CANH MÔN RỪNG - LÕI CHUỐI

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3408
  • Tổng lượt truy cập 10,264,142

Fanpage facebook

Ngày đăng: 11/08/2020, 07:24 am

CANH MÔN RỪNG - LÕI CHUỐI

Món ăn này hội tụ nhiều nguyên liệu tự nhiên và có quy trình chế biến cầu kỳ. Canh môn được xem là món ăn “cộng đồng”, không thể thiếu trong các dịp cúng lễ, đám tang, đám cưới... của người Ê đê.
Theo người Ê đê, món ăn này bắt buộc phải có cây môn, ngon nhất là loại môn ngứa chưa được thuần hóa. Loại môn này còn mọc nhiều ở ven suối, vùng trũng trong rừng. Cây có bẹ nhỏ, lá xanh và gây ngứa. Khi gia đình, buôn làng có tiệc, người Ê đê mới vào rừng hái môn. Bẹ môn đem về bỏ đi phần lá, tước vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn.
Để chế biến được món canh môn thơm ngon, người Ê đê còn sử dụng một số nguyên liệu khác như xương heo (bò), thịt bò, vếch bò (phần đầu ruột non của bò), lõi cây chuối non, cà đắng, ớt xanh, mít non, đu đủ xanh... Theo khẩu vị của mỗi gia đình mà các nguyên liệu có thể thêm bớt. Tuy nhiên, số lượng dùng nấu cần vừa phải, không quá nhiều để tránh làm mất đi mùi vị đặc trưng của món ăn. Trong đó, lõi chuối cũng là một nguyên liệu đặc biệt, tăng thêm sự độc đáo của món ăn. Theo kinh nghiệm của người Ê đê, món ăn chế biến từ chuối rừng thơm ngon, phải chọn cây không quá non cũng không quá già. Phần thân chuối cũng chỉ chọn đoạn từ gốc đến ngang thân mới ngọt và mềm, chứ không lấy thêm phần ngọn vì lõi chuối sẽ chát. Chuối chặt về, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài để lấy nguyên phần lõi non có màu trắng, mềm, vị ngọt mát. Khi chế biến, người nấu khéo léo lấy bớt nhựa chuối để loại bỏ bớt vị chát, cho món canh thêm ngon.
Sau khi sơ chế tất cả nguyên liệu, người Ê đê đun nồi nước sôi lên rồi cho bẹ môn, xương heo (bò), cà đắng, lõi chuối... vào ninh cho thật mềm. Sau đó khoảng một tiếng mới cho thêm thịt bò, vếch bò vào nấu tiếp. Phụ nữ Ê đê còn ưa thích hòa bột gạo và lá yao (một loại lá rừng thường được người Ê đê dùng để làm gia vị) vào để tạo độ sánh và tăng thêm mùi thơm cho món ăn. Cuối cùng là cho ớt xanh, củ nén và một chút gia vị muối, bột ngọt. Khi hương vị thơm lừng tỏa lên ngào ngạt là canh đã hoàn thành, nồi canh sẽ được để trên bếp với lửa nhỏ chờ đến khi ăn mới đem xuống.
Món canh môn có phần tốn thời gian chế biến hơn so với một số món ăn khác của người Ê đê. Canh ăn sẽ có chút độ sánh và màu xanh đặc trưng của bẹ môn. Khi thưởng thức cảm giác ngay được vị ngọt đậm đà từ xương thịt, một chút đắng từ cà đắng, đu đủ, vếch bò. Mùi thơm của bột gạo, lá yao hài hòa với sự cay nồng của ớt xanh. Vị đắng - cay - ngọt hòa quyện trong món canh là nét đặc trưng trong ẩm thực của người Ê đê. Đặc biệt, bẹ môn khi nấu lên hoàn toàn không còn gây ngứa, chỉ còn hương thơm và vị ngon ngọt đọng lại.
Mỗi khi trong gia đình hay trong buôn có đám, tiệc, phụ nữ Ê đê lại tụ họp, mỗi người một tay chuẩn bị các nguyên liệu nấu một nồi canh môn thật to. Canh môn bổ dưỡng, thơm ngon, mang hương vị hoang sơ mà tinh tế của núi rừng, chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc của cộng đồng người Ê đê.
Nguyễn Nam

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác