Ở thung lũng cá lóc (Báo Sài Gòn giải phóng)

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 6299
  • Tổng lượt truy cập 11,295,114

Fanpage facebook

Ngày đăng: 06/03/2015, 09:19 am

Ở thung lũng cá lóc

Thứ năm, 05/03/2015, 00:35 (GMT+7)

Trong tiếng Ê Đê, Troh Bư (ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) có nghĩa là thung lũng cá lóc. Dân gian kể rằng, vào thời xa xưa có một ngôi làng bị Giàng phạt làm đất nứt nẻ, cây cối không sống được nên người dân phải bỏ xứ ra đi. Sau nhiều tháng trời lang bạt ở nhiều vùng đất nhưng không ưng bụng, cả làng dừng chân nghỉ ngơi ở Troh Bư. Người dân kéo nhau xuống con suối ở thung lũng kiếm ăn thì gặp rất nhiều cá lóc, bắt mãi cũng không hết. Vì thế, cả làng quyết định lập buôn mới ở đây.

Cơ duyên với Troh Bư

Cũng vì say mê với vùng đất huyền thoại này, anh Đỗ Tuấn Hưng (43 tuổi, ở đường Y Jút, TP Buôn Ma Thuột) đã mua lại vùng Troh Bư, biến thung lũng cá lóc thành một Tây Nguyên thu nhỏ. Chuyện bắt đầu từ năm 1995, khi anh Hưng được một người bạn thân rủ lên khu rẫy của gia đình ở buôn Niêng 3 chơi. Hồi ấy, vùng Troh Bư phần lớn là đồi hoang, chỉ có lác đác cây rừng và vài ba sào mía của người dân trong vùng. Thấy vùng đất có suối, có hồ và địa thế đẹp, anh lân la tìm gặp các già làng để hỏi gốc gác thì được kể về lịch sử của vùng Troh Bư từng là nơi cứu cánh cho một tộc người bị Giàng phạt. “Nghe kể, tôi rất ấn tượng với vùng đất này và rất buồn khi chứng kiến vùng Troh Bư ngày đó bị hoang tàn, xơ xác. Tôi quyết định phải sở hữu cho được Troh Bư, phải phục dựng vùng đất huyền thoại này thành nơi lưu giữ văn hóa Tây Nguyên được mọi người biết đến”, anh Hưng kể.

Nhưng để thực hiện được ước mơ đó của anh Hưng không phải việc dễ dàng. Vùng đất Troh Bư bấy giờ thuộc sở hữu của nhiều hộ dân sống ở nhiều nơi nên việc tìm gặp họ để mua rất vất vả. Anh phải đạp xe lặn lội đến từng nhà để thuyết phục họ bán đất. Khi dân đồng ý, chuyện lấy tiền đâu để mua đất cũng làm anh đau đầu không kém. Anh buộc phải bán bớt 1ha rẫy cà phê xanh tốt ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột để mua 2ha rẫy ở vùng Troh Bư. Vợ con, bạn bè cho rằng anh đưa ra quyết định dại dột nên kịch liệt phản đối nhưng anh đều bỏ ngoài tai. “Khi tôi đưa ra quyết định, bà vợ giận tôi nguyên cả tuần. Tôi giải thích đó là duyên cơ giữa tôi và vùng Troh Bư. Tôi cũng nói rõ kế hoạch sẽ xây dựng ở Troh Bư một khu bảo tồn lan, một khu rừng tự nhiên, sưu tầm văn hóa dân gian về trưng bày… để tạo thành một Tây Nguyên thu nhỏ. Tôi động viên vợ hãy đồng cảm với đam mê của tôi. Về sau, vợ tôi cũng hiểu, quay sang ủng hộ nên tôi bắt tay vào việc xây dựng Troh Bư theo cách của tôi ”, anh Hưng tâm sự.

Bảo tồn bản sắc Tây Nguyên

Chúng tôi đến với Troh Bư vào những ngày đầu năm mới và chứng kiến sự thay da đổi thịt ở vùng đất huyền thoại. Khu đồi hoang ngày nào giờ đã khoác trên mình một bộ áo lộng lẫy, quyến rũ hơn trước. Bao quanh Troh Bư là một khu rừng tự nhiên rộng gần 2ha với hơn 500 loại cây gỗ, trong đó có hàng loạt cây gỗ quý mà lâm tặc đang ngày đêm thèm khát như hương, cà chít, căm xe, bằng lăng... Gỗ quý mọc san sát, nhiều cây có đường kính 20cm, cây to hơn cũng được 40cm. Trên những cây gỗ này, những khóm lan rừng như Thủy tiên, Bạch câu, Nghinh xuân… đua nhau nở hoa, khoe sắc. Cả khu rừng được khoác trên mình chiếc áo đủ sắc màu của hoa lan.

Càng đi vào sâu trong khu vườn này, phong cảnh đặc trưng của Tây Nguyên bắt đầu hiện ra. Những ngôi nhà dài của người Ê Đê thấp thoáng nằm bên cạnh vườn cà phê nở hoa thơm ngát. Quanh nhà dài là những hồ cá, chòi nuôi heo của đồng bào, gà rừng… Phía cuối con đường mòn của khu vườn xuất hiện một ngôi nhà cổ hai gác. Gác dưới trưng bày sách vở liên quan đến Tây Nguyên, gác trên trên trưng bày các hiện vật văn hóa như ghế K’pan, cối giã gạo, gùi, mõ trâu, xoay tơ, tổ chim ròng rọc, bộ chiêng… Căn nhà cổ có hai tài sản vô giá: chiếc thuyền độc mộc có kích thước lớn nhất Tây Nguyên (dài 9m, rộng 1,75m do cố nghệ nhân Nay Nen Lào, đệ nhất đẽo thuyền độc mộc ở Buôn Đôn đẽo từ cây gỗ sao trong vòng 6 tháng trời) và bộ chiêng đá 20 thanh.

“Hiện ở Troh Bư có tổng cộng hơn 200 loài lan, trong đó có rất nhiều loài lan quý mà nhiều nơi không có. Không chỉ vậy, lan rừng ở đây cũng đã tự tái sinh được. Troh Bư hiện cũng đang lưu giữ hàng trăm hiện vật văn hóa Tây Nguyên. Riêng bộ chiêng đá và thuyền độc mộc cực kỳ hiếm, hiện không tìm không ra cái thứ hai. Nhiều người trả mình cả tỷ đồng, thậm chí cả chiếc siêu xe nhưng mình không bán bởi chúng là vô giá”, anh Hưng khoe.

Troh Bư được như bây giờ, anh Hưng đã đổ không ít mồ hôi và nước mắt. Lúc sở hữu Troh Bư, anh dành một phần diện tích để trồng cà phê, riêng ở phần đất cây rừng mọc xanh tốt thì để nguyên, ngoài ra còn mua giống cây rừng quý về trồng dặm. Khi rừng tự nhiên hình thành, anh nghĩ đến chuyện khoác trên mình khu rừng những khóm lan. Anh dày công vào tận các cánh rừng nguyên sinh ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn (Đắk Lắk) lấy lan rừng về gắn, thi thoảng mua trực tiếp của hộ dân. Anh kể: “Mới đầu gắn, lan chết liên tục mà chẳng biết lý do. Tôi phải trèo đèo, lội suối tìm gặp các chuyên gia để nhờ tư vấn, sau đó đối chiếu với thực tế để rút kinh nghiệm. Dần dà, vườn lan ngày càng sinh sôi, trở thành một khu bảo tồn lan rừng như bây giờ”.

Song song với việc xây dựng khu bảo tồn lan giữa rừng tự nhiên, anh Hưng còn ngày đêm săn tìm các hiện vật văn hóa Tây Nguyên về làm giàu cho khu vườn của mình. Anh mua các vật dụng về xây dựng nhà dài, sưu tầm các hiện vật sản xuất nông cụ về trưng bày. Riêng bộ chiêng đá và thuyền độc mộc khủng nhất Tây Nguyên, anh đã mất rất nhiều công sức. “Với bộ chiêng đá, nghe người dân kể có người phát hiện dưới suối, tôi phải đến tận đó để thuyết phục họ bán. Lúc mua được, bản thân tôi phải lặn xuống suối để vớt từng viên, sau đó mới mang về vườn kết thành. Còn chiếc thuyền độc mộc, sở hữu được nó cũng phải có duyên. Hồi ấy có rất nhiều người ngoài tỉnh đến nhà gia chủ xếp hàng chờ mua. Lo sợ văn hóa Tây Nguyên bị người ta mang đi mất nên ngày nào tôi cũng ăn dầm ở dề tại nhà họ để thuyết phục. Hồi ấy có người trả giá cao gấp đôi tôi nhưng cuối cùng người ta lại bán cho tôi vì gia chủ biết tôi yêu sưu tầm văn hóa chứ không phải là người đi buôn. Với lại họ nghĩ nếu chiếc thuyền này về với tôi, lúc nào thấy nhớ thì họ có thể lên thăm được. Ngoài giá trị hiện vật phải trả, tôi còn phải gán thêm trâu bò để người dân họ làm lễ cúng theo phong tục”, anh Hưng hồi tưởng.

Lợi nhuận là du khách

Thời điểm chúng tôi đến với Troh Bư, ngoài cổng không hề bán vé, khách du lịch cả Tây và ta thoải mái ra vào ngắm lan, lội rừng. Hỏi chuyện, chủ vườn bật mí: “Troh Bư khác các điểm du lịch cũng ở chỗ đó. Hai năm Troh Bư mở cửa, chúng tôi không lấy một đồng tiền vé. Ai có sức cứ đến Troh Bư thưởng thức văn hóa Tây Nguyên”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao không thu vé tham quan vườn Troh Bư, anh Hưng giải thích: “Ở Troh Bư có bán cà phê, phục vụ ăn uống nhưng thực tình những dịch vụ này không hút khách, thu nhập không đủ trả lương cho 3 nhân công lao động. Tôi vẫn quyết định không thu vé bởi như tôi đã nói, tôi có duyên với Troh Bư huyền thoại. Tôi yêu văn hóa Tây Nguyên và xây dựng Troh Bư huyền thoại theo sở thích của mình. Tôi làm du lịch để chia sẻ đam mê của mình cho người khác, cũng là để văn hóa Tây Nguyên được giới thiệu rộng rãi ra khắp nơi. Thấy khách thích thú khi ngắm lan, lội rừng, tôi cảm thấy sở thích của mình đã được đồng cảm nên hạnh phúc vô cùng. Đó chính là lợi nhuận mà tôi thu được khi đưa Troh Bư đến với mọi người”.

Khi nhắc đến khu vườn Troh Bư, ông Nguyễn Phú Hồng, cán bộ UBND xã Ea Nuôl, cũng vui mừng chia sẻ: “Trong đó có hàng trăm loài lan và rất nhiều sản phẩm văn hóa Tây Nguyên độc đáo được lưu giữ. Mấy năm nay, do điểm này mở cổng miễn phí nên rất nhiều du khách kéo đến đây tham quan. Nhờ đó, văn hóa Tây Nguyên một phần được lưu truyền khắp mọi nơi”. Còn ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cho rằng: Hiện bản sắc văn hóa Tây Nguyên hiện đang bị mai một và mất mát khá nhiều ngay cả trong những buôn làng đặc trưng của vùng đất này. Vì thế, việc anh Hưng xây dựng một khu vườn mang đặc trưng Tây Nguyên cũng là cách để lưu giữ những nét lịch sử, văn hóa và tự nhiên của vùng đất này cho mai sau.

CÔNG HOAN - VÕ PHÚC

- See more at: http://sggp.org.vn/phongsudieutra/2015/3/376950/#sthash.ofg7dUrs.dpuf

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác