Hút bạn trẻ chụp ảnh Tết, vườn đào thu tiền triệu mỗi ngày

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 6627
  • Tổng lượt truy cập 11,295,442

Fanpage facebook

Ngày đăng: 07/04/2014, 11:35 am

Hút bạn trẻ chụp ảnh Tết, vườn đào thu tiền triệu mỗi ngày

- Dân trí

Khi đào Nhật Tân đua nhau khoe sắc thắm cũng là dịp nhiều bạn trẻ tìm đến với vùng đào nổi tiếng để thoả thích chụp ảnh.

Thấp thoáng trong sắc đào hồng, sắc cúc vàng tươi là từng nhóm các bạn trẻ, đôi tình nhân, từng cặp cô dâu, chú rể đang tạo dáng để lưu giữ cho mình những khoảnh khắc Xuân Hà Nội.

Dạo quanh một vòng khu vực Bãi Đá ven sông Hồng, có thể tìm thấy khá nhiều nhà vườn được đầu tư trang trí cầu kỳ và bắt mắt. Xen kẽ những tán đào thắm, khóm quất vàng óng sum suê lá xanh lại có những khu vườn rực rỡ sắc tím hồng hoa bướm, hoa bách nhật, nổi bật lên là vài cây phong đỏ, cây anh đào bằng nhựa sặc sỡ.

Chủ những khu vườn ở đây còn trang trí thêm cả khung trái tim, chiếc đàn piano sang trọng, vài chiếc xích đu, cổng rào trắng, dựng lên túp lều tranh xinh xắn, lãng mạn. Có vườn còn dựng cảnh hồ nước với những chiếc cầu, bến thuyền, cối xay gió...

Một số nhà vườn như: Phương Linh, Bách Nhật, Đạo Linh, Thượng Uyển, Hiệp Vụ… là những địa điểm thu hút rất đông bạn trẻ đến chụp hình. Từ vài vườn ban đầu nay đã lên đến cả chục vườn.

Để đáp ứng nhu cầu của khách, nhiều hộ dân đã phá vườn trồng đào theo lối truyền thống chuyển sang kinh doanh kèm theo các dịch vụ như: chụp hình, trông xe, cho thuê đồ - phụ kiện, phục vụ giải khát – ăn uống, in ảnh lên cốc...
Một bạn trẻ chụp ảnh với hoa đào.

Một bạn trẻ chụp ảnh với hoa đào.

Vào những ngày cuối tuần dịp giáp Tết các bạn trẻ tìm đến đây chụp hình kỷ niệm đông vui nhộn nhịp hơn hẳn. Mức phí dịch vụ được các chủ nhà vườn nhích hơn một chút so với mức giá cũ năm ngoái, dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/người.

Ê-kíp chụp ảnh cưới 100.000 đồng không tính người đi cùng, phí gửi xe máy 10.000-20.000đ, xe ô tô 20.000-40.000đ/xe tùy từng chủ vườn. Có những vườn nhỏ mới mở được gần một năm như Đồi Thông giá dịch vụ có rẻ hơn so với các vườn lớn như Bách Nhật, Phương Linh 5.000-10.000đ cho một dịch vụ.

Chị Phương chủ nhà vườn Phương Linh cho biết: “Cách đây vài năm khi phong trào chụp ảnh của các bạn trẻ chưa nở rộ, chỉ có vài người tự ý hoặc xin phép chủ vườn được vào chụp ảnh.

Sau đó ngày càng đông người tới nên các chủ vườn bắt đầu thu phí và mở rộng đầu tư trang trí cho khu vườn trở thành địa điểm hấp dẫn với các dịch vụ cho thuê chụp để các bạn trẻ có được bộ ảnh ưng ý nhất”.

Cũng theo chị Phương vào những dịp giáp Tết khoảng 2 tuần cho đến hết tháng Giêng âm lịch số lượng khách đến chụp hình ở các vườn khá đông. Ngày thường có khoảng 100- 200 khách. Cuối tuần số lượng khách có thể lên đến 1.000-2.000 khách. Thu nhập bình quân của các nhà vườn vào những dịp này có thể lên đến mấy chục triệu một ngày.

Bạn Đức – một sinh viên chia sẻ: “Bọn mình chuẩn bị ra trường nên cả nhóm quyết định ra đây chụp hình lưu lại kỷ niệm sinh viên. Phong cảnh ở đây được bài trí rất công phu, lãng mạn và mức giá thì khá phù hợp. Chụp được bộ ảnh đẹp mình rất vui.

Mình đang có dự định ra Tết sẽ thuyết phục bố mẹ và em gái ra đây chụp hình gia đình để vừa lưu giữ được không khí xuân cũng là dịp để bố mẹ hiểu về cuộc sống của giới trẻ hơn”.

Chủ vườn chuyên trồng hoa Bách Nhật ở Nhật Tân cho biết, gia đình bà đã có khu vườn này từ hàng chục năm nay nhưng trồng đào vất vả lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên khá bấp bênh, nguồn thu không được ổn định. Nay đầu tư mở vườn để phục vụ nhu cầu chụp ảnh của khách nguồn thu cao, ổn định hơn. Cả khu vực có khoảng gần chục vườn xây dựng theo mô hình này.

Khi trong túi chỉ có một ít tiền và muốn đến nơi nào đó trong thành phố thư giãn với không khí trong lành thì đây thực sự là một nơi lý tưởng cho các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, đây cũng là hướng đi mới cho làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá vào thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, với bất cứ mô hình tự phát nào cũng rất cần có sự định hướng, quy hoạch để vừa có thể phát triển kinh doanh nâng cao thu nhập của người dân vừa góp phần bảo tồn “thương hiệu” một làng nghề.

Theo Thùy Linh

Tiền phong

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác