Chuyện hoa phong lan rừng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2168
  • Tổng lượt truy cập 11,497,038

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/05/2013, 10:19 am

Chuyện hoa phong lan rừng

18h06 | 13/09/2010
(Sóng Trẻ) -
Không có tiếng rao, không quảng cáo, người và hoa lặng lẽ, âm thầm rong ruổi từ rừng xuống phố những mong bán được giá, bớt chút nhọc nhằn trong kế sinh nhai.


Vất vả tìm lan

Từ sáng sớm khi mặt trời còn chưa qua đỉnh núi, những gánh hoa phong lan rừng nhiều màu sắc, chủng loại được bà con mang xuống chợ, các điểm ngã ba Quyết Thắng, ngã tư Cầu Trắng, chợ Rặng Tếch (thành phố Sơn La) hay rong ruổi dọc đường quốc lộ.

Những năm gần đây, khi thú chơi lan rừng ngày càng được nhiều người ưa thích, kiếm lan rừng xuống phố bán dần trở thành một nghề tăng thêm thu nhập cho bà con. Vì thế số người vào rừng kiếm lan ngày càng nhiều. Để tìm được những nhành hoa lan rừng nhiều chủng loại, màu sắc đa dạng, hương thơm quyến rũ cũng phải băng rừng, vượt núi, gặp bao khó khăn, nguy hiểm đối với người tìm lan.

Anh Quàng Văn Phương, bản Nam, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) nhiều năm tìm lan rừng cho biết: Để chuẩn bị cho chuyến đi rừng kiếm lan, từ một vài hôm trước, chúng tôi phải chuẩn bị nhiều thứ như dây, cơm, gạo, thức ăn… cho  hai, ba ngày ở chốn rừng sâu núi thẳm; bắt đầu cuộc hành trình leo núi đá xa xôi và đầy nguy hiểm. Thu nhập cũng không ổn định, có hôm kiếm được nhiều loại lan đẹp xuống phố bán cũng được 500-700 nghìn đồng, những hôm ít chỉ được 200-300 nghìn đồng.

Lan hái về, được phân loại ra từng nhóm, cho vào các bao khác nhau hoặc cột chúng lại từng bó. Bà con lấy được rất nhiều loại lan khác nhau, có loại biết tên, có loại không biết, mà chỉ biết nó có hoa đẹp thì lấy về bán. Có những loại hoa, mà bà con gọi tên theo hình dáng như lan bọ cạp, lan càng cua, lan xương cá, lan tôm, lan chân vịt, lan đùi gà… Những nhánh lan rừng tươi xanh bị bứt khỏi đại ngàn, được bỏ nằm ngổn ngang dưới nền đất. Sau khi được người chơi mua về, dày công ươm trồng, chăm sóc một thời gian dài, những nhánh lan rừng mới hồi sinh, xanh tươi trở lại mang đến cho đời những loại hoa đẹp.

Bước chân vội vã trên trên đường vào ngày nóng nực, cái nắng làm cho những nhành lan rừng héo dần, chị Lò Thị Tươi, bản Bông, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn (Sơn La) gạt giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đỏ gay vì nắng, chị Tươi nói: Cứ sáng sớm chồng tôi đưa ra ngã ba Mai Sơn, rồi đi bộ bán hoa lan dọc đường quốc lộ 6 lên thành phố. Có hôm gặp những người thích hoa lan thi chưa đến thành phố đã bán hết, có người chỉ xem qua rồi bỏ đi, có buổi không bán hết lại gánh mang về. Càng ngày các loại hoa lan càng ít và hiếm hơn nên phải vào tận rừng sâu, núi đá mới kiếm được. Vất vả là thế mà thu nhập cũng chẳng được là bao, trừ chi phí chi được hơn 100 nghìn đồng cho mỗi lần đem bán.

Nỗi buồn hoa lan

Dạo một vòng quanh các “chợ” phong lan “di động” có khá nhiều các loại lan nguyên cây, thô mộc, có nơi còn để nguyên bó trong bao tải, ai muốn mua loại nào tuỳ chọn. Giá cả cũng rất bình dân, từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/cây, những loại quý hiếm như lan đuôi chồn, lan quế, lan da báo, số lượng ngày càng ít, giá lên tới vài trăm ngàn đồng/cây.

Để kiếm được những nhánh lan rừng đẹp, ẩn chứa bao nguy hiểm, rủi ro đối với người tìm lan vì phải trèo lên những cây cao mới lấy được hoa, bởi hoa lan thường bám vào những thân, cành cây đã khô và mục hay trên đỉnh dãy núi đá. Những người đi lấy hoa dù là nam hay nữ, đều leo trèo rất giỏi. Không ít người đi rừng tìm lan đã phải bị tật hoặc phải chịu những nguy hiểm từ núi rừng như sốt rét, ong, rắn độc, vắt cắn và biết bao chuyện đau lòng khác từ nghề đi rừng này.

Đang tìm kiếm loại lan da báo để bổ sung vào vườn lan nhà mình, chị Đỗ Thị Trang, tổ 3, phường Chiềng Sinh (thành phố Sơn La) cho biết: Những giống lan quý hiện nay càng ngày càng ít, chủ yếu là những loại bình thường. Ở đây thỉnh thoảng may mắn lắm mới có đôi ba nhành quý mà thôi. Với tình hình khai thác triệt để, không bỏ sót của bà con như hiện nay, tôi nghĩ chỉ vài năm nữa lan rừng bình thường còn không có đừng nói chi đến lan quý.

Khi những cành lan quý, đẹp được bán hết chỉ còn những nhánh lan rừng bình thường vài nhánh nằm chỏng chơ, khô héo dưới cái nắng của những ngày hè giữa hè phố, mấy ai nghĩ được rằng trong nay mai sẽ chẳng có một bóng lan rừng nào về phố như hôm nay, khi người vào rừng kiếm lan ngày càng đông, lan rừng về phố ngày càng nhiều đồng nghĩa với sự cạn kiệt của những loại lan quý hiếm. Cùng với cách khai thác triệt để cứ thấy lan là lấy, to nhỏ không quan trọng. To bán nhiều tiền, nhỏ bán rẻ hơn, nếu người này không lấy thì người khác cũng lấy đã làm cho những loại lan quý, hiếm dần và mất hẳn.

1748886a9_856.1.jpg
Giữ lấy lan rừng.

Không giống những người khác khi lấy lan về là mang xuống chợ bán, anh Lèo Minh Châu, bản Hụm, xã Chiềng Xôm (Thành phố) chỉ bán những cành hoa đẹp có giá trị cao, những cành nhỏ lẻ anh mang về chăm sóc, tạo dáng để cho hoa lan sinh trưởng phát triển tốt năm sau mới bán, vừa bán được giá cao vừa giữ gìn được hoa. Anh Châu cho biết: Với cách làm này mang lại hiệu quả rõ rệt vừa bán hoa lan được giá cao, vừa giữ được những loại quý hiếm. Trung bình mỗi vụ bán gia đình cũng kiếm được hơn 5 triệu đồng.

Để giữ gìn những giống lan quý, nhiều người yêu hoa lan rừng đã tìm những loại quý hiếm, làm những vườn lan để chăm sóc, bảo vệ, nhân ra nhiều hơn. Dừng tay tưới những nụ lan đuôi chồn đang đơm nụ, anh Đào Xuân Hùng, tổ 9, thị trấn Thuận Châu giới thiệu: Đây là hoa lan đuôi chồn, da báo, lan quế, hoàng tạo, đùi gà... mỗi loại một vẻ đẹp riêng, tôi đã sưu tầm gần 10 loại hoa lan khác nhau. Nhiều lúc thấy bà con bán rẻ, tiếc, tôi lại mua về trồng thêm vào vườn lan nhà mình. Thiết nghĩ chơi hoa lan cảnh là thú chơi tao nhã, nếu khai thác đúng cách sẽ giúp lan rừng có thời gian sinh trưởng để mỗi mùa thêm những cánh hoa lan nhiều màu sắc góp phần tô thắm vẻ đẹp cuộc sống cho gia đình và phố thị.

Việt Anh
Lớp Báo chí Yên Bái.

Bình luận

  • minh lý

    15/03/2015, 11:51 pm
    co ban ko e mua adt 01633538538

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác