Lan rừng khai thác tràn lan, còn đâu nguồn gene quý?

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4085
  • Tổng lượt truy cập 11,312,515

Fanpage facebook

Ngày đăng: 30/12/2013, 10:37 pm

Lan rừng khai thác tràn lan, còn đâu nguồn gene quý?
(03/07/2013)


Lan ngọc điểm đuôi chồn phát triển tươi tốt, cho hoa dày rực rỡ, nhưng sau khi thuần dưỡng thì ra hoa kém sắc, sống èo uột

VH- Hiện nay, trên địa bàn Bình Định không quá khó để tìm mua lan rừng vừa mới khai thác. Những điểm mua bán hoa, cây kiểng thường bày bán một số giống lan khai thác, như: Nghinh xuân (ở miền Nam gọi là ngọc điểm, miền Bắc gọi là đại châu), thủy tiên, long tu, bạch ngọc, hài hồng, quế lan hương… đa phần là lan đã tạm thích nghi môi trường ở đồng bằng, số lượng không lớn, nhưng đây là những giống lan quý, cho hoa rất đẹp và bền.

 

Nếu ở trên rừng, mỗi khi sung sức một cụm nghinh xuân, long tu… có thể cho ra vài chục vòi hoa kết thành một thảm hoa rực rỡ, nhưng khi về thuần dưỡng tại vườn, cụm lan nào cho ra chừng 3 vòi hoa một lúc đã là niềm tự hào của chủ.

Đặc biệt là các “shop hoa” di động, bán cây giống lan rừng là công việc thường xuyên của một số phụ nữ. Tại vị trí cổng chính Trung tâm Hội chợ - triển lãm Quy Nhơn, hoặc ngã ba Phú Tài, TP Quy Nhơn thường xuyên có những xe tải nhẹ tấp vào lề đường tìm bóng cây mát rồi bày lan rừng ra bán.

Tại các ngã ba, ngã tư các thị trấn, của các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn… thỉnh thoảng cũng có những “shop lan rừng” di động. Qua tìm hiểu, họ gom lan rừng từ nhiều ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh và các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum...

Các làng này đã hình thành những nhóm người chuyên săn lan rừng bán sỉ cho các thương buôn. Hầu hết, các điểm hoa lan này thường bán theo kiểu bán cụm, bán mớ và theo cảm tính, tùy loại lan mà có giá từ vài chục ngàn đồng/cụm đến vài trăm ngàn đồng/cụm lan. Vì lạ và rẻ nên nhiều người mua với số lượng lớn, mỗi ngày các “shop hoa” này tiêu thụ có khi trên 50 cụm lan rừng, lan đã trồng chậu. Khi hỏi một phụ nữ đang bán lan rừng tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm về một số loại lan, cô này nói phứa là lan trúc lương duyên, lan hài, lan dạ thảo…, còn hỏi nhiều người mua thì họ bảo thật “mua đại trúng đâu trúng”.

Cuối năm 2012, một lần đi khảo sát, trồng thí điểm một số lâm sản quý tại vùng cao xã An Toàn, huyện An Lão, PGS.TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên đã gặp một số người khai thác lan rừng ở đây mà thấy xót xa cho rừng. Bởi trong số lan rừng mà họ đã khai thác có những giống lan rất quý, như: Nghinh xuân (tên khoa học là Rhynchostylis gigantea), thủy tiên (Dendrobium thyrsiflorum)…

Mười năm trước, lượng lan rừng chuyển về Quy Nhơn từ các địa phương trong tỉnh cũng như tỉnh ngoài là rất lớn; tập trung nhiều nhất là các câu lạc bộ phong lan, hoa lan, các quán cà phê hoa viên (khu vực sân bay) và một lượng đáng kể là các nhà vườn cây cảnh nghệ thuật.

Lan rừng được các thương lái bán mớ như rau trước cổng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quy Nhơn, Bình Định (ảnh chụp ngày 25.6.2013)

Đã có những người khai thác lan rừng từng mang về cụm lan long tu nở trên 40 vòi hoa vào dịp tết, bán cho nghệ nhân Văn Sỹ, chủ quán cà phê sân vườn với giá trên 1 triệu đồng (năm 2001), khiến người yêu thích hoa lan xa gần nô nức đến xem.

Cũng thời điểm đó nghệ nhân Anh Vũ cũng đã tuyển về hàng chục cụm nghinh xuân, thủy tiên với sắc hoa rực rỡ, giá trị cao; làm đắm say bao người bởi sự độc đáo của lan rừng. Thế nhưng, cũng ngay thời điểm đó nhiều nhà khoa học, người chơi hoa lan và những nhà vườn chuyên canh hoa lan ở Bình Định đã lên tiếng về mối nguy tuyệt chủng các loài lan rừng ở Việt Nam. Con đường hủy hoại nguồn gene đáng quý này không gì khác là do tình trạng con người khai thác, tàn phá đến mức cạn kiệt các loài lan rừng.

Quá trình di thực từ rừng xuống đồng bằng, xuống phố, số lan rừng này sống chưa tới 40%; trong số này sống èo uột được vài năm, may mắn lắm cho hoa 1, 2 lần rồi cũng tàn lụi. Bây giờ, số lượng lan rừng giảm đi gấp bội lần; giảm không phải vì người ta không còn ham thích chơi lan rừng, càng không phải người ta không muốn khai thác lan rừng, mà chính là nguồn lan rừng đã bị cạn kiệt.

Điều đáng buồn là việc khai thác, mua bán lan rừng vẫn còn tràn lan trên địa bàn tỉnh, nhưng cho đến lúc này vẫn được nhiều người xem là điều bình thường, vẫn tiếp diễn hằng ngày, chưa thấy các cơ quan chức năng, cơ quan có liên quan động tĩnh. Mặt khác, cũng chưa thấy ngành chức năng đưa ra phương án bảo tồn, nhân nguồn gene của các giống lan rừng quý hiếm. Thiết nghĩ, vấn đề ở đây không phải là rào cản về công nghệ mà là nhận thức của con người về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngọc Diên

http://www.baovanhoa.vn/toasoanbandoc/55275.vho

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác