Sau khi mua được loài lan rừng mình muốn, chúng ta cũng cần rất chú ý vào việc chọn giá thể thích hợp cho chúng. Trên rừng lan mọc trên cây, trên đá, đất nhưng có mấy khi chặt được cả giề nguyên bản về, thường là bóc riêng lan, về ta phải tìm vật liệu để trồng lại chúng trong môi trường nhân tạo, càng giống môi trường tự nhiên càng tốt.Ghép được loại giá thể thích hợp, cây sẽ phát triển tốt, ngược lại, có loại lan không hợp với một loại gỗ nào đó, rễ cây không chịu bám mà cứ hướng ra ngoài. Chung quy nếu chọn giá thể không thích hợp sẽ làm cây lan tàn lụi, suy yếu dần, khó chăm sóc, ít hoa hoặc không ra hoa...
Để chọn được giá thể thích hợp, chúng ta cần phân loại ra theo từng nhóm: lan đơn thân, đa thân, lan đất.
I. Đối với lan đơn thân, chúng ta cũng cần chia ra 2 nhóm: đơn thân thân lớn và đơn thân thân nhỏ.
1. Lan Đơn thân thân lớn bao gồm: các loại thuộc chi Rhynchostylis (như Ngọc điểm, Sóc ta), các loại chi Giáng hương Aerides (Tam bảo sắc, Đuôi Cáo, Quế) và 1 số loại Vanda.
Nguyên tắc đầu tiên với nhóm đơn thân thân lớn là chọn giá thể sao cho gốc và rễ được thoáng, tích nước không lâu, thoát nước nhanh. Thường phổ biến nhất là ghép gỗ, sau đó là trồng chậu gỗ, chậu đất nung. Tam Bảo Sắc, Quế đại đa số trường hợp ghép gỗ (như gỗ nhãn, vú sữa, vải, các loại gỗ chắc nặng...), rất ít thấy trồng chậu đất với than củi. Đai Châu, Sóc ta, Đuôi Cáo thì ghép gỗ cũng phổ biến mà trồng chậu với giá thể than củi cũng nhiều, tuy môi trường vườn mà dùng giá thể cho linh hoạt, vườn khô, nhiều gió, nóng thì nên dùng chậu để giữ ẩm tốt hơn, vườn ẩm mát sẵn thì ghép gỗ cho thông thoáng mà vẫn đủ ẩm. Không thấy ai ghép vào dớn bảng vì nhìn không hề đẹp dù ghép cũng sống. Khi dùng chậu thì tránh dùng dừa miếng to, vì độ ẩm cao, mọc nấm mốc và không thông thoáng. Chỉ dùng một chút dạng miếng nhỏ để tăng cường ẩm một chút. Có thể ghép vào một khúc gỗ nhỏ rồi đặt tất cả vào chậu, bỏ thêm chút than củi và xơ dừa, vỏ thông xung quanh, không lấp kín gốc.
Đai Châu ghép gỗ
Đại Châu trồng chậu, giá thể than củi, môi trường ẩm giúp lên rêu xanh cả rễ
Ngoài ra anh em cũng cần lưu ý, nếu dùng chậu, nên dùng than với kích cỡ bằng 1/2 nắm đấm lót phía dưới cho dễ thoát nước, hoặc bẻ vài miếng xốp to lót đáy cho đỡ tốn than cũng được, nhẹ, không hỏng, không nấm mốc. Bên trên dùng than cỡ ngón tay cái đến ngón chân cái. Tránh dùng than có kích thước quá nhỏ. Khi dùng chậu, cũng có thể dùng một ít các loại xơ dừa sợi cắt nhỏ, thường bán sẵn tại các điểm bán cây cảnh, ưu điểm của loại này giúp giữ ẩm vừa đủ cho cây.
2. Lan Đơn thân thân nhỏ: chỉ chiếm 1 số ít trong nhóm, ví dụ chi Rhynchostylis có Hải Yến, chi Aerides có Hỏa Hoàng, Vanda có uyên ương và 1 số loại khác.
Cũng là loại đơn thân nên nhóm này cũng cần thoáng gốc và rễ, nhưng vì cây nhỏ hơn và yếu hơn nên cần bóng mát và độ ẩm cao hơn, chính điều này là lý do giá thể đôi khi khác hơn 1 chút.
Loại này cũng chủ yếu dùng chậu và ghép vào thân gỗ. Cũng tránh ghép vào dớn bảng, trồng chậu thì tránh dừa miếng to. Khi ghép vào thân gỗ, chúng ta nên cài thêm ít dớn mềm quanh gốc và rễ cũ, không cần thêm nhiều, chỉ đủ để tạo thêm ẩm cho cây. Khi trồng chậu, chúng ta có thể dùng than với kích cỡ bằng đầu ngón tay cái là vừa. Ngoài ra chúng ta cũng có thể rắc dớn mềm, rêu rừng, xơ dừa miếng nhỏ trên bề mặt để tạo độ ẩm cho cây.
Hỏa Hoàng ghép gỗ khúc
Hỏa Hoàng ghép gỗ lũa rồi đặt cả vào chậu
II. Đối với lan đa thân: Hầu hết là chi Denrobium (Hoàng thảo).
Đây là nhóm mà có nhiều phân khúc cần phải chú ý nhất. Nhưng cũng dễ chọn giá thể nhất, vì hầu như giá thể nào cũng dùng được.
Bài viết chỉ nêu ra loại giá thể thích hợp nhất để chúng ta cùng thảo luận.
Trong nhóm này, ta chia làm các phân khúc nhỏ sau: thân cứng, thân thòng mềm, thân ngắn nhỏ, thân cỏ, các loài Kiều (Thủy tiên).
1. Lan thân cứng: gồm các loại Đùi gà, Xoắn, Hoàng Phi Hạc, Den Kontum, Vạch Đỏ, Báo Hỉ...
Mấy loại này ghép gỗ là đẹp nhất, ghép sao thật thoáng, trơ để tưới là trôi ngay không đọng lâu, không cài xơ dừa, dớn mềm xung quanh nữa. Ít thấy người ta ghép mấy loại này vào dớn bảng nhưng có thể trồng dc được. Trồng chậu đất nung nhưng giá thể ít thôi và khô, ví dụ như than. Khi dùng chậu, chú ý cố định cây trong chậu, tránh việc gió lay động cây.
2. Lan thân thòng: Phi điệp, Hạc Vỹ, Long Tu, Hương Vani, Nghệ Tâm...
Nhóm này trồng giá thể đa dạng: dớn bảng, ghép gỗ khúc, ghép thớt gỗ, ghép gỗ lũa, trồng chậu đất nung đều tốt.
Các cây nhỏ, keiki trồng chậu phát triển nhanh hơn, bón phân châm tan dễ hơn, đỡ thất thoát hơn,vườn khô ưu tiên trồng chậu, tuy nhiên nên treo chậu nghiêng đi để cây thòng xuống cho thuận.
Ghép gỗ khúc, gỗ lũa nhìn tự nhiên, nghệ thuật hơn nhưng thích hợp với vườn có độ ẩm cao, thiếu độ ẩm cây hơi còi.
Ghép dớn bảng rất tốt rễ đâm vào bảng chắc chắn, giữ ẩm lâu hơn gỗ khúc, thoáng hơn chậu lại thuận cho cây thòng xuống, khối lượng bảng dớn nhẹ, tuổi thọ dớn bền.
Cá nhân rất thích ghép lan vào bảng dớn, nó phù hợp và tốt với hầu hết các loại lan
Ghép lan vào bảng dớn trong mùa nghỉ
Ngoài ra Phi điệp tím trồng cộng sinh với cây Ổ Rồng phát triển rất tốt.
3. Lan thân ngắn, nhỏ: tiểu bạch hạc, đại bạch hạc, bạch hỏa hoàng, các loại Eria (lan len),...trong nhóm này cũng có các ngoại lệ dễ trồng như kim điệp thường, ...
Dựa theo đặc tính của nhóm mà chọn giá thể, tốt nhất nên kiếm chậu dớn hoặc chậu đất để trồng.
Giá thể thích hợp là than + dớn mềm: chia ra 3 lớp từ dưới lên gồm ( than lớn bằng 1/2 nắm đấm, than nhỏ bằng đầu ngón cái, dớn mềm) chú ý không lót quá nhiều dớn mềm, chỉ trải 1 lớp mỏng thôi để rễ con có độ ẩm nhưng nhanh chóng bám vào được than.
4. Lan đa thân thân cỏ: trúc mành, ngọc trúc và một số loại khác. Dạng thân nhỏ mảnh và mọc theo khóm.
Đối với loại này, trúc mành thì thân rũ, ngọc trúc thân đứng nhưng độ ẩm của chúng giống nhau, rất cao (>80%), ánh sáng yếu (<40%), thời gian chiếu ánh sáng tốt nhất từ 8 - 10h sáng, 4 - 6h chiều.
Ngọc trúc nên dùng chậu, lót 1 lớp miếng sợi dừa, sau đó đến dớn mềm, đặt cây lên trên, sau khi cố định cây thì rải 1 lớp đất trồng bonsai mỏng lên rễ.
Trúc mành thì ghép vào thân cây, cuốn thêm nhiều dớn mềm, rêu rừng lên gốc để tạo độ ẩm. thường chọn cây có vỏ sần sùi và giữ nguyên vỏ cây, chỉ áp dụng khi trúc mành không còn nguyên bụi.
Nếu ghép Trúc mành lên thân cây, cây con sẽ dễ phát triển hơn dớn.
Nếu anh em có 1 bụi trúc mành, nhắc kỹ nhé 1 bụi cây, thì anh em nên ghép vào dớn miếng, nhưng treo ngang, không treo dọc miếng dớn, hạn chế việc thoát nước.
5. Các loại lan Kiều (Thủy tiên): Kiều Hồng, Kiều Vàng, Kiều Vuông, Sơn Thủy Tiên, Hoàng Lạp, Vảy Rồng, Kim Điệp...
Chủ yếu trồng trong chậu và ghép gỗ. Có chậu dớn để trồng luôn thì quá tốt.
Nếu vườn ẩm chút thì ghép gỗ nhãn, vải, vú sữa đẹp.
Nếu vườn hơi khô thì trồng chậu dớn (không cần thêm giá thể gì khác, chỉ cần cố định cây chắc chắn trong lòng chậu), chậu đất nung với giá thể than củi hay ghép vào miếng dớn nhỏ rồi đặt cả vào chậu đất, bỏ thêm ít than củi.
Sơn Thủy Tiên trồng chậu dớn, thêm chút rêu rừng phủ mặt rất tốt
Rất ít thấy ghép bảng dớn nhưng đang thí nghiệm, thấy có vẻ phát triển tốt.
Riêng Vảy rồng không thích hợp trồng chậu do kiểu thân ngắn và mọc thành mảng, nên ghép gỗ khúc, gỗ lũa, bảng dớn.
III. Địa lan, lan hài và các loại thanh đạm, lọng:
Nhóm này hầu hết các loại dễ trồng, hầu như loại giá thể nào cũng được, miễn sao giữ được độ ẩm vừa phải (50 - 80%), không quá bí, để chỗ thoáng mát và hạn chế nắng từ 11 - 14h hàng ngày. Cụ thể là trồng chậu với một số giá thể sau: than củi, xỉ than tổ ong, sỏi nhẹ, sỏi xây dựng, đá nham thạch, đá thấm thủy…là chủ đạo, phụ gia thêm một ít xơ dừa nhỏ, vỏ thông, vỏ cây, vỏ lạc, đất mùn hốc đá…(sẽ bổ sung ảnh sau, các bạn ghé lại sau một vài ngày tới sẽ thấy)
Trên đây là tổng hợp các giá thể thích hợp và thường được sử dụng cho các loại lan khác nhau cho các bạn mới trồng lan tham khảo, tùy điều kiện nơi bạn sinh sống có sẵn vật liệu gì thì bạn dùng vật liệu đó, có thể ngồi suy ngẫm và sáng tạo, thử nghiệm trong việc sử dụng các loại giá thể địa phương thay thế cho các loại truyền thống, nếu thành công thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất vui đấy.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook