Hồn của rượu cần

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4476
  • Tổng lượt truy cập 10,150,180

Fanpage facebook

Ngày đăng: 19/02/2013, 10:07 pm

Hồn của rượu cần

Trong cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số, có một thứ rượu do chính họ tự chế tạo ra đã có từ khi cuộc sống của họ còn du canh du cư qua những cánh rừng tìm đất canh tác, đó chính là rượu cần. Hình ảnh chiếc cần cong vít làm bằng trúc và chiếc ché rượu phình to ở giữa, có hai chiếc quai hai bên và màu sắc từ đen cho đến óng vàng giờ đây đã trở nên quen thuộc ngay cả đối với khách du lịch. Rượu cần từ một loại rượu mang tính cách riêng lẻ của người M’nông, Rắc Lây hay người Êđê, Giẻ Triêng, Lạch... đã bước ra khỏi ranh giới các buôn làng, trở thành một loại rượu “văn hóa” hoặc là loại rượu “du lịch” tạo cho người uống một cảm giác lạ sau khi đã quen uống rượu chai, bia chai, bia lon đang và sẽ có mặt trên thị trường. Không ngạc nhiên gì mấy khi bạn bước chân vào một nhà hàng hoặc khách sạn nào đó chuyên phục vụ rượu cần ở Dak Lak hoặc Gia Lai, Kon Tum... hay ngay cả tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cả Nha Trang - nhiều nơi trong thực đơn của mình đã ghi rành rẽ giá từng ché rượu cần lớn nhỏ. Thậm chí rượu cần được mời chào ở những cửa hàng lưu niệm tại các tỉnh Tây Nguyên và nhiều nơi khác.


Thưởng thức rượu cần. (Ảnh: Nam Sơn)

Tôi đã từng uống rượu cần trong nhà hàng. Những chiếc cần trúc cong vít rất đẹp, nước đổ vào rượu chính là những chai nước suối. Người ta ăn những món ăn đặc sản và mỗi người một cần trúc uống rượu. Uống như vậy thực ra không ai biết rằng đó không phải là uống rượu cần. Bởi rượu cần ngay tại những buôn làng với rượu cần được bày trang trọng trên chiếc bàn trải khăn trắng hoặc màu xinh đẹp với những cô môi son má phấn mặc trang phục người dân tộc thiểu số phục vụ thực ra chỉ là một cách tìm cảm giác. Vì thế, có nhiều người cho biết uống rượu cần sao lại dở thế, nó cứ nhạt nhạt như là một loại rượu gạo nhẹ. Uống rượu cần như thế thì làm sao ngon được. Rượu cần giống như một đóa lan rừng nở tự nhiên trong cánh rừng đại ngàn khiến cho người tìm thấy phải chợt reo lên bởi mình phải có biết bao nhiêu vất vả mới tìm được. Những đóa hoa lan được cấy chiết trong vườn nhà cũng đẹp, nhưng đó là cái đẹp khác, không phải cái đẹp của rừng.

Nếu bạn đã từng đến các buôn làng người dân tộc thiểu số ở miền Trung hoặc Tây Nguyên sẽ gặp một thứ rượu cần khác. Loại rượu cần này không phải có tiền là có, nó chẳng cầu kỳ dùng nước đóng chai pha vào, nó cũng chẳng có những chiếc cần trúc xinh đẹp, nó mang đủ cái hồn của loại rượu đã theo bước chân người dân tộc bản địa chia vui sẻ buồn cùng họ. Điều giản dị hơn cả là rượu cần được chế ra bởi chính những gì mà chủ nhân của nó có chứ gần như hoàn toàn không mất tiền mua nguyên vật liệu. Còn rượu cần được bán trong các nhà hàng là loại rượu cần “thị trường”, dẫu rằng nó được đặt bởi những người dân tộc bản địa chuyên làm rượu.

Theo những nhà nghiên cứu về loại men để làm ra rượu cần thì đó là một loại lá cây rừng gọi là lá dong, còn khi tôi hỏi những người dân tộc Êđê tại buôn Ea Hiao (xã Ea Hiao, Ea H’leo) thì họ cho biết họ làm bằng lá trâm. Lá trâm hay lá dong gì đó có thể đã tạo nên mùi vị riêng của rượu cần. Và nếu bạn đã từng tò mò tìm hiểu trong ché rượu có gì thì sẽ thấy trong đó có rất nhiều trấu (để cho cơm rượu không làm nghẹt ống). Thêm chi tiết về những ché rượu cần thì đó chính là vật quý không thua gì cồng chiêng, có ché được lưu truyền như của hồi môn hoặc kế thừa cả trăm năm.

Uống rượu cần ở các buôn làng với tư cách là một người thân trong gia đình bạn sẽ gặp cảm giác khác. Ở đó chẳng phải là nghi lễ nhưng vẫn theo thứ tự đẳng cấp. Đẳng cấp ấy thường là già làng, khách quý và sau đó là thứ tự trước sau. Rượu cần cất trong các gia đình cũng có “mùi vị” khác nhau - nhưng nếu trước kia nguyên liệu là sự hòa trộn của ngũ cốc hoặc xen cùng những loại củ thì nay chủ yếu làm bằng cơm nếp, chỉ có chất men lá để ủ rượu là vẫn còn lưu giữ.

Tại buôn Alê A (TP. Buôn Ma Thuột), tôi được uống rượu cần với người dân trong căn nhà sàn khá đẹp. Những chiếc cần trúc ở đây đã lên màu gụ và nước pha cho rượu là nước... máy. Còn tại buôn Gà thì ché rượu cần màu đen của người Êđê lại chỉ có một chiếc cần duy nhất, lại chẳng cong và đẹp như tôi vẫn thường chứng kiến. Một buôn khác thuộc huyện Đắc Đoa, Gia Lai thì cũng chỉ có một chiếc cần, nước pha rượu được lấy từ dòng sông gần đó. Còn những người khách đến buôn Jun sẽ nếm rượu cần trộn với nước hồ Lak mang nhiều huyền thoại.

Đồng bào Tây Nguyên uống rượu cần vào buổi chiều hoặc cuối tuần như người Kinh đi nhậu. Ché rượu cần mang ra, ai đi ngang thích ghé vào uống thì uống. Nhà nào có điều kiện thì có vài ché rượu cần để nhân dịp nào đó mang ra. Nếu ta uống chỉ một lần thì ché rượu cần tại buôn có khi được uống lần thứ hai. Sự đo đếm chỉ là lúc khởi dầu - sau đó thì tùy nghi uống. Rượu cần ngoài chuyện “uống chơi” còn là rượu lễ. Lễ ở đây là sau một cuộc họp, hùn tiền nhau để “nhượng” lại ché rượu của một gia đình, rồi đưa vào nhà rông chung cùng uống. Trong ngày giỗ chạp, gia đình để vài ché rượu có khi ở sân nhà, khách tới nhẩn nha uống say. Có lần khi đến Chư Pãh, Gia Lai, tôi đã kinh ngạc khi thấy cả 10 ché rượu cần đã được bày dưới bóng râm của các cây xoài. Người uống xong cứ ngồi đó nghe rượu ngấm vào người.

Trong các nhà hàng, khách nhậu bằng những món ăn do đầu bếp nấu, còn người dân tộc thiểu số thì uống rượu theo kiểu mồi có gì cũng được. Chẳng hạn tại buôn Alê A (Buôn Ma Thuột) mồi là loại cà đắng làm dập trộn với muối giã ớt xiêm rừng thật cay. Có nơi lại nhậu với thịt rừng thui (do bẫy được) hoặc nhậu với các loại khô. Có khi chỉ việc dùng ná bắn một con gà trong vườn, đem lên thui với rơm hoặc lửa củi rồi xé ra chấm muối mà nhậu.

Uống rượu cần theo đúng tập tục của các buôn làng có thể tạo ra cảm giác riêng. Cái riêng đó còn căn cứ vào không gian và thời gian. Rượu cần quả thật chính là một phần đời sống của các buôn làng.

Khuê Việt Trường
Báo Dak Lak điện tử

Lời bình: Vườn Troh Bư - Buôn Đôn nhà mình thật may mắn vì nằm ở vùng Buôn Niêng, một buôn làng người đồng bào Ê đê có nhiều chiêng, chóe nhất tây nguyên. Chính vì vậy rượu cần vườn Troh Bư nhà mình toàn được du khách khen là ...cực ngon, khác hẳn với loại rượu cần ngòn ngọt bán đầy ở Ban mê và Buôn Đôn. Có phải do bí quyết là loại men lá cây rừng truyền thống và chứa trong các chóe rượu cần cổ xưa chính hiệu không nhỉ? Hihi!

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác