Đặc sắc Lan Rừng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2011
  • Tổng lượt truy cập 11,496,881

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/05/2013, 08:24 am

Đặc sắc Lan Rừng

Muốn cho phong lan rừng ra hoa là cả một quá trình mất nhiều công sức. Người chơi lan rừng phải kiên trì, nhẫn nại. Lấy được giò lan về phải trồng, phải chăm sóc nó và phải yêu thương nó như con mọn vậy.

 

Phong lan là một trong “Tứ bất tử” mà những người chơi cây cảnh yêu thích, tôn sùng: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Hoa mai thì ai cũng biết rồi, Cao Bá Quát đã thốt lên: “Nhất sinh đê bái thủ hoa Mai” (Trên đời chỉ bái lạy hoa Mai). Còn hoa Cúc quý vì: “Diệp bất ly thân, hoa vô lạc địa” (Lá có khô cũng không bỏ cành, hoa dù có tàn héo vẫn không rơi xuống đất). Cây trúc, được nhà Phật quý vì nó tượng trưng cho người quân tử lòng dạ thẳng ngay - “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng”.

Người xưa có câu: “Vua chơi lan - quan chơi cây” hay “Vương Giả Chi Lan”. Ngụ ý hoa phong lan chỉ dành cho những bậc đế vương mới xứng đáng được sở hữu và được chơi. Và người ta giải thích: Phong lan rất quý, rất thanh cao và rất chi là “Vương giả” thế cho nên chỉ Đế Vương mới được chơi lan. Cách giải thích trên nghe rất có lý và hầu như ai cũng tin là vậy.

 

 

Và, cho đến một lần đi sưu tầm phong lan rừng tại hồ thủy điện Sông Hinh, Phú Yên (nơi tập trung rất nhiều loài lan rừng) gặp một cảnh tượng làm tôi ngỡ ngàng. Trong khung cảnh tại khu vực lòng hồ lúc bấy giờ chỉ có trên là trời xanh ngắt, nắng gió rát rạt, dưới là mặt nước hồ thủy điện mênh mông, trong vắt nhìn rõ cả những đàn cá lội tung tăng, in rõ cả một rừng cây đại ngàn đã chết khô từ lâu do ngập nước, cành trơ trụi tua tủa đâm lên trời. Vậy mà, chính giữa sự tàn phai, héo úa của cả một rừng cây đã chết, lại có một “rừng phong lan” các loại đang thi nhau sinh sôi, nảy nở, rễ phong lan tỏa ra ôm chặt lấy thân cây đã héo khô, trên thân cây là đủ các loại hoa đang đua nhau khoe sắc. Nào là Trúc lan, nào là Trường kiếm, Đoản kiếm lá to, ra hoa từng vòi dài cả mét như Thanh Long Đao của Quan Công đang đung đưa trong gió; kia là những Giáng hương trắng, Giáng hương vàng, Giáng hương Vu lan hoa thơm ngào ngạt xen lẫn từng chùm Thủy tiên tai trâu hoa nở trắng cả vạt rừng như hoa giả được làm bằng vải lụa, và còn rất nhiều loài lan khác nữa… đua nhau khoe sắc khoe hương.


Đến lúc đó thì tôi mới ngộ hết ý nghĩa của câu nói: “Vua chơi lan”. Phải rồi, phong lan tuy mỏng manh tưởng chừng yếu đuối suốt đời dựa vào cây khác để sống. Nhưng, nó lại có tấm lòng kiên trung vô hạn với chủ của nó, cho dù chủ của nó đã chết đi, thì nó vẫn cố sống đơm những bông hoa muôn màu, muôn vẻ mang hương thơm ngào ngạt tô đẹp cho thân chủ của nó và cho cuộc đời. Đó chẳng phải là thể hiện lòng trung thành vô hạn với chủ của loài hoa này hay sao! Mà chẳng phải Vua Chúa mới mong có được bề tôi trung thành, ngay những người bình thường cũng mong có được người bạn thủy chung mãi mãi đó sao!

Muốn lan rừng nở hoa quanh năm

Cảm nhận được hết ý nghĩa của lan rừng, ta mới thấy quý và muốn sở hữu cả một rừng phong lan. Nhưng, chơi lan rừng và để có hoa lan rừng ra hoa quanh năm mà thưởng thức lại là một việc không phải ai cũng làm được. Lan rừng không giống như lan ngoại, cứ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật là ra hoa liên tục, bền bỉ và lâu tàn như Hồ điệp, Vũ nữ, Wan–da… Nhưng nhược điểm lớn nhất của lan ngoại là không có hương thơm, xem thì rất đẹp nhưng nhiều lúc thấy nó nhàn nhạt… giống như gần cô gái đẹp mà chẳng có mùi “trinh nữ” vậy. Còn lan rừng thì hương, sắc vẹn toàn; người thưởng lãm nó ngất ngây từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Nhưng nhược điểm lớn nhất của phong lan rừng là chóng tàn, có loài sáng nở, tối tàn, có loài được vài ba ngày đã tàn; dài như Nghinh xuân, Giáng hương, Giả hạc, Thủy tiên, Ý thảo cũng chỉ được nửa tháng là tàn.

Trong các loài lan rừng thì chỉ có Lan hài là có thể ra hoa bền đến 2 - 3 tháng, nhưng rất quý hiếm và nằm trong… “Sách đỏ”. Cho nên, muốn có lan rừng ra hoa quanh năm thì điều đầu tiên là phải có nhiều loại lan rừng trong vườn, và phải hiểu được đặc điểm sinh lý, chu kỳ sinh học của từng loài lan, gắn với điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng, miền thì mới mong có được phong lan rừng ra hoa quanh năm để mà thưởng ngoạn.

Trời, đất có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì hoa phong lan cũng có các loài chính nở vào bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Vấn đề cốt lõi là, người chơi phong lan phải biết chọn được các loài hoa chính nở vào bốn mùa để mà “chơi lan”.



Mùa xuân, ta nên chọn Nghinh xuân (Ngọc điểm) làm chính. Tết mà có dăm, bảy giò Nghinh xuân nở hoa thơm ngào ngạt vào đúng ba ngày Tết thì còn gì bằng (đặc biệt là Nghinh xuân tím thì càng quý gấp bội). Nhiều người quan niệm: “Gia chủ có lan Nghinh xuân nở nhiều, nở rộ đúng dịp Tết Nguyên Đán là năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều hạnh phúc, may mắn”. Tiếp đó các loài lan như Giả hạc, Ý thảo, Trúc lan nở vào cuối mùa xuân. Đến cuối tháng ba đầu tháng tư Thủy tiên nở trắng cả rừng, Thủy tiên có nhiều loài, nó nở làm hai đợt chính vào cuối xuân và đầu hạ.

Mùa hè chính là mùa của Giáng hương các loại, có thể nói trong các loài lan rừng thì Giáng hương là loài dễ trồng, dễ sưu tầm nhất. Hoa của nó có mùi thơm đậm đà và rất quyến rũ, chỉ tiếc là hoa nở vào mùa hè nên ít được ca tụng mà thôi. Có một loài Giáng hương rất quý, mà dân chơi phong lan đặt cho một cái tên rất ấn tượng Giáng hương vu lan. Loài lan này chỉ nở hoa vào mùa thu và đúng dịp rằm tháng 7, mùa Vu lan báo hiếu. Với những nhánh hoa đung đưa vàng óng ả trong nắng gió mùa thu, dịu dàng như bàn tay người mẹ đang vẫy gọi những đứa con thân yêu của mình. Giáng hương vu lan có mùi thơm thật quyến rũ, nồng nàn.

Mùa đông khí trời lạnh lẽo, mùa của trường kiếm và đoản kiếm, vòi hoa dài cả thước, sắc hoa tím sẫm, hương thơm dìu dịu làm ta liên tưởng đến sự cứng rắn, can trường của loài phong lan này.

Nhưng, muốn cho phong lan rừng ra hoa cũng là cả một quá trình mất nhiều công sức. Người chơi lan rừng phải kiên trì, nhẫn nại, lấy được giò lan về ta phải trồng, phải chăm sóc nó và phải yêu thương nó như con mọn vậy. Đối với Giả hạc, Thủy tiên, Ý thảo từ lúc đâm chồi phải ba năm sau mới ra hoa và khi hoa tàn thân cây (Giả hành) chính là kho dinh dưỡng để nuôi cho cây non phát triển được xanh tốt quanh năm, vì thế ta không được cắt bỏ nó đi, mà cần giữ lại cho giò lan được phát triển bình thường.

Làm giàn lan cũng phải lưu ý, nên chọn hướng Đông Nam là tốt nhất, còn muốn hoang dã thì cho lan gắn luôn vào với cây sống trong vườn. Đã chơi lan rừng thì không nên sử dụng nhiều chất kích thích mà nên để cây phát triển tự nhiên theo chu kỳ của nó, nếu không lá xanh tốt mãi mà chẳng thấy hoa đâu “Tốt quá hóa lốp” mà.

(Nguồn Báo Phú Yên)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác