“Tôi muốn thực hiện mô hình du lịch sinh thái trên trang trại của mình như một hướng đi mới…”

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3727
  • Tổng lượt truy cập 11,490,352

Fanpage facebook

Ngày đăng: 27/03/2013, 11:14 am

“Tôi muốn thực hiện mô hình du lịch sinh thái trên trang trại của mình như một hướng đi mới…”

Cập nhật lúc 04:43, Chủ Nhật, 14/10/2012 (GMT+7)

(PV Báo Quảng Ninh trò chuyện với ông Ngô Văn Tích, một nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh).

Đến Cửa Ngăn, phường Phương Đông (TP Uông Bí), hỏi ông Ngô Văn Tích, ai cũng biết, bởi ông là một người nông dân chẳng những cần cù mà còn dám nghĩ dám làm, đã biến khu đồi cháy trơ cằn thành trang trại, với nhiều ý tưởng sáng tạo... Trò chuyện với tôi, ông kể:

+ Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê Đông Hải, quận Hải An (TP Hải Phòng). Khi 19 tuổi, tôi vào bộ đội, đến năm 2007 thì nghỉ hưu, nhưng tôi luôn trăn trở là còn khoẻ mình phải làm một việc gì có ích cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Đọc báo, xem tivi, thấy người ta nói nhiều về trang trại. Tôi lại là người lính được đi nhiều, học hỏi nhiều kinh nghiệm của anh em trên nhiều vùng miền, vậy thì làm trang trại chắc hẳn sẽ thuận lợi. Qua thời gian thăm quan, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm làm ăn của bạn bè ở các tỉnh, năm 2008, tôi chọn vùng đất Cửa Ngăn này. Và nơi đây đã dần gắn bó với tôi, trở thành quê hương thứ hai của tôi vậy. Anh cũng thấy đấy, tôi lựa chọn khu vực này để mở trang trại là để xa dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cũng như có một không khí trong lành thuận lợi cho việc chăn nuôi hơn. Trang trại của tôi xa với môi trường công nghiệp nên đảm bảo vệ sinh rất tốt, cây trồng vật nuôi ít bị bệnh hơn...

- Từ lúc ban đầu lên đây ông đã tạo dựng và phát triển trang trại của mình như thế nào?

Chủ trang trại Ngô Văn Tích bên vườn thanh long của mình.
Chủ trang trại Ngô Văn Tích bên vườn thanh long của mình.

+ Phải nói là lúc mới lên đây khó khăn lắm anh ạ. Đây vốn là khu vực rừng cháy ngổn ngang; sau đó, người ta trồng cây được vài năm. Tôi lên đây đất này còn trống lắm. Đường sá chẳng có, tôi phải tự làm, điện tôi phải kéo cả đoạn đường dài hàng cây số mới vào được đến đây, nước thì phải xây bể lớn, rồi kéo ống dẫn từ trên khe. Toàn bộ diện tích của tôi khoảng 4,5ha, tôi dành 1ha chăn nuôi lợn rừng, 1ha trồng keo tai tượng, còn lại để trồng cây cảnh, nuôi gà thả đồi, ba ba, trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2008 gia đình tôi đã đầu tư nuôi hơn 20 con lợn rừng giống. Sau đó, tôi còn nuôi thêm nhím thương phẩm. Mọi người sợ nuôi nhím nhiều rủi ro nhưng tôi càng nuôi càng hăng hái, càng muốn phát triển thêm đàn nhím của mình.

-  Thường thì với người mới mở trang trại, khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư. Ông đã giải quyết khó khăn ấy thế nào?

+ Đúng như anh nói, nguồn vốn vẫn là một khó khăn đầu tiên cần giải quyết. Ban đầu tôi huy động hết nguồn vốn có ít ỏi do tiết kiệm và đi vay mượn thêm, cũng may, anh em trong gia đình kinh tế đều khá nên huy động không khó lắm. Có tiền rồi, vợ chồng tôi quyết định xây dựng trang trại tập trung. Và chúng tôi đã thu hồi vốn khá nhanh để trả nợ và tái đầu tư vào sản xuất. Hiện nay, tôi mở rộng trang trại gà thả đồi và nuôi nhím để cung cấp  giống cho các trang trại và bà con trong vùng. Từ vài chục con ban đầu, đến nay trang trại của tôi đã có đàn gà lên tới hàng ngàn con, đàn nhím đã lên tới vài chục đôi. Gần đây, tôi đầu tư nhiều cho cây thanh long và coi đây là sản phẩm chủ lực của mình.

- Thanh long là giống cây thích nghi tốt ở nơi đất cát và khí hậu nóng quanh năm như vùng Nam Trung bộ. Vậy tại sao ông lại coi đây là cây chủ lực của mình?

Ông Ngô Văn Tích là chủ một trang trại tổng hợp rộng hơn 4,5ha trồng thanh long, keo, cây cảnh và nuôi lợn rừng, nhím, ba ba, bồ câu v.v.. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho phát triển mô hình kinh tế của ông trên 12 tỷ đồng. Ông đã có được trên 200 con lợn rừng, hàng năm bán ra thị trường gần 2 tấn lợn thịt, chưa kể lợn giống; hơn 1.500 trụ thanh long ruột đỏ đang chờ thu hoạch. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí của ông trong năm 2011 là 380 triệu đồng và ước tính lợi nhuận năm 2012 là hơn 500 triệu đồng. Với kết quả lao động đã đạt được, gia đình ông được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; cá nhân ông được nhận nhiều bằng khen của UBND TP Uông Bí, UBND tỉnh Quảng Ninh và của Hội Nông dân Việt Nam.

+ Ai cũng nghĩ như vậy, nhưng tôi lại cho rằng, trồng được cây thanh long ở ngoài Bắc mình mới là quý, sản phẩm sẽ rất dễ tiêu thụ. Với lại thanh long cũng là cây mang lại thu nhập cao cho gia đình chúng tôi. Tuy nhiên, để trồng được cây này, con trai tôi đã phải lặn lội hàng tháng trời vào phía Nam để học hỏi kinh nghiệm. Anh để ý sẽ thấy, giống thanh long nhà tôi khác với nơi khác ở chỗ nó là cây lai giữa thanh long Bình Thuận và giống thanh long Columbia nên rất phù hợp với đất đồi và khí hậu nơi đây. Ở miền Bắc này, chỉ chỗ tôi và Sở NN&PTNT Hà Nội là có được giống thanh long quý này. Tuy nhiên, trồng thanh long cũng cần phải tỉ mỉ trong công đoạn chăm sóc. Cứ mỗi công đoạn như bón phân, phun thuốc, tỉa hoa v.v. là tôi lại thuê thêm hàng chục lao động mùa vụ ở địa phương làm việc trong nhiều ngày liền. Nhu cầu tiêu thụ quả thanh long này rất cao, nhiều khi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nữa ấy chứ. Tôi nhẩm tính, một trụ thanh long thế này, sau thu hoạch, trừ hết chi phí đi, tôi cũng lãi được 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, thanh long của tôi chỉ có một mùa chứ không có được thứ quả trái mùa như vùng khí hậu nóng. Mùa đông, tôi lại tìm nguồn thu từ lợn rừng, nhím, gà v.v.  

- Nghe nói, ngoài việc làm kinh tế, ông còn rất tích cực tham gia công tác xã hội?

+ Vâng, đúng là tôi đã nghĩ ngay đến điều đó trước khi làm trang trại này. Tôi cho rằng, làm trang trại ở đây ngoài việc gia đình tôi có được những lợi ích về kinh tế, về sức khoẻ và sự minh mẫn tinh thần ra, chúng tôi còn góp phần đóng góp cho xã hội. Và khi mình đã không còn nữa, thì những thành quả mình làm được sẽ bàn giao lại cho xã hội. Ngoài việc sản xuất, gia đình chúng tôi luôn thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tôi còn tham gia ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình khó khăn ở địa phương. Các chủ trang trại ở trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên tìm đến chỗ tôi để trao đổi kinh nghiệm, giống cây trồng, vật nuôi và trao đổi hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Với những gì đã làm được, trang trại chúng tôi cũng đã may mắn được đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh uỷ, đến thăm và động viên. Ngoài ra, còn có các đoàn tham quan của tỉnh Lai Châu, của Trung ương Hội Nông dân và cả của nước bạn Lào anh em cũng từng đã đến đây nữa.

- Ông có dự định gì cho trang trại của mình trong thời gian sắp tới?

+ Dự định thì nhiều lắm, tuy nhiên có những cái cơ chế chính sách chưa cho phép. Chúng tôi được thuê đất trong 50 năm và chỉ được xây nhà cấp 4, không được xây công trình kiến trúc cao tầng kiên cố. Tôi mong muốn các ngành chức năng cho phép chúng tôi đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái ngay trên nền đất trang trại của mình. Tôi ấp ủ xây dựng mô hình ấy với đầy đủ cơ sở vật chất như nhà nghỉ dưỡng, bể bơi, khu tập luyện, dã ngoại v.v. Đấy là câu chuyện của tương lai. Còn trước mắt, tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại của mình để nuôi dê sinh sản.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thân tình này!

Phạm Học

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác