Tiên, Hòn Đất, Kiên Lương, các đảo thuộc huyện Kiên Hải và rừng nguyên sinh Phú Quốc cũng rất nhiều lan, nhưng chưa được khai thác và đánh giá đúng mức.
Lâu nay, việc khảo sát lan rừng còn mang tính tản mạn, không theo hệ thống tập trung, mạnh ai thích sưu tầm thứ nào cứ đem về trồng chơi, chứ ít ai nghĩ đến việc kinh doanh kiếm lời.
Trước năm 1995, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, tác giả cuốn sách “Cây cỏ miền Nam” đã hướng dẫn một đoàn khảo sát thực vật điền dã tận vùng Tứ giác Long Xuyên để nghiên cứu về thực vật, không chuyên sâu về lan rừng. Mãi đến khoảng đầu năm 1987, có đoàn khảo sát chính thức chuyên về phong lan do Giáo sư Trương Đấu tham gia, mới sưu tầm, điều tra, được biết lan rừng ở đồng bằng Nam bộ có trên 40 giống, hơn 60 loài. Đại loại, trong số lan này có một số loài giá trị khả dĩ xuất khẩu được như Ngọc Điểm, Bầu Rượu, Cẩm Nhung, Thạch Hộc...
Nhìn chung, ở đồng bằng Nam bộ có rất nhiều phong lan quý, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, đã được tìm thấy ở nhiều nơi như Núi Cấm – Núi Bà Đội Om – Núi Cô Tô... nhưng chưa được nghiên cứu chính xác, nên chưa công bố rộng rãi. Muốn xuất khẩu được, đem ngoại tệ về cho đất nước, phải thông qua những qui trình khoa học, chọn lọc, lai tạo giống, chứ không phải sẵn đem từ rừng, từ núi về đóng gói là gửi ra nước ngoài xuất khẩu một cách dễ dàng được. Vì khách nước ngoài thường cần số lượng lan rất lớn, nên cơ quan chuyên trách phải có kế hoạch đầu tư, tập hợp trữ lượng lan rừng hiện có để phân loại, chọn giống và đặc biệt đối với giống lan tốt, đặc sắc, được ưa chuộng cần được sử dụng phương pháp nuôi cấy mô, lai tạo... làm dịch vụ, tìm thị trường tiêu thụ... từ đó mới giải quyết được đầu ra. Nên chăng, Nhà nước đặc trách cho một cơ quan chuyên nghiên cứu sâu để phát huy thế mạnh của loài phong lan ở đồng bằng Nam bộ.
Tiềm năng lan ở đồng bằng Nam bộ mà nhiều nhà thực vật học đã phát hiện, được đánh giá cao, điển hình như Lan Ngọc Điểm (Rhynchotylis gigantea), còn gọi là Nghịch Xuân Lan nở từ dịp Giáng Sinh đến Tết Nguyên đán, giá trị một giò Lan Ngọc Điểm xuất khẩu qua Pháp khoảng 10 USD. Hiện nay, mỗi chuyến bay Air France nhận chở 50 ngàn giò Lan Ngọc Điểm vì Việt kiều ở các nước rất ưa chuộng, cần có Lan Ngọc điểm để chưng Tết, nhưng nước ta chưa đáp ứng đủ số lượng.
Để phát huy thế mạnh trong kinh doanh phong lan ở đồng bằng Nam bộ, tiến đến việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu, trước hết, chúng ta cần phải nắm bắt từng chủng loại phong lan, giới thiệu hình dạng các loại lan ở Nam bộ cho cán bộ chuyên trách cây cảnh để đưa vào chương trình bảo quản, gìn giữ. Bằng không chúng ta sẽ làm thiệt mất một nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn, vô tình bỏ quên một sản phẩm lâm nghiệp có giá trị kinh tế. Hiện nay, việc xuất khẩu lan để đem ngoại tệ về cho nước ta là điều thiết thực. Nhà nước nên có biện pháp mở rộng thị trường, đứng ra chọn người thực hiện, bao tiêu sản phẩm để có nguồn thu nhập cho ngân sách.
|
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook