Sự pha chế phân hữu cơ dễ dàng nhờ nguyên liệu dồi dào, dễ tìm kiếm, nhiều nguồn. Nhưng thành phần của phân vì thế mà không rõ rệt. Các nguyên tố cần thiết trong phân không biết được một cách chắc chắn cho nên không có quy định về nồng độ, tỷ lệ pha chế cụ thể mà chỉ do kinh nghiệm của người trồng lan.
Có nhiều loại phân hữu cơ:
a. Nước tiểu:
Là loại phân không tốn tiền nhưng rất hữu hiệu vì trong nước tiểu có đủ khoáng chất cần thiết và còn chứa vài chất kích thích tố tăng trưởng.
Cách dùng: hòa loãng nước tiểu với tỷ lệ 1:10 hay loãng hơn, tưới cách nhật cũng được, tốt nhất mỗi tuần tưới hai lần. Phù hợp với tất cả các loài lan.
b. Nước tiểu và bánh dầu:
100g bánh dầu (bã đậu phụng ép khô) ngâm với 800g nước trong. Sau 3-4 ngày, bắt đầu lên men thối (nên phải đậy kín vì rất hôi thối), cho thêm 100g nước tiểu. Tiếp tục cho lên men độ 4-5 ngày nữa, lúc đó phân bắt đầu hoai. Cho thêm 800g nước trong và khuấy đều, để lóng. Khi hết mùi thối, lọc lấy phần nước trong, gọi là nước phân nguyên chất.
Cách dùng: Mỗi tháng chỉ tưới 1-2 lần với tỷ lệ 1:4 (1 phần nước nguyên chất hòa với 4 phần nước trong).
Thích hợp với Dendrobium, Phalaenopsis, Paphiopedilum, Oncidium, Renanthera … Không công hiệu lắm với Brassolaeliocattleya.
c. Phân động vật:
Gồm tất cả các phân của động vật: trâu, bò, gà, chim, dơi … Phần dinh dưỡng trong phân động vật thường rất thấp nhưng lại có hiệu quả tốt khi dùng cho lan. Chúng tôi xin chia sẻ một số loại phân thường dùng và tỷ lệ dưỡng chất % (theo Đạm – Lân – Kali) để các bạn tham khảo:
- Gà: 1,63 – 1,54 – 0,85
- Heo: 0,7 – 1,3 – 1,2
- Trâu bò: 0,4 – (0,2 đến 2,3) – (0,9 đến 1,3)
- Ngựa: 0,5 – 0,4 – 0,3
Người ta nhận thấy rằng những cây lan trồng chậu và được bón trực tiếp phân động vật thì tăng trưởng rất tốt vào lúc đầu nhưng về sau rễ lan bị hư thối; có lẽ là do sự phân rã của phân làm cho không khí bị tù hãm và nước bị ứ đọng trong chậu cùng lúc với sự tăng nhanh của vi khuẩn. Điều này giải thích tại sao phân động vật dùng ở mức độ cao một cách liên tục sẽ làm giảm đi sự tăng trưởng và ra hoa. Để tránh tình trạng nay thì chúng ta phải:
- Tạo sự thông thoáng cho đáy chậu
- Không dùng phân động vật trực tiếp mà phải ngâm cho rã rục, lấy nước để dùng
- Nên tưới phân hữu cơ vào buổi sáng để tia nắng ban mai và sự khô nhanh vào buổi trưa giúp hạn chế mầm bịnh.
- Kết hợp tưới phân và tưới thuốc cùng lúc hoặc tưới thuốc phòng bịnh cho lan ngay ngày hôm sau của lịch tưới phân.
Khi dùng thì phải pha loãng tùy theo độ đậm đặc của phân lúc ngâm với nước.
Thích hợp nhất với Dendrobium, Vanda, Arachnis, Aranda, Mokara … Chúng tôi đã dùng phân bò cùng tăng cường ánh sáng đã đạt năng suất 60-80% đối với Blc Alma kee “Thipmalee”. Cũng có báo cáo cho thấy rằng sử dụng phân gà đã đem lại sản lượng phát hoa cao hơn và cả sự tăng trưởng nhanh hơn ở Aranda, Dendrobium.
d. Xác bã động vật
Xác tôm, cá (nước ngọt), gia súc, lông gà, vịt, lòng mề … cho vào hũ hay chung vại, đậy kín, ngâm cho rã rục đến khi không còn mùi thối. Lọc lấy nước phân này.
Khi dùng thì pha loãng tùy độ đậm đặc lúc ngâm chúng.
Theo các nhà trồng lan Đài Loan thì nước ngâm lông gà vịt, bột cá là tuyệt hảo đối với Hồ Điệp và không bị khuyết điểm lên rong xanh.
e. Than xương
Xương bò, heo đốt đi rồi nghiền vụn ra trộn với các chất trồng khác. Thích hợp cho vài phong lan và nhiều địa lan. Các địa lan rất thích hợp với phân hữu cơ vì chúng có nấm cộng sinh ở rễ và các vi khuẩn có sẵn trong đất giúp chúng phân hủy các chất hữu cơ trong phân thành những nguyên tố làm cho rễ lan dễ hấp thu.
Phân cho địa lan lý tưởng nhất là: phân bò hoặc mùn thực vật + than xương súc vật hoặc bột sò ốc, xương cá + bánh dầu phụng + nước tiểu. Trộn tất cả đều tay với phân lượng bằng nhau, rồi ít tro rơm hay tro cỏ và ít cát. Ủ độ 3-4 ngày cho hoai rồi đem phôi ở nền gạch cho khô, nghiền vụn ra. Cất dùng dần. Có thể dùng làm chất trồng cho địa lan hữu hiệu hơn một năm mà không cần bón thêm phân.
Hiện nay có nhiều loại phân hữu cơ đã được trích chiết dưới dạng dung dịch đậm đặc, khi dùng thì pha loãng với nước theo chỉ dẫn, rất tiện lợi.
Nguyễn Thiện Tịch (Tổng biên tập tạp chí Hoa Cảnh)
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook