Bảo tồn nguồn gene lan rừng trước khi quá muộn

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4190
  • Tổng lượt truy cập 11,312,620

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/05/2013, 10:29 am

Bảo tồn nguồn gene lan rừng trước khi quá muộn

Cập nhật lúc 06h35' ngày 22/03/2006

Nhu cầu mua bán, chơi lan rừng khiến cho loài hoa quý này bị con người săn lùng ráo riết trong tự nhiên. Tới nay, lan rừng Việt Nam đang phải kêu cứu trước nguy cơ biến mất trong những cánh rừng.

Bên bờ của sự suy kiệt

Làng Đồng Nhân (huyện Hoài Đức, Hà Tây) nổi tiếng khắp nơi bởi ở đây công việc khai thác, nuôi trồng lan rừng đã trở thành một nghề. Cả thảy gần chục hộ trong làng theo nghề này. Nơi đây là một đầu mối cung cấp lan lớn không chỉ ở miền Bắc. Nhờ cây lan, nhiều nhà đã trở nên khấm khá. Lan rừng thường được đặt hàng những người chuyên đi săn lùng khai thác trên miền núi, rồi được gom góp vận chuyển về xuôi. Lan về đủ loại, thường đổ buôn theo cân, theo tạ. Những loài quý hiếm mới tính theo ngọn. Có những vườn số vốn đầu tư vào xây dựng và thu mua lan rừng lên tới vài trăm triệu đồng. Hộ có thâm niên nhất cũng đã theo nghề này được hơn 15 năm.

Chị Trân, chủ một vườn lan lớn vào hạng nhất làng, kể rằng, nghề này phát đạt từ hơn chục năm lại đây. Người ta bắt đầu có điều kiện quan tâm tới cây cảnh, non bộ, nhất là hoa lan. Người làng này bắt đầu đi khắp những miền rừng núi, đặt các mối hàng trên đó.

Lan đưa về, được người ta buộc vào gỗ hay bảng rồi treo lên, tưới tắm chăm sóc cho ra rễ, ra hoa rồi đem bán. Hoặc người ta treo ngược những cây lan, ai hỏi mua thì bán.

Người làng còn đem lan ra chợ Bưởi hay chợ Hà Đông bán cứ mỗi khi đến phiên. Bán lan theo cách này nhanh thu hồi vốn nhưng lãi ít hơn. Lãi nhiều nhất phải là xuất những lô hàng lớn đi các vườn khắp nơi trong nước hay đưa lan ra nước ngoài. Dù bây giờ thị trường có nhiều giống lan công nghiệp nhưng lan rừng vẫn được ưa chuộng vì sự đa dạng về chủng loại hoa và cây.

Cây lan sinh trưởng chậm nên sau khi phân loại, chăm sóc, người ta phải xuất bán ngay để kịp quay vòng vốn, chỉ giữ lại một phần tại vườn để nuôi dưỡng. Bởi thế, công việc của người làm nghề này mới dừng lại ở mức chăm sóc cho cây tươi tốt để bán được chứ chưa làm cho lan sinh sản thêm.

Vào mùa cao điểm, mỗi tháng một vườn nhận vài chuyến hàng lan rừng. Mỗi lần từ vài chục ký tới vài tạ. Nếu đem nhân lên với số nhà vườn trên cả nước thì mới thấy mỗi năm rừng bị “chảy máu” một nguồn tài nguyên lớn như thế nào.

Theo các nhà khoa học, một quần thể lan rừng tự nhiên sau khi khai thác hết vẫn có thể tái tạo được nhưng sẽ phải mất vài năm và ở trong một điều kiện thuận lợi. Buồn thay, với sự thu hẹp của các cánh rừng nguyên sinh, liệu chúng ta còn tìm thấy các loài lan trong tự nhiên? Một số loài lan quý hiếm đã không còn xuất hiện ở Việt Nam. Người ta đang chuyển mục tiêu sang các cánh rừng bên Lào hay Campuchia.

Bảo tồn bằng cách nào?

Từ trước tới nay, ở trong nước, chưa có một nơi nào làm công việc mạo hiểm là tiến hành nhân giống cây lan, nuôi lớn cho ra hoa và đem bán. Cây lan rất chậm lớn, lại đòi hỏi những điều kiện chăm sóc đặc biệt khi còn nhỏ. Trong quá trình chăm sóc có nhiều rủi ro. Bởi thế, hầu hết các nhà vườn đều kinh doanh lan theo kiểu “ngắt ngọn” kể trên.

Khó lắm, nhiều rủi ro, mất nhiều thời gian nhưng không phải là không làm được” - thạc sĩ Phạm Tuấn Anh, cán bộ của Trung tâm Sinh học thực nghiệm Viện ứng dụng công nghệ, khẳng định. Công việc nhân nuôi những loài lan rừng Việt Nam đang được tiến hành khá thuận lợi tại đây. Vấn đề hiện nay không phải là rào cản về công nghệ mà là thời gian và chi phí cho cây lan nuôi trồng lớn hơn cây lan khai thác ngoài tự nhiên.

Thí dụ, để tạo ra một cây lan Đai châu trưởng thành có thể ra hoa, chúng ta phải mất hơn một năm để hạt phấn nảy mầm trong ống nghiệm và phát triển thành một cây non đủ để đưa ra môi trường. Sau đó phải mất hơn ba năm trong nhà kính để cây lan đó trưởng thành và ra hoa bình thường như ngoài tự nhiên. Tất cả là 5 năm, cộng với các chi phí đầu tư và chăm sóc.

Hiện trung tâm này triển khai một dự án nhân giống, sản xuất thử nghiệm một số loài lan rừng. Một số nơi đã liên hệ để ký hợp đồng mua cây non. Nguồn gene được lấy từ hạt phấn trong quả của các cây lan bố mẹ. Sau đó đem gieo trong ống nghiệm. Lứa lan hài sinh ra trong ống nghiệm đầu tiên đã được hai năm và đang phát triển rất tốt trong nhà lưới. Cũng theo anh Tuấn Anh, ưu điểm khi nhân giống thế này là sẽ cùng lúc tạo được rất nhiều cây con chỉ từ một hạt phấn gieo. Điều đó sẽ rất thuận lợi nếu nhân nuôi với quy mô lớn.

Hiện việc buôn bán lan rừng vẫn diễn ra công khai hoặc lén lút. Nhưng khi Việt Nam hội nhập đầy đủ, luật pháp được thực hiện nghiêm túc thì chỉ có những sản phẩm nhân nuôi được chứng nhận sẽ có thể “danh chính ngôn thuận” mà đi ra nước ngoài.

Bảo tồn, phát triển nguồn gene các loài lan ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà đây còn là cơ sở để chúng ta tái tạo lại một nguồn tài nguyên đang bị khai thác vô tội vạ. Vì thế, hãy bắt đầu trước khi quá muộn.

khoahoc.com

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác