Đánh thức Du lịch nông nghiệp

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 6499
  • Tổng lượt truy cập 11,295,314

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/02/2013, 11:07 am
Dù có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông nhưng đến nay, mô hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển.

Du lịch nông nghiệp (agritourism) được hình thành và phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Đây là hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả, tiếp thị tận gốc xuất xứ của sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về việc tự bảo vệ sức khỏe của cộng đồng xã hội trước nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn ngày càng tăng. Du lịch nông nghiệp còn là hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn, thông qua việc đến ở hoặc tham quan với mục đích hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng hộ nông dân, hoặc trang trại.

Dù mang những tên gọi khác nhau tại mỗi quốc gia như ở Anh là “Du lịch nông thôn”, Mỹ là “Du lịch trang trại”, Pháp là “Du lịch nông trại”… song nguồn thu từ mô hình du lịch này dù ở đâu cũng rất hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tại Ý, doanh số ngành này năm 2004 là 880 triệu euro. Ngành du lịch Thái Lan trong năm 2005 đã thu về xấp xỉ 60 triệu baht từ mô hình “Mỗi huyện một sản phẩm”. Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa ghi dấu bằng những con số ấn tượng.

Thiếu tính liên kết

Anh Phạm Đức Hòa, Phó Giám đốc bộ phận tour nội địa của công ty du lịch Saigontourist, cho biết: “Khách đi tour loại hình này chủ yếu là người nước ngoài, nhưng số lượng cũng rất ít. Một trong những nguyên nhân là chúng tôi không dám quảng bá. Vài tháng nay, Saigontourist chỉ có 1 tour đưa khách đến làng nghề ở Hội An”. Lý giải cho việc không dám quảng bá mô hình du lịch nông nghiệp, anh cho hay, do điều kiện du lịch ở nhiều vùng chưa đáp ứng yêu cầu. Các nhà vườn không mặn mà với mô hình này, không đầu tư nâng cấp nhà cửa, ruộng vườn, chưa tin tưởng vào tính bền vững của mô hình.

Cùng ý kiến này, một đại diện công ty du lịch Bến Thành Tourist, khẳng định: “Chỉ khi có khách yêu cầu chúng tôi mới tìm địa điểm để thực hiện tour dạng này chứ không giới thiệu rầm rộ như các tour du lịch khác, mặc dù nông thôn Việt Nam có rất nhiều sản vật phong phú như sầu riêng, thanh long… hay nhiều làng nghề truyền thống độc đáo”.

Các công ty du lịch đều cho rằng, vấn đề quan trọng để phát triển mô hình này là tính liên kết giữa các trang trại, các vùng, giữa chính quyền và nông dân, công ty du lịch và địa phương. Nông dân cần được hỗ trợ vốn để nâng cấp trang trại của mình. Anh Hòa đưa ra ví dụ mà Saigontourist đã thành công khi kết hợp với tỉnh Lâm Đồng để thực hiện tour du lịch trồng 1.000 cây xanh. “Du khách cảm thấy rất thích thú khi chính quyền địa phương chuẩn bị rất kỹ như để nguyên một vùng đất trống, đào sẵn hố, có ghi tên theo từng nhóm để du khách theo đó trồng cây vào”, anh kể lại.

Hiện nay, mô hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam vẫn tồn tại dưới dạng tự phát. Do các địa phương, nhất là những nơi xa xôi như Lào Cai, Yên Bái hay những vùng sông nước như An Giang, Kiên Giang không dễ dàng có được vốn đầu tư. Trước tình hình ấy, trong năm 2006, Tổ chức Hợp tác Phát triển giữa những người sống ở nông thôn Hà Lan (Agriterra) đã thông qua Hội Nông dân Việt Nam tài trợ hơn 300.000 euro để phát triển Dự án Du lịch nông nghiệp tại 3 tỉnh Lào Cai, An Giang và Tiền Giang, với mục tiêu “phát triển cộng đồng địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông thôn”. Dự kiến, dự án sẽ kết thúc vào năm 2011. Và sau 2 năm chuẩn bị, tháng 4 vừa qua, tour du lịch đầu tiên đã được triển khai tại An Giang. “Chúng tôi thực sự thấy thích thú khi tham gia tour du lịch này”, một du khách người Úc đã nói như thế sau khi tham gia tour ở An Giang.

Chuyên nghiệp hóa nông dân

Theo anh Nguyễn Xuân Định, Phó Giám đốc Bộ phận Quan hệ nước ngoài trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam, tại mỗi tỉnh, Dự án hỗ trợ xây dựng 2 điểm du lịch nông nghiệp. Mỗi nhóm tham gia gồm từ 15-20 hộ gia đình. Nông dân tham gia dự án được tập huấn kiến thức và kỹ năng cơ bản về du lịch nông nghiệp như giao tiếp, tiếng Anh, nấu nướng, phong tục tập quán, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức quản lý… Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và dạy nghề để có thể sản xuất ra thực phẩm an toàn, chất lượng cao.

Riêng tại An Giang, văn phòng Dự án Du lịch nông nghiệp (Hội Nông dân tỉnh An Giang) cũng đã đưa ra phương án tiêu thụ sản phẩm nông dân theo hợp đồng và quảng bá những loại sản phẩm đặc sản với khách du lịch. Theo tính toán ban đầu, 14 hộ tham gia Dự án sẽ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Nhưng trên hết, mô hình này sẽ tạo tiền đề để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững. Tổng vốn đầu tư của mô hình là 184 triệu đồng, triển khai thực hiện tại 2 hộ ở cù lao ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra làm sao quảng bá dự án đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước? “Hiện tại, dự án đã làm marketing để hỗ trợ nhóm nông dân (xây dựng website, in sách mỏng, làm đĩa DVD, quảng cáo trên báo). Ngoài ra, Dự án còn phối hợp, xây dựng mối quan hệ đối tác với một số công ty du lịch để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đó cũng là hướng đi lâu dài khi dự án kết thúc”, anh Định, Hội Nông dân Việt Nam, cho biết.

Điều này cũng góp phần giải quyết băn khoăn của nhiều công ty du lịch trong việc liên kết các đối tượng liên quan, đồng thời nâng cao khả năng tổ chức quản lý và nghiệp vụ du lịch của nông dân, mở ra cơ hội phát triển loại hình du lịch này.

Tất nhiên, thời gian đầu, việc triển khai dự án cũng gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở địa phương, đặc biệt của các hộ gia đình nông dân, còn nghèo nàn trong khi kinh phí của Dự án, đóng góp của địa phương và nông dân hạn chế. Trình độ của nông dân ở các điểm du lịch cũng chưa cao, đặc biệt là ngoại ngữ nên rất khó khăn cho việc tổ chức các tour nước ngoài.

Song, cũng theo anh Định, “đầu tư cho du lịch nông nghiệp không phải phá cũ xây mới mà chủ yếu là khôi phục và phát huy những tiềm năng vốn có của địa phương, nên vốn đầu tư không nhiều. Do đó, khả năng phát triển của mô hình này là rất lớn”. 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác