Giải bài toán phát triển du lịch nông nghiệp

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2075
  • Tổng lượt truy cập 10,296,765

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/02/2013, 11:05 am

Giải bài toán phát triển du lịch nông nghiệp

(VOV) - Được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch nông nghiệp, đón tiếp ở nước ta còn mới mẻ và tự phát.

Vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD), Dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông – lâm nghiệp Bắc Kạn (3PAD) và tổ chức quốc tế Quĩ vì sự tiến bộ của con người (FPH) cùng tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch nông thôn và du lịch đón tiếp: Thể chế chính sách và bài học kinh nghiệm”. Hội thảo qui tụ các khách mời quốc tế đến từ FPH, Ecole de la Paix, l’Accueil paysan, AGIR, đại diện nông dân Pháp, Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ, Emporio Conl, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (IFAD, WB, AFD, ICRAF), các văn phòng du lịch và Đại sứ quán các nước Pháp, Italy...

Nhiều nước thành công

Ở Pháp, DLNN là hoạt động quan trọng, chiếm 50% thu nhập của nông dân, hiện có 300 điểm DLNN, nhiều mạng lưới DLNN như “Đón tiếp của nông dân” (Accueil paysan), “Nhà ở nước Pháp” (Gites de France), “Chào đón ở nông trại” (Bienvenue a la ferme)... Tại Italy, từ 1960-1995, đã xây dựng Thể chế điều chỉnh các hoạt động DLNN, và trong vòng 10 năm DLNN đã tăng doanh thu lên 2 lần.

Năm 1994, Nhật Bản đã ban hành Luật giải trí ở những vùng nông thôn, vùng biển, vùng núi; từ năm 1995 Bộ nông – lâm – thủy sản đã thiết lập chương trình nhà nghỉ nông thôn khắp đất nước, chủ yếu do nông hộ và trang trại làm chủ.

Ở Trung Quốc, từ năm 1990, chính phủ đã xây dựng chương trình DLNN nhằm mục đích chống đói nghèo tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, vùng ven đô Thượng Hải... Các điểm DLNN của Trung Quốc hằng năm tiếp đón 300 triệu du khách, đạt doanh thu 40 tỉ nhân dân tệ (5,13 tỉ USD).

Từ một dự án của chính phủ nhằm tăng thu nhập cho nông dân năm 1984, DLNN ở Hàn Quốc đã phát triển nhanh, xóa nghèo ở làng quê , tăng thu nhập đáng kể cho nông dân. Cũng từ nhiều năm trước, Thái Lan đã có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển DLNN theo mô hình trang trại hoặc khu làng khép kín, có đầy đủ tiện nghi, dịch vụ phục vụ khách. Từ năm 1997, DLNN của Thái Lan phát triển rất nhanh...

Bà Thaise Guzzatti, Giám đốc tổ chức Delgos (Brazil), đại diện Accueil Paysan, giới thiệu một mẫu hình thoát nghèo ở quê hương mình, khi tham gia mạng lưới Accueil Paysan: Làng Acolhida Na Colonia (Brazil) thuộc vùng sâu, vùng xa, xa các trục đường giao thông, thiếu thốn cơ sở hạ tầng và các dịch vụ y tế, giáo dục. Bởi thế, dù có nhiều danh lam thắng cảnh, có tiềm năng về đất đai, thì đời sống của cư dân vẫn nghèo nàn, lạc hậu. Accueil Paysan đã giúp vùng Acolhida chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp sinh thái, sản xuất sinh học có chứng nhận theo qui mô hộ gia đình, thành lập quĩ riêng, tạo ra mối liên kết giữa người tiêu dùng trong nước với nông dân địa phương.

Tiếp đến, Accueil Paysan xác định các tiềm năng về du lịch của mỗi trang trại (phục vụ ăn uống, lưu trú, giải trí, bán nông sản phẩm...), khả năng đầu tư nhỏ ban đầu, khả năng cung cấp lao động gia đình…, phối hợp chặt chẽ với các phương tiện truyền thông, Accueil paysan tổ chức hình thức du lịch nghiên cứu và trao đổi, thành lập các nhóm DLNN tại thành phố, đưa vùng quê nghèo trở thành điểm đến hấp dẫn khắp 50 bang trên đất nước Brazil và du khách nước ngoài.

Du khách xem người dân tát mương bắt cá (Ảnh:dulich.1ty.vn)

 

DLNT ở Việt Nam: Còn tự phát

DLNT ở nước ta từ lâu đã có 3 hình thức du lịch phổ biến là du lịch tự nhiên: đi thăm cảnh quan tự nhiên, mang tính giải trí; du lịch văn hóa: đi thăm công trình văn hóa, lịch sử và khảo cổ ở địa phương; du lịch sinh thái: đi thăm các nguồn lợi tự nhiên cũng như phúc lợi, giá trị văn hóa của người dân địa phương. Nhưng về du lịch đón tiếp tại hộ nông dân: du khách tham gia, chia sẻ với cuộc sống thường ngày và các hoạt động của cư dân nông thôn và du lịch nông nghiệp: du khách tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống, thưởng thức các nông sản và mua bán sản phẩm bản địa (có từ lâu đời), sản phẩm địa phương thì hầu như chưa có, hoặc tự phát.

Tiến sĩ Đào Thế Anh, Giám đốc Casrad nêu rõ đặc điểm và nguyên tắc của DLNN: “Nền tảng của DLNN là nông nghiệp và nghề truyền thống. Mô hình có thể thay đổi theo thời gian và không gian cho phù hợp; thay đổi từ tham quan đến tham gia. DLNN không cạnh tranh mà bổ sung cho các loại hình du lịch khác. DLNN có tính liên ngành, không tách rời các hoạt động phát triển nông thôn (nông nghiệp – du lịch – xã hội) và có tính liên vùng (mạng lưới – hợp tác). Vì thế, cần giữ vững các nguyên tắc trong phát triển DLNN: đảm bảo công bằng cho các chủ thể tham gia; đem lại lợi ích cho người dân địa phương và phát huy nội lực; bảo tồn, phát huy vốn di sản và bảo vệ môi trường; luôn đổi mới và tạo sự khác biệt, liên kết làm phong phú sản phẩm; giữ gìn bản sắc, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách; - đóng góp vào phát triển nông thôn bền vững”.

Tiềm năng của DLNN ở nước ta rất lớn, đặc biệt về du lịch nông nghiệp và du lịch đón tiếp, do là nước nông nghiệp, có khoảng hơn 70% dân cư đang sinh sống ở nông thôn. Nông thôn chúng ta đa dạng về điều kiện sinh thái và sinh học rất được du khách quan tâm, đa dạng về văn hóa truyền thống với 54 dân tộc, người dân nông thôn lại có truyền thống hiếu khách.  Nhưng không đơn giản hễ nói đến miền núi là nghĩ đến DLNN một cách dễ dàng.

Ông Jean Bourliaud thuộc tổ chức du lịch Pháp “Người dân và miền núi” (Peuple et Montagne) chia sẻ kinh nghiệm: “Vùng du lịch trung tâm nước Pháp có dãy núi Alpes nổi tiếng, tương tự như vùng Ba Bể - Bắc Kạn, nhưng bị thế chiến thứ 2 phá vỡ nhiều giá trị, nên phải tái thiết các cơ sở du lịch theo một qui hoạch tổng thể của cả nước, của cả khu vực. Vai trò quyết định của DLNN miền núi trước hết và trên hết phải do người dân sống tại đó. Phát triển công nghiệp là cần thiết để giúp người dân sản xuất sản phẩm địa phương có sản lượng và chất lượng cao, nhưng không nên phát triển quá mức vì có thể phá vỡ giá trị truyền thống, gây hại cho DLNN. Đồng thời cần có biện pháp thích hợp để một bộ phận nông dân miền núi không bị bỏ ra ngoài cuộc chơi”.

Tương tự, ông Hà Nguyên Huyến, người đầy tâm huyết của Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội), cho biết lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch phần lớn rơi vào các công ty lữ hành, chỉ còn phần nhỏ chia cho một số hộ có nhà cổ, nên đã gây thắc mắc cho cộng đồng dân cư chung sống trong làng cổ. Ngoài ra, tiền bán vé vào tham quan làng cổ đến tay cư dân cũng chẳng là bao.

Một thực trạng có phần giống Việt Nam đã được bà Dan Wenhong, giảng viên đại học Trung Quốc, cảnh báo: Đó là ở một địa phương thuộc tỉnh Quí Châu, một nhánh người Miêu có lễ hội cưới xin rất đặc trưng, nên đã xây dựng bảo tàng văn hóa đầu tiên. Cạnh đó cũng có những làng có kiến trúc độc đáo, có phong tục tập quán từ 600 năm không thay đổi, cũng xây dựng thành điểm du lịch đặc sắc. Nhưng từ khi có làng du lịch, nông dân nơi đó chỉ được 5 – 10% tiền vé du lịch, nên không có khả năng tiếp đón du khách, phải đưa khách sang làng khác, nơi khác có điều kiện tốt hơn, biết nấu ăn ngon hơn, cũng như không thể làm ra các đồ lưu niệm riêng của mình, mà phải mang từ nơi khác đến... Ngoài ra, một bộ phận người dân bỏ làng đi nơi khác, hoặc một số nhỏ có tiền từ hoạt động du lịch lại quay ra sống lai căng lạc lõng, từ bỏ lối sống truyền thống. Bà Dan Wenhong gọi đó là “con dao 2 lưỡi” do DLNN không được qui hoạch tổng thể đúng đắn.

Ông Pierre Vuarin, tổ chức FPH nhấn mạnh về những tác động của hoạt động DLNN đến phương thức sản xuất, điều kiện sống của người dân, bổ sung nguồn thu cho hộ gia đình, hộ nông dân, từ đó người dân mới có điều kiện đầu tư trở lại các điều kiện vệ sinh, nguồn nước... nhằm phục vụ tốt hơn cho DLNN. Ngoài ra, DLNN còn tác động trực tiếp đến lối sống, đời sống của các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Như vậy, vai trò của nhân dân có ý nghĩa quyết định, vì chỉ có họ mới hiểu hơn ai hết về nơi mình sinh sống, mới lựa chọn được các điều kiện chính xác nhất, thích hợp nhất trong hoạt động DLNN. Trên cơ sở đó, các dự định về DLNN do người dân đề xuất cần được các cấp chính quyền trân trọng xem xét, đưa ra các chính sách đúng đắn từ trung ương đến tỉnh, huyện.

Hướng đi đúng, hiệu quả cao

Ở nước ta đã bắt đầu xuất hiện các sáng kiến du lịch đón tiếp tại nông hộ (homestay) ở Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Hội An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ... Xã Tả Van (Sa Pa – Lào Cai) có 86 hộ với 490 người, gồm 49 hộ dân tộc Dáy có trung bình 3 – 4 người/hộ, 37 hộ dân tộc Mông có 4 – 5 người/hộ.  45/49 hộ đồng bào Dáy (90%) làm du lịch đón tiếp, hàng tháng có 10 – 20 du khách ăn nghỉ tại mỗi hộ, phần lớn là khách Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan... Nhiều du khách tự tìm đến Tả Van không qua công ty lữ hành. Nhờ đó, nhiều lao động ở đây có việc làm thường xuyên, thu nhập trung bình của mỗi hộ từ 20 đến 100 triệu đồng/năm.

Hộ anh Phan Văn Tăng thuộc số hộ làm du lịch đón tiếp đầu tiên, có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Anh Tăng rút ra bài học: “Nên kết hợp làm du lịch đón tiếp với làm nông nghiệp. Việc cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm vừa tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương, vừa có  nguyên liệu làm thức ăn hoặc bán cho du khách, có tiền xây dựng, sửa sang cơ sở vật chất như nhà nghỉ, nhà vệ sinh,  sắm phương tiện đi lại. Việc chế biến thức ăn  làm  theo truyền thống ở địa phương, không cầu kỳ chạy theo nhà hàng bên ngoài; thái độ phục vụ cần niềm nở, chân tình, vui vẻ”.

Vừa qua, anh cùng một số nông hộ làm du lịch đón tiếp được Accueil paysan mời sang Pháp tham quan; khi về anh đã áp dụng cách bố trí bàn ăn hợp lý hơn, tăng thêm sản phẩm du lịch, thêm nhiều đồ uống, đồ ăn hợp sở thích của du khách Pháp và châu Âu. Anh đang xúc tiến thành lập mạng lưới (nhóm sở thích), liên kết với địa phương để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp (thịt, cá, rau, hoa quả), tổ chức vui chơi dã ngoại, văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách, nâng cao thu nhập cho mình và cộng đồng.

Anh Tướng Văn Bội ở xã Vũ Linh (Yên Bình – Yên Bái) cũng làm du lịch đón tiếp 300 khách/năm. Bản người Dao của anh nằm cạnh hồ Thác Bà, có 5 km ven hồ cảnh quan thơ mộng, là nơi sinh sống của 587 người, trong 127 hộ, thuộc 5 dân tộc anh em: Dao quần trắng, Kinh, Tày, Dáy, Cao Lan. Hiện mới có 4 hộ làm du lịch đón tiếp, mỗi hộ đón 7 – 35 du khách/ngày. Khách đến từ các nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đức, Nhật bản, Canada... do các công ty lữ hành Hà Nội đưa lên.

Anh Bội cho biết triển vọng sẽ đón đông du khách, sẽ có nhiều hộ làm du lịch đón tiếp. Làm du lịch đón tiếp đã 10 năm, nên anh Tướng Văn Bội có kinh nghiệm gắn kết với cộng đồng, thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/năm, có 2 nhà sàn rộng 600 m2, vẫn làm lúa, làm rau, vận động bà con cùng gia đình mình làm đường xóm khang trang. Nhìn xa, anh đang cho 2 con, một người học khoa tiếng Anh du lịch, một người học khoa nấu ăn du lịch, đồng thời bày cách làm du lịch đón tiếp cho bà con trong bản.

Đến hồ Ba Bể - Bắc Kạn, du khách nước ngoài đều muốn đến ăn nghỉ tại nhà anh Ngôn Văn Sơn ở thôn Pác Ngòi (Nam Mẫu), là người cũng từng tham quan mô hình du lịch đón tiếp ở Pháp. Thôn Pác Ngòi có 86 hộ, gồm 390 người, hầu hết là dân tộc Tày, có 11 hộ làm du lịch đón tiếp, 15 hộ có xuồng máy phục vụ du khách đi chơi hồ Ba Bể. Mỗi năm có 10.000 du khách Anh, Pháp và các nước châu Âu đến ăn nghỉ ở đây, thường lưu trú 1 – 3 đêm. Nguồn thu từ du lịch giúp Pác Ngòi cải thiện rõ rệt cuộc sống, tạo ra hệ thống dịch vụ khá hoàn chỉnh, từ nhà nghỉ, ăn uống đến thuyền máy, xe ôm, hướng dẫn viên..., tạo nguồn thu nhập bình quân mỗi hộ từ 30 đến 150 triệu đồng/năm…

Tuy nhiên, các hoạt động du lịch đón tiếp tại hộ nông dân như trên đây chưa nhiều, phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu, sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, thiếu đa dạng và chuyên nghiệp. Bởi lẽ du lịch nông nghiệp, du lịch đón tiếp tại hộ nông dân còn tự phát, chưa có sự giúp đỡ, hướng dẫn của cơ quan du lịch, lữ hành chuyên nghiệp. Các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn, chuyên trách ở địa phương cũng còn lúng túng với 2 loại hình du lịch này,  đồng tình ủng hộ nhưng chưa có sự chỉ đạo sâu sát, chưa có cơ chế chính sách đồng bộ.

Muốn phát triển bền vững các loại hình du lịch này, thiết nghĩ cần có khung pháp lý và qui hoạch để thu hút được đầu tư, tránh để nông dân tự xoay xở một mình. Chiến lược phát triển nông nghiệp cũng nên phối hợp chặt chẽ với du lịch nông nghiệp, xác định vị thế của nó để có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ và có sự đầu tư thích đáng hỗ trợ nông dân, trước hết là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn.

Tình trạng mất công bằng trong phân chia lợi nhuận giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch cũng cần được giải quyết. Vì nông dân là người chủ thật sự trong các loại hình du lịch đặc thù này, nên họ phải được hưởng thụ chính đáng.

Một điểm quan trọng mà hiện nay nông dân không tự giải quyết được, đó là huấn luyện nghiệp vụ và tiếp thị, thông tin, quảng cáo cho thị trường du lịch nông thôn. Đây chắc chắn là trách nhiệm của chính quyền các cấp và của các ngành chuyên môn như:  văn hóa – thể thao – du lịch, công thương, xúc tiến thương mại, phát thanh – truyền hình... Ở Pháp, 50% đầu tư về du lịch nông nghiệp thuộc về các hoạt động quảng bá du lịch.

Ông Nguyễn Văn Tri, Chủ tịch Hội phát triển nông thôn (PHANO) cho rằng: “Du lịch nông nghiệp và du lịch đón tiếp tại nông hộ có thể được coi là một giải pháp xây dựng nông thôn mới, vì nó góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo trong nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang dịch vụ. Vì thế, đề nghị Nhà nước sớm có cơ chế chính sách phù hợp với các loại hình du lịch này”./.

CTV Trần Lê/VOV online

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác